50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển

Chiều 18-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Hà An

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đinh Thị Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN; PGS, TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nxb Chính trị quốc gia  Sự thật.

Tham dự hội thảo còn có Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các hội nghề nghiệp chuyên ngành văn học, nghệ thuật…

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Mai Hương

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền văn học, nghệ thuật “yêu nước và nhân văn”; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, văn học nghệ thuật đã nỗ lực vươn lên và phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.

Giai đoạn 1975- 1985, văn học, nghệ thuật đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hun đúc niềm tin và khơi dậy khát vọng kiến thiết cuộc sống mới; tập trung phản ánh hiện thực sau chiến tranh, ngợi ca chiến thắng vĩ đại của dân tộc, tri ân sâu sắc những người con đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tính hiện thực XHCN giữ vai trò  chủ đạo, thể hiện rõ trong cách tiếp cận đề tài, cũng như phương pháp miêu ra hiện thực.

Bước sang giai đoạn 1986- 2000, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, văn học nghệ thuật thực sự có đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nội dung và phương thức biểu đạt. Từ cảm hứng sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, văn học, nghệ thuật chuyển hướng khám phá toàn diện đời sống xã hội, đời sống cá nhân, thân phận con người; đa dạng về khuynh hướng, bút pháp, phong cách và giọng điệu…

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày báo cáo đề dẫn - Ảnh: Hà An

Từ năm 2000 đến nay, cũng theo PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, văn học, nghệ thuật phát triển trong bối cảnh Đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc. Văn học, nghệ thuật không chỉ mở rộng không gian sáng tạo mà còn thay đổi về bản chất phương thức thể hiện; văn học mạng, phim ảnh trực tuyến, nghệ thuật đa phương tiện… ngày càng khẳng định vị trí như những hình thức biểu đạt mới mẻ, phản ánh tinh thần của thời đại số.

Hơn 100 tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề cơ bản, đó là: Phân tích bối cảnh lịch sử xã hội tác động đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua;  Đánh giá toàn diện thực trạng (thành tựu và hạn chế);  Đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh mới; Góp ý cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật phù hợp với đặc thù sáng tạo và yêu cầu của thời đại.

Tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đã đề nghị cần nâng cao hơn nữa năng lực, tư duy, trình độ của các nhà lãnh đạo quản lý văn hóa, văn nghệ các nghệ các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, văn nghệ, coi trọng đội ngũ tinh hoa, chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, sáng tạo nghệ thuật, viết lý luận phê bình, nhất là đội ngũ trẻ; tạo điều kiện vật chất và tinh thần để các văn nghệ sĩ có điều kiện hội nhập văn hóa, văn nghệ khu vực và thế giới…

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên là đại biểu chuyên trách của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội phát biểu - Ảnh: Mai Hương

PGS,TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên là đại biểu chuyên trách của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - đã đóng góp ý kiến và đưa ra những giải pháp nhằm kích thích đầu tư cho văn học, nghệ thuật từ khối tư nhân, tăng cường đầu tư từ Nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý theo hướng cởi mở, linh hoạt hơn với sáng tạo; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả và bảo vệ bản quyền; thúc đẩy công nghiệp văn hóa và ứng dụng công nghệ số trong văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu to lớn đạt được của văn học, nghệ thuật nước nhà sau 50 năm đất nước thống nhẩt, Hội thảo cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế của văn học, nghệ thuật biện nay đó là: vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc Đổi mới và chưa tương xứng với chiều sâu văn hóa - lịch sử của dân tộc;  một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về giải trí, thương mại, thiếu bản lĩnh chính trị- tư tưởng; còn những độ trễ giữa cơ chế, chính sách và thực tiễn phát triển mạnh mẽ của văn học, nghệ thuật…

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Mai Hương

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh:  Hội thảo đã tập trung làm rõ những tác động của bối cảnh lịch sử, văn hóa đối với sự vận động, phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm – từ sau những ngày thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ qua, văn học nghệ thuật đã bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời đây cũng là sợi dây bền chặt cố kết lòng người, hàn gắn những vết thương chiến tranh, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong quá trình hội nhập, các trào lưu tư tưởng, lý luận, sản phẩm cho văn học nghệ thuật bằng nhiều con đường, nhiều cấp độ… đã tạo điều kiện để những người sáng tạo và công chúng  nhanh chóng được cập nhật những giá trị của thế giới; đặc biệt về công nghệ số đã tác động và làm thay đổi tư duy vì vậy, đã ảnh hưởng sâu sắc đến những thay đổi về giá trị của văn học nghệ thuật và tạo nên xu hướng mới, sự đa dạng đối với văn học, nghệ thuật.

Khẳng định được những kết quả quan trọng đạt được,  chỉ ra những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua,  Hội thảo đã dự báo xu hướng phát triển, đồng thời, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là: xác định rõ, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu,  thể hiện khát vọng chân thiện, mỹ của con người… Vì vậy cần phải được quan tâm định hướng, nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Đổi mới căn bản, toàn diện chính sách phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng văn học, nghệ thuật, tạo bước phát triển đột phá về phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập, bám sát thực tiễn sôi động của đất nước, đồng hành, gắn bó máu thịt với công cuộc lao động, sáng tạo của nhân dân. Thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

MAI HƯƠNG

;