Các cuộc thi ảnh là những sự kiện rất quan trọng trong đời sống nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp thường được diễn ra không biên giới và được tổ chức bởi các tổ chức chuyên nghiệp có uy tín. Thông thường, các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp chỉ được tổ chức mỗi năm một lần, thời điểm phát động thường là từ năm trước, kết thúc nhận ảnh vào đầu hoặc giữa năm sau. Thời gian sau đó là dành cho ban giám khảo và ban tổ chức làm việc. Kết quả công bố và trao giải vào nửa năm còn lại. Tùy theo quan niệm của mỗi người, hoặc mỗi tổ chức, con số và tên tuổi của các cuộc thi có uy tín này sẽ không giống nhau. Tuy nhiên dựa vào một số tiêu chí để đánh giá như số thí sinh tham gia, uy tín của các thành viên ban giám khảo, giải thưởng, ý kiến của giới phê bình… thì con số các nhà tổ chức các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp có uy tín trên toàn cầu không nhiều.
Tác phẩm: Christina
Giải Nhì thể loại ảnh nghệ thuật đơn, cuộc thi Monovisions awards, black & white, năm 2021 của Tatiana Malysheva, Nga.
Tự sự của tác giả: “Họ nói rằng đôi mắt là tấm gương của tâm hồn. Một cô gái trẻ như vậy, nhưng nhìn sâu vào bên trong bạn. Và bạn cảm thấy như cô ấy biết điều gì đó.”
Tại các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp thế giới sẽ không bao giờ thấy một việc mà ở Việt Nam thường thấy, đó là công bố ban tổ chức. Bản thân tổ chức của họ ra đời chủ yếu là để làm việc tổ chức các cuộc thi ảnh. Sự tồn tại của cơ quan này thường rất đa dạng. Nó có thể thuộc một quỹ nào đó, nó có thể đặt dưới sự quản lý của một hoặc nhiều cá nhân giàu có, nó cũng có thể thuộc nhiều tổ chức đa quốc gia… nhưng có một điểm giống nhau của các tổ chức này là chúng hoạt động tương đối tự chủ về mọi mặt. Nếu điểm qua thành phần ban giám khảo của cuộc thi ảnh quốc tế chuyên nghiệp, bạn sẽ gặp ở đây các giáo sư giữ những trọng trách quan trọng trong các viện, các trường đại học danh tiếng chuyên nghiên cứu và giảng dạy bộ môn nghệ thuật thị giác. Tiếp theo là các tổng biên tập, biên tập viên của các tạp chí nghệ thuật nổi tiếng, giám đốc các viện bảo tàng và các gallery trứ danh trên toàn thế giới. Nếu không giữ vị trí nào đó (freelancer), họ phải là những nhiếp ảnh gia, những biên tập viên, nhà sản xuất ảnh, những giám tuyển gạo cội của làng ảnh thế giới. Một điểm chung nhất của họ là đều là những người có bằng cấp thực thụ về nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia dù đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi chuyên nghiệp nổi tiếng nhưng không lý lịch nghề nghiệp đủ thuyết phục sẽ không bao giờ được mời làm giám khảo. Thông thường trong mỗi tổ chức thi ảnh chuyên nghiệp, luôn có một người phụ trách mảng giám khảo. Nhân vật này chuyên lo các vấn đề tổ chức, điều hành ban giám khảo, nhưng ít khi trực tiếp tham gia chấm ảnh. Có những người như bà Susan Baraz vừa là trưởng ban Giám khảo International Photo Awards, lại vừa là đồng Chủ tịch và thành viên sáng lập của The Lucie Awards, một giải thưởng và sự kiện Gala danh giá nhất, tôn vinh các bậc thầy nhiếp ảnh, và được coi là Academy Awards trong lĩnh vực nhiếp ảnh (được ví như giải oscar trong nhiếp ảnh). Bà còn được trân trọng mời làm giám khảo cuộc thi Prince of Dubai’s HIPA.
Tác phẩm: Hugs to Survive (Ôm để sống sót)
Giải Nhất thể loại ảnh nghệ thuật đơn cuộc thi HIPA năm 2021 của Mads Nissen, Đan Mạch.
Tự sự của tác giả: “Rosa Luzia Lonardi, 85 tuổi được y tá Adriana Silva da Costa Souza ôm hôn; cái ôm đầu tiên mà rosa đã nhận được sau
năm tháng. Vào tháng 3 năm 2020, các viện dưỡng lão trên khắp Brazil đã đóng cửa không cho tất cả du khách đến thăm, ngăn hàng triệu người đến thăm người thân cao tuổi, vì chính quyền đã chỉ thị giảm tiếp xúc cơ thể ở mức tối thiểu. Nhưng ở Viva Beam, một ngôi nhà cổ ngoại ô São Paulo, một sự đổi mới đơn giản được gọi là “rèm ôm”, nó cho phép để mọi người có thể nhìn thấy và ôm những người thân yêu của họ mà không phải mạo hiểm tính mạng.
đối với những người không có khách đến thăm, các tình nguyện viên và nhân viên đã thay người thân của họ làm điều đó. Như họ nói tại Viva Beam, "Ai cũng đều đều xứng đáng được ôm”.”
Tóm lại, mỗi thành viên ban giám khảo đều là các bậc thầy trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Họ có con mắt tương đối toàn diện về tất cả các bộ môn của lĩnh vực nghệ thuật này. Chính vì thế, cách nhìn của họ gần gũi với người xem hơn, không chỉ bị bó trong định kiến về nhiếp ảnh. Với họ, tính tạo nghĩa trong nghệ thuật luôn được nhấn mạnh, và là quan trọng hơn nhiều việc nó được thể hiện dưới ngôn ngữ nào.
Các thể loại ảnh được chấp nhận trong các cuộc thi là rất đa dạng. Có cuộc thi hằng năm bị trói buộc bởi chủ đề cụ thể nào đó, nhưng cũng có các cuộc thi tự do (open). Tuy nhiên dù là theo chủ đề hay mở thì tất cả các ảnh dự thi (entries) cũng đều được phân loại theo tiêu chí ngay từ nó được gửi(submit) bởi việc điền vào form của chính người tham gia thi. Ví dụ, cuộc thi của HIPA năm 2020, chủ đề là Humanity (Nhân loại), thì cũng có đủ các thể loại ảnh như portfolio (bộ ảnh giới thiệu bản thân), đen trắng, màu, kiến trúc, kể câu chuyện (story telling). Bên cạnh những tiêu chí quen thuộc như ảnh ý niệm (conceptual), nghệ thuật (Fine art), kiến trúc, ảnh chụp phim, báo chí, sự kiện, thiên nhiên, con người, thể thao, phong cảnh, du lịch, … thì cũng có những cuộc thi còn chia tiêu chí cụ thể hơn như ảnh bìa sách, quảng cáo, góc máy ấn tượng (Deeper Perspective), nhiếp ảnh gia đặc biệt của năm (Special Photographer of the Year) và tĩnh trong động (still in motion) của IPA, chuyển động (motion) của Sony World Photography Awards, đối tượng (subject) của MonoVision…
Tác phẩm: Looking Out from Within (Nhìn ra từ bên trong)
Giải Nhì thể loại ảnh chân dung, cuộc thi Sony World Photography Awards năm 2020, dành cho sinh viên, của Julia Fullerton, United Kingdom.
Tự sự của tác giả: “Thời gian vẫn đứng yên đối với hầu hết chúngta. đó là một thời điểm nhạy cảm; tất cả chúng ta đều cảm thấy dễ bị tổn thương và lo lắng. Tôi cảm thấy tê liệt, nhưng tôi biết tôi không thể đứng xung quanh và không làm gì cả, vì vậy tôi quyết định ghi lại sự tồn tại của ngày hôm nay như hiện nay của nhiều người. Tôi đã chụp họ trong tình trạng bị cách ly, phong tỏa một cách chắc chắn đằng sau cửa sổ của chính ngôi nhà của họ nhìn ra một thế giới hoang vắng khác. con trai 12 tuổi của tôi đã cầm đèn chiếu sáng giúp tôi.”
Có các cuộc thi ảnh quốc tế chuyên nghiệp, người ta không phân biệt các đối tượng tham gia. Ví dụ như MonoVisions Photography Awards, National Geographic, HIPA… Nhưng cũng có những cuộc thi như Sony World Photography Awards, IPA… người tham gia được nhận diện rõ ràng thành hai loại: chuyên và không chuyên. Hai sân chơi riêng biệt này được định nghĩa cụ thể trong luật định: Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là người sống được toàn bộ hoặc một phần bằng nhiếp ảnh và/hoặc đã xuất bản tác phẩm nhiếp ảnh của họ và/hoặc là thành viên của một hiệp hội hoặc tổ chức nhiếp ảnh nào đó. Mặc dù là tổ chức thi ảnh chuyên nghiệp nhưng lại có những cuộc thi phân chia cụ thể hơn sân chơi cho đối tượng nghiệp dư: người trẻ tuổi và sinh viên. Theo trả lời phỏng vấn của một thành viên ban giám khảo IPA thì yêu cầu thang chấm cho nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên là khác nhau, vì thế giải thưởng cùng là như nhau về thứ bậc (nhất, nhì, ba, và danh dự) nhưng giá trị là khác nhau.
Tác phẩm: Drying Fish (Phơi cá)
Giải Nhất thể loại ảnh du lịch, cuộc thi Sony World Photography Awards năm 2020, dành cho sinh viên, của Khanh Phan, Vietnam.
Tự sự của tác giả: “Một người phụ nữ làm khô cá tại chợ cá Long Hải, tỉnh Vũng Tàu của Việt Nam. Hàng nghìn khay cá nục được phơi trên nóc nhà, sân bãi bởi hàng trăm công nhân. Tôi đến Long Hải trong một chuyến đi chụp ảnh và bị choáng ngợp trước quy mô của làng chài.”
Những cuộc thi phải tuân theo chủ đề cụ thể (ví dụ giải HIPA) sẽ có đòi hỏi tương đối ngặt nghèo về vấn đề chỉnh sửa ảnh: mọi biên tập cao cấp được sử dụng để tạo ảo giác, mọi sự gian lận và/hoặc thao tác; bao gồm cả việc bố cục lại và chỉnh sửa thêm bớt của bức ảnh bị nghiêm cấm. Tuy nhiên ở những cuộc thi mở, do việc phân loại ảnh theo từng thể loại rất cụ thể, nên không có quy định trên trong luật. Nếu ảnh đồ họa mà được đưa vào thể loại khoảnh khắc sẽ đương nhiên bị loại. Ở các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp quốc tế, không tồn tại những tranh cãi đối các tác phẩm đoạt giải xem đây là ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật. Một mặt những tác phẩm báo chí được trao giải đều đã phải thừa tiêu chuẩn nghệ thuật nhưng mặt khác, mỗi loại ảnh đều có tiêu chí chấm riêng biệt. Nói chung, những nhiếp ảnh gia là phóng viên thường có sân chơi danh tiếng dành riêng cho báo giới như Pulitzer hay World Press Photo.
Tác phẩm: Made in the Shade (Được làm trong bóng tối),
Giải Nhất thể loại ảnh nghệ thuật, cuộc thi của IPA 2020, của Chloe Meynier, US.
Mỗi tổ chức thi đều có đối tác là các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ này hầu hết là các tổ chức kinh doanh có liên quan đến nhiếp ảnh như nhà sản xuất máy ảnh, vật tư ngành ảnh, nhà xuất bản, các bảo tàng, gallery, các trường đại học và học viện nghệ thuật... Trước và trong mỗi cuộc thi, đặc biệt các lễ trao giải, các bộ phận truyền thông của tổ chức phải làm việc hết công suất để nhằm quảng bá hình ảnh của cuộc thi đến giới nhiếp ảnh. Họ chính là người nắm được nhu cầu của thị trường ảnh để tư vấn cho chủ đề các cuộc thi.
Tác phẩm: Fishing in Mangrove Forest (Đánh cá trong rừng ngập mặn),
Giải Nhất thể loại ảnh về con người (people), cuộc thi của Drone Photo Awards 2021, của Trung Pham Huy, Vietnam.
Tự sự của tác giả: “Một ngư dân bắt đầu ngày đánh bắt của mình trong rừng ngập mặn ở phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. rừng ngập mặn rụng hết lá và chuyển sang màu trắng trong suốt mùa đông.”
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ Việt Nam, bằng tình yêu với nghệ thuật, lợi thế của tuổi trẻ, làm chủ công nghệ, đã tự tin bước vào sân chơi chuyên nghiệp toàn cầu. Họ đã có những tác phẩm trình làng đầy ấn tượng tại những giải đình đám của làng ảnh. Mặc dù hầu hết mới dừng lại ở thể loại phong cảnh, chưa thể hiện được nhiều mức độ tư tưởng của tác phẩm, nhưng đó là những vốn ban đầu hết sức quý giá. Mong cho ngày càng có nhiều nhiếp ảnh gia của chúng ta sánh bước được với những tên tuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp của các nước, làm rạng danh nền nhiếp ảnh nước nhà.
LƯU PHƯƠNG BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021