Đền nghè thờ cúng các vị Thành Hoàng, những người có công giúp nước hộ dân có kết cấu và kiến trúc truyền thống khá phổ biến là tiền đường, trung đường và hậu cung theo kiểu chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Tam hay có cấu trúc chuôi vồ. Trái lại, ngôi đền nhà sàn của đồng bào ở Mường Đòn lại có cấu trúc khá đặc biệt. Tuy chỉ là một ngôi đền nhỏ nhưng đảm đương đủ công năng là nhà sắp lễ, trung đường và hậu cung. Đây là công trình thờ tự cổ, hiếm gặp không chỉ ở Thanh Hóa mà còn đối với các địa phương trong cả nước, đến hôm nay hãy còn hiện hữu và phát huy tác dụng.
Đền nhà sàn thờ danh tướng Vũ Duy Dương, Mường Đòn, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Hoàng Bá Tường
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều loại hình di tích so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong số các công trình, kiến trúc thờ tự ở Thanh Hóa, hiếm hoi và độc đáo là ngôi đền cổ có kiến trúc nhà sàn, chính xác hơn là ngôi nhà sàn thờ tướng quân Vũ Duy Dương mà đồng bào Mường vẫn quen gọi Đền Ông. Đền Ông là đền nhà sàn cổ còn lại duy nhất và khá nguyên vẹn trên đất Thanh ở Mường Đòn, xưa có tên Vân Đội, nay thuộc 4 làng (Vân Phú, Vân Phong, Vân Đình, Vân Tiến) xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành. Cùng với đền thờ danh tướng họ Vũ, còn có đền thờ bà Vũ Thị Cao, em ruột của tướng quân, cùng Vũ Duy Dương chiến đấu chống lại kẻ thù. Bà được nhà vua truy phong là Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc, đền thờ bà cách không xa đền anh trai - thờ tướng quân Võ Duy Dương.
Đồng bào dân tộc Mường ở Mường Đòn (Vân Đội xưa) phần lớn là người Mường (chiếm 95%), số còn lại là người Kinh. Sống trong môi trường rừng núi, để chống thú dữ và chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, nắng lắm mưa nhiều, tiện cho việc ăn ở sinh hoạt, từ thời tối cổ, cư dân văn hóa Đông Sơn ở Mường Đủ đã quen với nếp nhà gác khung gỗ, lát sàn gắn với khung cảnh dòng sông, cánh đồng, đồi đất dốc thoai thoải trong không gian mang đậm tính thực vật vùng Đông Nam Á. Bởi vậy, ngôi đền thờ Vũ Duy Dương - Bang biện tòng thất phẩm văn giai quận công đô đốc, người được triều đình thời Vua Lê Trang Tông sai trấn giữ vùng đất Thanh Hóa. Trong một trận chiến, ông đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh. Ghi nhớ công lao của vị tướng họ Vũ trung dũng, tài ba, Vua Lê Trang Tông đã ban sắc cho ông với duệ hiệu: Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần và giao cho dân Mường Đòn lập đền thờ. Ngôi đền là nếp nhà sàn gần gũi, quen thân với lòng ngưỡng vọng và sự biết ơn của dân làng đối với người anh hùng đã ngã xuống cho mảnh đất này kết trái, đơm hoa.
Ngôi đền - nhà sàn thờ danh tướng Vũ Duy Dương tọa lạc trên một khu đất cao tương đối bằng phẳng, biệt lập với bản làng, nhưng hòa đồng với cảnh quan non xanh, nước biếc của vùng đất Mường Đòn. Đền nhà sàn tuy không lớn, song vẫn toát lên vẻ đường bệ, tôn kính, nhưng vẫn mang nét bình dị, gần gũi thân quen. Ngôi đền gồm 3 gian theo kiểu nhà của quan Lang (nhà dân thường chỉ có 1 gian 2 chái). Cấu trúc của ngôi đền - nhà sàn có 4 cột cái và 12 cột quân, cột làm bằng gỗ lim và gỗ mài lái, loại gỗ này chôn xuống đất hàng trăm năm vẫn không mục. Theo tiền nhân truyền lại, để dựng nên ngôi nhà sàn, dụng cụ làm chỉ cần rìu và dao là đủ. Thợ làm nhà là những người đàn ông có tay nghề giỏi và thành thạo. Gỗ đốn về, người thợ chỉ dùng rìu để chặt gỗ, đẽo cột, dầm và xà… bằng đôi tay và ánh mắt, lưỡi rìu phăm phăm lướt trên từng cây gỗ để rồi trở thành cây cột, xà ngang, cây dầm nhẵn bóng và thẳng tắp. Cũng bằng rìu, các lỗ đục do rìu mổ mà trở nên vuông vức, khi lắp dựng các kết cấu lại với nhau trở thành bộ khung nhà sàn mộng khít và vững chắc, không có mộng thắt như cách làm nhà của người Kinh. Phía trên bộ khung là đòn tay và rui được làm bằng luồng buộc chằng bằng mây, trên cùng mái lợp bằng tranh cỏ săng. Mặt sàn cách đất khoảng 1,5m được lát bằng gỗ, chung quanh thưng bằng ván nong. Điều khác biệt không giống như những ngôi nhà sàn thông thường, ngôi đền - nhà sàn này chỉ làm hoàn chỉnh 1 gian về phía Tây là nơi thờ tự, còn gian giữa và gian phía Đông để trống vừa có chức năng như là tiền đường, lại vừa là nhà chờ, sắp lễ. Chỉ có 3 gian nhà sàn, nhưng ngôi đền thờ Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần có đủ chức năng của một ngôi đền hoàn chỉnh, đó là nhà giải vũ, tiền đường, hậu cung như một ngôi đền thông thường của người Kinh.
Bước vào đền thờ, sau khi đi qua gian đầu (giải vũ) và gian giữa (tiền đường) là gặp ngay gian cuối (hậu cung) thờ Vũ Duy Dương. Toàn bộ mặt trước của gian cuối được thưng bằng ván mê kín, không có cửa, cấu trúc theo kiểu thượng song hạ bản, trên cùng sát với nóc, về sau được đóng 3 khung gỗ đóng bức bàn có chạm hình cây hoa thiêng: tùng, cúc, trúc, mai; phần giữa của bức ván thưng này có chạm lưỡng long chầu nhật ẩn trong vân mây và các đao lửa mang dấu ấn kiến trúc và điêu khắc thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn sau này. Chếch về bên phải, gần với giọt tranh là cầu thang gỗ 7 bậc nối từ mặt đất lên tới mặt sàn, thông với cánh cửa dẫn vào hương án thờ tướng quân họ Vũ. Cửa này quanh năm đóng, chỉ vào ngày sóc vọng hay ngày giỗ của ngài gắn với lễ hội Mường Đòn mới được riêng ông từ và Ban tổ chức tế lễ được mở cửa vào. Trên sàn bày nhang án cổ làm bằng gỗ, chân quỳ, phía trên nhang án đặt thần vị của ngài và các đồ thờ như tam sơn, đài rượu, đỉnh đồng, bát hương, độc bình, hạc thờ, đèn nến… Hiện đền còn lưu giữ ba sắc phong niên hiệu vào thời Nguyễn, bức có niên đại sớm nhất là vào năm 1846, dịch nghĩa như sau: “Thần Bạch Mã bảo hộ cho nước, phù hộ cho dân linh thiêng, ứng nghiệm được dân thờ từ thời Minh Mệnh thứ 2 (1840), nhân thánh tổ Hoàng Đế thọ 50 tuổi phụng mệnh vua giữ gìn linh thiêng dựng lại sắc phong cho thần, để đất cũ phụng thờ, bảo hộ cho ta, thần linh tăng lợi vật làng Vân Đội, huyện Thạch Thành” (Thiệu Trị lục niên (1846) tháng 8 ngày 13).
Ngôi đền - nhà sàn quay về hướng Đông, cách đó không xa là đình Mường đòn cổ kính. Trước đền là dòng suối nhỏ, nước chảy róc rách quanh năm, có cầu tre bắc qua đưa du khách viếng thăm đền; phía sau là con suối lớn, vào mùa khô, lòng phơi trắng đá, nhưng về mùa mưa, dòng nước cuồn cuộn đổ về, tiếng suối gầm reo tựa như tiếng voi gầm, ngựa hí thuở nào. Ngôi đền nằm dưới tán cây cổ thụ rậm rạp, có những cây to mấy người ôm, xa xa là những ngọn núi, đồi thấp nhấp nhô khiến cảnh sắc nơi đây vừa thâm u tĩnh mịch, linh thiêng, hướng người hành lễ lòng dâng trào nỗi nhớ tới tiền nhân và hướng về cội nguồn dân tộc. Trải nắng núi, mưa ngàn, đến nay một phần của ngôi đền đã hư hỏng, thay vào đó, dân làng thưng tạm mái che phía trước đền. Đền Ông đang được huyện Thạch Thành và Sở VHTTDL cho trùng tu, tôn tạo.
Cùng thức kiến trúc đền thờ kiểu nhà sàn như đền Đức Ông là đền thờ Bà (Vũ Thị Cao) em gái ngài, đền thờ này cũng có cấu trúc và chạm khắc hoa văn tương tự, nhưng rất tiếc trải qua nắng núi, mưa ngàn ngôi đền nay đã hạ thổ, không còn giữ được kiến trúc đền thờ kiểu nhà sàn xưa nữa.
Hội đền Ông xưa được tổ chức 3 năm/ lần, thời gian tổ chức từ ngày mùng một Tết đến hết ngày 19 tháng Giêng, những năm gần đây tổ chức trong 3 ngày, từ 17 đến ngày 19 tháng Giêng, chính hội là ngày 18. Theo lệ cổ, từ ngày mùng 1 Tết, tất cả các cụ ông trong mường sắm sửa lễ vật dâng lên đền thờ Đức Ông họ Vũ, trong mâm cỗ bắt buộc phải có chiếc bánh chưng to, được gói với 10 đấu gạo nếp thơm, dày 10 phân. Ngày mùng 1 Tết, sau khi cỗ bàn được dâng lên Đức Ông, mọi người lễ lạt và cầu ngài phù hộ cho dân làng, Mường Trong, Mường Ngoài mọi người khỏe mạnh; xuống sông được cá, lên rừng được thú; làm lúa, lúa tốt; nuôi trâu, trâu béo, sinh đàn, sinh lũ… Ngày mùng 7 Tết, làng làm lễ khai hạ bước vào mùa vụ gieo trồng mới. Trong ngày lễ trọng, dân làng cắt tiết gà cho vào hũ rượu để cùng nhau uống máu ăn thề với sự chứng giám của các vị thần linh và tướng quân họ Vũ; mọi người cùng hứa: có lợi cùng hưởng, có họa cùng gánh, đoàn kết tương trợ lẫn nhau…
Trong cộng đồng dân tộc Mường ở Thanh Hóa, hiếm có nơi nào có truyền thống hát tuồng như ở Mường Đòn. Tại lễ hội, bên cạnh những lời xường, đang, bọ mẹng… được người Mường hát say mê thì hát tuồng có sức hút kỳ lạ. Từ già tới trẻ đều biết hát và diễn tuồng theo trích đoạn cổ, người Mường Đòn còn tự sáng tác, tự biên, tự diễn để phục vụ chính họ và phục vụ cộng đồng. Có người nói, hát tuồng theo ông tướng họ Vũ từ Yên Mô, Ninh Bình vào, người lại nói, tuồng từ các vùng Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc theo con đò dọc và các làng chạ ngược lên Mường Đòn. Những lý giải đó đều đúng, bởi xưa nay “Chè ngon xuống biển, cá ngon lên rừng”, giao lưu văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi, giữa người Kinh và người Mường là quy luật và nhu cầu tất yếu.
Ngôi đền với thức kiến trúc nhà sàn ở Mường Đòn là ngôi đền lạ, hiếm gặp không chỉ ở Thanh Hóa mà cả Hòa Bình, nơi tụ cư lâu đời của đồng bào Mường trên đất nước ta. Đền - nhà sàn thờ danh tướng Vũ Duy Dương ở Mường Đòn cần được bảo tồn và phát huy giá trị những cái hay, cái đẹp, nét độc đáo… phục vụ cuộc sống, phát triển du lịch trên miền đất cổ này còn tàng ẩn, trầm tích nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá.
TS HOÀNG BÁ TƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023