Đồng quê mùa lúa chín

Tôi rời quê giữa mùa lúa chín. Những thửa ruộng vụ đông xuân đã ngả màu vàng óng ả, như chỉ còn đợi bàn tay người gặt. Đường ra phi trường hai bên là đồng lúa thênh thang tựa tấm lụa phủ lên cơn mơ chớm hạ, trải đến chân núi thẫm xanh phía chân trời. Hương lúa chín đẫm trên cánh gió phiêu dao, níu tâm trí tôi trong nỗi luyến vương những chân phương mùa màng, bao thân thuộc bện sâu vào hơi thở.

Tôi để lại sau lưng những ngôi nhà nằm giữa bốn bề đồng ruộng, mở cửa hướng nào cũng vời vợi gió. Dáng người làng men theo lối cỏ đi thăm đồng, nâng niu trên tay từng bông lúa thơm hương xứ sở. Để lại tiếng cười loang vỡ giọt nắng trong của đàn trẻ quê lang thang tìm cỏ gà, rón rén bắt hụt cánh chuồn kim bên bãi sông xanh ngắt. Cả hàng cau trổ buồng trước ngõ hoa trang từng chùm vàng đỏ, rặng xoan đào nở thắm dịu dàng bên ao sen mùa khai nhuỵ.

Lúc máy bay cất cánh, tôi nhìn xuống miền quê thanh bình thu nhỏ, những thửa ruộng vuông vắn xếp cạnh nhau tựa một bàn cờ, những dòng sông quanh co ấp ôm làng mạc quê xứ. Trái tim bỗng xao động nhịp sóng loang nỗi nhớ thương, chợt thấy mình tựa con đò vừa cập bến ca dao, lại phải nhổ neo trôi đi bởi tiếng gọi từ xa thẳm. Dưới những tầng mây là thênh thang mùa vàng, là bãi bờ nương dâu lắng bồi trầm tích, là đời người lặng lẽ bao quãng nông sâu.

Về giữa mùa vàng, xóm làng bỗng hóa vành nôi ru hời sóng lúa dìu dặt. Mẹ ngồi ở bậu cửa trông ra, nói với tôi mùa gió nồm đã về. Nắng chiều sóng sánh quết mật lên những chiếc lá tre xoay xoay, rụng đầy ngõ nhà, hàng dậu. Hoa nắng in trên bộ lông chú chó vàng cuộn mình trong giấc mơ xa vắng. Mẹ kể ngày bà ngoại phải lòng ông tôi cũng vào mùa lúa chín, người làng í ới gọi nhau đi gặt. Bà ngoại tôi thuở ấy vừa mười sáu, gặp được ông trong một lần theo chị em sang làng bên lội bùn mót lúa. Bà vào thửa ruộng của nhà ông ngoại, được ông cho cả bó lúa to mang về. Phải lòng nhau từ độ ấy, ông thường chèo thuyền qua mấy quãng sông quê để gặp bà. Vậy mà cả đời người đã trôi qua tựa bóng đoàn tàu mải miết đi vào hoàng hôn. Chỉ còn những lời hẹn ở lại trên toa tàu chở đầy năm tháng.

Nhớ những ngày chân sáo cắp sách đến trường, tôi cùng lũ bạn thường đi tắt qua con đường đất giữa mênh mang lúa chín. Con đường hẹp nối từ làng tôi ra bờ đê có ngôi miếu nhỏ, đi một đoạn ngắn nữa là tới cổng ngôi trường làng. Lối đi này dành cho người làng tôi ra thăm lúa, nó hẹp như sợi chỉ mảnh vắt qua cánh đồng, vừa đủ một người đi. Bởi thế mà chúng tôi phải bước thật khéo, để không trượt ngã xuống bờ ruộng, áo trắng loang lổ vết bùn.

Miên mải xa quê làm kẻ ngụ cư ở phố, tôi nhớ những ban mai hít căng lồng ngực hương lúa chín, đường đến trường râm ran lời hát tuổi thần tiên: “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Bông lúa trĩu trong lòng tay/ Như đựng đầy mưa gió nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi/ Của bao người nuôi lúa lớn, lúa ơi” (Bùi Đình Thảo).

Nhớ cả những mùa đất nẻ chân chim, đêm sáng trăng bọn trẻ quê chúng tôi thường chạy ra cánh đồng hòa vào những trò chơi thôn dã, trên mặt đất nâu cằn bao gốc rạ khô cứng. Gió từ sông tung tẩy thổi về, hong khô mồ hôi rịn ướt sợi tóc mai. Nhưng chúng tôi đâu nhận ra bao thao thức giấu trong mắt người làng, những giọt mặn âm thầm hoen đỏ nỗi lo mùa hạn. Để dệt được tấm áo vàng trù phú cho mỗi thửa ruộng, bàn tay người làng đã sấp ngửa bao nỗi truân chuyên.

Tôi trở về giữa mùa đồng xanh mỡ màng và rời đi khi bông lúa trĩu cong như dáng liềm mùa gặt. Ngày ở lại chóng vánh tựa cái chớp mi giữa đời người thăm thẳm. Những giấc mơ vuông tròn dáng hình hạt lúa trong tay người sảy sàng nắng mưa. Mẹ tôi đã gửi cả hồn mình vào mảnh đất này mà ăn đời ở kiếp. Để rồi dẫu thị thành có chào đón mẹ bằng muôn vẻ phồn hoa thì mẹ vẫn quay quắt tính tháng, tính ngày để được về lại nơi chốn ấy. Mẹ bảo dưới mái hiên nhà mình, ăn cơm trắng muối mặn cũng thấy ngon. Hương lúa chín thoảng từ tiềm thức người xa quê mở ra một ngày về…

TRẦN VĂN THIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

 

;