Phương pháp cần thiết khi bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc

Ngày hội của đồng bào Thái - Ảnh: Thanh Hà

     1. Từ lý luận và thực tiễn

     Khi tìm hiểu và vận dụng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2000 ban hành theo Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 26 - 5 - 2009 của Thủ tướng Chính phủ (từ đây xin gọi tắt là Chiến lược), chúng ta dễ dàng nhận thấy ở đó chứa đựng tổng hòa các vấn đề lý luận, nhận thức và giải pháp thực tiễn. Cốt lõi của vấn đề chính là nhằm mục tiêu “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

     Như vậy, với một quốc gia đa dân tộc, thì rõ ràng yêu cầu đảm bảo một nền văn hóa thống nhất mà đa dạng và khách quan, là khoa học. Đó chính là một nền văn hóa dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa như Đảng ta đã nêu từ Đề cương văn hóa 1943

     Cũng từ hệ quy chiếu này, dễ dàng nhận thấy, những vấn đề nêu ra từ Chiến lược không hoàn toàn mới, mà đó là sự đúc kết, tổng hợp đã có từ hơn 80 năm qua. Vấn đề còn lại chính là nhận thức, giải pháp; cụ thể hơn là xác định nội hàm của những khái niệm, những luận điểm làm sao cho đúng, sát, khả thi với đời sống của đồng bào các dân tộc, làm cho nó hiện hữu, có ích trong một quốc gia thống nhất mà không đồng hóa, làm lu mờ đi nét riêng - bản sắc của cộng đồng tộc người thiểu số. Vì lẽ đó mà Chiến lược đã nêu lên yêu cầu khái quát là: nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu; là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa… Đồng thời, Chiến lược đã chỉ rõ: văn hóa vốn được hiểu như một phạm vi rộng, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần. Ngày nay, phát triển văn hóa còn phải là cụ thể hóa bằng thể chế và thiết chế văn hóa. Đương nhiên, những vấn đề nêu trên thì đối với văn hóa các dân tộc, văn hóa vùng miền càng đòi hỏi cụ thể hơn, mà ở đó sự nhận thức và hành động bắt buộc phải là một quá trình và quá trình đó cần phải kiên trì, thận trọng (1).

     Đây vừa là vấn đề lý luận nhận thức vừa là phương châm hành động! Nhìn rộng ra thế giới cũng vậy. Cơ quan chuyên môn về văn hóa của Liên hợp quốc, UNESCO, đã từng ra tuyên bố về chính sách văn hóa với đại ý như sau: Văn hóa là tổng thể những đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và cảm xúc quy định tính cách của một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, lối sống, những quyền cơ bản của hệ thống giá trị truyền thống và tín ngưỡng… Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân…(2).

     Như vậy, căn cứ vào quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, cũng như tìm hiểu nội dung mà UNESCO đã nêu, thì rõ ràng vấn đề xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc ở Việt Nam có quá nhiều việc phải làm - từ nhận thức tới thể chế, thiết chế. Đó là những “nhóm xã hội” khác nhau, là “đặc thù về tinh thần và vật chất, là nghệ thuật và văn chương, là lối sống, là truyền thống và tín ngưỡng, là vấn đề tự ý thức bản thân” khi cuộc sống văn minh và giáo dục quốc dân còn hạn chế hơn cộng đồng đa số… Có thể nói, vì lẽ đó mà đời sống văn hóa vùng dân tộc và miền núi những năm qua đã có nhiều tiến bộ nhưng rõ ràng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Đó là chưa bàn đến việc các giải pháp, các thể chế, thiết chế văn hóa ở khu vực này đã thật sự khoa học chưa - nếu đánh giá ở tầm chiến lược? Đâu đó, vẫn còn sự nóng vội, duy ý chí, còn quá lúng túng, chưa tìm ra câu trả lời phù hợp cho vấn đề bảo tồn và phát triển. Đôi khi còn thái độ đồng nhất giữa hưởng thụ văn minh của thời đại khoa học công nghệ với văn hóa truyền thống, nhất là phong tục, tập quán… Vô tình điều đó lại làm giảm đi năng lực sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng tộc người thiểu số. Cũng vì lẽ đó mà cái gọi là bản sắc, là di sản văn hóa đã nhiều lúc, nhiều nơi bị mai một, thậm chí mất hẳn. Điều này, chúng ta, nếu là người làm công tác quản lý văn hóa, là nhà nghiên cứu folklore, chắc chắn dễ nhận ra. Và ở đây lại xuất hiện một câu hỏi: Làm thế nào để văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất mà vẫn đa dạng, nói cách khác là hòa nhập mà không hòa tan?

     2. Thận trọng và kiên trì…

     Chiến lược đề cập đến rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, văn bản đã dành dung lượng đáng kể đề cập tới vấn đề văn hóa các dân tộc, với cách diễn đạt khác nhau. Đó là: “công tác xây dựng làng, bản, buôn văn hóa” - tr.3; “văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số” - tr.4; “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc” - tr.6… Cần lưu ý là tại “mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020”, bản Chiến lược này có đoạn khẳng định: “… đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam” - tr.15 và 16.

     Như vậy, tại Chiến lược này đã có sự chuyển đổi yêu cầu khi đặt mục tiêu đảm bảo “tính đa dạng, bản sắc độc đáo” thành yêu cầu trước tiên so với yêu cầu đảm bảo “tính thống nhất” của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh và môi trường văn hóa hiện nay thì đó là yêu cầu khách quan, là bước chiến thuật cụ thể, cần được ưu tiên thực hiện. Vì lẽ đó, Chiến lược đặt ra yêu cầu: “Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn ở kỷ nguyên toàn cầu hóa. Có thể nói, thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề văn hóa” - tr.18. Thật ra, vấn đề này đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu ra từ năm 1976, khi ông phát biểu tại Hội nghị Văn hóa các dân tộc và miền núi. Ông cho rằng: Nói kinh tế dân tộc, khoa học kỹ thuật dân tộc là vô nghĩa. Nói đến dân tộc là nói đến văn hóa.

     Tất cả các yêu cầu trên đương nhiên cần nhận thức chính xác; tiếp đó là các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể cho từng vùng, từng dân tộc, từng lĩnh vực. Ở đây, chúng ta cần hết sức tránh duy ý chí khi xác định mục tiêu văn hóa như mục tiêu kinh tế, nghĩa là có định lượng cụ thể nào đó. Thực ra, mục tiêu văn hóa bao giờ cũng có ý nghĩa định hướng, chỉ lối, là cái cần đạt đến chứ không hẳn có đích đến cụ thể, nó luôn là quá trình liên tục. Đối với vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc cũng như vậy. Vì thế, Chiến lược đã nhấn mạnh: “… Xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng” - tr.15.

     Vậy là đã rõ. Sự kiên trì và thận trọng khi xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc là một yêu cầu khách quan, khoa học và rất có ý nghĩa thực tiễn hiện nay.

     Xét cho cùng, bất kỳ ở đâu, dân tộc nào, vùng miền nào thì công tác văn hóa đều có 2 nhiệm vụ: giáo dục văn hóa và tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình, đơn vị cơ sở.

     Ở nước ta hiện nay có 54 dân tộc, ngoài người Kinh (được quan niệm là dân tộc đa số) còn lại 53 dân tộc thiểu số. Các tộc người thiểu số chỉ chiếm khoảng 14% dân số cả nước nhưng lại cư trú ở 2/3 diện tích lãnh thổ. Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận bản sắc của văn hóa Việt Nam vốn được kết tinh với sự đóng góp không hề nhỏ của các dân tộc thiểu số. Điều đó là đương nhiên. Bởi, nói như Đimitrốp thì, trong văn hóa không có vấn đề dân tộc lớn và dân tộc nhỏ (chỉ có vấn đề quốc gia lớn và quốc gia nhỏ theo nghĩa đen là diện tích lãnh thổ và dân số).

     Vì vậy, muốn bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc đúng hướng, khoa học thì việc trước tiên cần hiểu rõ khái niệm văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người.

     Tổng quan nhất ta có thể hiểu văn hóa dân gian là bao gồm toàn bộ các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần từ quá khứ đến hiện tại. Tuy vậy, văn hóa dân tộc phải bao gồm cả văn hóa dân gian và văn hóa đương đại, trong đó bản sắc của nó được đảm bảo bằng văn hóa dân gian.

     Mặt khác, cần phân biệt khái niệm văn hóa dân tộc với ý nghĩa là văn hóa của một quốc gia - dân tộc Việt Nam, với văn hóa các tộc người. Vì lẽ đó, tư duy lý luận và các phương châm chỉ đạo cũng như giải pháp thực tế phải có sự khác nhau giữa văn hóa dân tộc - quốc gia với văn hóa các tộc người, đặc biệt là các tộc người thiểu số. Thực tế, đó là một sự lẫn lộn thường xảy ra trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa hiện nay. Đó là: không có sự phân biệt rạch ròi giữa văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người. Nói cách khác, văn hóa dân tộc chính là nền văn hóa của một quốc gia thống nhất được cấu thành bởi vốn văn hóa dân gian và văn hóa đương đại. Còn văn hóa tộc người được hình thành bởi biểu hiện văn hóa đơn lẻ và văn hóa các bộ phận tộc người cụ thể.

     Riêng vấn đề văn hóa tộc người hiện nay có những đặc điểm riêng. Đó là: không tương ứng giữa hưởng thụ của văn minh và sáng tạo, hưởng thụ văn hóa; phát triển không đều giữa các vùng, các dân tộc; khả năng tổ chức, xây dựng, tiếp thu văn hóa mới khác nhau; đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ chuyên nghiệp ít; sự tác động, ảnh hưởng của văn minh yếu hơn hẳn yếu tố văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc thực hiện Chiến lược, việc xây dựng và phát triển văn hóa ở vùng các dân tộc, đảm bảo tính thống nhất mà đa dạng của nó cần là biện pháp tổng hợp - từ giáo dục quốc dân, chú trọng hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo, đáp ứng tại chỗ đến tạo điều kiện để đồng bào được tiếp cận, hưởng thụ văn hóa mới.

     Để làm tốt nhiệm vụ này thì phương châm “kiên trì, thận trọng” là rất cần thiết.

     Tại sao phải kiên trì, thận trọng? Tại vì, đó chính là để đảm bảo nguyên tắc: tránh áp đặt thô bạo, không áp đặt tiêu chuẩn, chuẩn mực của dân tộc này cho dân tộc khác, không triệt tiêu hoặc làm lu mờ bản sắc của mỗi dân tộc…

     Bài học thực tế đã có nhiều, dẫu rằng thiện chí chủ quan của các nhà quản lý và các nhà tổ chức hoạt động văn hóa thì khó chê trách. Sẽ chẳng hiệu quả bao nhiêu khi có thời ở tỉnh Đắk Lắk đã vận động đồng bào bỏ nhà dài vào nhà xây tập trung tại các nông trường cà phê; sẽ làm nghèo đi bản sắc khi có lúc chính quyền làm lễ hạ khố để đồng bào Tây Nguyên mặc đồng phục như công nhân? Rồi chẳng dễ dàng gì khi vùng đồng bào Mông được vận động đám cưới chỉ được 20 mâm cỗ và đám tang không làm nghi lễ Khúa Kê (tang ca)… Thậm chí, ngay cả lễ ăn trâu (mà đa số gọi sai là đâm trâu) thì hiện tượng đâm con trâu là thật, người dân tộc khác nhìn là bạo lực, phản cảm, nhưng đồng bào Tây Nguyên lại không nghĩ thế. Bởi lẽ, thủ tục đâm trâu chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình nghi lễ và nó là cái lõi, là yếu tố hợp lý để hình thành lễ hội với rất nhiều hoạt động khác có tính văn hóa cao. Vì vậy, “cấm đâm trâu” cũng cần phải thận trọng, kiên trì để không vì trực quan mà làm mất đi các giá trị khác của lễ hội Tây Nguyên. Không “đâm trâu” thì yếu tố tâm linh của tục hiến sinh không còn và kéo theo là khó còn các bộ trang phục đẹp, các điệu xoang hay… Đó là lý do tại sao muốn cấm cũng phải kiên trì vận động và thận trọng trong các quyết định hành chính.

     Mặt khác, thận trọng cũng là vấn đề khoa học khi tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa các tộc người thiểu số. Thận trọng là cần có quá trình nghiên cứu với tâm thế không áp đặt. Nếu không thận trọng, ta dễ coi các thiếu nữ Bân, Cơtu để ngực trần, vai trần giữa cộng đồng là lạc hậu. Đơn giản vì đồng bào tư duy thẩm mỹ khác người Kinh là đẹp đẽ phải khoe ra!

     Như vậy, từ phương châm kiên trì, thận trọng như Chiến lược đã nêu thì trước bất kỳ hiện tượng văn hóa nào, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số, chúng ta phải luôn đánh giá giá trị và mức độ thích hợp, mức độ cần thiết của nó đối với đời sống đương đại cũng như lâu dài. Bên cạnh đó là tiếp tục đưa các loại hình văn hóa mới, giàu bản sắc để thay thế. Để làm tốt công tác này rõ ràng là rất cần đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ là người bản địa. Các hiện tượng văn hóa dù không còn phù hợp cũng cần được nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ trước khi vận động đồng bào tự nguyện bãi bỏ.

     Nhưng, xét cho cùng, vấn đề sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính là của quần chúng. Ở đây, vai trò Nhà nước chỉ nên là định hướng, khuyến khích và cung cấp các loại hình mới. Đặc biệt, có một nhiệm vụ mà nhân dân không làm được là “dọn dẹp rác văn hóa” từ quá khứ dồn lại và ngăn chặn “rác văn hóa” du nhập khi hội nhập. Thụ hưởng thành tựu của văn minh là cần thiết, nhưng không được thay thế, không làm lu mờ đi bản sắc của mỗi dân tộc. Đó là mục tiêu lâu dài, thường xuyên của bất kỳ một chiến lược văn hóa nào. Một chiến lược văn hóa tốt thì đích nó luôn ở phía trước!

_____________

     1. Chữ dùng của văn bản Chiến lược.

     2. Tuyên bố Chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế về văn hóa của UNESCO - Mê hi cô, 1982.

 

Tác giả: Lưu Xuân Lý

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

;