Nói tục, chửi bậy là những ngôn từ xúc phạm trong xã hội, gồm những lời lẽ thô lỗ, báng bổ, tục tĩu, ngôn từ dâm dục, bậy bạ… Và có lý giải theo cách nào thì “nói tục, chửi bậy” vẫn được hiểu là “xấu”. Song thứ ngôn ngữ bị cho là “bẩn”, là “xấu” ấy lại có lịch sử tồn tại khá lâu đời. Lần giở những thư tịch cổ sẽ thấy từ rất lâu, việc nói tục, chửi bậy đã được các làng đưa thành điều khoản xử phạt trong hương ước nhằm bảo vệ thuần phong, mĩ tục. Cựu khoán làng Mộ Trạch, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương được xây dựng từ năm 1665 ghi: “Nếu đánh chửi nhau thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử phạt; những người chửi bóng gió bị quy vào tội bất kính”. Còn Henri Oger - nhà Đông phương học Pháp, tác giả bộ tư liệu Kỹ thuật của người An Nam đã phác họa nên những bức tranh sinh động cảnh viết bậy những từ tục tĩu lên tường nhà; cảnh phụ nữ đánh nhau, nguyền rủa nhau. Một điều khá thú vị là nói tục chửi bậy không phải “đặc quyền” của tầng lớp bình dân, bấy lâu vẫn bị cho là “nôm na, mách qué”. Ở địa hạt văn chương của tầng lớp kẻ sĩ, tinh hoa, sử sách còn ghi lại chuyện vua Tự Đức gọi Cao Bá Quát ra làm chứng việc hai vị đại thần xô xát trong triều, cả hai vị đều chửi nhau là “chó”: “Không biết sao hai bên cãi nhau, bên nọ rằng chó, bên kia cũng chó, hai bên đều chó, rồi đến đánh nhau, thần thấy nguy, thần chạy”. Và tương truyền “Thánh Quát” lúc bước lên đoạn đầu đài (vì tội phản nghịch) cũng đã cất tiếng chửi căm hờn. Theo mạch văn chương, ta còn gặp một bài văn tế khá độc đáo (tương truyền của cụ Nguyễn Khuyến) tế tên thực dân Francis Ganier, bị quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc giết. Nhân dân “hả lòng hả dạ” nghe văn nhân chửi xéo tên thực dân trong bài văn tế. Xem thế thì không phải văn nhân không biết chửi. Nhưng cái chửi của văn nhân là chửi bọn vua quan phong kiến thối nát, chửi bọn thực dân xâm lược. Họ chửi thay cho những người dân “thấp cổ, bé họng”, giúp dân ta giải tỏa được nỗi căm hờn bọn thực dân, phong kiến bấy lâu nay.
Người xưa quan niệm, nói tục, chửi bậy thường gắn với những đối tượng càn quấy, thiếu giáo dục, còn con cái những nhà thi lễ, con nhà có gia phong không bao giờ mắc lỗi đáng xấu hổ, như vậy. Ấy vậy mà ngày nay, chuyện nói tục, chửi bậy đã trở thành “chuyện bình thường” diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Giờ đây, không khó gặp hình ảnh những “nam thanh nữ tú” cứ hễ mở miệng là nói tục chửi bậy một cách “hồn nhiên”. Trong cuộc sống đời thường, cũng không thiếu những bậc “thánh chửi”. Với nhiều người lao động tự do, tiểu thương buôn bán tại các chợ, công nhân trong những công xưởng, nhà máy thì họ không cho việc nói tục, chửi bậy là “từ ngữ kiêng kỵ” nên việc nói tục, chửi bậy “cứ vô tư đi, sao mà phải xoắn”. Còn trong các cơ quan, công sở, việc nói tục, chửi bậy ít diễn ra vì đơn vị nào chẳng đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa. Ấy vậy mà không ít vị cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức khi còn đương chức thì lời nói của họ dễ chịu,dễ nghe nhưng khi về hưu, ngay lập tức họ chuyển sang lối nói suồng sã rất nhanh. Bởi giờ đây họ đã là “thảo dân” thì đâu cần phải giữ gìn?!
Giờ đây, trên các trang mạng xã hội như facebook, youtube… xuất hiện không ít những “giang hồ mạng”, “anh hùng bàn phím” cùng tệ nói tục, chửi bậy, “ném đá” ngày một gia tăng. Không phải chỉ cá nhân mà giờ đây là đám đông hùa vào dùng ngôn ngữ bẩn công kích, mạt sát, miệt thị “bóc phốt” một ai đó nhân một sự kiện nào đó, tạo thành “hội chứng đám đông” rất đáng sợ! Không ít người, sau khi bị “ném đá”, bị mạt sát đã bị sang chấn tâm lý nặng nề. Chính vì lẽ đó, gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Nói tục chửi bậy là một ứng xử xấu trong đời sống cộng đồng nên trước nay luôn được nhận diện là một vấn đề cần khắc phục khi công tác triển khai các phong trào văn hóa - xã hội. Trong thành quả chung mà các phong trào đạt được, việc khắc phục có hiệu quả những thói hư tật xấu, tệ nói tục chửi bậy đã góp phần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh phù hợp sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được, ta vẫn phải thừa nhận lối sống thiếu văn hóa, tệ nói tục chửi bậy đang có chiều hướng gia tăng do những tác động từ mặt trái của mạng xã hội khiến cho văn hóa, văn minh bị xúc phạm…
Vẫn biết việc hạn chế, tiến tới loại bỏ “ngôn ngữ bẩn” ra khỏi đời sống xã hội là điều không thể làm ngày một ngày hai, song nếu đặt vấn đề lời ăn tiếng nói của mỗi chúng ta có ý nghĩa góp phần hình thành nên hình ảnh con người Việt Nam thanh lịch, có lối sống văn minh, để Việt Nam trở thành “Điểm đến của thiên niên kỷ” thì mỗi người Việt Nam hãy tỏ rõ là những công dân có trách nhiệm, thể hiện văn hóa ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội.
NGUYỄN TIẾN QUANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021