Dấu ấn 10 năm phát triển Hội Nhà văn Việt Nam

     Diễn đàn Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã và đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa và bạn đọc gần xa. Trong 8 lĩnh vực lớn mà Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII đề cập đến, khi nhắc tới phạm vi của văn hóa, thì văn học, nghệ thuật được xác định là lĩnh vực rất quan trọng, là nền móng của văn hóa dân tộc. Hội Nhà văn Việt Nam, được thành lập từ năm 1957, nay là một thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (VHNTVN), là tổ chức hội tụ những người Việt Nam hoạt động sáng tác, dịch thuật và phê bình văn học. Hội tập trung hoạt động trong bốn lĩnh vực: văn xuôi, thơ, phê bình và dịch thuật với nhiệm vụ hội tụ, phát huy năng lực sáng tạo của tất cả nhà văn Việt Nam nhằm “xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Từ góc nhìn của một người lãnh đạo - Chủ tịch Liên hiệp các VHNTVN, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở về 10 năm phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian qua.

 

     • Thưa ông, những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn kiện định hướng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó đặc biệt chú ý tới việc phát triển văn học, nghệ thuật. Quyết định Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6 - 5 - 2009 đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ trung tâm của văn học, nghệ thuật thời gian tới là phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”. Xin ông có thể vui lòng điểm lại những thành công nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong 10 năm qua?

     - Trong 10 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng trong việc triển khai các đề tài và phương pháp sáng tác. Thành tựu quan trọng nhất là đã mở rộng và tiếp tục đổi mới toàn diện về phương thức hoạt động, lãnh đạo, quản lý và tổ chức sáng tác, cung cấp một số lượng lớn các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Hội đã tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế đời sống, tìm cảm hứng sáng tạo, tránh nghiệp dư hóa, hướng tới chuyên nghiệp hóa, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo để có được tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp xây dựng con người và văn hóa Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam - hoạt động thu hút đông đảo 

công chúng tham gia - Ảnh MQ

     Với phương hướng như vậy, trước hết, hội đã tổ chức được rất nhiều chuyến đi thực tế cho hàng trăm nhà văn như: đi hải đảo, biên giới, nhiều đợt tới Trường Sa; đi về các địa phương như: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Tây Nguyên, đi đến các tỉnh biên giới phía Bắc. Những chuyến đi này đã giúp các nhà văn gắn bó với đời sống, với nhân dân, mở rộng tầm nhìn, bổ sung vốn sống, tích lũy được những tư liệu sống đáng quý để xây dựng tác phẩm. Từ đó, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời, phản ánh một cách toàn diện hiện thực sống động của đất nước, mang tính định hướng, tính dự báo cao.

     Thành tựu thứ hai là việc tổ chức các cuộc thi sáng tác nhằm phát hiện tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ. Chúng tôi đã phát hiện được rất nhiều những cây bút mới. Trong 10 năm qua Hội Nhà văn Việt Nam, đã tổ chức được 3 cuộc thi tiểu thuyết. Đây là một thể loại trọng tâm của nền văn học. Hiện đang tổ chức cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 và thu hút được hàng trăm tác phẩm tham gia. Trong đó có nhiều tiểu thuyết hay về lịch sử, về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

     Thành công thứ ba, đó là tổ chức các cuộc hội thảo văn học với đề tài lịch sử, văn học với vấn đề xây dựng đạo đức xã hội, văn học với sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa hiện đại hóa, văn học trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Những cuộc hội thảo này đã tập hợp được ý kiến đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, nhiều chuyên gia và giải quyết được rất nhiều vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác. Chất lượng và hiệu quả sáng tác chính là thước đo của tác phẩm văn học. Trong đó, chất lượng được xét về mặt tư tưởng, nghệ thuật, còn hiệu quả được xét về mặt xã hội. Khi tác phẩm đến tay bạn đọc, sẽ góp phần giáo dục, xây dựng con người văn hóa, hình thành nhân cách, lối sống. Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm phản ánh chống tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, vi phạm dân chủ, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phê phán, lên án mọi cái xấu, cái ác. Văn học nghệ thuật góp một tiếng nói quan trọng xây dựng lòng tin với Đảng, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong nhân dân, góp phần thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa đất nước. Như vậy, sáng tác văn học, nghệ thuật hiện nay vừa tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng; gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm tính nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà. Các tác phẩm văn học thời gian qua, nhìn chung đã có nhiều tìm tòi đổi mới về nội dung phản ánh, thể nghiệm nhiều phương pháp, hình thức biểu đạt mới, làm phong phú các thể loại và các sản phẩm văn học nghệ thuật.

     Văn học với đề tài xây dựng đạo đức là vấn đề trung tâm hiện nay, góp phần làm lành mạnh quan hệ xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, tạo ra môi trường xã hội trong sạch, với những chuẩn mực đạo đức tiến bộ. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức những buổi hội thảo chống những biểu hiện sai trái trong văn học nghệ thuật. Đó là những sai trái như: từ bỏ 3 chức năng của văn nghệ, phủ nhận quá khứ, xuyên tạc quá khứ…, chỉ ra sai lầm của những tác phẩm bị thị trường hóa, chạy đua với sex, bạo lực…

     Ngoài những cuộc hội thảo như vậy, Hội thường xuyên tổ chức hội nghị những người viết văn trẻ 5 năm 1 lần với mục đích nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ. Do đó, con số hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam cách đây 10 năm chỉ hơn 500 người, bây giờ hơn 1000 người. Tất cả những cây bút trẻ hiện nay đa số đều do Hội Nhà văn phát hiện và kết nạp. Rồi mở lại trường viết văn Nguyễn Du nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các văn nghệ sĩ. Liên hiệp các VHNTVN thì mở lớp bồi dưỡng sáng tác riêng cho những cây bút lý luận phê bình.

     Thành công thứ tư của Hội chính là sự giao lưu và hội nhập quốc tế. Vào ngày 13 - 2 - 2019 vừa qua, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV. Các hội nghị quốc tế quảng bá văn học được tổ chức đã thu hút ngày càng đông những nhà văn trên khắp thế giới cùng tham gia. Qua đó, ngày càng nhiều tác phẩm văn học của nước nhà được giới thiệu ra nước ngoài. Ví dụ như tác phẩm Nhật ký trong tù, trước đây chỉ giới thiệu ở 9, 10 nước, bây giờ đã giới thiệu tới 23 nước, đặc biệt được dịch và xuất bản ở các quốc gia Mỹ Latinh. Ngoài sách văn học, các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng… cũng được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia. Nhiều tạp chí văn học lớn trên thế giới đã ra số đặc biệt về văn học Việt Nam. Từ đó giúp cho các nhà văn, bạn đọc quốc tế có những hiểu biết về văn học Việt Nam. Do đó, nhiều trường trên thế giới đã đưa văn học Việt Nam vào chương trình giảng dạy. Sách văn học Việt Nam đã được rất nhiều thư viện của các trường đại học lớn trên thế giới mua, dùng làm tư liệu nghiên cứu học tập.

     Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đánh giá cao ngày liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII vào dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua. Sự kiện này đã thu hút một diễn đàn thơ lớn nhất thế giới. Người ta cho rằng Hà Nội là thủ đô của thơ ca thế giới. Cách tổ chức hết sức trang trọng và khoa học, được Chủ tịch nước tiếp đón, thơ được đọc trước đông đảo công chúng hàng nghìn người, trong đó có khoảng 200 đại biểu từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến tham dự. Riêng ở Việt Nam mới có Ngày thơ Việt Nam. Điều này là duy nhất trên giới vì ở các nước khác, họ chỉ có festival thơ mỗi năm một lần, được tổ chức nhỏ lẻ ở một địa phương. Nhưng ở Việt Nam, đây là một ngày vàng, được tổ chức khắp cả nước, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều giới văn chương và công chúng yêu thi ca, nghệ thuật. Đặc biệt, ngày Thơ Việt Nam năm nay không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thơ ca mà còn hướng đến việc mở rộng biên độ cả văn xuôi, nghiên cứu, dịch thuật…; mục tiêu giới thiệu quảng bá, đưa văn học Việt Nam ra thế giới đã đạt được hiệu quả.

       • Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn hóa Việt Nam có nhiều thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt. Về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, xin ông cho biết những khó khăn, thách thức mà nền văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung, Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt?

     - Chúng tôi đang phải đối mặt với 3 khó khăn chính. Thứ nhất, đối mặt với thị trường. Thị trường vừa có lợi, kích thích động lực sáng tác. Mặt trái của thị trường là thương mại hóa. Nhà văn nếu không có bản lĩnh sẽ đi vào chạy đua với những đề tài vụn vặt, câu khách, mối tình tay đôi, tay 3, sex, bạo lực...

     Khó khăn thứ hai chính là chế độ nhuận bút nhà nước đề ra chưa phù hợp với thực tế đời sống. Nhà văn bây giờ hầu như không có nhuận bút. Thơ là phải tự in, cho, tặng nhau là chính, tiểu thuyết thì nhuận bút rất thấp. Nhuận bút của các tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo hiện nay thì tùy theo mỗi báo, mức cũng rất khiêm tốn.

     Khó khăn thứ ba là thị trường văn học đọc sách đang bị co hẹp. Tôi được nghe báo cáo ở thư viện, số lượng bạn đọc đến thư viện năm 2018 tăng 17% so với năm 2017. Đây là con số rất đáng mừng nhưng thị trường văn học ngoài thư viện thì giảm. Càng ngày càng ít người mua sách, mua các tác phẩm văn học rất ít. Do đó, về tiểu thuyết, mỗi tác phẩm chỉ in được 500-1000 cuốn, thơ in vài trăm cuốn.

     Có thể nói, văn nghệ sĩ Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những người nói yêu văn học bây giờ thì phải yêu văn chương thực sự, chứ không nghĩ đến nhuận bút.

     Trong thời gian qua, giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng Hội Nhà văn Việt Nam đã rất chủ động và tích cực trong công cuộc hội nhập với văn học quốc tế như: tổ chức bốn hội nghị quảng bá văn học Việt Nam vào năm 2002, 2010, 2015, 2019, thành lập Trung tâm Dịch thuật văn học năm 2014… Ông có thể làm rõ thêm về những hoạt động này của hội?

     - Giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới lâu nay không chỉ là ước mơ của người cầm bút mà còn là ước mơ của giới làm xuất bản và công chúng yêu văn học nước nhà. Cách đây 3 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã mở một hội nghị Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Đây là một quyết tâm rất lớn của hội. Ngay cả một số nhà văn trong nước cũng phản đối, tại sao lại mời những người trước kia là kẻ thù của nhân dân?

     Chúng tôi đã mời hơn 100 đại biểu từ tất cả các nước, góp phần khép lại quá khứ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thu hút những người có lương tâm, có trách nhiệm với Tổ quốc. Cái gì thuộc về quá khứ thì lịch sử đã giải quyết rồi, còn bây giờ vấn đề lớn nhất là bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Chính bởi vậy, các cơ quan trung ương đã tạo mọi điều kiện nên hội thảo đã thành công tốt đẹp.

     Sau đó, nhiều tác phẩm của nhà văn ở nước ngoài lần đầu tiên được công bố, xóa đi những mặc cảm của những cây bút Việt ở nước ngoài. Họ đã có những công trình nghiên cứu, những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, hướng về Tổ quốc. Chúng tôi đã cho người ta thấy Hội Nhà văn Việt Nam đã đổi mới thực sự. Thực tế là có những nhà văn đã về đây ăn Tết, tham gia các sinh hoạt lớn của hội với tâm trạng như được trở về ngôi nhà của mình.

     Thời gian sắp tới, chúng tôi cố gắng duy trì tổ chức những hội nghị ý nghĩa như thế này khoảng 3, 4 năm 1 lần, hoặc ít nhất 5 năm 1 lần.

     Và điều quan trọng hơn hết chính là tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ công bố tác phẩm. Ngay cả hội viên Hội Nhà văn, khi in tại nhà xuất bản cũng phải nộp hội phí, 1 triệu hay 2 triệu đồng. Nhưng riêng đối với hội viên ở nước ngoài thì không phải đóng phí. Bởi vậy, những cây bút ở nước ngoài càng được khuyến khích công bố tác phẩm.

      Trong lễ tổng kết hoạt động của Liên hiệp các hội VHNTVN sáng ngày 9-1-2019, ông đã cho rằng văn học nghệ thuật nước nhà đang bị đặt vào tình thế “tồn tại hay không tồn tại” vì đề án cải tiến phương thức hoạt động các hội VHNT của Bộ Nội vụ. Đề án này nhằm đổi mới phương thức hoạt động và tập trung vào vấn đề xã hội hóa. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

     - Đề án đổi mới phương thức hoạt động mà Bộ Nội vụ đưa ra là một đề án rất dày, rất công phu nhưng tựu chung lại là tinh thần: tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải. Nghĩa là chúng tôi sẽ không có biên chế, trụ sở, không được hỗ trợ nữa. Lúc ấy, có nhiều phương án các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp là tự nguyện, tự trang trải, phải lo hết. Tôi đã góp ý vào đề án đó. Nhờ sự kiên trì trình bày những trăn trở, đóng góp ý kiến với cấp cao hơn là Ban Bí thư nên cuối cùng, Ban Bí thư đã quyết định duy trì các Hội VHNT, tiếp tục là một tổ chức chính trị sự nghiệp và được hoạt động theo kết luận số 102 của Bộ Chính trị năm 2014. Các tổ chức chính trị có tư cách pháp nhân, do Đảng thành lập, có biên chế, có trụ sở, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoạt động. Như vậy, vấn đề mà chúng tôi lo ngại đã được giải tỏa. Ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn hết sức mình với sự nghiệp cách mạng, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Chúng ta đang xây dựng nền văn hóa thì các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp là đội ngũ nòng cốt, đội quân chủ lực để xây dựng văn hóa. Nhà nước phải hỗ trợ đơn vị này. Có như thế mới tạo điều kiện để giữ được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

     Vào ngày 10 - 4 - 2019, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết 33-NQ/TW, Bộ VHTTDL đã tiếp tục nhấn mạnh phải đặt văn hóa có vị trí ngang hàng với kinh tế và xã hội, phải xác định được vị trí và vai trò quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế, phát triển các ngành, các lĩnh vực phải đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa; coi phát triển văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục ủng hộ cho văn học, nghệ thuật phát triển.

      Xin chân thành cảm ơn ông!

LIÊN HƯƠNG thực hiện

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

;