10 năm âm nhạc Việt Nam - một góc nhìn giản lược

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã tác động tích cực đến các loại văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Riêng với loại hình nghệ thuật âm nhạc luôn diễn ra sôi động, có những chuyển đổi đáng kể về cả nội dung lẫn hình thức, làm cho sắc diện của nó hiện lên với nhiều gam màu, đậm/ nhạt khác nhau. Bằng cảm quan riêng, nhìn một cách khái quát, thông qua công trình nghiên cứu cũng như những tác phẩm sáng tác của các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Việt Nam thì phần nào thấy được điều đó.

 

     Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, người dân Việt Nam ta hồ hởi đón nhận nhiều luồng gió mới từ các nước thổi về, đó là một trong những tác nhân làm cho không khí văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng có nhiều biến động theo cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. So với các loại hình nghệ thuật khác, nhìn về phương diện phong trào, âm nhạc có khả năng thích ứng nhanh hơn. Bởi cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa lần thứ 3 (những năm cuối TK XX, đầu TK XXI) diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi cả về tầm (có thể giao lưu với bất cứ nước nào), và cả về tâm thức. Trên phương diện lý thuyết, ai đã từng theo dõi những gì diễn ra hằng ngày trong đời sống âm nhạc (nghĩa là phương diện thực tiễn) thì cũng đúng như vậy. Chính vì thế, nhiều thể loại âm nhạc như: jazz, rock, R&B... theo đó là cách ăn mặc, trình diễn của ca sĩ, rồi cách thức thưởng thức của công chúng cũng có nhiều thay đổi.

     Diện mạo của loại hình âm nhạc Việt Nam, 13 năm đầu thời kỳ đổi mới thật đa màu, nhiều sắc. Tuy nhiên, hình như đằng sau cái rực rỡ hào hoa kia, còn nhiều vấn đề mà những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và các nhà quản lý văn hóa đều nhìn rõ, đó là điều chẳng cần bàn cãi. Sự nhuyến nhoáng trong cách tiếp cận/ tiếp nhận những cái mới tưởng rằng vô thức, nhưng rất có hại cho nền văn hóa của nước ta nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng. Trang phục giống người khác, hát giống người khác, hành động trên sân khấu cố gắng giống người khác..., nhưng lại chẳng thể xứng là bản sao của họ được. Ở một số nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, họ bỏ nhiều công ra học hành, luyện tập, sáng tạo nghiêm túc, trong khi đó, ở ta vẫn có những người không chịu trang bị những kiến thức chuyên môn cơ bản, mà học cách bắt chước, cóp, nhái… sản phẩm của người khác. Nói vậy, không có nghĩa là tất cả những người hoạt động nghệ thuật âm nhạc đều như thế, mà vẫn có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ làm việc khá nghiêm túc, nhưng số này lại chưa tạo được dấu ấn trong tâm trí của đông đảo công chúng, nhất là những nhà soạn nhạc, ca sĩ, nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản. Cái nghịch lý cứ diễn ra, thậm chí có sự đảo lộn, đánh tráo về giá trị nghệ thuật âm nhạc cũng hằng diễn ra…. Nhiều khi, cái hào nhoáng lên ngôi, cái đích thực bị đánh ngã làm cho một số người ngả nghiêng về niềm tin, không an tâm vào việc sáng tạo nghệ thuật. Từ thực trạng này, nhiều người cho rằng lỗi là do cơ chế thị trường. Tôi nghĩ cơ chế thị trường chỉ là một phần, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề chủ quan, khách quan tác động đến.

     Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã có những đánh giá về văn hóa nói chung và văn hóa nghệ thuật nói riêng (trong đó có âm nhạc) trên cả phương diện chủ quan và khách quan. Mục đích là “nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu” (1). Đó là cơ sở để hoạch định kế hoạch “từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (2). Nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, cũng khẳng định thành tựu đạt được và có những chuyển biến, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội trên các mặt của hoạt động văn hóa nghệ thuật như: sáng tác, lý luận, biểu diễn, bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian của các tộc người thiểu số… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập như: trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá còn không ít tác phẩm chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm xuất hiện ngày một nhiều, song ít tác phẩm đạt đỉnh cao… Không ít tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng… Tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên. Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật có phần chững lại, thậm chí có biểu hiện tụt hậu, chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Đã xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, thiếu định hướng và tiêu chí cụ thể cho việc chọn lọc, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại (3).

 

Tiết mục biểu diễn trong chương trình “Linh thiêng Việt Nam” lần thứ 3.

Ảnh Tuấn Minh

     Bên cạnh những bất cập đã được chỉ ra ở trên, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 cũng có định hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể cho các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật. Âm nhạc thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, được định hướng cơ bản như sau:

     Ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền. Đầu tư dàn dựng có chọn lọc một số tác phẩm kinh điển thế giới có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Chú trọng định hướng trong sáng tác và trong biểu diễn đối với văn nghệ sĩ; giáo dục về thị hiếu cho lớp trẻ, tạo sự đam mê, yêu thích nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nâng cao chất lượng nghệ thuật, phấn đấu tạo được nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao… (4).

     Đánh giá về thực trạng và đưa ra định hướng, đó là cơ sở, điểm tựa đồng thời cũng là niềm tin cho nghệ thuật âm nhạc có những bước chỉnh lưu và phát triển. Thực tế cho thấy, gần 10 năm qua, từ khi có Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng, diện mạo của âm nhạc Việt Nam đã có nhiều thay đổi, có những thành quả nhất định trên nhiều phương diện, đáng ghi nhận là lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác âm nhạc.

     Về công tác nghiên cứu, đặc biệt là âm nhạc cổ truyền, có thể nói đây là lĩnh vực đã đạt được nhiều thành công nhất. Dưới định hướng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng chính phủ, một số nhà nghiên cứu âm nhạc ở các viện và địa phương đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm, phân loại, đánh giá các thể loại dân ca đang có nguy cơ mai một, góp phần đáng kể vào việc xây dựng hồ sơ trình lên UNESCO để được vinh danh. Từ năm 2009 đến nay (2019), Việt Nam có 10 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là đại diện của nhân loại, trong số đó có 7 di sản là âm nhạc hoặc liên quan đến âm nhạc: dân ca quan họ (30-9-2009), ca trù (1-10-2009), hát xoan Phú Thọ (24-11-2011), đờn ca tài tử Nam Bộ (5-12-2013), dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh (27-11-2014), tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam (1-12-2016), nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (7-12-2017).

     Bên cạnh những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh, còn khá nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, chẳng hạn: Nghìn năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (chủ tịch hội đồng biên soạn: Dương Viết Á và Vũ Nhật Thăng); Tổng tập Âm nhạc Việt Nam - Tác giả và tác phẩm (nhóm tác giả: Trọng Bằng, Nguyễn Thị Nhung, Phạm Tú Hưng, Nguyễn Thị Minh Châu… biên soạn); Đờn ca tài tử - đặc thù và đóng góp (Nguyễn Thụy Loan); Góp phần nghiên cứu đờn ca tài tử Nam Bộ (Nguyễn Thị Mỹ Liêm); Nhạc đàn truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa (Nguyễn Văn Hảo); Âm nhạc múa đèn Đông Anh (Nguyễn Liên); Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt (Thế Bảo), Bay lên từ truyền thống (Nguyễn Đăng Nghị); Dân ca Jrai (Lê Xuân Hoan); Vấn đề nghiên cứu và đào tạo Âm nhạc dân tộc học Việt Nam (tác giả: Lê Văn Toàn, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Trọng Ánh, Bùi Huyền Nga, Nguyễn Bình Định, Đỗ Thị Thanh Nhàn); Lịch sử Âm nhạc Việt Nam (Trần Thế Bảo); Âm nhạc dân gian tộc người H’rê và tộc người Cor ở Quảng Ngãi (Nguyễn Thế Truyền)… Đặc biệt, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền với Dự án phục dựng trình thức hát cửa đình của người Việt lần thứ 2 (bảo vệ thành công tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vào tháng 11 năm 2017) đã gây được tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu văn hóa nghệ thuật nói chung, giới nghiên cứu âm nhạc cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực ca trù nói riêng.

     Những công trình vừa nêu chỉ là ví dụ có tính tiêu biểu, nhưng qua đó có thể thấy phần nào sự nặng lòng của các nhà nghiên cứu đối với âm nhạc dân tộc. Nói khác đi, những giá trị nghệ thuật âm nhạc của các tộc người dân tộc đang được các nhà nghiên cứu làm sống dậy trong thời đại ngày nay, và điều đó cũng có nghĩa là các nghiên cứu đã thực hiện đúng định hướng trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cũng thông qua các công trình trên thì đa phần thiên về nghiên cứu, mà chưa có/ hoặc chưa nhiều những cuốn sách, bài viết về phê bình đạt chất lượng để định hướng cho đời sống âm nhạc vốn đã, đang diễn ra sôi động trong thời gian qua và hiện nay.

     Về sáng tác âm nhạc, đây là một trong lĩnh vực diễn ra khá sôi động, thậm chí rất năng động. Trong 10 năm qua, đất nước ta vẫn mở rộng giao lưu với các nước, đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, tuy nhiên vấn đề về biển, đảo cũng diễn ra hết sức căng thẳng, phức tạp. Bối cảnh đó, muốn hay không cũng tác động mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc nước nhà.

     Dòng nhạc thị trường vấn tiếp đà phát triển như mấy năm đầu của thời kỳ đổi mới. Cho dù có nhiều khác lạ, nhưng dòng nhạc này vẫn chưa khẳng định được bản sắc riêng. Số lượng ca khúc có chất lượng chưa nhiều, nội dung thường khai thác về các phương diện của cái tôi. Tên của nhiều ca khúc đặt theo kiểu nửa ta nửa Tây, thậm chí còn dùng ngôn từ gây sốc. Lời ca ít tính văn chương, hời hợt; giai điệu âm nhạc dễ dãi… dẫu những ca khúc này được nhiều công chúng, nhất là lớp trẻ hưởng ứng, nhưng rõ ràng tính thẩm mỹ và tính nhân văn không được coi trọng.

     Dòng nhạc tiền chiến, nhất là các ca khúc thuộc thể loại bolero trữ tình xuất hiện trở lại với các ca sĩ từ hải ngoại trở về đã thực sự tạo nên một cơn lốc và tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần và thẩm mỹ của công chúng nghe nhạc trong mấy năm vừa qua. Không bàn tới vấn đề nghệ thuật, nhưng phải thừa nhận rằng, bolero là loại nhạc dễ nghe, không kén công chúng, mặt khác nó được sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông, nên đã góp phần không nhỏ làm cho đời sống âm nhạc Việt Nam trở nên sôi động, nhiều sắc màu hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, thể loại này do quá đề cao tính trữ tình và đi sâu vào cái tôi, nên giống như dòng nhạc nhẹ, khả năng tạo ra năng lượng nội sinh cũng như sự liên kết cộng đồng người trong bối cảnh đất nước hiện nay là chưa cao.

     Một dòng nhạc khác (có người gọi là nhạc đỏ), đó là nhạc cách mạng (tạm gọi như vậy), tuy sắc màu có đôi chút khác trước, nhưng về bản chất, dòng nhạc này cơ bản vẫn tiếp nối được truyền thống như vốn có trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta ở TK XX.

     Lĩnh vực khí nhạc, dẫu nhiều tác phẩm chưa đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, còn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ngôn ngữ âm nhạc cổ điển phương Tây, nhưng về nội dung, các nhạc sĩ đã ý thức phản ánh những thân phận, dấu ấn lịch sử văn hóa và tầm vóc lớn lao của dân tộc. Chẳng hạn, hòa tấu: Cánh thư ra đảo xa (Doãn Nguyên); giao hưởng thơ: Bạch Đằng Giang (Trần Mạnh Hùng), Bức tranh Xứ Nghệ (Trần Viết Kỳ), Thân phận (Nguyễn Duy Thịnh), Mầm sống (Vũ Duy Cương); tiểu phẩm giao hưởng: Quê tôi (Trần Quốc Đạt); giao hưởng: Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường huyền thoại (Lê Quang Vũ), Tượng đài cố đô (Lê Hồng Lĩnh), Cửu Long dậy sóng (Nguyễn Văn Nam)…

     Lĩnh vực thanh nhạc chủ yếu vẫn là ca khúc. Ngôn ngữ âm nhạc có sự đa dạng và phong phú hơn. Nội dung của các ca khúc chủ yếu ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, tình yêu quê hương đất nước, tri ân những giá trị truyền thống cách mạng. Đặc biệt, khi biển Đông có biến cố, hàng loạt ca khúc viết về đề tài Tổ quốc, biển đảo ra đời, kịp thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên tinh thần yêu nước của những công dân nước Việt. Nhiều ca khúc viết về đề tài Tổ quốc biển đảo trong 10 năm trở lại đây đã được ghi nhận như: Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang), Tổ quốc gọi tên mình (Nhạc: Đinh Trung Cẩn; Thơ: Nguyễn Phan Quế Mai), Tổ quốc nhìn từ biển (Nhạc: Quỳnh Hợp; Thơ: Nguyễn Việt Chiến), Khúc tráng ca Biển, Lời sóng hát (Nhạc: Vũ Thiết; Thơ: Trịnh Công Lộc), Thương lắm Trường Sa (Nhạc: Nguyễn Văn Hiên; Thơ: Nguyễn Thị Quyết Tâm), Tổ quốc là đây (Duy Thịnh), Tổ quốc và biển (Phạm Tuy), Chân sóng (Văn Phượng), Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (Phạm Quang), Tổ quốc trong tim (Trần Quốc Đạt), Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra (Văn Phượng), Bài ca Tổ quốc (Nhạc: Lê Đăng Vệ; Thơ: Trương Thiếu Huyền), Sóng Bạch Đằng vỗ mãi tới biển Đông (Văn Thành Nho), Trường Sa Tổ quốc mẹ hiền (Thập Nhất)...

     Điểm nhấn trong thời gian này, một thể loại có hình thức lớn hơn ca khúc đó là kịch hát cũng xuất hiện trở lại bằng tác phẩm Lá đỏ (Đỗ Hồng Quân; Kịch bản văn học: Nguyễn Thị Hồng Ngát). Đây là tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có tính nhân văn cao. Tác phẩm đem đến cho công chúng thưởng thức thấy được những con người có thật, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, Lá đỏ đã lay động, đánh thức công chúng hiểu được giá trị của cuộc sống không có chiến tranh. Tác phẩm như một nốt son, tô điểm thêm cho diện mạo của dòng âm nhạc Việt Nam càng thêm lung linh, đa sắc.

     Như vậy có thể thấy, đời sống âm nhạc của nước ta trong 10 năm trở lại đây luôn diễn ra sôi động, có những nhược điểm và cũng có cả sự chậm chạp, bởi không bắt kịp nhịp điệu cuộc sống. Tuy nhiên, phần nhiều tác phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác đã thực sự để lại những dấu ấn trong nghệ thuật, có tác động trực tiếp, tạo được sự cộng hưởng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần yêu cuộc sống, yêu Tổ quốc trong công chúng thưởng thức. Những tín hiệu/ thành quả đáng mừng đó, chính là sự nỗ lực lao động sáng tạo không ngừng của mỗi nhạc sĩ dưới định hướng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

_____________

1, 2, 3, 4. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội, 2009, tr.1, 1, 7, 23.

 

Tác giả:Nguyễn Đăng Nghị

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;