Dấu ấn của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang trong Công lý không gục ngã

Năm 2015, Hội đồng Nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ quyến định lựa chọn kịch bản văn học Công lý không gục ngã của nhà viết kịch Lê Chí Trung làm tác phẩm nhằm tham dự liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức ở thành phố Thanh Hóa. Công tác lựa chọn đạo diễn để dàn dựng vở kịch lịch sử tương đối khó khăn trong bối cảnh nhiều đạo diễn trẻ thì chưa đủ tầm. Trong khi đó, kì vọng của nhà hát vào tác phẩm là rất lớn để khẳng định thương hiệu và tên tuổi của đơn vị nghệ thuật, cũng như sự khẳng định của các nghệ sỹ tham gia biểu diễn. Trong bối cảnh đó, NSND Doãn Hoàng Giang là đạo diễn lớn, nhưng chưa một lần dàn dựng ở Nhà hát Tuổi trẻ, có lẽ đây chính là mối lương duyên muộn cần phải “trả nợ” nhau giữa Nhà hát Tuổi trẻ với một đạo diễn tài năng. Có lẽ vì mối lương duyên đó nên đã khiến cho đôi bên gắn kết với nhau và tạo thành một tác phẩm xuất sắc đạt giải cao với huy chương vàng, huy chương bạc cho các nghệ sĩ tham dự tại liên hoan năm đó.

Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang là đạo diễn gạo cội, từng dựng hàng trăm vở diễn suốt trong Nam ngoài Bắc, nhưng mãi tới năm 2015, vị đạo diễn tài ba này mới dựng vở cho Nhà hát Tuổi trẻ, mối lương duyên muộn ấy được gửi gắm vào kịch bản Công lý không gục ngã của tác giả Lê Chí Trung.

Cảnh trong vở diễn: Công lý không gục ngã

Là đạo diễn “nội”, học nghề đạo diễn từ những bậc thày tài danh như: NSND Đình Quang, NSND Dương Ngọc Đức..., Doãn Hoàng Giang nổi tiếng là người có trí nhớ siêu việt, am hiểu nhiều lĩnh vực, có kiến văn rộng rãi, sâu sắc về nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... Ông có thể nhớ được, thuộc làu làu hàng chục trang kịch bản, nhớ kỹ từng phân cảnh, từng trường đoạn để dàn dựng trong tâm tưởng trước khi làm việc với diễn viên.

Bắt tay vào dựng vở cho Nhà hát Tuổi trẻ, ông làm việc rất kỹ với diễn viên về kịch bản trước khi lên sàn tập. Từng làm “chấn động” dư luận với Nhân danh công lý nay trở lại sau 30 năm với Công lý không gục ngã, đạo diễn vẫn giữ được niềm tin mãnh liệt vào sự tất thắng của công lý. Ông đã truyền được niềm tin, ngọn lửa ngùn ngụt chính khí ấy cho dàn diễn viên. Từ những ngày đầu làm việc, đạo diễn đã tạo nên một bầu không khí sôi sục trong đối thoại và chỉnh sửa kịch bản. Ông là người có sức hấp dẫn và lôi cuốn diễn viên đi theo những dàn cảnh giàu sức sáng tạo. Để giúp các diễn viên hiểu hơn về hoàn cảnh lịch sử xảy ra câu chuyện kịch, ông còn mời nhà sử học Dương Trung Quốc đến nói chuyện để giúp tập thể nghệ sĩ có cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh và tiếp cận với từng nhân vật lịch sử được tốt hơn.

NSND Doãn Hoàng Giang được coi là bậc thày trong mảng miếng để tạo trò diễn, tạo tình huống giàu kịch tính nhằm dẫn người xem vào đủ cung bậc tình cảm. Là một đạo diễn giỏi trong những xử lý mise en scène - bản phối âm tổng hòa của các bộ môn nghệ thuật trong vở diễn, ông thực sự đã biến những con chữ thành hình tượng sống động trên sàn diễn, sự hài hòa giữa văn học kịch với âm nhạc, phục trang, mỹ thuật và nghệ thuật diễn xuất... để có thể đáp ứng được tâm thế thời đại trong một vở diễn về đề tài lịch sử.

Xử lý không gian thời gian sân khấu, ông thực hiện những cảnh diễn liên tiếp rất nhanh gọn, bỏ qua những đoạn đóng màn thay cảnh để không làm ngắt mạch liên tưởng của khán giả mà vẫn rất hợp lý. Thay cảnh theo cung cách này rất hiện đại nhưng cũng lại rất ước lệ khi xác định đang kể lại câu chuyện chứ không cố làm cho nó đang hiện tại hóa như dạng kịch drama.

Ba chiếc trống trên mặt ghi rõ: “TRỐNG KÊU OAN” được đặt cân xứng trên sân khấu, cũng là đạo cụ xuất hiện trên sàn diễn xuyên suốt vở. Màn đầu là cảnh kinh thành Thăng Long loạn lạc như có giặc, mọi người vội vã ra vào, rồi từng âm thanh báo động vang lên, dân chúng chạy loạn khắp nơi khi có tin Cậu Trời Đặng Mậu Lân đang tới, có phần quen thuộc với cách xử lý thường thấy ở màn mở đầu các vở chèo. Tiếp đó, cách xử lý của đạo diễn khá đắc địa với cảnh kéo người vào màn trướng được căng giữa đường, cảnh Mậu Lân cố cưỡng hiếp người phụ nữ xinh đẹp trước mặt người chồng. Người chồng bị trói (một cách cũng rất ước lệ với miếng lụa trắng nhỏ dài quấn quanh tay) đau đớn dõi theo từng bước người vợ bị kéo vào màn, gào lên phản kháng rồi bị đánh ngất đi. Màn chiếu ngược sáng, cảnh bức hiếp được mô tả khá dữ dội làm người xem căng thẳng, hồi hộp... Người vợ chống cự quyết liệt làm Mậu Lân giận giữ mà cắt tai, xẻo vú, vứt chị đã ngất lịm bên đường. Chồng ôm chặt vợ, gào lên bi thương: “Công lý ở đâu?”. Tiếng đàn đáy như khóc than vang lên.

Chuyển cảnh trong dinh Mậu Lân chỉ thêm những bức trướng, hoàng phi. Đạo diễn vốn sở trường trong việc xử lý đám đông gây không khí kịch đã mô tả khá rõ sự ăn chơi trác táng của Mậu Lân, đối ngược với nét bi thương buồn bã của nàng công chúa yếu đuối. Âm nhạc dồn lên trong sự đối đầu của vị quan được cắt cử bảo vệ công chúa đã bị Mậu Lân đâm một kiếm gần mất mạng, vẫn cố gắng chống chọi giúp công chúa chạy thoát. Sử Trung Hầu bị giết. Dù hoảng loạn, nhưng rất nhanh, Mậu Lân đổ rượu khắp người vị quan rồi ra lệnh cho quân hầu “chứng khẩu đồng từ” khai là do vị quan này say rượu tự ngã vào kiếm của hắn... Quận Huy xuất hiện, dẫn Mậu Lân đi như ở màn đường trong các vở tuồng cổ. Màn che được thả xuống, vừa để thay sang cảnh phủ Chúa Trịnh, vừa là màn che trướng rủ cho Chúa đang nằm dưỡng bệnh.

Chỉ vài chi tiết thay đổi, cảnh hoành tráng của Phủ Chúa hiện ra với tấm vải hậu màu đỏ, hai cô thị nữ cầm lọng, cầm quạt lớn. Đây cũng là cảnh xuất hiện đầu tiên của Ngô Thì Nhậm. Ông tới cùng Lê Quý Đôn, nhận lệnh Chúa xét xử vụ án Đặng Mậu Lân giết mệnh quan triều đình. Ngô Thì Nhậm đã nhận ra, không thể tiếp tục phục vụ một vị chúa không còn minh mẫn, đã trở nên hồ đồ và càng không nên là công cụ để Chúa và Thái hậu lợi dụng vào mục đích riêng chứ không vì muôn dân trăm họ. Nhưng việc được giao quyền xét xử tên Cậu Trời hoang đường kia, nhất định ông sẽ làm dù khó khăn muôn phần, vì thế lực che trời của Tuyên phi.

Ánh sáng tối đi, nhanh chóng những diễn viên đóng quân lính đã dàn hàng để tạo phân cách cho “màn đường” là cảnh Tuyên phi bày mưu cùng Quận Huy để phía sau nhanh chóng dựng sân khấu trống cho cảnh đường phố kinh thành. Chỉ vài tên lính, những người dân đủ tầng lớp cố gắng tiếp cận chiếc trống kêu oan đã bị ngăn chặn, sát hại, cho thấy sự phong tỏa mạnh mẽ của nhóm nhân vật Tuyên phi và Quận Huy để Ngô Thì Nhậm không thể tiếp cận người làm chứng, không đủ chứng cứ xử Mậu Lân.

Ngay sau đó, dinh Quan thị Lang - Ngô Thì Nhậm (NSƯT Như Lai đóng vai) đứng giữa sàn diễn, tay cầm cuốn sách trong khi những vật phẩm như thư án, ghế ngồi được lính mang ra sắp đặt. Xong xuôi, ông hất tay ra dấu lính rút ra ngoài... Đúng lúc đó, Tuyên phi tiến vào cùng một hàng người mang lễ vật, chất đầy thư án. Ngô Thì Nhậm cười nhẹ: “Lễ vật của Tuyên phi che kín mặt Nhậm mất rồi”... và hất đổ toàn bộ vàng bạc châu báu được mang tới. Đó cũng là câu trả lời rất tinh tế của vị Thị Lang này trước sự lộng hành quyền lực của Tuyên phi khiến bà ta phải hậm hực ra về. Sự kiên quyết đó đã giúp người dân thêm can đảm để cáo trạng tội ác của Mậu Lân. Ngô Thì Nhậm quyết xử Mậu Lân. Tiếng trống thúc giục âm vang...

Nhà ngục giam giữ Mậu Lân là hai vòng cung song sắt... Cũng ở đây, Tuyên phi Đặng Thị Huệ hiểu rõ những gì Mậu Lân đã làm hoàn toàn là sự thật, nhưng vẫn quyết giữ bằng được mạng sống cho em mình để nối dài hương hỏa gia tộc. Đặng Thị Huệ bắt Mậu Lân học thuộc những lời nói dối, ra lệnh lính tiếp tục diệt trừ những người có khả năng ra làm chứng chống Mậu Lân... Mậu Lân hèn mạt bò túm gấu váy chị để cầu xin cứu mạng, nhưng khi Tuyên phi vừa quay lưng đi đã rất vênh váo vì cho rằng, hắn sẽ bình an qua nạn này.

Cứ như vậy, những cảnh diễn liên tiếp không hề có sự ngừng lại để chuyển cảnh khiến cho kịch tính dồn dập, nâng xung đột đến màn chót, cảnh Ngô Thì Nhậm ra lệnh quân lính đánh Mậu Lân mà họ sợ hãi không dám ra tay, ông phải nghiêm khắc buộc chúng thực thi bằng được. Nhanh chóng, Ngô Thì Nhậm nhận ra Tuyên phi đang tới, ông trực tiếp ra lệnh đưa Mậu Lân từ trong ngục ra pháp trường lên đài treo cổ chỉ trong vài sự thay đổi trong thái độ ứng xử với những đạo cụ.

Cảnh kết với cái chết do treo cổ Đặng Mậu Lân, thực tế đây chính là cảnh diễn được khán giả mong chờ nhất, họ muốn cái ác phải đền tội. Theo chính sử, sau khi chúa Trịnh mất, đàng Ngoài loạn lạc, Đặng Thị Huệ bị bắt giam rồi chết, Đặng Mậu Lân cũng bị bắt giam và nhịn đói để chết trong ngục. Vì thế, cái chết của Đặng Mậu Lân trên sân khấu mang tính điển hình trong việc xử lý cái ác chứ không nhằm diễn tả hiện thực lịch sử. Tình huống này phản ánh khát vọng của người dân, như Ngô Thì Nhậm thoại: “Cái ác phải được trừ diệt đi để trời xanh cho cây mọc, cho hoa lá tốt tươi, cho con người được sống yên bình”. Cảnh diễn là sự hòa trộn giữa sân khấu tả thực và ước lệ, đạo diễn đã tráo đổi một diễn viên thực với một hình nộm để tạo nên lớp diễn treo cổ. Khán giả ai cũng biết đó là sự ước lệ, nhưng họ đón chờ và vỡ òa cảm xúc, cảm thấy được tẩy rửa qua việc được chứng kiến công lý được thực thi. Có những nghệ sĩ khi xem xong tác phẩm đã chia sẻ: “Bị nghẹt thở từ đầu đến cuối và gần như không thể rời mắt khởi vở diễn”. Hiệu quả đó là do tác phẩm đã chạm đến mong muốn của người xem.

Đạo diễn đã cho người xem thấy được những thay đổi đầy biến ảo, từ cảnh ngoài chợ, nội cung, cung cấm, triều đình, nhà ngục, đại cảnh ngoài đường và cuối cùng là pháp đình. Những xử lý không gian ấy được tạo nên bởi một hệ thống bục cứng và một số phông màn, tính ước lệ được sử dụng triệt để nhằm tạo không gian cho nhân vật tồn tại. Hơn nữa, sự cao tay trong dàn dựng của đạo diễn còn thể hiện ở sự kết nối giữa sân khấu với khán giả, trong lớp diễn ông cho một số nghệ sĩ xuất hiện bên dưới khu vực khán phòng cùng đánh trống kêu oan. Đại cảnh này tạo ra một không khí sôi sục, nóng rực sức mạnh đông đảo của tập thể. Hay cũng bằng những cách chuyển đổi đơn giản, nhưng rất linh hoạt, ông đã khiến bầu không khí trong phủ Chúa đầy màu sắc âm u… Rồi cách chia cắt không gian trên sân khấu bằng chính các nhân vật đóng lính, họ tạo thành những vòng cung đơn giản để chia tách không gian bên trong và bên ngoài của nhà ngục nơi giam giữ Đặng Mậu Lân.

Đạo diễn đã xử lý rất khéo léo khi thay cảnh với sự ước lệ đủ độ để khán giả hiểu rõ không gian cần thiết cho cảnh diễn. Nghệ thuật xử lý không gian, thời gian đậm đặc tính ước lệ ấy rất thích hợp cho tính kịch. Ông cũng là bậc thày trong tổ chức hành động kịch, chắt lọc chi tiết đắt giá cho từng cảnh diễn. Đo đếm tác dụng với tâm lý người xem, khi cảnh quá căng thẳng, cũng có những nhân vật, những lời thoại hài hước để khán giả bật nhẹ tiếng cười, bớt đi sự căng cứng không cần thiết.

Điều này rất gần với cách xử lý ở các vở tuồng cổ, khi không khí căng thẳng, lại có những cảnh gây cười như màn đi sứ với bộ dạng ngố ngốc, sợ hãi hoàn toàn không tương xứng với vai trò long trọng của nhân vật.

Tuy nhiên, vẫn có chút mong muốn những khoảng lặng cần thiết giữa những ầm ào của kịch tính. Có ai đó từng nói, sân khấu của Doãn Hoàng Giang thiếu đi những giây phút tĩnh lặng để chợt òa vỡ, trồi lên thân phận con người. Tiếc nuối những cảm xúc sâu sắc hơn, đa dạng hơn về những nhân vật lịch sử, đặc biệt là nhân vật trung tâm Ngô Thì Nhậm. Vẫn còn thiếu đất cho những suy tư về thế sự ở nhân vật này khi chỉ có đôi ba lời thoại bộc lộ nỗi niềm về triều đại đã thối nát là chưa đủ cho tầm vóc của nhân vật. Chính vì thế mà sức nặng, tính triết lý của vở diễn lịch sử này “chưa tới” trong tâm thức người xem như những vở kịch lịch sử trước đó như: Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi hay Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng…

Tài năng của NSND Doãn Hoàng Giang là không thể bàn cãi, sự ảnh hưởng trong phong cách dàn dựng của ông đã giúp cho sân khấu của Việt Nam có được một sức sống riêng biệt. Là người từng trải ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, từ văn học tới lịch sử, lại là nhân chứng trong quá trình phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó, kịch hát dân tộc chiếm một phần rất quan trọng trong hành trình sáng tạo của mình, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã vận dụng rất nhuần nhuyễn cách thức xử lý về không gian, xử lý diễn xuất của các nhân vật linh hoạt và gợi mở. Từ đó, tạo nên bản sắc riêng của một đạo diễn tài danh, mạnh mẽ, quyết liệt, lãng mạn và đam mê, hướng tới một sân khấu mở rộng có sự hòa trộn giữa sân khấu kịch hát dân tộc và các đặc tính cơ bản của sân khấu thế giới.

Tác giả: Bùi Như Lai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

 

;