Chương trình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” cuốn hút đông đảo du khách

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4); Kỷ niệm 79 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 - 19/4/2025), sáng 19-4, tại Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra chương trình dân ca, dân vũ với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 16 nhóm đồng bào đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Chương trình đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến thưởng thức và cùng tham gia trình diễn trong các tiết mục văn nghệ. Sự hưởng ứng, hòa mình, chung vui của các du khách trong chương trình đã tạo nên bầu không khí vui tươi, sôi động, gắn kết giữa các dân tộc, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Những tiết mục dân ca, dân vũ được đồng bào các dân tộc sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trình diễn tại chương trình

Đến với chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, du khách được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc do chính các chủ thể văn hóa giới thiệu và trình diễn. Đó là màn múa Khèn của nhóm dân tộc Mông tỉnh Hà Giang. Múa khèn là loại hình nghệ thuật trình diễn thể hiện hồn cốt của dân tộc Mông, bởi nghệ thuật múa khèn vừa giúp kết nối với thần linh, tổ tiên, vừa là âm thanh vui tươi để giải tỏa nỗi buồn, chia sẻ tâm tư, tình cảm, thể hiện tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng, tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông. Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của người Mông cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.

Hay màn diễn tấu chiêng của nhóm đồng bào dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình). Đây là nhạc cụ mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Mường. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ. Tiếng vang vọng của cồng chiêng trong chương trình không chỉ thu hút khán giả, mà còn giúp cho người xem hiểu hơn về giá trị, bản sắc của nhạc cụ dân tộc độc đáo này...

Cùng với phần trình diễn của các nhạc cụ truyền thống, nhiều điệu múa đặc sắc của mỗi dân tộc cũng được các diễn viên quần chúng thể hiện tại đây. Trong đó, thu hút đông đảo du khách cùng hòa chung nhịp điệu là điệu múa Lăm vông của dân tộc Lào (tỉnh Sơn La). Đây là điệu múa dân gian truyền thống của người Lào, còn được gọi là hát múa, với hình thức múa theo hình vòng tròn và chuyển động theo tiếng nhạc. Điệu múa luôn xuất hiện trong các cuộc vui, lễ hội, qua đó tạo sự gắn kết với những người tham gia.

Khi âm thanh trong ca khúc quen thuộc như: Hoa đẹp Chăm Pa, Tắm suối mát… được cất lên, cũng là lúc các diễn viên và du khách cùng uyển chuyển nhịp nhàng theo điệu nhạc. Sự mềm mại, duyên dáng trong điệu múa Lăm vông không chỉ làm cho người tham dự yêu thích, vui vẻ mà còn giúp cho du khách hiểu hơn về hình thức sinh hoạt văn hóa của dân tộc Lào trong các lễ, Tết, các cuộc vui liên hoan, hội thi, các sự kiện văn hóa.

Khán giả, du khách thích thú biểu diễn cùng với các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào dân tộc

Tại chương trình, người xem cũng bị cuốn hút bởi những tiết mục đến từ các nghệ nhân đồng bào Ê đê (Đắk Lắk) với các ca khúc Ly cà phê Ban Mê, Liên khúc Cơn mưa nhịp chiêng và nỗi nhớ, vì em là cô gái Ê Đê; Người con gái Pa cô của dân tộc Tà Ôi (Tây Nguyên); Hát múa: Vui hội xứ Mường, Múa: Người Mèo ơn Đảng của dân tộc Mường (Hà Giang); Hát múa: Vui hội xứ Mường, Hát: Chung một niềm tin của đồng bào Mường (Hòa Bình)...

Là người dân tộc Tày trình diễn trong chương trình, diễn viên quần chúng Đào Ngọc Sáng cho biết anh cảm thấy rất vui và vinh dự khi được biểu diễn tại “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm nay. “Chúng tôi đem đến chương trình là các tiết mục hát then và đàn tính, nhằm giới thiệu với người xem về nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày. Khi được tham gia chương trình, tôi được học hỏi, giao lưu với các đoàn đồng bào khác, đồng thời thấy được giữa các đồng bào có sự đoàn kết và gắn bó”.

Anh Đào Ngọc Sáng hiện đang sống, gắn bó tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Anh cho biết, anh là một trong nhiều người được địa phương chọn, đến với Làng nhằm duy trì, bảo tồn văn hóa truyền của dân tộc. “Chúng tôi được Nhà nước, Bộ VHTTDL, Làng Văn hóa quan tâm về cuộc sống cũng như trong công tác gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó, tôi thấy rằng các dân tộc tại Làng rất đoàn kết, gắn bó, đó là sự động viên để chúng tôi chuyên tâm nhiều hơn trong việc bảo tồn, phát huy những làn điệu then cũng như âm nhạc của cây đàn tính”.

Trong đoàn du khách đến với Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam vào dịp này, cựu chiến binh Vũ Trung Hải đến từ thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Nhân dịp chào đón Ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn cựu chiến binh chúng tôi đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đến nơi đây, chúng tôi thấy được bản sắc của các đồng bào dân tộc rất đặc sắc, đặc biệt trong chương trình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” có nhiều bài hát, điệu múa đem lại những hình ảnh khiến chúng tôi tưởng nhớ đến những năm trong quân ngũ được gặp gỡ và gần gũi với đồng bào”.

“Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tôi thấy rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa của các đồng bào dân tộc. Các dân tộc được quy tụ về đây không chỉ giúp họ gắn bó, gần gũi mà còn phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời khi du khách trong nước và quốc tế đến với Làng sẽ giúp họ được hiểu hơn về sự độc đáo của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam” – ông Vũ Trung Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: AN NGỌC

;