Vũ Bằng - một tấm gương văn hóa nhà văn
Nhà văn Vũ Bằng tên khai sinh Vũ Đăng Bằng (1913-1984), viết văn với các bút danh như: Tiêu Liêu, Thiên Thư, Lê Tâm, Vạn Lý Trình, Hoàng Thị Trâm. Ông được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam công nhận là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam theo quyết định số 241/QĐ-HV, ngày 11-5-2010. Nhà văn Vũ Bằng viết văn, làm báo từ đầu những năm 30 đến cuối những năm 60 TK XX. Những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), ông vừa viết văn, làm báo ở vùng tạm chiếm, vừa hoạt động tình báo quân đội (Bí danh X10). Hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông vào miền Nam, tiếp tục sống và viết, làm vỏ bọc hoạt động cách mạng bí mật. Các tác phẩm chính của nhà văn Vũ Bằng: Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937), Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940), Cai (hồi ký, 1942), Thương nhớ mười hai (ký, 1960), Miếng ngon Hà Nội (ký, 1955), Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969), Khảo về tiểu thuyết (1951-1955), Tuyển tập Vũ Bằng (2006). Nhà văn Vũ Bằng vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2007. Có thể nói, ông là tấm gương tận hiến cho nền văn hóa dân tộc bằng những sáng tác văn chương độc đáo, thành công của mình.