Phát triển năng lực cần thiết đối với nguồn nhân lực thông tin - thư viện tại các trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số

Công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ đang tạo cơ hội cho các thư viện trường đại học có thể tăng cường vai trò, vị thế của mình qua việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ. Đồng thời, cũng đặt ra cho các thư viện nhiều thách thức, đối mặt để bắt kịp xu hướng chung cũng như tránh tụt hậu so với thế giới, trong đó có thách thức về nguồn nhân lực thông tin - thư viện. Yếu tố quan trọng của nguồn nhân lực trong các thư viện đại học là cần có đầy đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cụ thể. Bài viết đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển những năng lực cần thiết của người làm công tác thư viện tại trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sứ mệnh của các thư viện đại học đang có sự chuyển dịch từ quản lý tài liệu sang quản trị thông tin và đến quản trị tri thức. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, sứ mệnh của thư viện lại tiếp tục được mở rộng với vai trò là quản trị tri thức số. Một số vấn đề đang được đặt ra, liệu nghề thư viện sẽ ra sao? Tương lai của các phương tiện in ấn trước tác động của các phương tiện số là gì? Yếu tố con người trong môi trường thư viện số? Như chúng ta đã biết, hai thành phần chính kiểm soát toàn bộ hoạt động của thư viện, đó là: vốn tài liệu và nguồn lực con người. Thư viện muốn cung cấp các dịch vụ thông tin tốt thì đội ngũ nhân lực cần có đầy đủ năng lực cần thiết và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Trong bối cảnh chuyển đổi số, mỗi thư viện trường đại học phải đặt ra cho mình một chiến lược phát triển nguồn nhân lực để có thể đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả nhất.

1. Một số khái niệm cơ bản

Năng lực: Được hiểu là tập hợp những kỹ năng, thái độ và kiến thức để hiện thực hóa thành công một nhiệm vụ, vị trí công việc hoặc một chức năng cụ thể. Năng lực cá nhân được cấu thành bởi ba nhóm yếu tố, đó là: Phẩm chất đạo đức/ Thái độ; Kiến thức; Kỹ năng (1).

Thái độ: Là trạng thái sẵn sàng về mặt tinh thần và thần kinh được tổ chức thông qua kinh nghiệm, có tác dụng điều chỉnh hoặc có ảnh hưởng một cách linh hoạt đến phản ứng của cá nhân với tất cả các khách thể và tình huống mà nó có mối liên hệ (2).

Kỹ năng: Là yếu tố có thể quan sát, đánh giá, đo lường để phân biệt cá nhân có năng lực và cá nhân có hiệu quả lao động trung bình. Kỹ năng là khả năng thực hiện thành thạo một loại hoạt động cụ thể nhằm tạo ra một kết quả hoặc đầu ra như mong đợi. Kỹ năng thể hiện mức độ cao nhất của khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn (3).

Kiến thức: Là nhận thức về quy luật vận động của thế giới xung quanh; là sự hiểu biết của cá nhân về một lĩnh vực nào đó. Mỗi cá nhân có sự am hiểu nhiều loại kiến thức khác nhau: văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục… đồng thời cũng có kiến thức chuyên môn, tức là am hiểu kiến thức về một ngành hay lĩnh vực cụ thể. Khi hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể, cá nhân muốn thực hiện công việc hiệu quả cao không chỉ cần kiến thức chuyên môn sâu mà còn cần có kiến thức liên quan đến công việc khác (4).

Nguồn nhân lực thông tin - thư viện: được hiểu dưới hai góc độ vĩ mô và vi mô. Dưới góc độ vĩ mô, nguồn nhân lực thông tin - thư viện là nguồn nhân lực của ngành thông tin - thư viện và được hiểu là tổng thể những tiềm năng lao động của con người đang vận hành (tổ chức và quản lý) hoạt động của cả ngành Thông tin - Thư viện. Dưới góc độ vi mô, nguồn nhân lực thông tin - thư viện là nguồn nhân lực của một cơ quan thông tin - thư viện và được hiểu là toàn bộ viên chức và người lao động đang vận hành hoạt động của một cơ quan thông tin - thư viện (5).

2. Năng lực cần thiết đối với nguồn nhân lực thông tin - thư viện tại các trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số

Hoạt động thông tin - thư viện là một loại hình lao động đặc thù, mang tính chất lao động tinh thần bởi luôn gắn liền với việc quản trị thông tin tri thức và các sản phẩm tinh thần của con người. Bởi vậy, các năng lực tinh thần, trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong các năng lực nền tảng của nghề thư viện. Hoạt động thư viện là cả một quá trình khép kín, vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi. Bên cạnh những phẩm chất nghề nghiệp chính, với đặc thù riêng của loại hình thư viện đại học, nguồn nhân lực thông tin - thư viện cũng không thể thiếu những kỹ năng, kiến thức chuyên ngành, khả năng biên tập, khả năng tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin, đặc biệt phải có lòng yêu nghề.

Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học. Ngoài chức năng, nhiệm vụ của thư viện nói chung, thư viện đại học có chức năng và nhiệm vụ cụ thể theo Điều 14 của Luật Thư viện, đó là: Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; Tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đồ án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; Xây dựng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở; Tổ chức không gian đọc; Hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; Hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; Củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý (6).

Chính vì vậy, trong thời đại số, việc phát triển năng lực cho người làm công tác thư viện là việc làm cần thiết. Trong môi trường này, cán bộ thư viện không chỉ có nhiệm vụ xử lý tài liệu, tổ chức, bảo quản, cho bạn đọc mượn sách, báo, tài liệu truyền thống, mà họ phải tạo ra các sản phẩm thông tin điện tử, đào tạo, phổ biến thông tin, giúp người dùng tin tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu tin. Vì vậy, môi trường ấy đòi hỏi cán bộ thư viện phải có những năng lực, phẩm chất, kiến thức vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học và ứng dụng công nghệ, khả năng nhận biết và sử dụng các phần mềm hiện đại, phổ biến kiến thức và kỹ năng thông tin. Có như vậy, cán bộ thư viện mới có thể điều khiển, khai thác hiệu quả trang thiết bị hiện đại, hướng dẫn độc giả trong việc khai thác hiệu quả nguồn thông tin của thư viện. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, các nguồn tin phát triển, người dùng tin không biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai. Nắm rõ bản chất của các nguồn tin, người làm công tác thư viện sẽ không chỉ là người quản lý tư liệu, quản lý thông tin, mà còn là nhà quản lý tri thức.

Như vậy, có rất nhiều yêu cầu đặt ra về năng lực đối với nguồn nhân lực thông tin - thư viện tại các trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số. Tác giả đưa ra 3 nhóm năng lực cần thiết đối với người làm công tác thư viện như sau:

Năng lực theo vai trò quản trị

Năng lực quản lý chiến lược: Hiểu, vận dụng tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, về các lĩnh vực phụ trách; Có năng lực nhận diện, phân tích, đưa ra giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề.

 Năng lực quản trị nguồn nhân lực: Có năng lực tổ chức, lãnh đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của đơn vị với các bộ phận khác trong nhà trường, phối kết hợp giữa các bộ phận trong thư viện; Có năng lực tập hợp, phát huy sức mạnh tập thể.

 Năng lực quản lý tài chính, cơ sở vật chất: Có khả năng quản lý, phân bổ và sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Năng lực chuyên môn

Kiến thức chuyên môn: Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thư viện; Hiểu biết sâu và rộng về lĩnh vực chuyên môn, khả năng diễn giải và áp dụng vào thực tiễn; Nắm chắc các quy trình nghiệp vụ, am hiểu về các chuyên ngành đào tạo của nhà trường để thực hiện công tác chuyên môn.

Trình độ ngoại ngữ: Khả năng sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định.

Trình độ công nghệ thông tin: Biết khai thác hiệu quả công nghệ thông tin hiện đại trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của Nhà nước.

Năng lực cốt lõi

Trong tổ chức thực hiện công việc: Đối với cán bộ quản lý thư viện, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống một cách kịp thời, đúng đắn; linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu tốt cho lãnh đạo nhà trường. Đối với nhân viên thư viện, cần có năng lực triển khai công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả; tỉ mỉ trong công việc; có kỹ năng soạn thảo văn bản và lưu trữ giấy tờ; tham mưu trong công tác phát triển chuyên môn; linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện công việc nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định đã thống nhất.

Trong giao tiếp ứng xử: Có khả năng trình bày, giao tiếp, phát biểu, truyền tải thông tin phải đầy đủ, rõ ràng, tự tin, cung cấp đúng thông tin cho đúng đối tượng.

Trong quan hệ phối hợp: Thiết lập mạng lưới quan hệ ở nhiều cấp khác nhau; có khả năng xây dựng và phát triển các mối quan hệ với đối tác; có năng lực cộng tác và làm việc nhóm; có khả năng phối kết hợp với các thành viên trong phòng, trong đơn vị.

3. Giải pháp phát triển năng lực của đội ngũ nhân lực thông tin - thư viện

Bước vào giai đoạn chuyển đổi số, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng nhân lực thông tin - thư viện đại học nói riêng là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi thư viện. Vì vậy, thư viện các trường đại học cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Cần coi trọng hơn nữa và đặt ra chiến lược, chính sách trong công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, lương thưởng và các chế độ đãi ngộ đối với nguồn nhân lực.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của thư viện, tạo môi trường làm việc thân thiện, hiện đại, phù hợp chức năng của từng vị trí. Bởi một môi trường làm việc tốt sẽ tạo động lực cho người lao động có thể phát huy hết vai trò của mình trong công tác chuyên môn.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý thư viện nhằm nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong công cuộc chuyển đổi số.

Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là tin học và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát huy hiệu quả nguồn lực thông tin tư liệu, tạo ra các sản phẩm dịch vụ, phục vụ các mục tiêu phát triển của thư viện hiện đại.

4. Kết luận

Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động thông tin - thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số. Thư viện trong các trường đại học đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn tự chủ đại học. Yếu tố con người là yếu tố tiên quyết trong quá trình khai thác, vận hành và duy trì hệ thống thông tin số nhằm thực hiện tốt chức năng và vai trò của thư viện đại học. Nhu cầu thông tin của người dùng tin ngày càng đa dạng, chính vì vậy, việc phát triển những năng lực cần thiết đối với nguồn nhân lực thông tin - thư viện là một việc làm cấp bách. Bước sang kỷ nguyên số, với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý và những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông tin - thư viện, trong tương lai không xa, nguồn nhân lực thư viện đại học sẽ có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng yêu cầu của giáo dục đại học trong giai đoạn mới.

______________

1, 3, 4. Phạm Đức Toàn, Cơ sở khoa học xây dựng khung năng lực mẫu cho một số vị trí việc làm ở Bộ Nội Vụ, Đề tài Khoa học cấp Bộ, Bộ Nội vụ, Hà Nội, 2018.

2. Vũ Dũng, Từ điển tâm lý học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008.

5. Nguyễn Thị Lan Thanh, Tổ chức và quản lý các cơ quan Thông tin - Thư viện hiện đại, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2018.

6. Quốc hội, Luật Thư viện số 46/2019/QH14, ban hành ngày 21-11-2019.

PHẠM THỊ THÚY NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;