Sáng 18-4, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm của công chúng và bạn đọc yêu sách thủ đô.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Phát biểu khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh khẳng định cao vai trò, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong đời sống, xã hội. Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết: Trong nhiều năm qua, Thư viện Hà Nội (nay là Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội) đã thực hiện tốt các nhiệm vụ như hướng dẫn nghiệp vụ thư viện đến toàn hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố; làm tốt công tác luân chuyển sách; đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ thư viện lưu động và các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách, trao đổi kinh nghiệm và cách làm hay góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc Thủ đô. Bên cạnh đó, cũng đề xuất các giải pháp để động viên đội ngũ cán bộ thủ thư và công tác tôn vinh văn hóa đọc nhằm khích lệ kịp thời các hoạt động về phát triển văn hóa đọc.
Sau Lễ khai mạc, chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 được tổ chức như: Trưng bày, giới thiệu hơn 500 tư liệu về Hà Nội với các nội dung: Đường lối của Đảng, Bác Hồ về công tác văn hóa; Thủ đô Hà Nội: “Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”; Việt Nam hội nhập quốc tế; Tác phẩm nổi bật trong thời kỳ mới; Trưng bày giới thiệu sách của các nhà xuất bản, nhà sách.
Các đại biểu tham quan Triển lãm sách
Cũng tại sự kiện đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2025. Cuộc thi được tổ chức hằng năm, là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc Thủ đô. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với các em học sinh mọi lứa tuổi, thông qua cuộc thi khẳng định vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực của người Việt Nam, đặc biệt trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập.
Năm 2024, Cuộc thi đã thu hút được trên 300.000 bài dự thi (bài viết, video clip, tác phẩm hội họa) của 1.335 trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố (tăng gần 300% so với năm trước). Với những bài viết hay, chất lượng, đầu tư công phu cả về hình thức và nội dung, tạo được dấu ấn và lan tỏa văn hóa đọc ngay từ chính gia đình, nhà trường và cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng văn hóa đọc, Cuộc thi còn tìm ra những gương mặt tiêu biểu để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, người truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu với sách.
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2025 được phát động từ ngày 15 đến 25-4; Nhận bài từ ngày 20 đến 22-6; Tổ chức chấm bài vòng Chung khảo cấp thành phố từ ngày 25 đến 30-6; Tôn vinh Văn hóa đọc dự kiến vào đầu tháng 7-2025 tại Hà Nội và gửi bài thi đạt chất lượng về Bộ VHTTDL tham gia vòng Chung kết toàn quốc trước ngày 15-7.
Tại Lễ phát động, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh đề nghị: Các cấp, các ngành thành phố cùng đồng hành và chỉ đạo, triển khai Cuộc thi sâu rộng tới các trường học trên địa bàn nhằm xây dựng thói quen đọc, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc làm tiền đề xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và trong cộng đồng; Tích cực đổi mới các hoạt động và xây dựng thư viện, phòng đọc tại cơ sở, coi đây là nhiệm vụ của từng đơn vị trong việc xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh cho cán bộ, nhân dân góp phần đẩy mạnh học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại mỗi địa phương; Các em học sinh đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy niềm đam mê đọc sách, chia sẻ những cuốn sách hay, phương pháp đọc sách hiệu quả để qua đó thắp lên tình yêu đọc sách trong thế hệ trẻ với những khát vọng cống hiến và dự định trong tương lai của các em - những “đại sứ” lan tỏa văn hóa đọc ngay từ chính gia đình, nhà trường, cộng đồng và “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Ban Tổ chức trao giải thưởng cho các thí sinh tham dự cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã trao thưởng cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề: “Hà Nội thành phố vì hòa bình”, “Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” cho 30 thí sinh là học sinh trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Cũng tại sự kiện còn diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề "Sách và văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, diễn giả, nhà văn Nguyễn Đình Tú (Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã trình bày những nội dung về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; về tác động của văn học và tiểu thuyết đối với đam mê đọc và học cho học sinh, sinh viên trong trường học hiện nay...
Nói chuyện chuyên đề "Sách và văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, là dịp tôn vinh người đọc và những người làm công tác thư viện, xuất bản, in, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Đồng thời cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Thông qua đó khuyến khích phát triển phong trào đọc sách, báo trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, báo đối với việc nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN