Đa Phúc - điển hình hợp tác xã kiểu mới

Cánh đồng trồng rau sạch ở hợp tác xã Đa Phúc, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An

 

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Đa Phúc (xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) Việt Nam năm 2012, chính thức đi vào hoạt động tháng 6/2016, trên nền tảng là HTX nông nghiệp trước đây. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu chỉ 500 triệu đồng, trong khi xã viên chỉ góp mỗi người 260.000 đồng. Để có vốn hoạt động, trong những ngày đầu thành lập, 4 thành viên trong Ban quản lý HTX đã thế chấp giấy quyền sử dụng đất của mình để vay vốn ngân hàng và được UBND xã cho phép thành lập Quỹ tín dụng nội bộ với thủ tục gọn nhẹ, rất thuận tiện cho người gửi (lãi suất gửi vào 0,6%, cho vay 1%). Sau 6 tháng thành lập, Quỹ đã huy động được hơn 1,2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi trong dân. Nhờ vậy, HTX đã có đủ nguồn vốn đảm bảo sản xuất kinh doanh, làm tốt công tác hậu cần cho đồng ruộng. Bình quân mỗi vụ, HTX cung ứng cho bà con nông dân hơn 50 tấn vật tư phân bón và 5 tấn thóc giống phẩm cấp tốt. So với trước khi chuyển đổi, HTX đã giảm được chi phí dịch vụ đồng ruộng mỗi vụ từ 15 - 20%. Nông dân không còn kêu ca, nhất là nước tưới, vật tư phân bón, thóc giống kém chất lượng. Tình trạng nợ khê đọng trong dân rất ít, chỉ còn 0,5 %/vụ.

Trên cương vị là Giám đốc HTX, hằng ngày ông Hoàng Vương vừa bám trụ sở điều hành công việc chuyên môn, vừa tranh thủ thăm đồng, chỉ đạo, hướng dẫn bà con xã viên gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng đúng quy trình kỹ thuật. Xã và HTX phát động toàn dân ra quân làm giao thông thủy lợi, sản xuất, chế biến phân chuồng, phân xanh cải tạo đất bạc màu; tham mưu với UBND xã kiện toàn củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn hiệu quả. Ban Quản lý HTX hiện nay chỉ còn 4 người, trong đó có 1 Giám đốc, 1 Phó giám đốc, kỹ thuật, kế toán và kho quỹ kiêm cung ứng vật tư, phân bón, thóc giống cho dân. Hai đội trưởng sản xuất được giao cho 2 trưởng thôn đảm nhận. Việc điều tiết nước, phòng trừ dịch bệnh trên đồng ruộng, thu gom xử lý rác thải ở 2 xóm được đấu thầu giao khoán cho 5 xã viên đảm nhận. Mức thu gom xử lý rác thải được thu theo quy định của UBND xã, mỗi năm thu 2 kg thóc/ sào (trước đây 10kg thóc/sào). Còn phí thu gom rác thải là 3.500 đồng /người/năm. Với mức đóng góp này, người thu gom rác thải được trả công 1.750.000 đồng /người/tháng. Còn công bảo vệ xử lý rác thải tại bãi rác thải tập trung được trả 600.000 đồng/người/tháng. Sau một thời gian chuyển đổi, dưới tài điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của Giám đốc Ban Quản lý HTX, Đa Phúc đã gặt hái được những thành công nổi bật, đặc biệt là giúp bà con nông dân mở rộng diện tích sản xuất các mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà con xã viên thay đổi nhận thức canh tác theo kiểu truyền thống và tạo thói quen sản xuất giá trị các mặt hàng nông sản theo chuỗi, sắp xếp lại lao động theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An; liên kết với các cơ quan chức năng ở huyện như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Giống cây trồng, Công ty vật tư nông nghiệp, Xí nghiệp Thủy lợi để tập huấn quy trình thâm canh các loại giống mới, tưới nước luân phiên để giữ độ ẩm cho lúa, phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; làm tốt công tác khuyến nông, thực hiện các chính sách của tỉnh và huyện như trợ giá túi ni lon, thuốc diệt cỏ, các loại cây trồng vụ đông, xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao. Với tác phong “bám đội, lội đồng”, Ban Quản lý HTX đã thành công trong thực hiện luân canh gối vụ, giúp bà con xã viên sử dụng quỹ đất đạt hệ số 2,8 lần/năm. Cả 73 ha đất canh tác của HTX được sử dụng đúng mục đích, gieo trồng mỗi năm 3 vụ ăn chắc. Vụ hè thu được chuyển thành vụ sản xuất chính, cơ cấu 100% diện tích giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, năng suất cao để né tránh bão lụt đến sớm, thu hoạch vào trung tuần tháng 9. Vụ xuân thì tập trung khép kín màu xanh vào tiết lập xuân để thu hoạch xong trước ngày 10/6. Còn vụ đông thì rút cạn nước gieo trồng 40 ha ngô, khoai và rau sạch, diện tích còn lại thì để nuôi trồng thủy sản. Ngoài các loại giống lúa năng suất cao, hạt thóc sản xuất ra bán được giá như Thái xuyên 111, VT404, Thiên ưu 8, Kim cương 111, HTX còn đưa vào thâm canh các loại cây lấy hạt, củ quả như lạc L14, L16, ngô nếp MX2, MX4, bí xanh, dưa chuột, khoai lang Nhật Bản... Do gieo trồng kịp thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất các loại cây trồng đạt cao (lúa vụ xuân đạt bình quân 72 tạ/ha, lạc xuân đạt 35 tạ/ha, ngô vụ đông đạt 48 tạ/ha. Còn dưa hấu, bầu, bí xanh, rau sạch, cá lúa thu từ 8 - 10 triệu đồng/sào. Tổng sản lượng lương thực và nông sản mỗi năm 200 tấn, cùng với hàng trăm tấn rau củ quả sạch đã đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo ra hàng hóa, vừa phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Chỉ tính 6 năm kiện toàn củng cố theo hướng tinh gọn hiệu quả, Đa Phúc trở thành điểm sáng về HTX kiểu mới của huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An, đã tự chủ được kinh tế, đảm bảo kinh doanh có lãi, có vốn và tài sản cố định hàng tỷ đồng, làm tốt công tác dịch vụ đồng ruộng, thu gom xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn. Nếu như trước đây, người dân phải lên tận các chi nhánh ngân hàng của huyện để vay vốn thì nay ngay tại HTX, cũng có Quỹ tín dụng để hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn đầu tư sản xuất chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Trụ sở làm việc của HTX, cửa hàng cung ứng vật tư phân bón, thóc giống, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật cho dân được nâng cấp, làm mới. Ban Quản lý HTX có trình độ trung cấp, thực sự là công bộc của dân. 6 năm qua, mặc dù thời tiết không thuận lợi, 3 năm gần đây đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi cả nước... nhưng dưới sự năng động, điều hành của Ban Quản lý HTX, sự đồng lòng, đồng thuận chung tay phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện nghiêm mục tiêu kép của bà con nông dân, đồng ruộng Đa Phúc vẫn trải màu xanh ấm no của các loại cây trồng giống mới, đời sống của bà con nông dân được nâng cao, với mức thu nhập hơn 40 triệu đồng người/năm. Từ 2 xóm nghèo ven tuyến đường sắt Bắc - Nam trước đây, nay Đa Phúc trở nên trù phú yên vui, với hơn 65% số hộ giàu và khá, làm được nhà cửa khang trang, có tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Số hộ đạt danh hiệu “Làng văn hóa thể thao” chiếm 85%. HTX nông nghiệp đã xây dựng được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao rộng 50 ha, vùng lạc cao sản đạt năng suất cao rộng 20 ha, vùng ngô và rau sạch hàng hóa rộng 25 ha. Hệ số sử dụng quỹ đất đạt 3 lần/ năm. Cả 398 xã viên HTX  đồng lòng đồng thuận thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. HTX nông nghiệp dịch vụ Đa Phúc được coi là mũi nhọn chủ công xây dựng NTM, đặc biệt là giúp dân hoàn thành nhanh gọn tiêu chí số 13, xây dựng NTM về đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tại xã và địa bàn dân cư. Đến đầu năm 2022, xã Diễn Tân đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

;