Ngày 20-7-2025, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức diễn đàn kết nối: “Chuyện cũ kể mới: Từ chất liệu di sản đến sản phẩm văn hóa”. Chương trình có sự đồng hành của Hanoi Grapevine, TUVA Communication và Complex 01.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn
Phát biểu khai mạc, Ths Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa cho biết: Mục đích của diễn đàn mong muốn có sự kết nối giữa các thiết chế văn hóa, cộng đồng thực hành văn hóa, các đơn vị, cá nhân thiết kế sáng tạo, những nhà sản xuất các sản phẩm văn hóa cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm cũng như các thách thức và những cơ hội để cùng hợp tác phát triển. Từ đó, hiện thực hóa, cụ thể hóa các chính sách, chủ trương của nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.
Tại diễn đàn, Ths Bùi Thị Hương Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT Hà Nội cho biết, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chính thức có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-7-2025, đã bổ sung rất nhiều các điều khoản rõ nét hơn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó là Luật Thủ đô 2024 cũng đã được ban hành, có liệu lực từ năm 2025. Luật Thủ đô đã xác định rõ cần có những chính sách đột phá để biến di sản thành các sản phẩm văn hóa, thúc đẩy xã hội hóa và đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực văn hóa và thể thao. Luật Thủ đô cũng quy định việc được xác lập quỹ bảo tồn và phát triển di sản khu phố cổ, trong đó được hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo, quảng bá, huy động từ nguồn lực trong nước và nước ngoài, tài trợ xã hội để phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội.
Đồng thời, các chính sách hợp tác công tư, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư cho các công trình công cộng, bảo tàng, thư viện và các trung tâm văn hóa nghệ thuật. Tiếp tục có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa cũng như những chính sách thu hút nhân tài, những tài năng trẻ về cống hiến cho Hà Nội.
Có thể thấy, Luật Thủ đô đã mở ra một khung pháp lý mới để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Từ sự đầu tư, quản lý vận hành, trong đó có sự chia sẻ những rủi ro về đất đai, qua đó Hà Nội có thể phát triển các cơ sở văn hóa hiện đại, đa dịch vụ, tăng trải nghiệm văn hóa cho con người, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời có thể bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
Toàn cảnh diễn đàn
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong thời gian qua, có những thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Trung tâm đã có định hướng để các sản phẩm lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn với nhiều yếu tố như: phải xuất phát từ những giá trị phi vật thể, những họa tiết, hoa văn, những câu chuyện về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những danh nhân liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những sản phẩm lưu niệm phải xuất phát từ các làng nghề ở Hà Nội, phải thân thiện với môi trường và được sản xuất ra từ những vật liệu thân thiện với môi trường; phải có tính ứng dụng, như bút, sách, vở, áo, mũ, khăn, quạt… và đặc biệt là phải nhẹ. Với những định hướng như thế, Trung tâm đã bắt đầu liên kết với một số doanh nhân, nhà thiết kế, làng nghề sản xuất những sản phẩm mang các họa tiết, hoa văn của Văn Miếu và Bia tiến sĩ… để đưa ra thị trường. Ngoài các giá trị gốc của Văn Miếu, ngay cả những giá trị phái sinh từ những hoạt động tại Văn Miếu cũng trở thành sản phẩm văn hóa để cung ứng ra thị trường, phục vụ khách du lịch đến với với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Bên cạnh những thuận lợi, ông Lê Xuân Kiêu cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức nhất định như: Việc kết nối giữa các đơn vị sự nghiệp, đơn vị nhà nước với: các nhà thiết kế sáng tạo, cộng đồng, làng nghề, còn thiếu một thành phần rất là quan trọng đó là nhà đầu tư, để họ cùng chia sẻ và làm ra các sản phẩm văn hóa chất lượng. Câu chuyện thiết kế cũng là một vấn đề, thiết kế thế nào để biểu đạt được các giá trị di sản nhưng phải phản ánh được hơi thở cuộc sống. Ngoài ra, cũng cần phải có cơ sở dữ liệu chung về di sản, để các họa sĩ, nhà thiết kế sáng tạo có thể sử dụng được, tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội và cộng đồng.
Các đại biểu, khách mời tham quan gian trưng bày sản phẩm sáng tạo, giao lưu với các nhóm thực hiện
Tại diễn đàn, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link chia sẻ những khó khăn hiện nay về sự kết nối rất rời rạc giữa các nhà sản xuất sản phẩm văn hóa với nhà thiết kế và đầu ra cho sản phẩm. Tại các làng nghề, lực lượng sản xuất thủ công truyền thống chủ yếu là những người lớn tuổi, giới trẻ thì đang xa rời dần.
Bà Tuyết Lan cũng cho biết, Craft Link xác định trong khoảng 2 - 3 năm tới sẽ tăng cường sự kết nối với các trường đại học trong nước và quốc tế để lan tỏa những giá trị văn hóa thông qua giới trẻ. Mong muốn đội ngũ thiết kế sáng tạo quan tâm, tâm huyết với việc duy trì phát triển di sản truyền thống, và biến những di sản truyền thống đó thành các sản phẩm có thể đưa ra thị trường, để tạo nguồn lực hỗ trợ cho chính những nhóm làm ra sản phẩm đó.
Cũng tại diễn đàn, đại diện TUVA Communication đã giới thiệu Cuộc thi sáng tạo dựa trên di sản “Theo bước di sản cộng đồng” – một sáng kiến nhằm khuyến khích các bạn trẻ khám phá, khai thác chất liệu di sản và phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo, gắn với thực hành cộng đồng. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên website disanketnoi.vn. Các bài dự thi sẽ được gửi về qua form đăng ký và được đăng tải trên website trong quá trình bình chọn. Thời gian đăng ký dự thi đến hết ngày 31-7, thời gian đăng bài và bình chọn đến hết 15-8, ngày 16-8 công bố top 15, dự kiến đêm chung kết diễn ra vào ngày 13-9-2025.
Bài, ảnh: THANH DANH