Đào tạo khán giả - nên chăng?

Trong tình hình sân khấu hiện nay, có vẻ như có một sự thiếu đồng bộ, thiếu ăn ý giữa khán giả và nghệ thuật, đặc biệt là khán giả trẻ. Dường như họ kém mặn mà với sân khấu, thậm chí ít hiểu biết về sân khấu, và từ đó ít đồng cảm, lui tới. Vì vậy nên chăng có một chiến lược “đào tạo” khán giả để họ có thể tiếp cận sân khấu một cách tốt hơn?

Cảnh trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp

Cần có thời gian thẩm thấu

Thật sự nghệ thuật không hẳn vừa tiếp cận đã cảm ngay, yêu ngay. Người ta có thể phải cần thời gian mới thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, hoặc cần sự giải thích, thuyết minh cho khán giả hiểu. Vì thế công tác “đào tạo” ắt cũng không thừa. Nhất là đối với các bộ môn sân khấu truyền thống như hát bội, cải lương, khán giả phải nghe đi nghe lại các bài bản, giai điệu thì mới cảm, chứ không dễ mà chỉ nghe một lần đã cảm, đã yêu. Ngày xưa, cải lương phát sóng trên radio và truyền hình thường xuyên, hoặc tràn ngập băng cassette, video, đĩa CD, VCD, thế hệ như chúng tôi ngày nào cũng nghe, cũng xem, không nghe từ chính nhà mình thì cũng nghe văng vẳng từ nhà hàng xóm, tạo thành một “môi trường” đậm đặc cải lương, thì tự nhiên nó thấm vào máu, vào tim lúc nào không rõ, thế là yêu thôi. Còn bây giờ, thế hệ trẻ có quá nhiều loại hình giải trí, nhất là game show phủ sóng suốt ngày đêm, không còn thời gian cho cải lương, bảo sao các bạn tiếp cận được. 

Với hát bội, càng khó hơn. Nếu không có ai thuyết minh thì chắc các bạn không chịu khó tìm hiểu những ngôn ngữ ước lệ trên sân khấu, thí dụ cây roi có gắn những chùm lông là biểu tượng cho con ngựa, động tác đi ba vòng là đã qua 3 ngọn núi, hoặc qua 3 ngày đêm v.v… Một bộ môn đầy tính ước lệ mà ngày xưa thế hệ chúng tôi phải coi đi coi lại biết bao nhiêu lần mới hiểu, và mới thấy hay, thấy đẹp qua từng động tác vũ đạo. Giờ các bạn đâu có thời gian nghiên cứu kỹ như vậy, nếu vào xem một vài suất mà không hiểu thì chia tay luôn.

Ngay cả kịch nói cũng có vẻ khó khăn trong mấy năm gần đây. Sàn diễn bớt khách, các vở kịch dễ dãi dần vì phải theo thị hiếu của lớp trẻ. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu IDECAF có lần nói: “Chúng tôi muốn dựng lại một số vở kịch nước ngoài nổi tiếng một thời, nhưng xem tình hình không mấy khả quan, nên thôi”. Nói chi xa, vở Một cuộc đời bị đánh cắp của Nhật từng được dựng lại rất hay, nhưng rồi bán vé không bao nhiêu suất, trong khi những vở hài vui vui thì dễ bán vé. NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc cũng nói: “Giờ muốn lớp trẻ ngồi im lặng nghe một câu thoại đầy tính văn học không phải dễ. Các bạn nghe thoại sinh hoạt quen rồi, giờ nghe thoại văn học phải có thời gian đào tạo”. Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ trăn trở: “Cải lương nói là vẫn còn trong máu trong tim người dân Việt, nhưng nếu không biết cách khai quật thì nó cũng sẽ nằm im và mai một. Đào tạo phải là một chiến lược đàng hoàng, chứ không phải thả trôi cho các sân khấu tự phát làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, mà không làm thì cũng không ai trách, bởi họ còn phải kiếm cơm nuôi anh em nghệ sĩ với nhau. Đào tạo khán giả để nghệ thuật tồn tại một cách đẹp đẽ, chất lượng, nếu không nó sẽ chạy theo thị hiếu dễ dãi, hoặc biến mất luôn”.

Bắt đầu từ đâu?

Theo NSND Lệ Thủy: “Công tác đào tạo phải bắt đầu từ ghế nhà trường, bởi đó là nơi tập trung đông nhất những khán giả trẻ, khán giả của tương lai, dễ tổ chức các chương trình cho các em thẩm thấu”. Một thời gian, chương trình Sân khấu học đường cũng rất hiệu quả, các em học sinh, sinh viên được xem cải lương, hát bội hằng tuần, được nghe thuyết minh, tìm hiểu kiến thức, thậm chí được lên hát ngay, rất thú vị. Nhưng sau này, Sân khấu học đường dường như đã giảm bớt suất, không được Sở Văn hóa, Thể thao đầu tư nhiều như trước nữa, thật đáng tiếc. NSƯT Phượng Loan nói: “Tôi cũng có đi diễn mấy lần cho trường học, dù thù lao không nhiều nhưng tôi vẫn mong được tiếp tục truyền lửa cho khán giả trẻ. Mình nhìn các em mà hình dung ra tương lai của cải lương. Tuy nhiên cũng nên chọn những trích đoạn dễ hiểu, dễ cảm, vì các em chưa từng xem nguyên tuồng, nên không hiểu trọn vẹn câu chuyện, nếu mình chọn trích đoạn khó hiểu quá thì các em ngỡ ngàng. Tốt nhất là chọn đề tài lịch sử ”. 

Cảnh trong vở Trung thần

Hát bội cũng thế, phải có những buổi diễn và thuyết minh gọn ghẽ gọi là ngoại khóa trong nhà trường, thì ít nhiều gì các em cũng nắm bắt được cơ bản bộ môn truyền thống này, còn hơn là xa lạ hoàn toàn. Những sân khấu ngoài trời tại các công viên cũng nên tổ chức chương trình nho nhỏ dành cho hát bội, cải lương vào cuối tuần, chắc chắn người ta sẽ thuận đường ghé mắt vào xem, và chắc chắn cũng thẩm thấu được một ít. Cứ nhiều lần “một ít” như thế thì lâu ngày cũng biến thành đầy đặn. Chúng ta đừng mơ làm cái gì to tát quá, cứ nhỏ giọt nhiều ngày thì khán giả trẻ không bị sốc, bị ngán. 

Kịch nói hiện nay không thiếu, nhưng là thiếu những vở đầy tính văn học, những chính kịch nặng ký, những vở thể nghiệm hay, để nâng tầm khán giả. Và khi có lực lượng khán giả như thế thì mới có hy vọng sau này họ mua vé xem những vở nặng ký của sân khấu. Cách tốt nhất vẫn là tiếp cận trường học. Đạo diễn Ái Như từ năm 2011 đã đem nhiều vở kịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh vào học đường, bán vé giá rẻ. Những vở kịch của Hoàng Thái Thanh không hề dễ dãi, mà toàn bi kịch, như Bao giờ sông cạn, Mơ trăng bóng nước, Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về, Bông hồng cài áo, Con ma nhà họ Hứa… hoặc tâm lý xã hội sâu sắc như Bàn tay của trời, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Oan tình ai thấu… 

NSND Hoàng Yến thì mạnh dạn đầu tư và tiếp thị những vở kịch lịch sử như Yêu là thoát tội, Vụ án cậu trời, Thành Thăng Long thuở ấy đến với học sinh cũng bằng giá rất rẻ. Đặc biệt, Yêu là thoát tội đã đạt 100 suất từ trước mùa dịch 2020, nếu không Hoàng Yến đã ký hợp đồng thêm nhiều suất nữa. Đây là những “bà bầu” mạnh dạn và tự tin, bởi tác phẩm của họ không dễ dãi tí nào, diễn cho các cô cậu học trò từ 15, 16, đến 19 tuổi quả là không đơn giản. Vậy mà “mưa dầm thấm lâu”, các em xem mãi thành quen, thẩm thấu được những câu thoại văn học, những biểu diễn chuẩn mực, những ý nghĩa sâu xa, thậm chí về nhà còn viết thu hoạch gửi cho sân khấu. 

Đạo diễn Ái Như tâm sự: “Các em viết hay đến bất ngờ. Đọc mà không tin đó là của một học sinh mới mười mấy tuổi”. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng thì cảm động: “Tôi cũng có vai diễn trong các vở của Hoàng Yến, và nói thật là ê kíp chúng tôi lấy thù lao cực kỳ ít ỏi, bởi vé bán có vài chục ngàn đồng thôi mà. Nhưng chúng tôi vui, vì nhìn thấy một thế hệ khán giả như thế. Chúng tôi cảm ơn các em đã cho mình thêm động lực để làm kịch”.

Nhưng có lẽ ưu tư nhiều nhất vẫn là không thấy bóng dáng đầu tư của Nhà nước, trong khi sân khấu tư nhân rất khó khăn. Nên chăng có sự hỗ trợ để các sân khấu tư nhân có thêm sự phấn khích mà làm tiếp, để họ đừng tủi thân, hoặc gãy gánh nửa chừng? Cơ quan chức năng hãy thẩm định những vở kịch hay của các sân khấu, rồi đầu tư dàn dựng và giảm giá vé 50% cho khán giả trẻ đến xem. Như vậy là đã tiếp sức cho sân khấu đào tạo khán giả tương lai một cách nghiêm túc. Suy cho cùng, nghệ thuật nâng cao dân trí, nghệ thuật tử tế khiến người ta sống tử tế hơn, góp phần vào cuộc sống rất lớn, chứ không đơn thuần chỉ là “mua vui một vài trống canh”!.

HOÀNG KIM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

;