Gìn giữ nghề mây tre đan truyền thống làng Phú Vinh

Làng mây tre đan Phú Vinh là một làng nghề thủ công truyền thống thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hình thành và phát triển từ 400 năm trước, đến nay các nghệ nhân của làng nghề vẫn duy trì, phát huy, tạo ra những sản phẩm mây tre phục vụ đời sống và thân thiện với môi trường.

Không gian trưng bày có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do NNƯT Nguyễn Văn Trung thực hiện

Khi đến với làng Phú Vinh, mọi người dường như bị cuốn hút, hấp dẫn với những sản phẩm truyền thống được làm ra từ mây tre. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân vùng đất này, nhiều vật dụng hữu ích, phong phú thể loại đã được ra đời để phục vụ cuộc sống hằng ngày như: dần, sàng, thúng, túi, hộp, kệ, giường, tủ, bàn ghế, lồng đèn, rèm cửa, bình hoa, khung ảnh… Bên cạnh đó là các sản phẩm tinh xảo như vòng tay, vòng cổ, hoa tai, tranh chân dung, tranh phong cảnh, câu đối, hoành phi… được nhiều du khách, người dân yêu thích.

Trong tiết trời mát mẻ của một buổi sáng tháng Tư, chúng tôi ghé thăm gia đình Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hoàng Văn Hạnh. Trong ngôi nhà ấm cúng của nghệ nhân, phần lớn vật dụng đều được làm từ chất liệu mây, tre, điều đó nói lên tình yêu, lòng đam mê của ông đối với nghề truyền thống độc đáo này. Nghệ nhân cho biết: “Gia đình tôi có nhiều đời theo nghề truyền thống mây tre đan. Từ khi còn tấm bé, tôi đã được tiếp xúc, được ông, cha truyền nghề, chỉ dạy tỉ mỉ trong mỗi khâu”.

Trò chuyện với nghệ nhân, chúng tôi được biết, để tạo nên một sản phẩm từ mây tre phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó có khâu chuẩn bị nguyên liệu. “Ngày trước, khi công nghệ còn chưa phát triển, muốn sản phẩm giữ được độ bền lâu, nguyên liệu phải được chọn lọc kỹ càng. Cây tre khi đem về phải luộc kỹ để lượng đường trong cây được tiết bớt. Mỗi nhà khi đó đều có một thùng để ủ khói tạo màu vàng đẹp cho tre và cũng tăng độ bền cho sản phẩm”, nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh chia sẻ.

Tiếp đến là khâu tạo sợi mây tre, theo nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, “đối với cây mây, phải cắt thành các đoạn khoảng 3m, sau đó nắn thẳng, xử lý hết các mấu, rồi mới đem đi chẻ, tạo ra các sợi mây, đây là công đoạn khá tỉ mỉ, phải là những người có kinh nghiệm, kỹ thuật mới làm được. Đối với làng nghề Phú Vinh, từ khâu chế biến nguyên liệu đến khi đan sản phẩm, chúng tôi đều làm thủ công bằng tay, không sử dụng máy móc. Đặc biệt, với các sợi mây, sợi nan, khi được tạo ra bằng tay, chất liệu của nó sẽ mềm mại, nuột nà hơn”.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh đang thực hiện đan sản phẩm mây tre

NNƯT Hoàng Văn Hạnh cũng cho biết, mỗi sản phẩm mây tre đan đều có quy tắc đan, cài riêng. Mỗi lần thực hiện các sản phẩm luôn phải tập trung và tỉ mỉ, bởi nếu đan sai một mắt xích nhỏ sẽ đều phải tháo ra làm lại…

Trong khuôn viên gia đình ông Hoàng Văn Hạnh được trưng bày nhiều mặt hàng, có những sản phẩm dù đã không còn thông dụng nhưng vẫn được ông gìn giữ, để mỗi khi có khách tới tham quan ông lại có dịp để quảng bá và chia sẻ tình yêu mây tre của mình tới mọi người. Ông Hạnh chia sẻ: “Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng những mặt hàng hiện đại ngày càng nhiều. Những sản phẩm truyền thống không còn được người dân ưa chuộng. Bên cạnh đó, vì thu nhập không cao, nên nhiều gia đình đã bỏ nghề. Tuy nhiên, với sự yêu thích và mong muốn gìn giữ nghề, gia đình tôi vẫn theo đuổi, vì đó là di sản văn hóa mà cha ông đã để lại”.

Để duy trì nghề thủ công truyền thống, gia đình NNƯT Hoàng Văn Hạnh cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, địa chỉ của gia đình ông đã trở thành nơi thân quen của sinh viên các trường đại học về mỹ thuật, kiến trúc… Họ đến đây để được học hỏi, trải nghiệm cũng như sáng tạo các tác phẩm. Với nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, điều này chính là niềm vui khi giới trẻ vẫn quan tâm, hứng thú với các sản phẩm truyền thống. Đồng thời, cũng là cơ hội để ông tìm hiểu về gu thẩm mỹ của người tiêu dùng hiện nay và nắm bắt được thị trường trong nước.

NNƯT Nguyễn Văn Trung với nhiều tâm huyết mong muốn truyền nghề đến các bạn trẻ

Cùng với nỗi niềm mong muốn gìn giữ nghề truyền thống, tại làng Phú Vinh còn có nhiều nghệ nhân khác, trong đó có NNƯT Nguyễn Văn Trung - một tấm gương sáng trong việc gìn giữ và truyền lửa nghề truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung từ nhỏ đã bị mắc căn bệnh viêm xương và nhiều bệnh khác. Trải qua nhiều thời gian đấu tranh, ông đã nghị lực vượt lên số phận, chiến thắng bệnh tật, đến với nghề mây tre đan và gắn bó cho đến hiện nay.

Trong khuôn viên gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, bên cạnh các sản phẩm thủ công truyền thống, các bức hoành phi, câu đối… còn có nhiều tác phẩm chân dung độc đáo. Ông là một trong những người thợ tài hoa đã thành công với nhiều tác phẩm về các vị lãnh tụ, trong đó có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với mong muốn giới thiệu rộng rãi các sản phẩm mây tre đan, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung không chỉ trưng bày tại nhà mà còn mang đến các triển lãm, hội chợ để quảng bá. Vì thế, các sản phẩm mây tre đan truyền thống nói chung, các tác phẩm của ông nói riêng đã được nhiều cá nhân, các đơn vị, cơ quan yêu thích, đặt hàng, qua đó góp phần lan tỏa giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề truyền thống Phú Vinh.

Các sản phẩm mây tre đan làng Phú Vinh

Bên cạnh việc phát huy giá trị làng nghề, NNƯT Nguyễn Văn Trung đã thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp mỹ nghệ Hoa Sơn để truyền nghề cho thế hệ trẻ, đặc biệt trong đó có người khuyết tật. Mỗi năm, Trung tâm thu hút từ 300 đến 500 học viên, trong đó có nhiều học viên khuyết tật được theo học miễn phí. Có những học viên đến từ các tỉnh xa, ông đã tạo điều kiện cho sinh hoạt, ăn ở tại trung tâm miễn phí.

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa tại Trung tâm, NNƯT Nguyễn Văn Trung cho biết: “Tôi thành lập trung tâm với mong muốn dạy nghề cho các bạn trẻ. Chương trình học của trung tâm đã được xây dựng thành giáo trình và được UBND TP Hà Nội công nhận. Tuy nhiên, vẫn còn ít bạn trẻ đam mê. Cùng với việc đào tạo tại trung tâm, chúng tôi còn đi giảng dạy ở nhiều nơi nhau nhằm thu hút được thêm nhiều bạn trẻ. Đây là nghề truyền thống của làng, tôi muốn con cháu thế hệ sau vẫn gìn giữ nét văn hóa cũng như để nghề truyền thống không bị mai một”.

Bài, ảnh: TRẦN THU GIANG

;