Định hướng hoàn thiện thể chế trong quản lý tài sản trí tuệ để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trình diễn tại Festival Áo dài Hà Nội - Ảnh: Minh Anh

Ngày nay, công nghiệp văn hóa giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế sáng tạo của thế giới. Theo báo cáo của UNESCO (2022)(1), các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp 3,1% GDP và giải quyết 6,2% tổng số lao động việc làm cho lao động toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa đã được Đảng đề cập trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 (2) với chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Đảng năm 2021.

Từ những chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể hóa, với những văn bản quan trọng. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam (Quyết định 1755/QĐ-TTg) đã xác định quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Quyết định 1909/QĐ-TTg) đã xác định mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm trung bình đạt 7%.

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, là nơi quy tụ nhiều tài năng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Từ năm 2019, Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đây là một bước tiến lớn, đồng thời là cơ hội để Hà Nội phát huy các nguồn lực, tiềm năng, khẳng định vị trí trong công cuộc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, cho đến nay, việc khai thác những lợi thế, tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa còn chưa hiệu quả, trong đó phải kể đến việc quản lý tài sản trí tuệ trong phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc bảo hộ, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả nhằm phát huy các giá trị kinh tế và giá trị tinh thần mà tài sản trí tuệ mang lại, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Từ đây đặt ra yêu cầu Hà Nội cần có thể chế đặc thù trong việc quản lý tài sản trí tuệ để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

1. Những vấn đề cơ bản về thể chế quản lý tài sản trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa

Khái niệm tài sản trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tài sản trí tuệ (Intellectual Property) là những sáng tạo trí tuệ của con người như sáng chế, tác phẩm văn học và nghệ thuật, các biểu tượng, tên, hình thành và kiểu dáng được sử dụng trong thương mại (3).

Công nghiệp văn hóa (Cultural industries) là khái niệm được hình thành gắn với sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Công nghiệp văn hóa là các ngành công nghiệp kết hợp việc tạo ra, sản xuất và thương mại hóa nội dung sáng tạo, có thể là hàng hóa hoặc dịch vụ. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam xác định các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Tài sản trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa trong phạm vi nghiên cứu là những sản phẩm sáng tạo của con người trong các lĩnh vực thuộc 12 ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam và là đối tượng bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ (4). Trong phạm vi của nghiên cứu, nhóm tác giả tập trung phân tích những khía cạnh bảo hộ tài sản trí tuệ thuộc quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (5).

Thể chế quản lý tài sản trí tuệ trong phát triển công nghiệp văn hóa

Khái niệm thể chế (institutions) từ tiếp cận tổng quát được định nghĩa là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo (6). Thể chế quản lý tài sản trí tuệ trong phát triển công nghiệp văn hóa được nhận diện đó là hệ thống các quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động quản lý tài sản trí tuệ nhằm biến các nguồn lực, tiềm lực về văn hóa, nghệ thuật được hình thành thông qua hoạt động sáng tạo trở thành giá trị bao gồm: giá trị về mặt kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và giá trị về mặt tinh thần đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Thể chế quản lý tài sản trí tuệ trong phát triển công nghiệp văn hóa trong tiếp cận của nghiên cứu này bao gồm: hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của các ngành, lĩnh vực thuộc 12 ngành công nghiệp văn hóa, hệ thống pháp luật quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, quyền liên quan) và các định hướng của Nhà nước trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội, nhóm nghiên cứu cũng đề cập các định hướng của Đảng (Thành ủy Hà Nội) trong việc đưa ra các chính sách đặc thù trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô.

2. Thực trạng thể chế quản lý tài sản trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục văn hóa lớn của cả nước với nhiều lợi thế, tiềm năng về tài nguyên văn hóa đa dạng, có giá trị văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Nghiên cứu về thể chế quản lý tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội, xin phân thành 2 nhóm văn bản: Những văn bản về quản lý tài sản trí tuệ tại trung ương có tác động đến Hà Nội và những văn bản do chính quyền địa phương tại Hà Nội, cụ thể:

Hệ thống văn bản tại trung ương

Các văn bản trong lĩnh vực văn hóa

Chính phủ đã ban hành các chiến lược liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng nhằm mục tiêu tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, hình thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó bao gồm 2 văn bản được xem là những định hướng cơ bản cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, cụ thể:

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu được đề cập trong Chiến lược đến năm 2030 trong phát triển công nghiệp văn hóa đó là: phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm trong xã hội. Việc ban hành Chiến lược này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường thể chế thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những thay đổi tích cực về thể chế đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam lên một bước tiến mới và góp phần vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam chiếm 2,68% GDP cả nước; đến năm 2018, con số này ước đạt khoảng 3,61%. Công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa và chuyển hóa giá trị văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Cùng với Chiến lược phát triển các ngành công nghiêp văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021) trong đó xác định mục tiêu: hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế (7).

Để cụ thể hóa các văn kiện, văn bản, định hướng của Nhà nước đối với phát triển văn hóa nói chung và trong phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, trong từng lĩnh vực văn hóa. Theo thống kê tính đến tháng 6-2022, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa tại Việt Nam có khoảng 197 văn bản (tính cả các văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều và các Lệnh của chủ tịch nước công bố Luật), trong đó:

Dưới thể thức là Luật: có 8 văn bản nếu tính theo lĩnh vực thì có 5 lĩnh vực bao gồm: sở hữu trí tuệ (nội dung về bản quyền tác giả), di sản văn hóa, điện ảnh, quảng cáo và thư viện.

Dưới thể thức là Nghị định có 34 Nghị định thuộc các lĩnh vực: văn hóa cơ sở, di sản văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, thi đua khen thưởng, sở hữu trí tuệ (bản quyền tác giả), nghệ thuật biểu diễn và xuất nhập khẩu văn hóa phẩm. Ngoài ra, còn có 1 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, gia đình; 1 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngoài ra còn có các văn bản, văn kiện khác định hướng như hệ thống các chỉ thị, quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng chính phủ, các thông tư, thông tư liên tịch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Các văn bản văn kiện, định hướng và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ (nội dung về bản quyền tác giả) là văn bản cao nhất trực tiếp điều chỉnh các quan hệ khác nhau liên quan đến quản lý tài sản trí tuệ ở những khía cạnh xác lập quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ và giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản trí tuệ, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh từng ngành/ lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong việc hỗ trợ thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Ngoài các quy định của Luật, các văn bản dưới luật liên quan hướng dẫn tổ chức thực thi tạo nền tảng trong việc thương mại hóa và phát huy các giá trị mà tài sản trí tuệ của các ngành công nghiệp văn hóa mang lại trong đó phải kể đến: Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14-3-2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí; Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg ngày 2-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với máy tính; Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19-6-2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường internet và mạng viễn thông.

Hệ thống văn bản tại thành phố Hà Nội

Với những đặc điểm đặc thù, Hà Nội trở thành thành phố của sự đa dạng quy tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa: các yếu tố truyền thống lâu đời, lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa (8); 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (9). Cùng với những tiềm năng đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.

Hà Nội đã có những chính sách đặc thù trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; xây dựng; phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Phân kỳ mục tiêu trong Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo Nghị quyết này, Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. Điều này bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô; từng bước rút ngắn khoảng cách, nâng cao bản lĩnh văn hóa Thủ đô, được coi là khâu đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô. Để thực hiện Nghị quyết này, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12-08-2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU: Với mục đích tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chi tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-02-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy.

Liên quan đến quản lý tài sản trí tuệ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3567/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 với mục đích cụ thể hóa các mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và Hà Nội nói riêng, tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thành phố Hà Nội. Đồng thời, đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp: tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn lực về sở hữu trí tuệ; thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với thực tiễn của thành phố; thúc đẩy, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển, nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Có thể thấy, với hàng loạt các chính sách được ban hành, Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu giữ vững và phát triển thương hiệu “thành phố sáng tạo” nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo (Creative Cities Network) của UNESCO và tầm nhìn trở thành thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “thành phố sáng tạo” cho Hà Nội là cách để kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo và tạo điều kiện để lực lượng lao động sáng tạo văn hóa tạo ra những giá trị văn hóa mới. Từ đó, Hà Nội có thể thực sự trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, đây là công việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao, đoàn kết phát triển từ Trung ương tới địa phương; đặt ra yêu cầu phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ, các chính sách phát triển phù hợp đối với công nghiệp văn hóa - một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển đất nước và Thủ đô.

3. Đề xuất các chính sách cơ bản nhằm hoàn thiện thể chế trong quản lý tài sản trí tuệ để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội

Trong bối cảnh đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo và hội nhập phát triển của Việt Nam, nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết đó là tạo động lực cho sự sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm tạo động lực cho sự phát triển toàn diện trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước. Để có thể thực hiện được mục tiêu này, một trong những vấn đề bức thiết đó là hoàn thiện thể chế trong quản lý tài sản trí tuệ để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại nước ta. Trong xu thế phát triển chung của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, cùng với việc nghiên cứu sự phát triển, những đổi mới trong các định hướng, chính sách phát triển văn hóa và những nhận định liên quan đến thời cơ, thách thức của thị trường văn hóa Việt Nam trong giai đoạn tới, xin được đề xuất một số kiến nghị xây dựng 3 chính sách cơ bản sau:

Một là, chính sách về đổi mới phân cấp trong thực thi quản lý tài sản trí tuệ tại Hà Nội, đặc biệt chú trọng đến vai trò của cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chuyên môn tại cấp huyện và các chức danh công chức cấp xã trong việc hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ trong hoạt động văn hóa, sáng tạo của người dân tại cơ sở; tạo lập mối liên kết giữa các cơ quan hành chính ở khu vực nhà nước với các tổ chức, cá nhân ở khu vực ngoài nhà nước trong việc quản lý tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội.

Hai là, chính sách phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa tại 2 khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa tại 2 khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, hình thành đội ngũ cán bộ văn hóa chuyên nghiệp, nhạy bén thích nghi với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách huy động nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Từ đó, từng bước cân bằng, cân đối cơ cấu nguồn lực cán bộ cho phù hợp, có chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài; xây dựng chế độ khen thưởng cả về vật chất và tinh thần phù hợp với những người có thành tích, cống hiến.

Ba là, chính sách phát triển hệ thống thông tin quản lý tài sản trí tuệ hướng đến xây dựng bản đồ quản lý tài sản trí tuệ trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội. Hướng tới việc hoàn thiện, phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại: hình thành cơ sở dữ liệu về thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa, cập nhật và quản lý thông tin của các ngành công nghiệp văn hóa thông qua công nghệ GIS (Geographic Information Systems - Hệ thống thông tin địa lý). Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học về công nghiệp văn hóa với các tổ chức nghiên cứu khoa học nước ngoài; đẩy mạnh công bố quốc tế các công trình khoa học về văn hóa, sáng tạo.

________________

1. UNESCO, Reshaping Policies for creativity, addressing culture as a global public good (Định hình lại các chính sách cho sự sáng tạo, giải quyết vấn đề văn hóa như một lợi ích chung toàn cầu), unesco.org, 2022.

2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Trần Văn Nam, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, 2019, tr.12.

4. Theo khoản 1, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

5. Quyền sở hữu trí tuệ đối với 12 ngành công nghiệp văn hóa thuộc 2 đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ đó là: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.

6. Bộ Tư pháp, Từ điển luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, 2006, tr.703.

7. Quyết định số 1755/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

8. Trong đó có: 1 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, (89 di tích đơn lẻ), 1160 di tích cấp quốc gia, 1.452 di tích cấp thành phố.

9. Theo số liệu công bố kết quả kiểm kê đến hết ngày 31-12-2016 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong đó có 2 disản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, 1 di sản cần bảo vệ khẩn cấp (Hát ca trù), 1 di sản trong hồ sơ đa quốc gia (Nghi lễ và trò chơi kéo co), 1 di sản tư liệu thế giới (82 bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) và 26 di sản được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TS LÊ TÙNG SƠN - NGUYỄN THỊ PHƯƠNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

Viết còn non tay, chứng tỏ mới bước chân vào giới nghiên cứu khoa học

Nguyễn Đỗ Duy Quân

Tôi tự hào về em - học trò của tôi !!!

Vũ Cao Đàm

Từ giọng văn có thể suy ra rằng: tác giả bài viết này ắt hẳn cực kỳ xinh đẹp. Nếu bạn chưa có người yêu, mình xin được ứng tuyển ạ !!!

Ẩn danh
;