Tranh Tết dân gian Đông Hồ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng cũng là một trong những loại hình nghệ thuật đang được bảo vệ khẩn cấp trước nguy cơ bị mai một. Việc khai thác và nghiên cứu đa giá trị của di sản văn hóa phi vật thể dòng tranh Tết dân gian Đông Hồ là rất cần thiết, nhằm bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể quý giá, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Việt.
Làng tranh dân gian Đông Hồ chính thức được đón nhận bằng công nhận nghề làm tranh dân gian là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013. Làng Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những “quê hương của những bức tranh in mộc bản truyền thống Việt Nam”. Những bức tranh về sự kiện xã hội, nhân vật lịch sử, hay mô tả cuộc sống thường nhật… được tranh Đông Hồ miêu tả hay ca tụng, đó là di sản văn hóa truyền thống đang dần bị bỏ quên và gần như thất truyền.
1. Đôi nét về lịch sử phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
Di sản văn hóa phi vật thể là một “tác phẩm” lịch sử của môi trường nhân văn và môi trường tự nhiên trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Do đó, nó chứa đầy các tài nguyên lịch sử phong phú, có thể giúp chúng ta nhìn thấy cuộc sống thực sự của con người trong một thời điểm lịch sử cụ thể, để xác thực lịch sử trong quá khứ… (1). Đồng thời, bằng cách “tái tạo lại” các mối quan hệ xã hội, các phong tục tập quán, chuẩn mực đạo đức và những điều cấm kỵ của tư tưởng đời sống xã hội trong lịch sử (2), con người ngày nay có thể hiểu được cấu trúc tổ chức xã hội và lối sống, phong tục của người dân vào thời đó.
Tranh Tết dân gian Đông Hồ xuất hiện vào thời điểm nào, cho đến nay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ đối với các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng: thời điểm xuất hiện tranh dân gian Việt Nam từ thời Lý. Dựa trên các thư tịch cổ cuốn Thiền uyển tập anh nhà sư Tín Học sống ở TK XII, sinh ra trong gia đình làm nghề khắc các bản kinh (3); hoặc trong một bài viết về tranh dân gian Việt Nam, học giả người Pháp Philippe Le Failler đã viết: “Tập quán có vẻ lâu đời này dường như có từ thời nhà Lý (1010-1225) và thời nhà Trần (1225-1400), mặc dù lúc bấy giờ không có gì xác nhận một cách chính thức cho những đề tài đang được ưa chuộng lẫn việc truyền bá tranh” (4). Giả thuyết này tuy dựa trên nguồn cứ liệu khoa học ít ỏi, nhưng không phải là không có cơ sở, bởi thời kỳ đó sự phát triển cực thịnh nghệ thuật chạm khắc phật giáo đã đạt đến đỉnh cao, như tượng A Di Đà tại chùa Phật Tích hay các tranh thờ…
Ngoài ra, còn có giả thuyết đưa ra việc in ấn tiền giấy thời nhà Hồ (Hồ Quý Ly), đây là lần đầu tiên phát hành tiền giấy, được gọi là Thông bảo hội sao, với kỹ thuật khắc in sóng, mây, rùa, lân, phượng rồng. Điều này, chứng tỏ kỹ thuật vẽ và khắc in ván gỗ đã xuất hiện và phát triển đến một trình độ nhất định. Bên cạnh đó, một quan điểm dựa trên những cứ liệu lịch sử TK XV về nhân vật lịch sử Lương Nhữ Hộc. Ông là người làng Hồng Liễu, huyện Trường Tôn, Phủ Hạ Hồng, nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, ông đi sứ sang Trung Quốc và mang nghề chạm khắc chữ trên gỗ về dạy cho người làng. Đến nay, một số làng ở Hải Dương lập đền thờ ông, coi ông là tổ nghề khắc gỗ... Từ đó, nghề làm tranh và nghề làm mã ở Đông Hồ là do một vài dòng họ từ Hải Dương, Thanh Hóa mang theo khi đến đây và làng Hồ đã phát triển thành một làng nghề từ khoảng TK XVII-XVIII (5). Đây có lẽ là một trong những giả thuyết mang tính thuyết phục cao nhất, vì không chỉ dựa trên những cứ liệu lịch sử mà các nhà nghiên cứu còn thông qua những bằng chứng khảo cổ học và khảo sát thu thập thông tin từ những nguồn tư liệu thực tế.
Trong thời kỳ phong kiến, dựa trên các tư liệu của các nhà nghiên cứu, cho thấy nghề làm tranh của làng Đông Hồ rất phát đạt. Mỗi dịp Tết đến, làng Đông Hồ đông vui, tấp nập, trên bến dưới thuyền người phương xa đổ về “cất tranh”, “ăn tranh”, đưa tranh đi khắp các vùng. Từ Hà Nội tới các tỉnh, “khắp chợ cùng quê” đâu đâu cũng có tranh tết, nhà nào cũng treo tranh của Đông Hồ (6).
Sự thịnh vượng của nghề làm tranh cũng được thể hiện rõ trong những dấu tích còn lưu lại tại đình làng Đông Hồ, không phải ngẫu nhiên mà nơi đây có thời kỳ còn gọi là chợ đình tranh. Trong suốt thời kỳ phong kiến, làng Đông Hồ là nơi cung cấp chủ yếu tranh dân gian cho hầu hết khu vực châu thổ Bắc Bộ. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, làng có 17 dòng họ làm nghề, cùng đội ngũ đông đảo các nghệ nhân nổi tiếng. Thời kỳ này để phát triển việc tiêu thụ sản phẩm, nhiều gia đình nghệ nhân đã di cư ra Hà Nội để sản xuất và làm một số nghề phụ liên quan đến nghề in tranh.
Trong thời gian đất nước diễn ra chiến tranh, nghề in tranh bị đình trệ. Khi hòa bình lập lại, dưới sự khuyến khích của việc khôi phục các nghề thủ công, nghề làm tranh tại Đông Hồ dần dần được hồi sinh. Các hình thức hợp tác xã sản xuất tranh dân gian được thành lập để xuất khẩu sang các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Nhưng bước sang thời kỳ đổi mới, dưới những tác động của kinh tế thị trường, sự biến đổi cơ cấu xã hội, xu hướng thẩm mỹ có nhiều thay đổi tranh dân gian Đông Hồ không còn được ưa chuộng, dẫn đến sự suy thoái trên mọi phương diện liên quan đến tranh Đông Hồ.
Trải qua lịch sử phát triển tranh dân gian Đông Hồ, chúng ta như được chứng kiến sự thịnh suy của các triều đại, lối sống phong tục, xu hướng thẩm mỹ. Đây là tính độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể, nó cho chúng ta thấy một góc của sự phát triển nền văn minh nhân loại.
2. Giá trị đa dạng của tranh Tết dân gian Đông Hồ
Giá trị văn hóa
Tranh Tết dân gian Đông Hồ là một nghệ thuật văn hóa dân gian độc đáo, xuất phát điểm từ nhu cầu tinh thần mong có một cuộc sống bình an trong xã hội cổ xưa, như cần phải xua đuổi tà ma, thì việc dán trước cửa nhà bức tranh Vũ Đinh, Thiên Ất, Tử vi trấn trạch, Huyền đàn trấn môn… hay còn gọi là những bức tranh “môn thần”, là cần thiết để xua đuổi tai họa, đón điều tốt lành vào nhà. Những bức tranh thể loại môn thần có phần nào bị ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, thông qua quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, nó đã được ông cha ta du nhập và Việt hóa. Trong các tác phẩm tranh dân gian về các vị anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, Quang Trung, Trần Hưng Đạo đánh giặc, Ngô Quyền, hình ảnh các vị anh hùng dân tộc đã được thần thánh hóa, không chỉ tái hiện những chiến công vẻ vang của dân tộc, mà cao hơn là nhắc nhở thế hệ sau tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, bằng những hình ảnh, biểu tượng đem lại sự tốt lành, may mắn của văn hóa phương Đông, mà tiêu biểu ở Việt Nam, tranh Tết Đông Hồ đã thắp sáng những ước vọng của những người nông dân Việt Nam, được thể hiện ở các tranh: Vinh hoa; Phú quý; Vinh quy bái tổ; Lợn đàn; Lễ, trí; Nhân nghĩa…
Ngoài ra, những bức tranh miêu tả lại rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống trong ngày lễ hội, như đánh đu, đấu vật, kéo co… Vào thời phong kiến, dân chúng coi tranh là công cụ dùng để tránh tai họa, xua đuổi ác quỷ, tránh ma quỷ, nhưng đồng thời cũng là những dấu hiệu của người dân mong muốn mang lại may mắn, sức khỏe, bình an. Và như vậy, tranh Tết dân gian đã trở thành linh hồn của cuộc sống tốt đẹp, đại diện cho đại đa số ước vọng của người nông dân Việt Nam.
Tranh Tết dân gian Đông Hồ có chủ đề phong phú, màu sắc tươi mới, mang nội dung và ý nghĩa văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam. Chủ đề trong tranh Tết Đông Hồ đa dạng đại diện cho ước vọng, tư tưởng của người dân luôn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp và tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc. Bên cạnh đó, tranh Tết dân gian Đông Hồ cũng phản ánh những phẩm chất giản dị, mộc mạc của người dân.
Giá trị nghệ thuật
Di sản văn hóa phi vật thể có thể phản ánh đặc trưng văn hóa và nghệ thuật của từng giai đoạn lịch sử, là phương tiện truyền tải đặc trưng của mỹ học, nó không chỉ có sức mạnh quyến rũ, độc đáo, mà còn mang yếu tố dân tộc và tính địa phương. Ngày nay, trên thế giới sự tương tác nghệ thuật và văn hóa ngày càng nhiều, văn hóa phi vật thể tranh dân gian Đông Hồ Việt Nam đang được các nhà nghiên cứu nghệ thuật ở trong ngoài nước quan tâm và phát triển nghiên cứu.
Dưới góc độ nghệ thuật, tranh Tết dân gian Đông Hồ không tuân theo lối viễn cận như thủ pháp mỹ thuật của châu Âu, mà chủ yếu nhấn mạnh đến nhân vật trên một bình diện. Bên cạnh đó, việc sử dụng mầu bằng các nguyên liệu tự nhiên, nghệ nhân Đông Hồ đã kết hợp mảng màu một cách hài hòa với bố cục của bức tranh tạo cho bức tranh có hình ảnh độc đáo, mang hương vị của mùa xuân, mùa của ước vọng. Tranh dân gian Đông Hồ đã hình thành nên một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc Việt Nam và cũng là một trong những vật phẩm thủ công dân gian có giá trị mỹ thuật cao.
Một trong những chức năng của tranh Tết dân gian, mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó là sự thúc đẩy nền mỹ thuật Việt Nam phát triển. Tranh Tết dân gian Đông Hồ được nảy sinh trong nền mỹ thuật dân gian, vận dụng mảng màu đơn sắc, được bao bằng đường viền đậm, các nhân vật được dàn lên hết mặt tranh. Tạo cho bố cục tranh có sự liên kết trọn vẹn giữa các mảng nét và khoảng trống, một trong những bí quyết của các nghệ nhân Đông Hồ khi sáng tác những bức tranh đó là thuận mắt. Do đó, cách tạo hình đơn giản hơn, nhưng lại vô cùng hợp lý, hợp tình, tạo cho người xem cảm giác gần gũi, dễ hiểu đáp ứng được tâm lý, tư tưởng và tình cảm ước vọng của đại đa số tầng lớp nhân dân. Với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng của các bậc tiền nhân, kết hợp với nhu cầu tinh thần của quảng đại quần chúng nhân dân lao động, dần hình thành nên hình thái nghệ thuật dân gian đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm mỹ của người lao động. Trong quá trình sáng tác bản khắc, các yếu tố về tính triết lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng to lớn đến hình thức của các bức tranh Tết dân gian. Các nghệ nhân tuân thủ theo luật âm - dương, tạo nên tính đối xứng, cân bằng trong cách sử dụng màu hay hình mảng.
Ngoài ra, mỗi một bản khắc nghệ nhân sử dụng thủ pháp chạm, đục thể hiện kỹ năng khéo léo của mình tạo nên sự khác biệt với các dòng tranh dân gian khác. Ở các dòng tranh như Hàng Trống (Hà Nội), hay xa hơn nữa tại Tô Châu, Phật Sơn, Thiên Tân, Tứ Xuyên (Trung Quốc), hầu như các nét chạm khắc hướng đến sự mảnh mai, tinh tế; còn với tranh Đông Hồ, các nghệ nhân sử dụng không chỉ công cụ, mà thủ pháp để chạm khắc là không giống nhau nên đã tạo cho bức tranh có những nét thô, to và dày. Đây chính là sự độc đáo làm nên sự khác biệt giữa tranh Đông Hồ và những dòng tranh khác. Nó thể hiện bản tính của người Việt, mộc mạc mà giản dị, chân thật và đôn hậu, khi trang trí trong những ngôi nhà đơn sơ của người Việt luôn mang lại tính phù hợp làm nổi bật lên lối sống, phong cách nhân văn của dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy được tranh Tết dân gian Đông Hồ có những đặc điểm nghệ thuật độc đáo, thể hiện được nét đặc trưng văn hóa và xu hướng thẩm mỹ của người Việt trong xã hội truyền thống.
Giá trị kinh tế
Thực hiện Luật Di sản văn hóa ban hành ngày 1-1-2010, “Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (7). Ngày nay, di sản văn hóa phi vật thể ở trong môi trường kinh tế thị trường, có thể tạo nhiều cơ hội việc làm và kiếm thêm thu nhập cho nghệ nhân và lớp kế cận tiếp nhận di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, cung cấp, hỗ trợ các ngành liên quan đến di sản văn hóa và sự phát triển dữ liệu lịch sử.
Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi có nền văn hóa phát triển lâu đời của nền văn hóa Việt Nam, là một trong những quê hương của tranh in mộc bản, với đề tài và nội hàm văn hóa dân tộc phong phú, di sản văn hóa phi vật thể tranh Tết Đông Hồ đã trở thành báu vật quốc gia được bạn bè quốc tế biết đến. Làng tranh Đông Hồ với lợi thế về vị trí địa lý, việc sản xuất, bảo quản, và mua bán trong thời kỳ trước đây đã mang đến một giá trị kinh tế không hề nhỏ. Ngày nay, trước những biến đổi xã hội, tranh dân gian Đông Hồ không còn được ưa chuộng như trước đây, nghề sản xuất tranh rơi vào khủng hoảng không phát huy được hết giá trị kinh tế. Nhưng với tư cách là quê hương của loại hình dân gian độc đáo, các sản phẩm tranh dân gian ngày một đa dạng, tinh tế hơn, đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ tranh dân gian Đông Hồ đã có sự đổi mới dựa trên cơ sở kế thừa, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của thị trường hiện đại, mang lại những giá trị kinh tế nhất định trong giai đoạn mới.
Giá trị khoa học
Là sản phẩm của lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể phản ánh chân thực phương thức sản xuất, trình độ kỹ thuật, trình độ khoa học của con người trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, được dùng làm tư liệu, điển hình cho nghiên cứu khoa học hiện đại, nên có giá trị khoa học cao. Quy trình sản xuất tranh Tết dân gian Đông Hồ rất phức tạp và tinh tế, là sự kết hợp giữa công nghệ khắc, in tranh và sản xuất giấy, các quy trình này đòi hỏi kỹ năng thủ công nhuần nhuyễn của người nghệ nhân, đồng thời nó có giá trị nghiên cứu khoa học lớn. Quy trình sản xuất tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ chủ yếu được chia thành năm công đoạn: sáng tác mẫu, đục khắc tạo bản khắc gỗ, chuẩn bị giấy điệp, in và phơi khô. Quy trình sản xuất có vẻ dài dòng và phức tạp, nhưng vào thời kỳ xa xưa có thể được coi là công nghệ tiên tiến nhất.
Về chất liệu để tác tạo bản khắc gỗ, thông thường các nghệ nhân dựa vào đặc trưng của một số loại gỗ như gỗ thị, gỗ mỡ, gỗ thừng mực để làm ván in nét và trước khi được khắc thành ván in phải để một vài năm cho gỗ khô kiệt tránh bị cong vênh. Đối với ván in màu, họ thường sử dụng các loại gỗ như vàng tâm, gỗ dổi, gỗ mỡ… những loại gỗ nhẹ, có đặc tính mềm xốp, dễ hút màu. Để lưu truyền lại cho thế hệ sau, các bậc tiền nhân đã sử dụng phương pháp ngâm gỗ từ 10 đến 20 năm, sau đó xẻ ra để một vài năm cho khô xong mới tiến hành sử dụng (8). Công đoạn sáng tác mẫu, rất quan trọng, đòi hỏi người nghệ nhân phải có tư duy sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, tâm hồn bay bổng và lãng mạn, tinh tế và tài hoa trong lĩnh vực hội họa. Trên bản mẫu tùy thuộc vào đường nét, người nghệ nhân sử dụng các công cụ chuyên biệt để khắc, như khắc nét thẳng thì dùng ve lưỡi thẳng, nét cong sử dụng ve lòng máng… Đây là công đoạn kỹ thuật đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kỹ năng của người nghệ nhân.
Sau khi đã hoàn thành bản khắc, để in ra cần đến một loại giấy in mà chúng ta thường gọi là giấy điệp. Giấy điệp là một loại giấy dó được quét một lớp điệp lên trên, lớp điệp này là một trong những kỹ thuật có một không hai trên thế giới mà cha ông ta đã phát minh ra. Điệp được tạo ra từ vỏ con sò điệp, kết hợp với bột gạo nếp, bột sắn hoặc bột mì sau đó quấy đều và đun lên thành hồ. Sau khi giấy dó được quết lên một lớp điệp, cộng thêm một số công đoạn nhỏ nữa tạo thành giấy điệp có chất liệu óng ánh, lung linh, vô cùng độc đáo.
Công đoạn in tranh thì thường in các bản màu trước, đặc biệt sau mỗi lần in một mầu cần phơi cho khô sau mới lại in tiếp màu khác, in nét là công đoạn sau cùng. Về kỹ thuật in của Đông Hồ là in ván úp, đây là kỹ thuật không giống với đại đa số kỹ thuật in tranh dân gian ở các nơi khác. Nhìn chung, ngày nay với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, công nghệ sản xuất và tinh thần sáng tạo tranh của Đông Hồ của các bậc tiền nhân luôn làm chúng ta phải thán phục.
Giá trị xã hội
Ngày nay, con người sống trong một xã hội hiện đại, điều kiện môi trường sống và phương thức sinh tồn vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi các di sản văn hóa phi vật thể. Di sản không chỉ được sử dụng như một hình thức bên ngoài của văn hóa, mà còn là công cụ hữu hiệu để hướng dẫn con người điều chỉnh hành vi của chính mình. Dưới thời đại phong kiến, tranh Tết dân gian Đông Hồ nhắc nhớ con người hướng đến các giá trị, chuẩn mực xã hội. Trong thời đại chống Mỹ cứu nước, thì tranh cổ vũ cho tinh thần yêu nước, động viên người dân lao động sản xuất… góp phần thúc đẩy cho công cuộc cách mạng thống nhất đất nước. Trong kho tàng văn hóa của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, làng Đông Hồ đã được gắn liền với nghề làm tranh Tết. Điều này cũng có nghĩa, làng Đông Hồ trở thành tấm danh thiếp sống của văn hóa tranh Tết dân gian Việt Nam. Hy vọng, nó sẽ tiếp tục phát huy giá trị xã hội, hướng đến quảng đại quần chúng nhân dân, quảng bá tinh thần dân tộc Việt Nam.
_______________
1. Tô Hinh, Sản vật quý giá của dân tộc Trung Quốc, bàn về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, Tạp chí Kim Điền, 2013, tr.444.
2. Triệu Uy Hiệp, Văn hóa phi vật thể giá trị luận, Bắc Kinh, Nxb Viện nghiên cứu nghệ thuật Trung Quốc, 2013, tr.6.
3. Nguyễn Thuần, Ai về Làng Mái Đông Hồ, Nxb Hội Nhà văn, 2007, tr.51.
4. Philippe Le Failler, Tranh dân gian Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 84, 85, 2001, tr.28.
5, 6, 8. Từ Thị Loan, Di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Lao động, 2016, tr. 44, 45, 56.
7. Luật Disản Văn hóa số 32/2009/QH12, điều 9, khoản 1.
Ths VŨ MINH ĐỨC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022