Khoa học công nghệ đang ngày càng tác động và chiếm vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động của thế giới loài người. Âm nhạc cũng không nằm ngoài xu thế đó, công nghệ hiện diện trong mỗi hoạt động âm nhạc, từ biểu diễn đến nghiên cứu, đào tạo. Âm nhạc công nghệ đã và đang là một xu hướng cho các hoạt động âm nhạc trên cả nước, đặc biệt ở một thành phố phát triển như Tp.HCM.
1. Khoa học công nghệ trong sáng tác và biểu diễn âm nhạc
Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc, từ việc đưa đến tai người nghe một tác phẩm âm nhạc chỉ còn gọn nhỏ trong một đĩa CD hoặc file trên máy vi tính, đến việc lưu giữ giọng hát của nghệ sĩ, roi trống tuyệt vời của nghệ nhân nhạc lễ dân gian hay nét diễn xuất xuất thần của nghệ sĩ múa, nghệ sĩ sân khấu... Còn nhớ, những ngày đầu của nền tân nhạc Việt Nam cho đến nhiều năm sau ở TK XX, nhiều nhạc sĩ phải tự mình hát lên ca khúc của bản thân hoặc nhờ ca sĩ giới thiệu đến công chúng. Ngày nay, người ta dễ dàng sáng tác, biểu diễn, phổ biến âm nhạc chỉ bằng “vài cái nhấp chuột”! Người ta còn đưa ra những phầm mềm nhận diện tác phẩm của W. A. Mozart, J. Haydn, L. Van Bethoven… chứa đựng đặc trưng trong phong cách tác giả, với giai điệu, hòa âm, phối khí, kỹ thuật xây dựng và phát triển giai điệu… để cuối cùng, với vài thao tác, có thể cho ra đời một tác phẩm âm nhạc mang dấu vết, phong cách nhạc sĩ nổi tiếng đó. Có thể nói, công nghệ đã góp phần rất lớn trong phát triển âm nhạc, trong sản xuất sản phẩm văn hóa âm nhạc thời hiện đại.
Ở một phương diện khác, người ta dễ nhận thấy, không chỉ hàm lượng nghệ thuật, mà kể cả tính thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa ở một số trường hợp đều có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu, bởi kỹ thuật, công nghệ đã được sử dụng để thay thế. Rất nhiều bài báo, trang viết lên tiếng về việc công chúng ngày nay xem nhạc chứ không nghe nhạc, công nghệ “hát nhép”, “lăng xê”... trở thành vấn nạn đến mức, nghệ thuật sân khấu nhiều khi cũng bị người hâm mộ quay lưng vì nghệ sĩ hát nhép, làm mất đi tính đặc trưng của môn nghệ thuật này.
Ở một vài trường hợp, công nghệ còn tham gia làm giả nghệ thuật. Nó có thể biến một giọng hát tầm thường thành khác thường và phi thường! Người ta đã biết đến những chương trình, phần mềm có thể biến giọng hát trở nên dày hơn, nhiều màu sắc hơn; nghệ sĩ vào phòng thu có thể yên tâm vì kỹ thuật có thể giúp sửa sai về cao độ, tiết tấu; có thể ghép nối thành công bất cứ đoạn nhạc nào, làm thành nhiều giọng, hát bè, chồng âm, thay đổi sắc thái, cách thể hiện… Như vậy, phần tài năng nghệ thuật, cảm xúc nghệ thuật của nghệ sĩ trở nên ít cần thiết, tác phẩm nghệ thuật mất đi phần hồn do nghệ sĩ không phải tư duy, mà trông nhờ vào kỹ thuật công nghệ thực hiện.
Công chúng bắt đầu có thói quen thưởng thức các chương trình nghệ thuật chứa hàm lượng công nghệ cao hơn mức độ xứng đáng và cần thiết phải có (!). Các nhà sản xuất đang ở trong cuộc đua công nghệ và chương trình nghệ thuật dần trở thành chương trình công nghệ. Những phương tiện kỹ thuật công nghệ như hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trên phông nền, trong không gian khán phòng, hiệu ứng nước - khí - gió… đã trở thành những phần không thể thiếu trong mỗi chương trình biểu diễn. Khán giả đang mua vé đến xem những kỹ thuật cao của công nghệ nghe - nhìn chứ không phải đến thưởng thức nghệ thuật. Đối với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, hàm lượng công nghệ tăng lên đồng nghĩa với việc phần dành cho nghệ thuật đích thực có thể ít đi và đẩy lùi nhiều yếu tố khác như văn hóa truyền thống, kỹ thuật chuyên môn…
Ứng dụng công nghệ là xu hướng chung của thời đại, cũng là xu hướng của hoạt động biểu diễn âm nhạc ở hầu hết các nước trên thế giới. Đối với TP.HCM, nơi tổ chức hàng trăm chương trình âm nhạc, đại nhạc hội quy mô lớn hằng năm, yếu tố công nghệ dường như phát triển không ngừng, nó không giới hạn ở một đối tượng, một phương diện nào.
2. Khoa học công nghệ trong nghiên cứu âm nhạc dân tộc và giáo dục, đào tạo âm nhạc
Hiện nay, những giới thiệu về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, âm nhạc dân tộc tại Việt Nam không nhiều và chưa có ứng dụng nào được sử dụng trong thực tế. Có lẽ, lý do lớn nhất do những ứng dụng này vẫn chưa mang đến cho công tác nghiên cứu kết quả như mong muốn. Ngoài việc viết lại âm nhạc, chuyển dịch từ âm thanh sang hình ảnh, cần phải đưa ra được một chuỗi những hướng dẫn hoặc định hình chi tiết cho người biểu diễn: diễn tấu cái gì, như thế nào để đạt được hiệu quả âm thanh nhất định với đặc trưng chung nhất, thể hiện rõ ràng nhất phong cách của tác phẩm.
Nghiên cứu về ứng dụng khoa học công nghệ trong âm nhạc được công bố chính thức đầu tiên tại TP.HCM có lẽ là Luận văn Cao học của Đặng Huy Hoàng: Tìm hiểu ứng dụng của tin học trong âm nhạc (1996) tại Nhạc viện TP.HCM (1). Trong công trình này, tác giả đã giới thiệu các ứng dụng tin học (công nghệ) trong lĩnh vực âm nhạc (vừa được du nhập vào Việt Nam thời điểm đó) và sớm chứng minh những ích lợi của tin học âm nhạc, cũng như đưa ra những đường hướng triển khai tin học tại Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phần mềm trong đĩa CD kèm với sách Nhạc khí dân tộc Việt của tác giả Võ Thanh Tùng (2) đã giúp người đọc tiếp cận với âm thanh khi nghiên cứu nhạc khí. Đây được xem là công trình biên khảo multimedia (3) đầu tiên của Việt Nam. Với những đặc trưng của âm nhạc truyền thống nước ta, việc lan tỏa gần như chỉ dựa vào sự truyền dạy giữa thày và trò, điều đó là một trong những lý do đầu tiên khiến nhạc truyền thống mất chỗ đứng, kém thịnh hành. Trong Nhạc khí dân tộc Việt, tác giả đã diễn đạt các câu nhạc vừa trên kênh hình, vừa trên kênh tiếng, rất thuận lợi cho người học. Cần thấy rằng, khoa học công nghệ luôn có vai trò tích cực đối với việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc trong đời sống hiện nay.
Đối với những nghiên cứu phục vụ công tác đào tạo, có thể kể tới Luận văn Cao học Học đàn Guitare với sự hỗ trợ của truyền thông đa phương tiện của Nguyễn Thanh Huy (2010) (4), Ứng dụng phần mềm Sibelius trong dạy học âm nhạc của học viên Lê Minh Phước (2014) (5). Ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở những công trình nghiên cứu giảng dạy mà Nhạc viện TP.HCM đã có hoạt động hợp tác đào tạo với Trường Nghệ thuật Utrecht - Hà Lan về kỹ thuật phòng thu, sáng tác nhạc trên máy vi tính cũng như nhiều hoạt động liên kết khác nữa về âm nhạc công nghệ…
Một trong những người ứng dụng công nghệ dạy học đầu tiên phải kể tới nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - người có tiếng đàn đúng chất tài tử cuối cùng của TK XX (6). Ông thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin (playcam) để dạy nhạc tài tử cho những học viên đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu… ở nước ngoài.
Có thể nói, ngược với những ứng dụng khoa học công nghệ trong biểu diễn, khoa học công nghệ được sử dụng trong nghiên cứu âm nhạc, giảng dạy, học tập còn khá đơn giản, ít ỏi, nếu có sử dụng thì thận trọng, phần lớn là thử nghiệm.
3. Âm nhạc công nghệ - thế mạnh của TP.HCM
TP.HCM là thị trường giải trí lớn nhất nước, nơi sản xuất, tiêu thụ, hình thành, phát triển (và kể cả bị đào thải, chết đi) của nhiều hình thức trình diễn mới, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Mặc dù chưa có ngành sản xuất, thậm chí đào tạo vẫn còn đang ở mức chập chững… nhưng TP.HCM đã có tới hàng trăm phòng thu, công ty dịch vụ âm thanh ánh sáng, lò đào tạo công nghệ - sử dụng phần mềm phục vụ cho âm nhạc… Âm nhạc công nghệ còn mở rộng hơn ở những mặt tiện ích đối với sáng tác, hòa âm, phối khí, in ấn, quảng cáo, phim ca nhạc… Công nghệ còn hiện diện trong sản xuất chương trình âm nhạc, đào tạo nhân lực, sản xuất đồ chơi âm nhạc, nhạc khí, quản lý nghệ thuật… Trên địa bàn thành phố đã có nhiều công ty tư nhân manh nha mở rộng hoạt động ở các lĩnh vực này. Có thể nói, âm nhạc công nghệ thực sự rất tiềm năng và TP.HCM là môi trường bền vững, năng động để phát triển ngành này, từ đó làm cơ sở để phát triển trên toàn quốc. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan và khách quan nên thành phố chưa phát huy, tận dụng những thành tựu công nghệ, chưa mở rộng ứng dụng công nghệ phục vụ các mặt xã hội và toàn bộ hoạt động âm nhạc.
Để phát huy được thế mạnh của TP.HCM trong xu hướng công nghệ hóa hoạt động nghệ thuật âm nhạc, chúng tôi xin đưa ra một vài kiến nghị:
Với đào tạo, công nghệ góp phần rất lớn trong định hướng ngành nghề mới trong tương lai: kỹ thuật viên phòng thu, kỹ sư quản lý âm nhạc, sản xuất chương trình âm nhạc, chuyên viên âm thanh… Chưa kể đến những ứng dụng công nghệ trong sưu tầm, bảo tồn, truyền bá văn hóa, nghệ thuật âm nhạc. Đồng thời, những ứng dụng công nghệ cũng góp phần rất lớn trong đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu, đổi mới phương pháp đào tạo… Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều trường đại học tổ chức đào tạo mã ngành âm nhạc công nghệ (Technology of Music) với những chuyên ngành khác nhau, từ kỹ sư phòng thu, kỹ thuật viên âm thanh, hiệu ứng sân khấu đến cử nhân chuyên ngành sản xuất âm nhạc. Do nhu cầu đối với ngành nghề này chưa phổ biến ở Việt Nam, phần lớn nhân lực đều là những người tự nghiên cứu, tự học và kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nghề này chưa phổ biến, nhưng hiện nay và trong tương lai sẽ trở thành bức thiết. Bởi, thời gian tới, chương trình nghệ thuật nào cũng đòi hỏi đội ngũ tổ chức là những chuyên viên giỏi, chuyên nghiệp, lúc đó, nguồn nhân lực trong nước sẽ rất hiếm, người ở nước ngoài về cũng chưa nhiều nên nhu cầu học tập ngành nghề này sẽ tăng lên. Hơn nữa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu về công nghệ là thế mạnh của TP.HCM, nên chăng, cần quan tâm hơn đến việc đào tạo âm nhạc công nghệ? Và, có thể giao cho một trường đại học vừa có ngành công nghệ, vừa có ngành nghệ thuật để đào tạo chuyên ngành này?
Với hoạt động biểu diễn, cần có những nghiên cứu ứng dụng, cập nhật kỹ thuật mới trên thế giới, có thể phát huy ở các chương trình nghệ thuật. Đồng thời, cần nâng cao công tác quản lý, kiểm soát và điều chỉnh việc sử dụng công nghệ, tránh lạm dụng công nghệ trong biểu diễn nghệ thuật, giảm bớt những bất cập và tăng cường tính ích dụng của nó.
Với hoạt động nghiên cứu, cần có một kỹ thuật giúp việc ký - ghi lại âm nhạc (cổ truyền, dân tộc) một cách thuận lợi, dễ dàng; các ký hiệu, ký âm có thể đưa ra những chi tiết để hướng dẫn người diễn tấu tạo nên những âm thanh gần nhất với phong cách, đặc trưng của âm nhạc dân tộc. Cần có một phần mềm có thể ghi âm lại các làn điệu, giúp phân tích, tổng kết những đặc trưng cũng như nhận diện tốt nhất các di sản âm nhạc cổ truyền… Đó cũng là cách nắm được đặc trưng âm nhạc cổ truyền chính xác bằng kỹ thuật công nghệ, tạo điều kiện để có thể bảo tồn tốt nhất. Xu hướng tìm kiếm một kỹ thuật mới theo định hướng sử dụng khoa học công nghệ thông tin có thể hỗ trợ, đưa âm nhạc dân tộc vào trong giáo dục, giới thiệu - bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của âm nhạc dân tộc.
Ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta vẫn chưa tận dụng được những ưu điểm của khoa học công nghệ, cũng như vẫn còn quá ít những nghiên cứu về phương pháp sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin trong nghiên cứu âm nhạc cổ truyền mặc dù chúng ta đã có ý tưởng, định hướng, đã từng thực hiện… Với những tiến bộ gần như mỗi phút và chưa có điểm cuối của khoa học công nghệ, việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng cần phải được thực hiện với tư duy luôn phải cập nhật và không có điểm cuối mới thật sự hữu ích. Đó là xu hướng của thời đại và cũng là xu hướng phát triển của ngành Âm nhạc.
4. Tạm kết
Hiện nay, khoa học công nghệ đang có những bước tiến dài và thành tựu khoa học công nghệ đang góp phần làm thay đổi xã hội. Hoạt động của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đều có sự đóng góp không nhỏ của ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là nhu cầu, là sự tồn tại của ngành Âm nhạc nước ta trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là dấu hiệu hòa nhập nhanh chóng, phù hợp xu thế của ngành âm nhạc thế giới. Khoa học công nghệ có thể là một hướng mở cho hoạt động âm nhạc mà TP.HCM có thể là nơi khởi đầu…
_________________
1. Đặng Huy Hoàng, Tìm hiểu ứng dụng của tin học trong âm nhạc, Luận văn Cao học chuyên ngành Lý luận Âm nhạc, Nhạc viện TP.HCM, 1996.
2. Võ Thanh Tùng, Nhạc khí dân tộc Việt, Nxb Âm nhạc, 2001.
3. Mỹ thuật đa phương tiện.
4. Nguyễn Thanh Huy, Học đàn Guitare với sự hỗ trợ của truyền thông đa phương tiện, Luận văn Cao học chuyên ngành Phương pháp giảng dạy chuyên ngành Guitare, Nhạc viện TP.HCM, 2010.
5. Lê Minh Phước, Ứng dụng phần mềm Sibelius trong dạy học âm nhạc, Luận văn Cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Nhạc viện TP.HCM, 2014.
6. Nguyễn Thuyết Phong (chủ biên), Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu của đời, Nxb Hồng Đức, Đại học Hoa Sen, 2016.
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Liêm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020