Đồng Tháp: Khởi sắc cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (gọi tắt là Cuộc vận động) trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (tỉnh đồng tháp) mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng và nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Mô hình tuyến đường “Xanh - sạch - đẹp” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Cao Lãnh

 

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp của TP Cao Lãnh chủ động phối hợp các cấp, các ngành tích cực vận động nhân dân đoàn kết, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, hướng đến nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Thông qua phát động đã tác động chuyển biến nhận thức, nhân dân hăng hái tham gia sản xuất, kinh doanh, điển hình là phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở các khu dân cư. Nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất các mô hình như sản xuất rau an toàn (xã Mỹ Tân), Hợp tác xã lúa giống (xã Mỹ Trà); thành lập mô hình “Hội quán” để người dân trao đổi học hỏi kinh nghiêm trong sản xuất, nuôi trồng.

Bám sát 5 nội dung của Cuộc vận động, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên cùng cấp định hướng nội dung tuyên truyền sát hợp, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nêu bật ý nghĩa, mục đích của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực hiện rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư và trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời chọn một số địa phương điểm chỉ đạo để quán triệt thực hiện (phường Mỹ Phú – thực hiện đô thị văn minh; xã Tân Thuận Tây – thực hiện làng mới trong xây dựng Nông thôn mới); lựa chọn từng nội dung để tác động vào chương trình Nông thôn mới, xác định rõ việc nào Nhà nước làm, việc nào Nhà nước và nhân dân cùng làm và việc nào nhân dân làm. Từ đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân nhận diện được nhiệm vụ của từng chủ thể, hiểu rõ, hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ năm 2016 đến nay, ở các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đã đóng góp hiến trên 190.000 m2 đất và vật tư lao động để xây dựng trên 210 công trình như cầu, đường giao thông nông thôn, với tổng trị giá khoảng 40 tỷ đồng; việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng Nông thôn mới bảo đảm chặt chẽ, dân chủ với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình ở khu dân cư, tỷ lệ hộ dân được lấy ý đồng thuận cao (bình quân đạt trên 99,23%). Qua đó, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (năm 2020, Cao Lãnh được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2019).

Đối với lĩnh vực xây dựng đô thị văn minh, MTTQ phối hợp với chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng vào “16 giờ 30’ chiều thứ 6 hằng tuần”, “Ngày Đại đoàn kết vì cộng đồng”, tham gia làm vệ sinh, giữ gìn môi trường xung quanh khu dân cư và các tuyến đường sạch đẹp, góp phần làm chuyển biến rõ nét về xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.

Công tác xóa nghèo gắn với chương trình an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn quan thực hiện ngày càng tốt hơn. Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tham gia đóng góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo” với số tiền trên 90 tỷ đồng. Đã trao tặng hàng ngàn suất quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; cấp hơn 5.500 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; cất mới 802 nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá trên 34 tỷ đồng, giúp người nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống; đã xóa trên 1.500 hộ nghèo; phong trào Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đã xây dựng 65 căn nhà Tình nghĩa, tổng trị giá trên 9,5 tỷ đồng, đồng thời giải quyết kịp thời, đúng lúc chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị không chỉ dừng lại ở việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn cụ thể hóa và đa dạng, nhiều mô hình phát huy hiệu quả như: “Khu dân cư an toàn phòng, chống cháy nổ”, “Camera bảo đảm an ninh trật tự”, “Cổng rào an ninh, phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư văn hóa an toàn giao thông”... từng bước đưa nội dung vào hoạt động của “Tổ nhân dân tự quản”. Nhờ thực hiện tốt mô hình nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn những năm gần đây luôn được ổn định, nhân dân đoàn kết, nêu cao tinh thần ý thức cảnh giác tố giác tội phạm, mang lại cuộc sống yên dân. Tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa tăng dần theo từng năm; hằng năm có 100% khóm, ấp (69/69) được công nhận đạt chuẩn “Khóm văn minh đô thị”, “Ấp đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Phong trào xây dựng xã hội học tập, xã hội hoá giáo dục được phát động sâu rộng trong địa bàn dân cư. Tính đến nay, thành phố có 35.783 “Gia đình học tập”; 243 “Dòng họ học tập”, 69/69 “Cộng đồng học tập” và 91 “Đơn vị học tập”. Đặc biệt, ngày 2/9/2022, thành phố Cao Lãnh được UNESCO ghi danh trong giải thưởng Thành phố học tập toàn cầu. Đây là giải thưởng tôn vinh cho những nỗ lực vượt của Cao Lãnh bậc trong xây dựng thành phố học tập, thúc đẩy học tập suốt đời trong cộng đồng. Các mô hình và phong trào khác như “Nuôi heo đất khuyến học”, “Nuôi heo đất trong Gia đình” đạt trên 15 tỷ đồng; vận động xây dựng “Quỹ Khuyến học” thực hiện có hiệu quả hơn 15,5 tỷ đồng; vận động hỗ trợ trên 8.000 suất học bổng và hơn 55.400 phần quà (tập, sách, xe đạp….) nhằm động viên, khen thưởng, giúp đỡ, tiếp sức cho học sinh vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng được thường xuyên quan tâm và có nhiều tiến bộ đáng kể. 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% xã, phường có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Việc thực hiện Năm văn minh đô thị, Chương trình phối hợp “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, trọng tâm là việc phát động thực hiện “Ngày Đại đoàn kết vì cộng đồng” gắn với các nội dung chương trình trọng tâm tại địa phương, đã góp phần tạo cảnh quang, xanh - sạch - đẹp có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã vận động thành lập được 14 Câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” với 427 thành viên; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai nhân rộng trên các địa bàn dân cư, phát huy các mô hình hoạt động hiệu quả, đồng thời với lồng ghép tuyên truyền, vận động phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm…, hướng đến sự phát triển bền vững, có chú ý chất lượng và khả năng nhân rộng trong cộng đồng...

Có thể kể đến những mô hình hoạt động hiệu quả và đã tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư như: Tuyên truyền, vận động phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm lồng ghép với sinh hoạt CLB “Đờn ca tài tử”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm; phát triển văn hóa dân tộc trong cộng đồng và sinh động trong công tác tuyên truyền; Nhóm “Gia đình đoàn thể”, giảm hội họp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; “Khu dân cư an toàn phòng, chống cháy nổ”, nâng cao ý thức hộ gia đình trong phòng cháy chữa cháy, tự trang bị dụng cụ và chủ động chữa cháy khi xảy ra cháy, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản; “Gia đình An toàn - Hạnh phúc - Đạo hạnh”, vận động hộ gia đình tôn giáo gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật trên lĩnh vực ATGT-TTXH; “Gia đình tự quản về an toàn giao thông”, thực hiện các quy định về An toàn giao thông; CLB “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, vận động các tín đồ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường trong “xây dựng Nông thôn mới” gắn với thực hiện “Năm văn minh đô thị”; “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”, thực hiện các tiêu chí về giữ gìn vệ sinh môi trường; “Tổ nhân dân tự quản”, thực hiện “4 tự chủ”, “4 tự quản”; mô hình “ Tổ tư vấn, kết nối niềm tin” …

Từ những hiệu ứng tích cực trên, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” ở thành phố Cao Lãnh đã đi vào nề nếp. Xuất phát từ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của MTTQ các cấp và sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận cao của nhân dân, nên từng nội dung của cuộc vận động ngày càng được nâng cao về chất lượng.

 

TRẦN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;