Trạng nguyên Vũ Kiệt và những lời tâm huyết chấn hưng đạo học, trị nước an dân

Vũ Kiệt (1453-?) người làng Cửu Yên, xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc - nay là thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm Nhâm Thìn (1472 âm lịch), ở tuổi vừa chớm đôi mươi, Vũ Kiệt đỗ Trạng nguyên dưới thời Lê Thánh Tông.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, vua ngự ra hiên thân ra đề văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Vua sai thái bảo Binh bộ thượng thư kiêm thái tử thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy và thông chương đại phu Tả xuân phường tả thứ tử kiêm Lại bộ thượng thư Trần Xác làm 2 viên đề điệu, 2 viên (không chép tên) làm giám thị, bọn Đinh Thúc Thông, Quách Đình Bảo 4 viên làm độc quyển. Cho bọn Vũ Kiệt, Nguyễn Toàn An, Vương Khắc Thuật 3 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ, bọn Vũ Đức Khang 7 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, bọn Chử Phong 16 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 668).

Thời bấy giờ, đương buổi cực thịnh của chế độ quân chủ và nền Nho học, nhà vua trực tiếp ra đề, phê duyệt, xếp hạng… nên các vị khoa bảng đều là những người có chân tài, thực học. Bài văn sách thi đình của Vũ Kiệt dài tới trên một vạn chữ (gấp hơn 3 lần dung lượng tối thiểu triều đình quy định) được coi như kiệt tác về sách lược chấn hung đạo học, trị nước an dân dành cho các bậc đế vương không chỉ của một thời mà còn mãi lưu truyền cùng hậu thế.

Ít ai có thể ngờ rằng, một sĩ tử mới chớm tuổi đôi mươi đã có một cái nhìn thật bao quát, toàn diện. Trả lời câu hỏi của vua rằng “Sách xưa có câu: thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính nhưng hiện tại, Nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy. Một Nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Dạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được?”, Vũ Kiệt thẳng thắn: “Cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp, nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tồn nghi trong sách vở. Các ngành nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho?”; “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính. Tâm thuật đã mất trước khi làm quan rồi thì sau khi ra làm quan, làm sao có được cái tiết tháo và phong độ? Cái thói quen bị kẻ sĩ buông trôi theo dòng tục lệ như thế thì còn gì khi họ đạt được danh vị ở triều đình nên ít người chịu theo lễ nghĩa”. Rõ ràng, không thể đợi đến khi được bổ làm quan mới cần phải được đào tạo, bồi dưỡng về nhân cách mà vấn đề phẩm hạnh phải được rèn luyện cho bất kỳ người nào ngay từ khi còn cắp sách đi học.

Chưa hết, theo Vũ Kiệt, “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”; “Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn... Vả lại gần đây, con người sống lâu trong thời bình nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hằng ngày.

Trong khi làm việc công thì thường dùng quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hằng ngày, giày dép, quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường.

Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân được... Thần thấy trong Kinh Lễ có câu “đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo...

Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ lại đối với các bậc quan trên... Nhưng phép thuật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình”…

Chính vì vậy, ông bày tỏ niềm mong ước thiết tha: “Bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị trao cho trọng trách. Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ, biểu dương để thấy được những quan liêm khiết của họ.

Ông quan nào thuộc hạng ô lại cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ để điều trần, tâu lệnh chính xác, rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng, ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và quan trưởng cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được. Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi”; “Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt mà là muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong!”…

Chắc chắn, lời tâm huyết của Trạng nguyên Vũ Kiệt và nhiều vị đại khoa đã có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến các cuộc cải tổ bộ máy nhà nước, cải cách hành chính mà Lê Thánh Tông tiến hành đương thời bởi một vị minh quân thánh đế không thể bỏ ngoài tai những điều hay lẽ phải, thực sự có ích trong công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt hùng mạnh có tiếng ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Về phần Vũ Kiệt, sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được bổ làm Hàn lâm thị thư ở Viện Hàn lâm, sau thăng lên chức Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư. Ông được người đời đánh giá là “nguyên khí quốc gia”, một vị quan mẫn cán, thanh liêm, đức độ.

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

;