Chuyển đổi số - động lực quan trọng đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong bài viết “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm xác định: chuyển đổi số là một trong những định hướng chiến lược. Chuyển đổi số cùng với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”(1). Chuyển đổi số - về bản chất - là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, nhờ sự tiến bộ vượt bậc, nhanh chóng của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số tác động sâu, rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực, góp phần tăng năng suất lao động theo hướng đổi mới sáng tạo.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt cấu thành của một phương thức sản xuất. Theo quy luật khách quan, quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Phù hợp ở đây có nghĩa quan hệ sản xuất phải là “hình thức phát triển” tất yếu của lực lượng sản xuất, tạo địa bàn, động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Do bản tính của mình, lực lượng sản xuất là yếu tố động, biến đổi nhanh hơn, còn quan hệ sản xuất là yếu tố tương đối ổn định, biến đổi chậm hơn. Có thể coi quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất, quy luật gốc của sự phát triển xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là chính là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”(2).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(3). Lịch sử phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta luôn gắn liền với việc xác định rõ vai trò then chốt của khoa học, công nghệ. Đảng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc hiện đại hóa đất nước thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, phát triển khoa học, công nghệ luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong quá trình đổi mới. Điển hình là Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”… Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” được ví như “Khoán 10” của thế kỷ 21, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, mang tính chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc. Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu: “Nghị quyết số 57-NQ/TW không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động”(4).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là nền tảng tạo nên bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất; tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: “Thực hiện cách mạng chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc”(5). Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số tương xứng với vị thế là công cụ đổi mới lực lượng sản xuất trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tập trung xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật cho chuyển đổi số. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại: “Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”(6). Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo,... bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. Chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao.

Hai là, có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước gắn với khơi thông, phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số; Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách phù hợp huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; nguồn lực từ đất đai, tài sản trong xã hội mà người dân đang tích luỹ, biến những tiềm năng này thành động lực, tư liệu sản xuất để sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số gắn với cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức: “Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”(7). Xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác giữa một số tổ chức, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội. Xây dựng hệ thống thanh toán điện tử, tạo lập và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud). Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển. Cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn và hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo trong môi trường số. “Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao”(8). Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, tạo lập niềm tin trong môi trường số. Xây dựng cơ chế hợp tác, đối thoại để giải quyết các vấn đề phát sinh. Xây dựng và triển khai hệ thống xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng và kịp thời xử lý, gỡ bỏ. Xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá tín nhiệm số đối với hệ thống thông tin để đánh giá và công bố công khai mức độ an toàn, tin cậy. Thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng. Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng. Chủ động hợp tác quốc tế trong việc tham gia quản lý các tài nguyên chung trong môi trường số và trên không gian mạng; tham gia các tổ chức quốc tế và chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển đổi số.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”(9). Chuyển đổi số không chỉ là chiến lược mang tính đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn là nền tảng để Việt Nam vươn lên một vị thế mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đột phá trong chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển.

____________________

1, 5, 8: Tô Lâm, Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 1.050, tháng 11/2024, tr.7, 8.

2, 6, 7, 9: Tô Lâm, Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tạp chí Cộng sản, số 1.045, tháng 9/2024, tr.6, 6, 7.

3: Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269.

4: Tô Lâm, Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13/1/2025.

NGUYỄN QUANG BÌNH - NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

 

;