Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang có 743/2.237 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Bên cạnh những giá trị về lịch sử văn hóa, đây là những di tích có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh. Từ góc độ quản lý, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt (DTQGĐB) ở Bắc Giang cần được phát huy hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, lòng tự hào dân tộc đối với mọi tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay.
1. Khái quát về DTQGĐB ở Bắc Giang
Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế
Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra năm 1884, lan rộng ra một số tỉnh ở Bắc Kỳ như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Lạng Sơn. Dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế đã xây dựng hệ thống đồn lũy, tổ chức đánh bại nhiều đợt càn quét của Pháp, buộc chúng hai lần phải đình chiến, cầu hòa. Cuộc khởi nghĩa đã phát triển thành một phong trào giải phóng dân tộc kéo dài gần 30 năm (1884-1913), tiêu biểu cho sức chiến đấu và tinh thần bất khuất của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Bắc Giang nói riêng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cuối TK XIX, đầu TK XX.
Trung tâm khu di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế thuộc địa phận thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, nằm trên một ngọn đồi cao có tên gọi là đền Thề - nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp. Trong đền có tượng thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, phía sau là nhà trưng bày các hình ảnh và hiện vật của cuộc khởi nghĩa: súng kíp, đạn, gươm, mã tấu... cùng đồ dùng sinh hoạt như mâm đồng, bình, lọ, ấm, chén uống nước... của nghĩa quân. Trước sân nhà trưng bày đặt tượng đài lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và câu nói nổi tiếng của ông: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”.
Đối diện với đền Thề là đồn Phồn Xương, có bức tường thành dài đắp bằng đất và hàng lỗ châu mai. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Phía trước là một hồ nước để bảo vệ mặt tiền đồn. Phía sau đồn hiện nay còn di tích doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân. Gần đồn Phồn Xương có phố Bà Ba - trước kia chính là nơi ở của vợ ba Hoàng Hoa Thám - bà Đặng Thị Nho (còn gọi là bà Ba Cẩn), cũng là một tướng lĩnh của nghĩa quân. Nơi đây còn ngôi mộ của bà Hoàng Thị Thế - con gái của ông…
Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã đi qua hơn một thế kỷ, nhưng hình ảnh oai phong, lẫm liệt của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế vẫn còn in đậm trong mỗi người dân Việt Nam, thông qua những trang sử hào hùng và cả một hệ thống di tích, di sản có giá trị đặc biệt. Nhận biết được tầm quan trọng của hệ thống di tích này, năm 2009, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tiến hành tổng kiểm kê hệ thống di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Qua kiểm kê, có 41 điểm di tích bao gồm nhiều loại hình (đình, chùa, đền, nghè, đồn lũy…) nằm rải rác trên một địa bàn rộng lớn thuộc 4 huyện (Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng) của tỉnh Bắc Giang.
Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng DTQGĐB Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế ở tỉnh Bắc Giang (gồm 23 điểm di tích gắn với phong trào khởi nghĩa Yên Thế). Trong đó, huyện Yên Thế có 9 điểm (gồm các di tích: đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, đồn Hom, đình Dĩnh Thép, đền Thề, đền Cầu Khoai, chùa Thông, chùa Lèo, động Thiên Thai), huyện Tân Yên có 12 điểm (đình - chùa Hả, đình Cao Thượng, đình Nội, đình Dương Lâm, khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, đình - đền - chùa - nghè Vồng, đình - chùa Phố, đình làng Chuông, đền thờ Cả Trọng, đền Gốc Khế, ao Chấn Ký, nghĩa địa Pháp và đồi Phủ), huyện Việt Yên có 1 điểm (đình Đông), huyện Yên Dũng có 1 điểm (chùa Kem).
Chùa Vĩnh Nghiêm
Đây là một ngôi chùa cổ tọa lạc ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Chùa Vĩnh Nghiêm là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do Tam Tổ Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Huyền Quang Lý Đạo Tái và Pháp Loa Đồng Kiên Cương xây dựng thành Thiền viện, đào tạo tăng đồ, quảng bá Phật giáo từ cuối TK XIII. Cho đến nay, ngôi chùa vẫn giữ vai trò trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, đồng thời có vị trí quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa cổ truyền thống. Chùa Vĩnh Nghiêm có kiến trúc truyền thống nội Công ngoại Quốc gồm 5 tổ hợp chính: tam quan, chùa Phật, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị.
Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ nổi tiếng với các hạng mục kiến trúc cổ kính, gắn kết chặt chẽ mang tính chuẩn mực của một ngôi chùa Việt, mà nơi đây còn lưu giữ một lượng di sản văn hóa vô cùng quý giá có niên đại thời Lê - Nguyễn: hệ thống tượng Phật, bia đá, hoành phi, câu đối… Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm còn bảo lưu được bộ mộc bản chữ Hán Nôm của Thiền phái Trúc Lâm với 3.050 đơn vị ván khắc gồm các bộ kinh sách nhà Phật, sự nghiệp, trước tác của các vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cùng nhiều sách hướng dẫn cách chữa bệnh bằng những cây thuốc dân gian... Đây là bộ sách có giá trị vô cùng to lớn trong nghiên cứu về Phật học, khoa học, văn học và lịch sử, trong đó, nhiều bộ sách độc bản chỉ còn lại duy nhất ở Vĩnh Nghiêm như bộ sách chữ Nôm Thiền tông bản hạnh. Đây là tác phẩm nổi tiếng có giá trị về lịch sử phát triển chữ Nôm, ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO trao bằng công nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 5-2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 775/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị DTQGĐB chùa Vĩnh Nghiêm. Có thể thấy, việc quy hoạch không chỉ nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích mà còn kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trong tỉnh, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú.
Chùa Bổ Đà
Di tích chùa Bổ Đà (có tên gọi khác là chùa Bổ, chùa Ông Bổ) là một danh lam cổ tự nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên). Tương truyền, ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, sau đó được trùng tu vào thời Lê Trung hưng (TK XVIII) và các giai đoạn sau này. Hiện nay, chùa Bổ Đà là nơi thờ Tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Đạo), phối thờ tượng Thạch Linh Thần Tướng và Trúc Lâm Tam Tổ. Đây là một quần thể di tích được tạo bởi các hạng mục: chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu.
Khu di tích chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Đó là lối kiến trúc nội thông ngoại bế, được bao bọc bởi hệ thống tường trình đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng. Các mảng chạm khắc tinh xảo với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý… như một bảo tàng kiến trúc mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung hưng (TK XVIII) và thời Nguyễn (TK XIX).
Chùa Bổ Đà là nơi kế truyền các vị Tổ sư khai trường thuyết pháp, đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế, san khắc kinh Phật. Hằng năm, vào mùa kiết hạ an cư có các vị tăng ni trong vùng về đây tham thiền học đạo rất đông.
Hiện nay, chùa Bổ Đà còn bảo lưu được hơn 40 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (TK XVIII), Nguyễn (TK XIX). Đặc biệt, vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất cả nước với gần 100 ngôi tháp cổ lớn nhỏ khác nhau. Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, thẩm mỹ, chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm trên nhiều loại hình và bộ ván kinh Phật là một trong những bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam với hơn 2.000 mộc bản, có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu khoa học.
Lễ hội chính của chùa được tổ chức từ ngày 15 đến 18-2 (âm lịch), với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa địa phương. Từ năm 2001, lễ hội chùa Bổ Đà còn tổ chức hội thi hát quan họ huyện Việt Yên. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 22-12-2016, chùa Bổ Đà được xếp hạng DTQGĐB.
Địa điểm chiến thắng Xương Giang
Di tích tọa lạc trên địa phận phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Nơi đây gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp người anh hùng dân tộc Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi cùng các vị tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy tham gia trận đánh Xương Giang.
Năm 1407, sau khi xâm lược nước ta, nhà Minh đã cho xây dựng các sở vệ, đắp thành lũy ở những nơi xung yếu để phòng thủ, nổi bật trong đó có tòa thành Xương Giang. Đây là một cứ điểm vững chắc với khoảng 2.000 quân do đô đốc Lý Nhậm cùng các tướng và tri phủ Lưu Tử Phụ chỉ huy nằm án ngữ trên con đường dịch trạm từ Quảng Tây (Trung Quốc) nối với Đông Quan (Hà Nội ngày nay). Với vị trí trọng yếu và thành lũy kiên cố, binh lực mạnh, quân Minh ở thành kiên quyết cố thủ chờ viện binh kéo sang.
Thành Xương Giang được xem là trung tâm của trận chiến và có ý nghĩa quyết định trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang khi năm 1427, Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn công thành, phá tan quân Minh do Liễu Thăng cầm đầu. Đây chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở TK XV, lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh kéo dài 2 thập kỷ.
Trải qua gần 600 năm, đến nay toàn bộ kiến trúc địa điểm ghi dấu chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt đã bị xuống cấp. Tòa thành hiện nay nằm ở khu vực ngã ba Quán Thành, phường Xương Giang, dấu tích còn lại không nhiều. Chân thành phía Đông Bắc chỉ còn lại dấu vết rộng khoảng 15m, sâu 1m. Riêng bờ thành phía Tây hầu như bị san lấp hoàn toàn. Dãy hào bao bọc quanh thành hiện đã bị san lấp làm ruộng gần hết. Thành gồm 4 cửa trông theo bốn hướng. Cửa chính trông về hướng Tây, nay chỉ còn lại cửa phía Đông. Khu trung tâm thành hiện nay là nơi tọa lạc của một số cơ quan, khu tập thể, nhà dân. Ở khu trung tâm, dân gian gọi là khu đồi quân Ngô, khu này nằm giữa thành, cách đường thành khoảng 300-400m, nay đã là ruộng trồng lúa và hoa màu... Năm 2008, Sở VHTTDL Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại thành cổ Xương Giang. Kết quả khảo cổ đã chứng minh được giá trị lịch sử của Địa điểm chiến thắng Xương Giang là nơi ghi dấu chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt trong cuộc chiến chống quân xâm lược Minh.
Với giá trị lịch sử tiêu biểu, ngày 31-12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng Địa điểm chiến thắng Xương Giang (gồm 12 điểm) là DTQGĐB.
An toàn khu II Hiệp Hòa
Di tích An toàn khu II Hiệp Hòa (ATK II Hiệp Hòa) thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ của T.Ư, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ; là nơi lưu niệm sự kiện lịch sử, cách mạng và kháng chiến nổi bật gắn liền với quá trình đấu tranh của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa; đồng thời, lưu dấu ấn của các đồng chí lãnh đạo cách mạng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hà Thị Quế... đã về đây hoạt động, tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được nhân dân che chở, bảo vệ an toàn.
Ngoài những giá trị to lớn về lịch sử, di tích ATK II Hiệp Hòa còn mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo ẩn tàng trong những công trình văn hóa, kiến trúc có giá trị lâu đời, gắn với tín ngưỡng, tôn giáo và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Với những giá trị tiêu biểu trên, di tích ATK II Hiệp Hòa (gồm 8 điểm di tích: đình Vân Xuyên, nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà ông Nguyễn Văn Chế (tức Hựu), nhà ông Ngô Văn Đông (cụ Lý Đông), Soi Đền (xã Hoàng Vân), đình Chợ Vân (xã Hoàng An), đình Xuân Biều (xã Xuân Cẩm), chùa Y Sơn (xã Hòa Sơn) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là DTQGĐB (theo Quyết định số 2280/ QĐ-TTg ngày 31-12-2020).
2. Những vấn đề đặt ra trong quản lý DTQGĐB ở Bắc Giang hiện nay
Những DTQGĐB ở Bắc Giang nhận được sự quan tâm của các tổ chức bộ máy nhà nước và cộng đồng trên nhiều phương diện hoạt động như: UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; công trình tín ngưỡng, tôn giáo có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; kế hoạch hỗ trợ tu bổ DTQGĐB giai đoạn 2020-2025… Các cơ quan quản lý nhà nước khá chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về di tích cho nhân dân; công tác thanh tra, kiểm tra, lập quy hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo…, đặc biệt, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Thông qua việc quản lý, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ đã góp phần chống xuống cấp, bảo đảm tính nguyên gốc của các DTQGĐB, tạo cảnh quan sạch đẹp, đồng thời có giá trị phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, du khách, trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý DTQGĐB ở Bắc Giang còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục.
Nhà nước chưa có chiến lược, cơ chế đặc thù riêng cho việc bảo tồn, khai thác phát huy giá trị đối với loại hình DTQGĐB; cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy thực thi nhiệm vụ, mô hình quản lý chưa có sự thống nhất khiến cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích chưa được như mong muốn. Các DTQGĐB ở Bắc Giang có đặc điểm gồm nhiều loại hình (đình, chùa, đồn, thành lũy, nhà ở…), nhiều điểm đã trở thành phế tích, những yếu tố gốc cấu thành di tích luôn phải chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội, vì vậy cần quan tâm để bảo tồn và phát triển bền vững.
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn gặp nhiều khó khăn, còn chồng chéo với các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tu bổ, tôn tạo di tích, hậu kiểm còn mỏng, chế tài xử lý vi phạm còn thiếu hoặc chưa đủ sức răn đe. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ theo quy hoạch, đề án còn chậm. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực tu bổ di tích chủ yếu đến từ phản ánh, kiến nghị của báo chí và người dân sở tại. Việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở một số địa phương thời gian qua chưa nghiêm; hoạt động tu bổ di tích không đúng với văn bản thỏa thuận hay tình trạng tự ý tu bổ, tôn tạo di tích khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vẫn xảy ra (như trường hợp xây dựng tam quan chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên không đúng với thiết kế được thỏa thuận ban đầu)… Có di tích được kiểm tra có hạng mục tu bổ, tôn tạo nhưng không chấp hành các quy định về thẩm quyền, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương lập dự án tu bổ di tích, như: chùa Y Sơn, xã Hòa Sơn (nằm trong hệ thống di tích ATK II Hiệp Hòa)… cho thấy tính chủ động của các cơ quan quản lý văn hóa chưa thực sự được phát huy.
Đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp cơ sở còn thiếu nên một người phải đảm nhận nhiều công việc kiêm nhiệm, do đó hiệu quả công việc chưa cao.
Cộng đồng tuy rất tích cực trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nhưng do nhận thức về bảo tồn di tích không đồng đều, nhiều nơi người dân địa phương (nhất là người trực tiếp trông coi di tích) không nắm bắt được nguyên tắc tu bổ, tôn tạo nên đôi khi chính họ đã làm biến dạng, thay đổi di tích.
Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý di tích. Chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của cán bộ quản lý di tích còn hạn chế. Hoạt động của một số ban quản lý di tích cơ sở còn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích chưa thường xuyên, kiên quyết, triệt để.
3. Giải pháp quản lý nhà nước đối với hệ thống DTQGĐB ở Bắc Giang
Để tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy tốt giá trị các DTQGĐB, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nhất là những văn bản quy định cụ thể về hoạt động quản lý DTQGĐB để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di tích này phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện phân cấp quản lý di tích để nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.
Hai là, chú trọng công tác quy hoạch. Đối với những DTQGĐB chưa có quy hoạch tổng thể, cần hoàn thành quy hoạch để bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị di tích, công khai quy hoạch. Phân định rõ các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và những vùng điều chỉnh quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực quan trọng, các dự án thành phần về công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý; các chương trình bảo tồn, tôn tạo di tích hợp lý, hiệu quả. Việc quy hoạch đúng cách sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, vừa xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.
Ba là, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di tích trong cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, văn bản của Chính phủ, Bộ VHTTDL, các bộ, ngành T.Ư về công tác quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích… nhằm nâng cao nhận thức và ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di tích của người dân địa phương. Việc xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật về di tích cần ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu di tích trên các kênh thông tin đại chúng qua đó thu hút du khách thập phương đến với di tích, góp phần phát triển du lịch tâm linh tại địa phương.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý di tích. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện đang đảm nhiệm công việc quản lý di tích tại cơ sở. Chú trọng xây dựng đội ngũ thợ lành nghề tham gia vào các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tăng cường công tác quản lý di tích, các hoạt động bảo quản tu bổ, phục hồi di tích. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác quản lý di tích ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý di tích cho cán bộ cấp huyện, cấp xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích ở địa phương.
Năm là, đầu tư nguồn lực cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tăng chi ngân sách của Trung ương và địa phương để đầu tư cho hoạt động bảo tồn DTQGĐB, tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án trọng điểm. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Xây dựng chính sách thu hút, kêu gọi nguồn đầu tư, tài trợ, ủng hộ từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… huy động nguồn lực của toàn xã hội để tu bổ, tôn tạo di tích. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Sáu là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ về di tích. Tích cực, chủ động thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi xâm hại di tích. Quản lý nghiêm hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. Nếu phát hiện sai phạm yêu cầu dừng thi công để khắc phục ngay và kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ưu tiên đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống cứu hỏa tự động đủ tiêu chuẩn tại các DTQGĐB. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện các dự án tu bổ di tích, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích.
Bảy là, kiện toàn Ban quản lý di tích cơ sở. Rà soát, xem xét thành lập mới đối với di tích chưa có Ban quản lý di tích. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban quản lý di tích đã có. Thống nhất xây dựng mô hình quản lý DTQGĐB, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ cán bộ, viên chức quản lý di tích, chuyên môn hóa nghiệp vụ quản lý tại cơ sở.
Có thể thấy, DTQGĐB là một trong những loại hình di sản có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần phát huy được tiềm năng, giá trị của di tích theo hướng gắn di tích với phát triển du lịch bền vững. Do đó, nếu không có sự quản lý thống nhất của Nhà nước thì nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích khó có thể thực hiện được.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Bắc Giang, Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà, Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, An toàn khu II Hiệp Hòa), tài liệu lưu hành nội bộ.
2. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009.
3. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt, Hoàng Hoa Thám và phong trào khởi nghĩa Yên Thế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1958.
4. Phạm Quang Nghị, Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững, in trong Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập 3, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 2006, tr.9-18.
5. Sở VHTTDL Bắc Giang, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích ATK II huyện Hiệp Hòa, 2017.
NGÔ THỊ THU HƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022