Đặc sắc nét văn hóa của người Khơ Mú - Bài 2: Trang phục của người Khơ Mú

Cộng đồng người Khơ Mú tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái, đặc biệt là về trang phục. Song những bộ trang phục của người Khơ Mú, nhất là của người phụ nữ, vẫn mang những bản sắc riêng, làm nên nét độc đáo và là niềm tự hào của người Khơ Mú. Ngày nay, nhiều nghệ nhân Khơ Mú rất tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình thông qua việc vận động đồng bào giữ gìn nét trang phục riêng được lưu truyền lại cũng như chỉ dạy cho thế hệ sau những nét độc đáo trên trang phục và bảo tồn cho đời sau. Những nỗ lực của họ ngày càng được nhân rộng bởi trang phục cũng là một phần quan trọng trong đời sống văn hoá của người Khơ Mú cần được bảo tồn và phát huy.

Bộ trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La vừa mang những nét chung lại chứa đựng những nét riêng mang đậm bản sắc của dân tộc mình

Khám phá nét đặc sắc trong trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú

 Nghệ nhân Lò Thị Lau quê ở bản Nậm Phù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - hiện đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) giới thiệu với chúng tôi về trang phục của người Khơ Mú. Chị cho biết, về cơ bản, người Khơ Mú mặc giống người Thái. Ðàn ông ăn mặc khá đơn giản với trang phục chủ yếu màu đen. Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Khơ Mú gồm có: Khăn piêu đội đầu, áo cóm màu đen với hàng cúc ở ngực, ngoài ra còn có dây lưng, váy, xà cạp, khăn đội đầu, bộ xà tích thắt lưng… 

Trang phục truyền thống của phụ nữ Khơ Mú có nhiều điểm tương đồng so với trang phục phụ nữ người Thái song vẫn có nét riêng biệt. Áo của người Khơ Mú mặc thường ngày chủ yếu là áo ngắn màu chàm, xanh thẫm hoặc xanh lá mạ. Nẹp cổ liền với nẹp ngực nhưng chỉ dài ngang ngực. Phía dưới hai nẹp ngực nối thêm những băng vải nhỏ nhiều màu sặc sỡ. Áo thường có hai lớp vải, lớp trong thường là vải chéo xanh hoặc phin, lớp ngoài là vải dệt thô nhuộm chàm. 

Khăn đội đầu tạo phong cách riêng biệt cho phụ nữ Khơ Mú

Ðiểm nhận diện rõ nhất về trang phục của người phụ nữ Khơ Mú là chiếc áo cóm. Nếu như phụ nữ Thái mặc áo nhiều màu sắc khác nhau thì áo của phụ nữ Khơ Mú thường màu đen, dài đến eo. Cổ áo cắt theo hình chữ V nẹp viền bằng dải thổ cẩm, mặt trước áo đáp tấm vải thổ cẩm rộng khoảng 20 cm thêu hoa văn rực rỡ chạy từ cổ áo đến hết thân áo. Nét độc đáo chính là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo cóm của phụ nữ. Ðây là điểm nhấn thu hút nhất của chiếc áo phụ nữ dân tộc Khơ Mú. 

Trên ngực áo cóm, dọc hai bên “mắc pém” có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang, phồn thịnh của người dân, đồng thời họ luôn mong chờ các vị thần mặt trời sẽ sưởi ấm và che chở họ trong cuộc sống hàng ngày. Xưa kia, áo thường có hai loại, những gia đình khá giả sẽ mặc áo có dọc theo nẹp ngực, dưới gấu thêu hoa văn, sau lưng đính hai dải chỉ các màu có các tua dài sặc sỡ. Gấu tay áo nối những băng vải nhỏ màu xanh, đỏ, vàng. Loại thứ hai lại không thêu thùa cầu kỳ mà chỉ trang trí mấy băng vải nhỏ trên nẹp ngực. 

Hoa văn chạy từ cổ áo đến hết thân áo là điểm nhấn thu hút của các cô gái Khơ Mú

 Nghệ nhân Lò Thị Lau chia sẻ, cũng như trang phục của người Thái, trang phục phụ nữ dân tộc Khơ Mú còn có “láp la” (dây lưng) là các tấm vải đủ màu sắc sặc sỡ quấn quanh phần eo để vừa che khuyết điểm người mặc, vừa tạo điểm nhấn cho bộ trang phục. Ðể trang phục của dân tộc mình đặc sắc hơn, nhiều phụ nữ đã cải tiến bằng cách sử dụng các loại vải màu như xanh, đỏ, vàng, tím đính kèm kim tuyến để làm áo cóm, nhưng vẫn giữ nguyên các họa tiết đặc trưng của dân tộc. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng trang phục dân tộc, một số chị em còn thêu các họa tiết, hoa văn để làm hàng hóa, người mua về chỉ cần may họa tiết vào phần tay, vai, ngực, chân áo cóm 

Váy của phụ nữ Khơ Mú có nhiều nét pha trộn với váy của người Thái và Lào. Váy màu đen, dài từ eo xuống mắt cá chân. Thân váy, gấu váy được thêu họa tiết hoa văn với điểm nhấn là chiếc thắt lưng quấn quanh eo. Thắt lưng thường làm bằng lụa, màu sáng, điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải.

Hoa văn độc đáo mang đậm nét riêng trên áo của người Khơ Mú

Ngồi thêu hoa văn cho chiếc khăn đội đầu ở Làng Khơ Mú - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chị Hùng Thị Hải đến từ bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, Sơn La cho biết, khăn đội đầu cũng góp phần tạo phong cách riêng biệt cho phụ nữ Khơ Mú. Bằng cách phối nhiều màu sắc và kỹ thuật thể hiện, hoa văn trên khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Khơ Mú có bố cục chặt chẽ vô cùng tinh tế. Khéo léo đội thử chiếc khăn lên đầu, chị Hải bật mí, cách đội khăn piêu của người Khơ Mú khác hoàn toàn với cách đội khăn piêu của người Thái. Khi đội khăn, phụ nữ Khơ Mú biết tạo cho mình một phong cách riêng biệt. Trước khi đội khăn, chị em búi tóc gọn trên đầu, dùng thêm độn tóc cho búi tóc đẹp. Sau đó mới quấn khăn quanh đầu, ôm lấy búi tóc ngược, còn đầu kia giấu kín vào vành khăn. Tuy cũng được gọi là khăn piêu như khăn của người Thái nhưng khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Khơ Mú được trang trí thêm các họa tiết hoa văn bằng chỉ thêu, những sợi tua và hoa vải màu ở hai đầu khăn. Mảng trang trí đẹp mắt này là sự giao thoa văn hóa giữa người Khơ Mú với người Thái trong vùng. 

Chiêm ngưỡng bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Khơ Mú, có thể thấy bên cạnh tiếp thu những tinh hoa trang phục truyền thống của người Thái, đồng bào dân tộc Khơ Mú đã sáng tạo nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình vừa mang những nét chung lại chứa đựng những nét riêng mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Người Khơ Mú mặc giống người Thái, nhưng có điều khác là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ

Trong khi đó, trang phục của nam dân tộc Khơ Mú mộc mạc giản dị, được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi. 

Trang phục truyền thống của người Khơ Mú luôn được đồng bào gìn giữ và bảo tồn

Trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơ Mú đang được đồng bào tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp này. Nghệ nhân Lò Thị Phanh (63 tuổi) quê ở bản Phiêng Phớ, Noong Lay, Huyện Thuận Châu, Sơn La kể rằng, từ nhiều năm nay, bà không chỉ luôn góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc qua những giai điệu dân ca Khơ Mú mà còn góp phần giữ bản sắc riêng của trang phục phụ nữ Khơ Mú. Giờ đây cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều người Khơ Mú mua quần áo ở chợ và ăn mặc giống người Kinh. Bà cùng một số nghệ nhân ở địa phương vận động phụ nữ Khơ Mú tự dệt vải, thêu hoa văn cổ truyền và tự may trang phục truyền thống. Bà Lò Thị Phanh kể, theo phong tục truyền thống ở quê bà, con gái đi lấy chồng phải có 20 chiếc khăn piêu để tặng cho dòng họ bên chồng, cùng với khoảng 30-40 chiếc túi của người Khơ Mú. Những món đồ này trước đây, các cô gái phải tự dệt vải và thêu tay, nó cho thấy sự chăm chỉ và khéo léo của mỗi cô dâu mới. 

Nhũng tấm vải thổ cẩm do những người phụ nữ Khơ Mú dệt

Ðể giữ gìn bản sắc độc đáo nhất của trang phục người Khơ Mú là chiếc áo phụ nữ, bà Lò Thị Phanh cho biết, từ năm 2006, bà đã bắt đầu nghiên cứu những đường nét hoa văn và cách trang trí của chiếc áo truyền thống để chỉ dẫn cho những phụ nữ khác cùng biết cách lưu giữ những hoa văn độc đáo cũng như cách trang trí chiếc áo mang đậm bản sắc riêng của dân tộc mình. Con gái bà là Lò Thị Mai, sinh năm 1991 cũng được mẹ chỉ dạy và giờ đây không chỉ may quần áo trang phục truyền thống cho các đội văn nghệ ở địa phương mà còn may quần áo, sửa trang phục cũng như chỉ dạy cho người làng trang trí váy áo theo cách cổ truyền.

Trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú mộc mạc đậm đà bản sắc

Nghệ nhân Lò Thị Phanh kể, xưa kia, đời sống khó khăn, quanh năm phải lo cái ăn, cái mặc nên thanh niên Khơ Mú chỉ múa vào những dịp lễ Tết, hội hè. Ngày nay, những điệu múa Ong eo, Tăng bu, múa xòe vòng... được họ biểu diễn bất cứ lúc nào, nhất là vào những đêm rằm chơi trăng, hò hẹn hay những dịp hội họp ở địa phương. Mỗi khi biểu diễn, trang phục là một phần quan trọng vừa tạo bản sắc riêng vừa góp phần làm tiết mục biểu diễn thêm phần hấp dẫn. Khi múa Ong eo, người nam thường đeo chiếc khoong khăn vừa là nhạc khí, vừa là đạo cụ. Trong khi đó, các cô gái với bộ trang phục truyền thống áo cóm, váy thổ cẩm sặc sỡ cùng với nhịp gót nhún rộn ràng, uốn lượn lưng eo. Trang phục làm nổi bật chiếc eo thon và ôm sát thân hình không chỉ tôn lên nét đẹp của người phụ nữ mà còn khiến điệu múa càng trở nên quyến rũ. Trong tất cả các điệu múa của người Khơ Mú, trang phục đều là một phần quan trọng mang lại bản sắc dân tộc. Bởi vậy, nghệ nhân Lò Thị Phanh cho rằng, bà và những chị em khác ngày càng nỗ lực bảo tồn nét đẹp truyền thống của trang phục dân tộc mình. Việc mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, Tết và những sinh hoạt trọng đại của gia đình không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn nâng cao đời sống tinh thần, lòng tự tôn dân tộc và góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở mỗi địa phương.

Trang phục của nam dân tộc Khơ Mú mộc mạc giản dị, được may bằng vải bông nhuộm chàm

Nỗ lực gìn giữ và bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú không chỉ được đồng bào thực hiện ở địa phương mình. Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, thành và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nghệ nhân Lò Thị Phanh là người luôn gìn giữ những nét riêng biệt trong trang phục của người Khơ Mú

(tiếp theo số 562 và hết)

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024

;