Bí ẩn khuôn mặt Long hàm thọ trên ngai thờ Hoàng gia triều Nguyễn

Nguồn: Sách Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Cách gọi một ngọn núi, con sông cho đến vùng đất luôn chứa đựng dấu ấn tự nhiên, đời sống xã hội và cả địa chính trị. Ở phương Tây, từ rất sớm đã có hẳn một chuyên ngành khoa học nghiên cứu về địa danh - Toponymy. Bán đảo Ðông Dương bao gồm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia mãi đến thế kỷ XIX mới có một cái tên mới, liên quan đến địa văn hóa: Indochine. Nghiên cứu giao thoa văn hóa Ấn Ðộ và Trung Hoa ở xứ Ðông Dương cũng là vấn đề học thuật chừng hơn 100 nay lại đây. Rồng là một biểu tượng gắn bó chặt chẽ với văn hóa Trung Hoa. Từ góc nhìn nghiên cứu so sánh, trong bài viết này, chúng tôi thử vén bức màn bí ẩn của đồ án long hàm thọ rất thịnh hành từ thế kỷ XVII-XIX ở Việt Nam. Có hay không sự đan xen văn hóa Ấn Ðộ và Trung Hoa trong đồ án này trên những chiếc ngai thờ ở đền miếu triều Nguyễn.

Khái quát về nghiên cứu địa văn hóa

Theo Từ điển Ðịa lý văn hóa do Nxb Ðại học Oxford (2013) thì địa văn hóa Cultural geography là lĩnh vực nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và nơi chốn1. Theo nghĩa rộng, địa lý văn hóa xem xét các giá trị văn hóa, thực tiễn, các biểu hiện và đồ tạo tác vật chất và diễn ngôn của con người, sự đa dạng và đa dạng văn hóa của xã hội, và cách các nền văn hóa được phân bổ trên không gian, cách các địa điểm và nhận diện chung được tạo ra, cách mọi người hiểu được địa điểm và xây dựng ý thức về nơi chốn cũng như cách mọi người tạo ra và truyền đạt kiến ​​thức và ý nghĩa văn hóa. Tên gọi Indochine là hệ quả của quá trình phương Tây xâm chiếm thuộc địa. Theo đội quân viễn chính, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã đến Ðông Dương. Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện dấu ấn văn hóa Ấn Ðộ đậm nét trong văn hóa Campuchia, Lào, dấu ấn văn hóa Trung Hoa sâu đậm trong văn hóa Việt Nam. Nhà địa lý người Pháp Victor Adolphe Malte-Brun (25/11/1816 - 13/7/1889) là người đầu tiên gọi Việt Nam- Lào - Campuchia là Indochine2. Trong ba nước bán đảo Ðông Dương, Việt Nam là nước Indochine nhất, từ Huế trở ra chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, từ Huế trở vào, chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ. 

Nguồn ảnh: Vũ Kim Lộc

Rồng là chỉ dấu để nghiên cứu tầm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Từ lâu, giới nghiên cứu đã cho rằng ở đâu có rồng, ở đó có dấu ấn văn hóa Trung Hoa. Nguyễn Ngọc Thơ trong cuốn sách Hình tượng rồng trong văn hóa phương Ðông, Nxb Chính trị quốc gia (2016) có nhận định: “Do là một hình tượng không có thật, là kết quả của sự lắp ghép, hình tượng hóa một số các yếu tố, đặc trưng của các loài vật trong giới tự nhiên tạo thành nên rồng không có hình dáng cố định tuyệt đối. Mặt khác, cư dân ở các địa phương khác nhau, các nhóm dân tộc khác nhau ít nhiều cũng để lại dấu ấn văn hóa truyền thông của mình, do vậy, rồng ở từng vùng khác nhau cũng có những điểm khác nhau.”[tr40.sđd]. 

Cho nên, thoạt nghe Long hàm thọ hay nói theo cách dân gian là rồng ngậm chữ Thọ, ai cũng nghĩ đồ án này hoàn toàn mang dấu ấn Trung Hoa. Rồng và chữ Thọ là hai đồ án xuất hiện từ rất sớm và được điển chế trên trang phục các hoàng đế Trung Hoa. Chữ Thọ , thọ là một trong những từ tốt lành được sử dụng phổ biến nhất trong tiếng Trung, ban đầu ám chỉ sự trường tồn của vạn vật. Long , tức rồng là con vật thần kỳ trong truyền thuyết cổ xưa và là sinh vật thần thoại lớn nhất Trung Quốc. Vì vậy, ở thời phong kiến, rồng được dùng để tượng trưng cho những vật dụng của hoàng đế như mặt rồng, giường rồng, con cháu của họ được gọi là con rồng, cháu rồng. Trung Hoa thay đổi qua nhiều triều đại, nhiều tộc người thay đổi ngồi lên ngai vàng quyền lực, nhưng quan niệm sùng kính rồng và sự trường thọ dường như không thay đổi. Trên đồng tiền xu thời cận đại, đời Vua Quang Tự nhà Thanh ( trị vì từ 1875 -1908), có hình song long triều Thọ (hai con rồng vờn chữ Thọ). 

Rahu rồng hàm thọ trên kiến trúc Điện Ngưng Hy, bản vẽ tác giả

Trở lại với đồ án long hàm thọ, trong mỹ thuật Việt cùng với hình ảnh con rồng đầy đủ tứ chi, miệng há to ngậm chữ Thọ (chủ yếu xuất hiện trong không gian hoàng tộc) thì cũng có đồ án rất phổ biến, từ cung đình tới thường dân, đồ án con rồng miệng há to chỉ có hai chi trước, miệng há rộng, ngậm chữ Thọ. Dạng thức đồ án rồng hổ phù như cách gọi NNC Nguyễn Ngọc Thơ hay hổ phù như cách gọi NNC Trần Lâm Biền, NNC Phan Thanh Bình đều có nguồn gốc từ đồ án Rahu trong thần thoại Ấn Ðộ. Theo Nguyễn Ngọc Thơ: “Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy nguồn gốc xa xưa nhất của rồng hổ phù là biểu tượng Rahu trong văn hóa Ấn Ðộ, theo diễn trình giao lưu văn hóa ở Việt Nam, đã được truyền bá trực tiếp (từ Ấn Ðộ sang) hay gián tiếp (qua Trung Hoa) và diễn hóa thành rồng hổ phù trong văn hóa Việt” [tr.313.sđd]

Rahu là một con quỷ đã uống trộm nước trường sinh, dù đã bị thần Vishnu chém đứt thân, chỉ còn lại đầu và hai chi trước, nhưng vẫn sống. Trong những bản kinh tối cổ Puranas đã mô tả khá kỹ sự kiện này. (xem thêm Cao Huy Ðỉnh, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, 2004, tr.97). 

Kể từ đây, để tiện cho theo dõi, chúng tôi sẽ gọi đồ án rồng hổ phù dạng long hàm thọ ngắn gọn hơn là dạng Rahu mặt rồng hàm chữ thọ. Nếu rồng luôn được hình dung là linh vật biến hóa khôn lường. Nhưng phải tới dạng thức Rahu mặt rồng hàm chữ thọ, ta mới cảm nhận hết năng lực sáng tạo của người xưa. Rahu rồng là kiểu thức bí ẩn nhất trong mỹ thuật Á Ðông, là sự kết hợp kỳ bí giữa văn hóa Ấn Ðộ và Trung Hoa ở Việt Nam. 

Ngai thờ cung đình Huế

Theo nghiên cứu của Phạm Thị Minh Tâm, ngai thờ của vương triều Nguyễn còn lại 4 chiếc ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế 3. Tuy không đưa ra niên đại chính xác, nhưng căn cứ dạng thức đồ án, tác giả phỏng đoán 4 chiếc ngai này ở những giai đoạn khác nhau, có hai chiếc ngai thờ được cho là từ thời vua Ðồng Khánh (1885-1889) trở về sau. Ðây là đồ tự khí được bài trí trên các án thờ của triều Nguyễn, chuyên để đặt bài vị. Ngai thờ được sơn son thếp vàng, trạm trổ tinh mỹ. Ngai thờ hoàng gia cũng khá giống với ngai vua, điểm khác biệt lớn nhất là sự xuất hiện của đồ án Rahu rồng ngậm chữ Thọ. 

Rahu long hàm thọ trên tượng đá ở lăng Gia Long, bản vẽ tác giả

Chỉ ở ngai thờ mới xuất hiện đồ án này. Khi nghiên cứu về ngai thờ, Phạm Thị Minh Tâm tuy chú ý đến tính biểu tượng thiêng liêng của các đồ án trang trí, nhưng chưa phân biệt sự khác nhau giữa đồ án rồng và Rahu rồng. Xét về ý nghĩa biểu tượng, Rahu là một biểu tượng kép, trước hết nó liên quan đến sự lừa dối, tham lam, giận dữ. Nhưng vì uống trộm thuốc trường sinh bất tử nên Rahu cũng được coi là thần của may mắn, tiếng tăm, uy tín và quyền lực, sự thịnh vượng và tri thức tối thượng. Trong quan niệm của Phật giáo ở Thái Lan, Phra Rahu Rahu được thờ phụng như một sức mạnh siêu nhiên tiêu trừ ác độ, bảo vệ Phật pháp. Người Khmer Nam Bộ gọi Rahu là Rìa-hu, cũng có nhiều nét tương đồng với Phật giáo Thái Lan.

Tín ngưỡng này liên quan đến một nội dung kinh Phật trong tiếng Pali, khi Rahu tấn công Chandra - thần Mặt trăng và Suriya - thần Mặt trời, đức Phật xuất hiện buộc Rahu phải nhả họ ra. Khi ngậm chữ Thọ trong miệng, đồ án Rahu đầu rồng mang ý nghĩa trường thọ tuyệt đối4. Ước vọng về sự trường thọ là tư tưởng của Ðạo gia, không phải là mong ước của đức Phật. Sự trường thọ ở đây, không mang tính cá nhân mà là “sự trường tồn vương nghiệp” (Phạm Thị Minh Tâm, sđd).

Tạm kết

Nếu xếp rồng là con vật hư cấu thì đây là linh vật phức tạp nhất trong hệ thống biểu tượng của nhân loại. Ở Việt Nam, rồng không chỉ là rồng, không chỉ có một nguồn ảnh hưởng duy nhất từ Trung Hoa. Những cộng đồng dân tộc anh em phương Nam đã đưa hình tượng Rahu vào trong mỹ thuật Việt. Những ảnh hưởng của giao thoa văn hóa đã để lại những hiện tượng phức tạp trong mỹ thuật Việt Nam. Ngay với sự xuất hiện đồ án Rahu với hình dạng rồng trên ngai thờ tiếp tục đặt ra cho nghiên cứu mỹ thuật Việt một góc soi chiếu khác. Từ một điểm khác, một cách tiếp cận khác, không phải phi Hoa phi Ấn mà tích hợp Hoa Ấn như phương châm “Nhạc phổ hòa Ðường - Phạn đồng âm” mà bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý từng đề xuất.

_______________

1 Castree, N., Kitchin, R., & Rogers, A. (2013). “Địa lý văn hóa”, trong A Dictionary of Human Geography (Từ điển Địa lý văn hóa), Nxb Đại học Oxford. Truy cập ngày 14/3/2017.

2 Émile Gsell (1838-1879), nhiepanhvietnam.vn.

3 Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (2015), Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, tài liệu lưu hành nội bộ, tr.156-163.

4 John Dowson (1870), A Classical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography (T đin Thn thoi và Tín ngưỡng Hindu giáo).

Tài liệu tham khảo:

1. Castree, N., Kitchin, R., & Rogers, A. (2013). “Cultural geography.” In A Dictionary of Human Geography (mc t Đa lý văn hóa trong T đin Đa lý Nhân văn)  Nxb Đại học Oxford (Hoa Kỳ).

2. Nguyễn Ngọc Thơ (2016) Hình tượng rng trong văn hóa phương Đông, Nxb Chính trị quốc gia.

3. Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyn tp tác phm, Nxb Lao động. 

4. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (2015), Bo tàng C vt cung đình Huế, tài liệu lưu hành nội bộ.

5. John Dowson (1870), A Classical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography (T đin Thn thoi và Tín ngưỡng Hindu giáo).

TRẦN HẬU YÊN THẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;