Hình ảnh chạm khắc nghệ thuật dân gian truyền thống ngày càng trở nên mạnh mẽ trong việc ghi dấu ấn trên các tác phẩm thiết kế ứng dụng của Việt Nam đương đại; trong đó, nghệ thuật chạm khắc trang trí trên kiến trúc đình làng Việt (TK XVIII-XIX), như “đình làng Đình So” (Đình So) là một trong những nguồn tư liệu quý giá tiêu biểu được ứng dụng vào nghệ thuật thiết kế trang trí túi xách thời trang hiện nay; đồng thời, là điều cần thiết trong việc bảo tồn và phát triển vốn nghệ thuật dân gian truyền thống.
Một phần họa tiết Đình So được ứng dụng khắc trên chất liệu da động vật - Nguồn: tác giả
Trong bối cảnh hội nhập diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, sản phẩm thiết kế công nghiệp ngày càng có xu hướng trở nên bão hòa và “vắng bóng” trên thị trường quốc tế. Xuất phát từ tâm thế khẳng định bản sắc dân tộc đã tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ đối với nền văn hóa đất nước. Việc sử dụng các yếu tố trang trí, kỹ thuật, thủ pháp nghệ thuật truyền thống từ những giá trị nghệ thuật từ các ngôi đình - đình làng lên các bề mặt sản phẩm túi xách như đón được một làn gió mới, sẽ giúp các nhà thiết kế thời trang sáng tạo sản phẩm trở nên độc đáo hơn. Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” (1); từ đó, cùng với sự biến đổi nhu cầu của người tiêu dùng dần dần hướng về với các sản phẩm mang hơi thở truyền thống. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã khiến các yếu tố nghệ thuật truyền thống càng phát triển ngày một mạnh mẽ trong xã hội hiện đại.
PGS, TS Nguyễn Văn Cương đã nghiên cứu và đưa ra luận điểm: “Điêu khắc đình làng chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật học” (2) nghĩa là nó như một phương tiện truyền tải những nét đẹp nghệ thuật tinh hoa dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác; nghệ thuật luôn được kế thừa và sáng tạo; nghệ thuật mang lại giá trị kinh tế đời sống và phát triển trở thành Di sản văn hóa của nhân loại.
Và Đình So - một ngôi đình làng cổ ở TK XVII, với 400 năm đã được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả về kiến trúc và các hệ thống mảng chạm khắc trang trí. Nghệ thuật chạm khắc của Đình So mang phong cách độc đáo và khác biệt với các ngôi đình cùng thời, nhiều mảng chạm có chủ đề và phong cách chạm dân dã. Hầu hết các đồ án chạm khắc bộc lộ kỹ thuật tinh tế, tỉ mỉ, nội dung đề tài được biểu đạt dân dã, dễ hiểu mang đậm bản sắc của người dân kinh kỳ xứ Đoài; trong đó, hàm chứa cả về tín ngưỡng và tư duy triết mỹ của người dân bản địa ở đó. Qua việc nghiên cứu, quan sát các mảng chạm trang trí, tác giả cho rằng, việc ứng dụng những giá trị nghệ thuật tinh tế này bằng sự thể hiện chiều sâu không gian của các bức chạm ở Đình So lên bề mặt chất liệu da của sản phẩm túi xách thời trang, sẽ mang lại những hiệu quả thẩm mỹ trong việc phát triển và lan tỏa giá trị vật thể cũng như phi vật thể đối với nền văn hóa di sản của Việt Nam.
1. Đặc trưng các yếu tố trang trí trên chạm khắc trang trí Đình So
Về đề tài
Đề tài và các chủ đề trên các mảng chạm ở các ngôi đình làng cổ là cả một kho tàng phong phú; trong đó, các bức chạm khắc ở Đình So không nằm ngoài những quy luật tạo hình vốn có về chủ đề cũng như các hình thức thể hiện. Mặc dù được xây dựng từ TK XVII, nhưng nghệ thuật trang trí ở Đình So vẫn có những điểm độc đáo khác biệt với những ngôi đình cùng thời kỳ. Chẳng hạn, ở những thập niên cuối TK XVI, nhà Mạc phục hưng nghệ thuật dân gian, các ngôi đình trong thời gian này bắt đầu xuất hiện các hoạt cảnh sinh hoạt của con người và nét chạm có phần mềm mại, dứt khoát. Sang TK XVII và cuối TK XVIII, thời kỳ phát triển đỉnh cao về nghệ thuật chạm khắc, hình tượng con người được chú trọng và phát triển mạnh mẽ về hình tượng người thường và có cả tiên nữ. Nhưng tại Đình So thì tập trung tuân thủ mang tính biểu tượng cao về tứ linh, tứ quý, cây cỏ thiên nhiên… và không thấy sự xuất hiện của hình tượng con người hay hoạt cảnh sinh hoạt của con người trên các mảng chạm. Đây chính là sự khác biệt của Đình So, song ở các yếu tố này lại rất phù hợp với ý tưởng chuyển hóa từ chất liệu gỗ sang chất liệu da của sản phẩm túi xách da thời trang. Đồng thời, các yếu tố về kỹ thuật hay thủ pháp tạo hình cũng đã được tác giả nghiên cứu và vận dụng thể hiện để tạo nên sự độc đáo mới lại trong sự sáng tạo này.
Về kỹ thuật và thủ pháp
Có thể nhận thấy trên các bức chạm mang sắc màu cá tính riêng bởi sự kết hợp thống nhất giữa các kỹ thuật chạm lộng, chạm nông, chạm bong… cùng các thủ pháp đồng hiện, ước lệ… pha lẫn tả thực. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa của nghệ thuật chạm khắc tinh tế, cụ thể như: Kỹ thuật chạm lộng, còn gọi là chạm kép, tức là chạm xuyên thủng từ bên này sang bên kia để khắc họa các chiều của họa tiết. Đây là cách chạm khắc có tính biểu cảm nhất và mang lại hiệu quả cao về không gian chiều sâu trên mặt phẳng cùng sự biểu đạt nghệ thuật của khối hình một cách cao nhất. Với kỹ thuật chạm khắc này, các khoảng trống được tạo ra luồn lách trong khối hình tạo cảm giác thoáng đãng bởi độ rỗng - đặc tương phản theo từng lớp hình. Kỹ thuật chạm nổi, là kỹ thuật chạm mà các hoa văn trong bức chạm diễn tả bằng độ đục chạm nông, sâu khác nhau. Ở Đình So thường là chạm nổi thấp (tức là các hoa văn chạm khắc không cao nhiều so với nền. Các hoa văn được chạm theo kỹ thuật này thường mang tính tương đối giữa hình khối và đường, hay dùng để chạm làm nền cho các bố cục ở các bức chạm như ở các mảng chạm long, lân, quy, phượng, long mã, cá chép… ở hai bên vách hoặc trên các thanh bẩy, kẻ… Kỹ thuật chạm bong, tạo ra hình trang trí có nhiều lớp từ thân gỗ chịu lực, tạo hiệu quả tầng lớp ở mảng trang trí. Phần trang trí là những điểm nhấn được chạm bong nhằm làm tránh sự nhàm chán thị giác trên mảng chạm trang trí của không gian đình. Hoặc trong kỹ thuật chạm nông, bên cạnh các tạo khối âm - sâu vào trong khối gỗ, thì được tạo các nét trơn nông và đây có thể vẫn có ảnh hưởng bởi phong cách chạm ở TK XVI. Nhìn chung, các kỹ thuật đó, khi vận dụng vào việc chạm khắc các hình tượng tứ linh hay tứ quý, các họa tiết khác… trên các bề mặt túi xách với chất liệu da cũng sẽ rất phù hợp và tạo nên một sự độc đáo mới lạ cho nghệ thuật trang trí ở sản phẩm thời trang như túi xách.
Về bố cục trang trí
Bố cục không gian trang trí chạm khắc Đình So đề cao tính tự do, phóng khoáng pha lẫn tính chuẩn mực. Các hình tượng trong bố cục được phóng tác một cách tự do, hài hòa, mạnh mẽ theo lối nhìn của thị giác, tạo sự liên kết chặt chẽ trong việc kết hợp mảng - khối - hình, đường - nét chạm. Đặc biệt, các mảng chạm khắc được khắc họa mạch lạc theo dòng chảy logic thẩm mỹ của người nghệ nhân, trong đó, mật độ trang trí tuy dày đặc nhưng vẫn có những khoảng trống để có được trong tĩnh có động hay trong động có tĩnh, mang đến cho thị giác cái nhìn sống động đầy tinh tế.
Về cơ bản, nội dung đề tài ở các mảng chạm khắc Đình So tiếp nối mạch nguồn truyền thống nghệ thuật chạm khắc gỗ của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi vậy, các mảng chạm khắc trang trí Đình So khi được vận dụng sẽ mang tính trang trọng, trầm tĩnh với hình mảng từ các hình tượng tứ linh, tứ quý… Điều này khác với các hoạt cảnh của hoạt cảnh ở các đình làng Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu cùng xứ Đoài, hoặc như ở Đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc)... Trang trí Đình So nổi bật với những mảng khắc họa mang tính biểu tượng cao về các hình tượng thẩm mỹ nhẹ nhàng, thanh toát để có được vẻ đẹp vừa cổ, vừa hiện đại trên các sản phẩm mới đương đại. Tất cả các hình tượng đó đã mang những ý nghĩa sâu xa về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, như “rồng” biểu trưng cho “thủy” tượng trưng cho trung tâm sinh thái, hay “phượng” biểu trưng cho sự an vui, thái bình, đời sống no đủ… Những hình tượng này xuất hiện chủ đạo và cũng là sự xuyên suốt trong chủ đề và nội dung các bức chạm tại Đình So.
Ngoài ra, còn có một số các họa tiết thực vật, như sen, dây leo… thiên nhiên vân mây, sóng nước… hỗ trợ đan xen trong bố cục. Mật độ tạo tác hoa văn trong bố cục trên các bức chạm khắc tại Đình So khá dày đặc, diện tích chạm khắc gần như che phủ bề mặt kiến trúc của đình, đặc biệt là không gian kiến trúc bên trong đại đình (như ở ván dong, vì nách, bẩy hiên, giá chiêng…), thông qua đó có thể thấy một phần sự phồn thịnh của kinh tế vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tại xứ Đoài nói riêng được nghiên cứu và vận dụng trong nghệ thuật trang trí thiết kế sản phẩm như túi xách thời trang là rất phù hợp và thẩm mỹ.
2. Giải pháp áp dụng các yếu tố tạo hình trang trí trên kiến trúc của Đình So vào chạm khắc trang trí trên bề mặt túi da thời trang
Giải pháp về chất liệu
Việc lựa chọn vật liệu phù hợp để ứng dụng được các kỹ thuật chạm tinh xảo là điều quan trọng. Xét từ cấu tạo và đặc tính vật liệu, nhận thấy chất liệu da là một vật liệu phù hợp đáp ứng được các yếu tố then chốt với bề mặt nhẵn, dai, độ co giãn tốt có thể tạo được hiệu quả tốt khi tiến hành chạm. Độ dày, độ giãn nở của da sẽ liên quan đến việc tạo hình hoa văn. Để có thể chạm khắc được, những loại giả da hay da đã qua xử lý về hóa học hoặc công nghệ để không phù hợp, bởi lẽ, khi đã qua xử lý công nghệ độ giãn nở của da và bề mặt da cũng đã có sự can thiệp để chống xước và phủ lớp bảo vệ nên khi chạm tương tác trên bề mặt da rất dễ thủng và không tạo được hiệu ứng cần có. Vì vậy, chất liệu da phù hợp để dùng trong chạm khắc chính là da mộc.
Giải pháp về xử lý kỹ thuật trong việc truyền tải biểu đạt không gian của hoa văn chạm khắc từ Đình So vào chạm khắc túi
Khi đưa các yếu tố trang trí từ không gian công cộng lên trên một sản phẩm ứng dụng không phải là điều đơn giản. Ngoài việc xử lý không gian ba chiều trên mặt phẳng thì chất liệu cũng là một trong những yếu tố then chốt để có những xử lý phù hợp nhằm đạt hiệu quả tối đa trong việc sáng tạo truyền tải hiệu ứng của chạm khắc gỗ tại Đình So trên chạm khắc da trong thiết kế túi xách. Bởi trong đó, nét tương đồng và khác biệt ở các kỹ thuật, thủ pháp chạm khắc Đình So và chạm khắc da, như kỹ thuật chạm khắc trên gỗ và chạm khắc trên da đều có những điểm chung và đó chính là sự sáng tạo không gian đa chiều đồng hiện trên một mặt phẳng hoặc cách tạo hình không gian của họa tiết theo nhiều chiều dưới góc nhìn thị giác.
Hình thức biểu hiện của kỹ thuật như chạm nông, chạm bong hoặc cũng có thể chạm lộng để… trực tiếp trên bề mặt của vật liệu. Thông qua từng nét chạm thể hiện nhiều chiều của hoa văn bằng độ nổi - chìm, rỗng - đặc, đường nét - hình khối nhằm biểu thị không gian trang trí qua sự biến đổi của thị giác.
Biến đổi của kỹ thuật chạm khắc tương ứng với sự thay đổi của vật liệu
Trong chạm khắc Đình So, các hoa văn chạm khắc trang trí trong đình hoàn toàn được sử dụng vật liệu gỗ để tạo tác thành. Người nghệ nhân xưa đã rất khéo léo và tinh tế khi sử dụng các công cụ đục, chạm để chạm tách từng lớp, bóc dần từng thớ gỗ với các lớp mỏng, dày khác nhau để tạo không gian nông sâu, hay vuốt cong để tạo bề mặt lồi của khối hình hoa văn. Tuy nhiên, đối với vật liệu là da động vật để có thể chạm tạo hình được hoa văn trên da cần có những kỹ thuật bổ trợ khác hơn để có thể hiện thực hóa các hoa văn hay bố cục trang trí truyền tải được hiệu ứng riêng biệt. Đồng thời, kết hợp tinh tế giao thoa giữa kỹ thuật chạm khắc trên gỗ khi chạm khắc trên da.
Như vậy, cần có các công cụ chuyên dụng hỗ trợ để tương tác trên bề mặt da; căn cứ vào cấu tạo bề mặt chất liệu để có sự biến đổi phù hợp đối với kỹ thuật thể hiện. Cấu tạo bề mặt vật liệu giữa gỗ và da khác nhau do đó không thể áp dụng một cách trọn vẹn kỹ thuật chạm khắc trên gỗ để chạm khắc trên da. Chẳng hạn, để thực hiện tạo tác được không gian bố cục trên mặt phẳng như chạm khắc trang trí trên gỗ sẽ rất cần thiết, là phải cung cấp cho nó một độ ẩm phù hợp giúp bề mặt da đạt được hiệu quả co dãn phù hợp để thực hiện các kỹ thuật chạm khắc theo từng công đoạn. Đồng thời, kỹ thuật chạm cần có sự biến đổi khi tương tác trên bề mặt da, với từng hiệu ứng sẽ được điều chỉnh về kỹ thuật mang lại hiệu quả tối ưu nhất về mặt thị giác như chạm khắc trên gỗ tại Đình So.
Giải pháp về yếu tố tạo hình trang trí
Hoa văn trang trí: đối với các đồ án hoa văn họa tiết, lối trang trí nên có phần giản lược hơn khi đưa vào trang trí các sản phẩm túi xách, do không gian sử dụng của sản phẩm mang tính chất công cộng phù hợp với người sử dụng. Bởi vậy, các sản phẩm túi xách có thể sử dụng các yếu tố trang trí chạm khắc Đình So để chia làm hai phần đáp ứng không gian sử dụng khác nhau. Phương án thứ nhất, là ứng dụng họa tiết vào các sản phẩm túi mang tính phổ biến. Các họa tiết được bố cục theo lối đăng đối với các họa tiết thực vật, vân mây, sóng nước mang vẻ tĩnh tại cho sản phẩm. Phương án thứ hai, là các sản phẩm mang tính trưng bày hoặc để sử dụng trong không gian đặc biệt, người sử dụng cũng có giới hạn về địa vị. Hoa văn trang trí có thể sử dụng các hình tượng tứ linh hoặc tứ quý hay các đồ án mang tính chủ đề điển hình. Hoa văn được sử dụng trang trí trên túi giản lược trong tạo hình và bố cục nhưng vẫn thể hiện rõ phong cách mỹ thuật dân gian như ở Đình So. Việc ứng dụng các hoa văn trang trí Đình So vào thiết kế túi xách một cách hợp lý, chính là cách để mỹ thuật dân gian Việt Nam trở nên phổ biến hơn trong thế giới tiêu dùng hiện đại.
Bố cục trang trí: Phát huy sự phóng khoáng, ngẫu hững của mỹ thuật dân gian trong các bố cục hoa văn chạm khắc Đình So; khi áp dụng bố cục trang trí trên túi xách, lối bố cục là ưu điểm để phô diễn nét đẹp này của trang trí chạm khắc Đình So... Tuy nhiên, các yếu tố trang trí không dày đặc và dàn trải mà có ý nghĩa hơn trong sắp xếp tầng lớp hoa văn trang trí trên túi, tạo ra những khoảng điểm chạm nông, sâu hài hòa, giúp sản phẩm tinh tế, gọn nhẹ phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của đối tượng sử dụng hiện nay. Ngoài ra, bố cục trang trí theo lối cân xứng, sẽ tạo cảm giác ổn định về mặt thị giác, giúp sản phẩm có sự tĩnh tại. Việc thay đổi các giải pháp trong bố cục trang trí cho các sản phẩm túi được lấy cảm hứng từ nghệ thuật chạm khắc Đình So đã tạo sự gần gũi và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khi sử dụng sản phẩm thời trang này.
Hòa sắc trang trí: Cách nhuộm giữ một vai trò quan trọng để có thể tạo hòa sắc của gỗ trong trang trí túi xách. Kỹ thuật pha và nhuộm sắc trên da cần sự điều chỉnh hợp lý trong tỷ lệ pha màu nhuộm. Bản thân vật liệu gỗ trong chạm khắc đã có hệ màu cố định và người thợ chạm dựa trên màu sắc tự nhiên của vật liệu để làm nên chất mộc và sự giản dị của hình và khối chạm khắc. Qua nghiên cứu tạo hình chạm trên da thêm sắc nét, nhuộm sắc màu cũng đã giúp làm căng khối và tả rõ sáng tối trên bề mặt da trơn một màu làm cho sản phẩm sang trọng hơn.
Kết luận
Nghệ thuật chạm khắc trang trí trên đình làng Đình So là một kho tàng phong phú điển hình cho mỹ thuật dân gian. Các yếu tố trang trí và kỹ thuật được thể hiện trong chạm khắc Đình So không chỉ thể hiện được tài năng điêu luyện của các nghệ nhân dân gian và nó còn biểu thị cho nhân sinh, tín ngưỡng và tư duy triết mỹ của người dân bản địa. Vì vậy, việc nghiên cứu về các yếu tố trang trí trên kiến trúc Đình So từ đó vận dụng giá trị các yếu tố đó vào thiết kế túi xách thời trang đương đại là một cách để lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống; đồng thời, góp phần tạo giá trị riêng biệt cho các sản phẩm thời trang trên thị trường quốc tế (3).
__________________
1. Nghị quyết 5 khóa VIII (1998) của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tapchicongsan.org.vn, 27-3-2013.
2. Nguyễn Văn Cương, Mỹ thuật đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ - Một di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, Luận án tiến sĩ ngành Văn hóa học, 2002, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
3. Nghiên cứu được tài trợ bởi Đề tài cấp cơ sở Trường Đại học Mở Hà Nội - Mã số: MHN2023-02.36.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền, Đình làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ), Nxb Hồng Đức, 2017.
2. Trần Đình Tuấn, Hình tượng con người trong nghệ thuật chạm khắc đình làng vùng châu thổ Sông Hồng (Sách chuyên khảo), Nxb Lao Động, 2016.
3. Cao Thị Vân, Tín ngưỡng dân gian trong điêu khắc đình Lâu Thượng và đình Hùng Lô ở Phú Thọ, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 21, tháng 9-2017.
4. Uông Thị Mai Hương, Mỹ thuật đình làng TK XVIII ở Nghệ An (Qua nghiên cứu đình làng Đông Viên, Hoành Sơn, Trung Cần), Luận án tiến sĩ nghệ thuật, 2020, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
5. Hà Văn Chước, Hình tượng Lân trong văn hóa phương Đông, Tạp chí Thông tin mỹ thuật trường nghệ thuật, Đại học Huế, 2014, số 2, tr.9-11.
Ths ĐIỀN THỊ HOA HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023