Bài viết giới thiệu khái quát tư tưởng Nho giáo như một hệ thống triết lý, tư tưởng, đạo đức ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, văn hóa của một số quốc gia phương Đông trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc… Trong quá khứ, tư tưởng triết lý, đạo đức của Nho giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến thể chế nhà nước, tổ chức xã hội, sản xuất và đời sống của hai nước. Ngày nay cùng với chính sách đổi mới hội nhập quốc tế của Nhà nước Việt Nam, sự tương đồng của tư tưởng đạo đức Nho giáo cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước về xã hội, văn hóa, kinh tế, thương mại. Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo có nhiều điểm tích cực, nhưng cũng không phải không có những hạn chế, vì vậy khi tiếp thu tư tưởng văn hóa Nho giáo, chúng ta cần có nhãn quan sáng suốt để gạn đúc khơi trong.
Hàn Quốc có nhiều chính sách để phát triển du lịch văn hóa - Ảnh minh họa: vietrantour.com.vn
1. Khái quát về văn hóa Nho giáo
Phương Đông từ cổ xưa là cái nôi của văn minh nhân loại mà Trung Quốc là một trong những trung tâm văn hóa, triết học, cũng là nơi khởi nguồn của Nho giáo, Nho gia.
Ở Trung Quốc, Nho giáo xuất hiện từ TK VI trước công nguyên (TCN), dưới thời Xuân Thu do Khổng Tử (tức Khổng Khâu: 551-470 TCN) do người nước Lỗ lập ra. Đến thời Chiến Quốc loạn lạc, chiến tranh, Nho giáo được các học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, Tuân Tử… hoàn thiện, tập hợp thành các bộ sách, phát triển theo hai khuynh hướng duy tâm và duy vật, trong đó dòng nho Khổng Mạnh có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong lịch sử Trung Hoa và các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…
Nho giáo là một hệ thống triết lý, tư tưởng, đạo đức trở thành kinh điển chi phối đời sống tinh thần của các nước phương Đông qua bộ Tứ thư (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Thư, Thi, Lễ, Dịch, Xuân Thu). Những tư tưởng triết học bản thể luận và tư tưởng biến dịch của vũ trụ có thể xem Khổng Tử đứng trên quan điểm triết học của Kinh dịch. Vì thế, Tứ thư, Ngũ kinh thể hiện tư tưởng cốt lõi của Nho giáo ở phương Đông, đặc biệt là Kinh dịch được coi là: “quần kinh chi thủ, vạn pháp chi môn - Kinh dịch là cuốn kinh đứng đầu trong các kinh điển và là nền tảng, các môn khoa học cổ điển khác phải dựa vào Kinh dịch để phát triển”.
Theo Nho giáo, xã hội là một tổng thể những quan hệ giữa con người với con người. Đó là quan hệ nền tảng của xã hội thâu tóm các mối quan hệ bằng ba rường cột chủ đạo (gọi là Tam cương) mà quan trọng nhất là cặp vua - tôi, rồi đến cha - con, chồng - vợ, anh - em. Đó là tư tưởng chính trị quân quyền và phụ quyền. Điều này khẳng định Khổng Tử đặc biệt đề cao tư tưởng Chính danh. Ông hết sức coi trọng nguyên lý “Nhân trị” chứ không quan tâm đến “Pháp trị”. Tư tưởng này được áp dụng triệt để vào thời kỳ quá độ chuyển sang xã hội phong kiến, loạn lạc và chiến tranh liên miên. Từ đó, Nho gia chủ trương xây dựng xã hội đại đồng, trật tự trên - dưới: vua - tôi (vua sáng - tôi hiền), cha từ - con hiếu thảo; quan lại - thứ dân. Đó là tư tưởng bất biến của tầng lớp quý tộc, thị tộc, địa chủ phong kiến đang lớn mạnh. Dưới chế độ này, Khổng Tử chủ trương duy trì ngôi vua theo huyết thống (cha truyền con nối), đồng thời thiết lập nền văn hóa Nho gia, đạo đức xã hội thông qua quy phạm “Lễ”: Tạo dựng Chính danh, con đối với cha lấy chữ “Hiếu” làm đầu, cha đối với con phải lấy lòng từ ái - yêu thương làm trọng…
Nho giáo lấy giáo dục và phương thức chủ yếu để đạt tới xã hội lý tưởng “đại đồng”, hướng vào việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức mà cái gốc, cái chuẩn mực là “nhân”. Chữ “Nhân” được coi là nguyên lý đạo đức cơ bản nhất, quy định bản tính con người và mối quan hệ người với người. Ngay cả các phương thức Lễ, Nghĩa, Tín, Trung, Hiếu… cũng chỉ là biểu hiện lan tỏa của “Nhân” (gốc). Nó áp dụng, thực hành trong hệ thống quyền lực, trong cộng đồng và trong gia đình, gia tộc, đó còn là triết lý nhân sinh. Khổng Tử muốn giáo hóa con người, cải tạo xã hội theo hướng đức nhân, vươn tới 5 điều trong thiên hạ: cung, khoan, tín, mẫu, huệ và trí, dũng. Trong triều đình, vua là con Trời (Thiên tử), là đấng tối cao, thay trời dùng lễ trị để thay pháp trị. Trong gia tộc, gia đình, trưởng tộc, người cha, người con trưởng có quyền lớn nhất. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không có quyền bình đẳng như nam giới bởi đạo tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và Tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) mà tàn dư của nó còn dai dẳng ảnh hưởng đến ngày nay.
Như vậy, đức Khổng Tử căn cứ trên lẽ biến hóa mà điều hòa của trời đất, đem những tư tưởng và hành vi của bậc thánh nhân đời trước lập thành đạo để răn dạy thiên hạ, “việc phải thì làm, việc trái thì bỏ, cốt giữ cái tâm cho sáng suốt, đừng để tư dục làm ám muội” (Khổng Tử). Ông chỉ rõ: “Vi quốc di lễ” (Làm việc nước thì dựa vào lễ - Luận Ngữ). “Lễ giả, cương quốc chi bản dã” (Lễ là cái gốc làm cho nước mạnh - Tuân Tử). Những tư tưởng trên giáo huấn cho con người về tư tưởng, đạo đức, phong tục, tập quán xã hội… ảnh hưởng lâu dài ở các nước phương Đông từ việc tổ chức bộ máy nhà nước đến ứng xử, tế lễ, ma chay, cưới xin, lễ hội…
Lịch sử và văn hóa ở nhiều nước phương Đông đều hình thành, phát triển và tồn tại ba loại tôn giáo lớn, ba học thuyết khác nhau là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Cả ba đều phổ cập, ảnh hưởng vào Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản… bằng con đường chính thống. Tùy thuộc vào thời gian, điều kiện lịch sử mà từng tôn giáo được tôn vinh là chủ đạo, có thể là quốc đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn bôn ba hải ngoại, tại Pháp (năm 31 tuổi) Người viết bài: Đức Khổng Tử vĩ đại (đăng trên Tạp chí Communite, ngày 15-5-1921) nói về thuyết đại đồng của Khổng Tử như sau: “Đức Khổng Tử (năm 551 TCN) khởi xướng nền đại đồng và thuyết giáo quyền bình đẳng về của cải. Người (Khổng Tử) nói tóm lại là: Nền hòa bình trên thế giới chỉ nảy nở từ nền đại đồng trong thiên hạ. Người không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng”. Theo Luận ngữ Quý thị, Khổng Tử đề ra: “Người cai quản quốc gia không lo thiếu của cải mà lo phân phối không đều, không lo nghèo đói mà lo lòng dân không yên. Đại phàm đều thì không nghèo, hòa thì không thiếu, yên thì không sợ nghiêng đổ” (1). Những tư tưởng, quan điểm lớn đó của Khổng Tử ảnh hưởng sâu sắc vào các nước, trong đó có Hàn Quốc, Việt Nam.
2. Ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo đối với Việt Nam và Hàn Quốc
Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có lịch sử, văn hóa, tôn giáo gần giống nhau ở Đông Á. Hai nước đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo từ thời cổ đại, thời phong kiến và phần nào đến ngày nay. Tuy nhiên, sự du nhập, ảnh hưởng ở mỗi nước về thời gian, mức độ có khác nhau.
Ở Triều Tiên, Nho giáo xuất hiện từ năm 392 TCN, được các triều đại phong kiến vận hành triệt để, nhất là trong 5 thế kỷ (từ TK XI đến TK XV). Ở nước ta thời kỳ này Nho giáo cũng thịnh vượng nhất. Đặc biệt, thời kỳ nhà nước phong kiến tập quyền Chosun (Hàn Quốc) sùng bái, đề cao Nho giáo quá mức. Tư tưởng, đạo đức, lý thuyết của Nho giáo ăn sâu vào tiềm thức và hành vi giai cấp thống trị, truyền bá sâu rộng trong đời sống tinh thần xã hội. Đến TK XV, dưới thời Vua Sejong, Hàn Quốc thịnh hành cả ba tôn giáo nhưng Nho giáo vượt lên trên cả Phật giáo, chiếm địa vị độc tôn và rất cực đoan. Tuy nhiên, đến năm 1910, khi Nhật Bản chiếm Triều Tiên (lần thứ 2) thì chấm dứt sự thống trị của tư tưởng Nho giáo, nhưng giá trị của nó còn ăn sâu vào tâm thức người Hàn Quốc cho đến nay. Nhiều bảo tàng, đền thờ, chùa chiền còn mang đậm dấu ấn của Nho giáo. Nhiều nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội, ứng xử trong cộng đồng, dòng tộc, gia đình, doanh nghiệp vẫn bộc lộ rõ nét những đặc tính, đặc trưng, phong cách của đạo đức, triết lý trong mối quan hệ người với người như thiết chế Nho giáo quy định trước đây.
Ở Việt Nam, Nho giáo xâm nhập muộn hơn Hàn Quốc (TK I TCN). Trước khi tiếp biến đạo Nho, tôn giáo của người Việt là Bà-la-môn giáo và Phật giáo nguyên thủy. Thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo chỉ thịnh hành trong tầng lớp quý tộc. Quan hệ vua - tôi ở đô thị chứ không lan tỏa các vùng nông thôn.
Từ tư tưởng chính trị - đạo đức của Khổng Mạnh là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh Tu thân. Người đem học thuyết Nho gia vận dụng vào công việc vận động cách mạng như trong tác phẩm nổi tiếng Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hay khi cụ Huỳnh Thúc Kháng được giữ quyền Chủ tịch nước tiễn Bác ra sân bay sang Pháp đàm phán (năm 1946), Người khuyên cụ Huỳnh ở nhà “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Người dạy quân đội “Trung với nước, hiếu với dân”. Vận dụng học thuyết đại đồng của Khổng Tử, khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (năm 1965), Người nói: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”…
Trong lịch sử dân tộc, chỉ sau khi Ngô Quyền chiến thắng Bạch Đằng, giành độc lập, bắt đầu xây dựng nền văn hóa Đại Việt, trong khuôn khổ nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền, xã hội Việt Nam mới đặt ra yêu cầu phát triển Nho giáo nhằm thiết lập trật tự xã hội phong kiến lớn mạnh theo nguyên lý Trung gắn với Nghĩa, Nho giáo thích ứng với nền kinh tế tiểu nông gia trưởng, đáp ứng việc đào tạo nho sĩ, tuyển dụng nhân sự cho bộ máy nhà nước phong kiến từ Trung ương đến địa phương. Năm 1070, nhà Lý mở rộng Văn Miếu ở Thăng Long. Năm 1075 triều đình mở khoa thi đầu tiên và từ đó dưới thời phong kiến thường mở các khóa thi chọn người đỗ đạt ra làm quan.
Thời kỳ Lý - Trần, Nho giáo là cơ sở tư tưởng xây dựng chế độ nhà nước quân chủ tập quyền, thực hành quản lý xã hội, hoạch định chính sách, rõ nét nhất là tư tưởng Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, tư tưởng Chiếu rời đô của Lý Công Uẩn, chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh của Lý Chiêu Hoàng cũng như trong các tác phẩm bất hủ của Lý Thường Kiệt (Nam quốc sơn hà), của Trần Hưng Đạo (Hịch tướng sĩ), của Nguyễn Trãi (Bình ngô đại cáo). Đến TK XVIII- XIX, tuy Nho giáo bị lép vế so với Phật giáo nhưng ảnh hưởng của Nho giáo mà lịch sử dân tộc có được những nhà nho nổi tiếng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm... Cuối TK XIX, đầu TK XX, Nho giáo sa sút, bảo thủ, có mặt phản động để rồi chấm dứt thịnh hành vào năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công.
Việt Nam (sau năm 1945) và Hàn Quốc (sau năm 1948) tuy hai nhà nước xây dựng chế độ xã hội khác nhau, nhưng về văn hóa và tôn giáo trong nhiều thập kỷ qua vẫn có những nét tương đồng, trong đó sự tồn tại, đọng lại nhiều biểu hiện của tư tưởng, đạo đức Nho giáo. Nó thể hiện trong việc thiết kế, tổ chức bộ máy hành chính theo thể chế hiến pháp của mỗi quốc gia, nhưng đặc trưng nhất là hình thành cơ chế người đứng đầu hành pháp (Chính danh) trong các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, cơ quan, doanh nghiệp… Còn trong dòng tộc, gia đình vẫn tồn tại khá sâu đậm đạo đức gia phong, đạo lý ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh em, họ hàng với vai trò người tộc trưởng, người bố, người anh cả có quyền cao nhất, được là người thừa kế trước nhất. Phụ nữ ở Việt Nam và Hàn Quốc theo luật pháp, tuy có quyền bình đẳng giới, được tham gia vào các chức danh lãnh đạo, các mặt hoạt động xã hội, nhưng ở phạm vi rộng lớn vùng nông thôn, miền núi, dân tộc ít người tuy xóa bỏ tư tưởng “tam tòng”, song, chưa hoàn toàn được giải phóng, thậm chí còn bị bạo hành. Ở Hàn Quốc cũng vậy, trong gia đình vai trò người cha, người anh cả, người đàn ông, người đứng đầu doanh nghiệp vẫn khẳng định, tỏ rõ tư tưởng chính danh, bộc lộ tâm lý quyền lực. Tư tưởng, đạo đức Nho giáo được phát huy rõ nét trong bộ máy và hoạt động ở doanh nghiệp, là cơ sở hình thành các Tập đoàn kinh tế những năm 70 thế kỷ trước và quản trị doanh nghiệp hiện nay. Họ xây dựng văn hóa, đạo đức cho người lao động một cách bài bản, rất hiệu quả. Đó là tạo nền tảng cho hệ thống các giá trị đạo đức nhắm đến chữ “Nhân” trong mối quan hệ giám đốc với người lao động thông qua tập quán “lễ” và “nghĩa” trong doanh nghiệp theo lẽ sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình” giống như phong trào ở nước ta. Trong doanh nghiệp, họ đào tạo nhân tài cho thế hệ kế tiếp là người trong dòng họ, con cháu, anh em trước hết nhưng phải thật sự có tài, có đức. Vì thế, mọi doanh nghiệp đều phát triển, sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích nhà nước, tập thể và người lao động. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hằng năm đóng góp 90% vào GDP, 60% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, là nhân tố chủ đạo đưa quốc gia này đứng thứ 13 trên thế giới về kinh tế, là một trong top G20, đứng vị trí thứ 4 ở châu Á. Trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc, người đứng đầu thường là ông bố, người anh cả, được quyền thừa hưởng tài sản, thương hiệu. Ở Việt Nam, Bộ Luật Dân sự quy định quyền thừa kế cho các đối tượng ấy, nhưng mở rộng với các đối tượng là con gái, con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.
Ở Hàn Quốc, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ hoạt động trong nước mà còn đầu tư ra nước ngoài. Họ đem nguồn vốn, thương hiệu sản phẩm, kinh nghiệm, công nghệ, đồng thời đem cả văn hóa truyền thống, lối sống hội nhập vào nước bạn mang dấu ấn của chữ “Nhân”, “Nghĩa”, “Tín”… Đối với Việt Nam, người Hàn Quốc tìm thấy sự tương đồng về văn hóa, lại được các chính sách ưu đãi, chi phí nhân công rẻ, ổn định về chính trị và tương đối gần về địa lý. Như vậy, yếu tố văn hóa tương đồng là một nguyên nhân giúp Việt Nam trở thành môi trường lý tưởng cho các nhà đầu tư xứ sở Kim Chi, một đất nước có hơn 2.000 năm chịu ảnh hưởng của học thuyết Nho giáo…
3. Thay lời kết
Sau 27 năm quan hệ về ngoại giao, đến nay Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về tổng số dự án và quy mô đầu tư (95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tính đến giữa năm 2017, Hàn Quốc đã đầu tư vào nước ta khoảng 60.000 dự án với tổng số vốn hơn 400 tỷ USD và 300 tỷ USD giải ngân, đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau đầu tư vào Trung Quốc và Mỹ), Hàn Quốc đầu tư hầu hết các ngành kinh tế (chế biến, chế tạo, bất động sản, lắp ráp điện tử, công nghệ cao, thương mại…). Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 trên thế giới và khu vực ở Việt Nam. Chính nguồn lực này, với cung cách quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh, trong đó đạo đức, ứng xử văn hóa của người Hàn Quốc lan tỏa vào người lao động nước ta, vào xã hội Việt Nam, hòa nhập, giao thoa, chia sẻ, hòa quyện với nhau tạo nên bản sắc văn hóa mới mang tính quốc tế, khu vực ảnh hưởng lẫn nhau để cùng thăng hoa, cùng phát triển, góp phần tăng cường, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác lâu dài mang tính chiến lược giữa hai nước.
Có được kết quả đó, nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Nhà nước Việt Nam, sự thông thoáng của cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhưng cũng có nguyên nhân bởi sự tương đồng, giống nhau, gần nhau về nhiều lĩnh vực văn hóa truyền thống mà tư tưởng, đạo đức, triết lý Nho giáo đã hun đúc những tinh hoa từ hàng nghìn năm của hai dân tộc (Việt Nam - Triều Tiên trước đây, Hàn Quốc ngày nay).
_________________
1. Luận ngữ Quý thị là một thiên (chương) trong sách Luận ngữ do Khổng Tử và học trò biên soạn, caotang.vn.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Ngọc Ảnh, Khổng Tử và Hồ Chí Minh, Những tương đồng và khác biệt trong tư tưởng đạo đức, Tạp chí Triết học, số 4(215), tháng 4-2009.
2, 3. Nguồn gốc của Nho giáo, daotam.info.
4. Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực đầu tư, Báo Lao động Thủ đô, 24-10-2017 (dẫn theo TTX Việt Nam).
5. Vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc “ồ ạt” đến Việt Nam, vafie.org.vn, 24-10-2016.
6. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1995.
7. Nguyễn Tài Thư, Một số đặc trưng cơ bản của nho giáo Việt Nam, Tạp chí Triết học, số 1-2015.
8. Ngô Xuân Bình (chủ biên), Vấn đề xã hội Hàn Quốc, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2007.
9. Nguyễn Văn Hồng, Nhận thức về giá trị văn hóa Nho giáo truyền thống Hàn Quốc với xã hội hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (45) tháng 6-2003.
10. Lý Xuân Chung, Ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa gia đình Hàn Quốc hiện đại, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, tháng 1-2015.
PGS, TS NGUYỄN TẤT ĐẠT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023