Tộc người Mạ hay còn gọi là Châu Mạ cư trú ở Đắk Nông có khoảng 8.803 người. Người Mạ có các nhóm địa phương với tên gọi là Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn. Người Mạ sinh sống quần cư thành từng bon và “nhà ở truyền thống là những căn nhà sàn cách mặt đất từ 0,5 đến 1m, mái khum” (1). Người Mạ tại Đắk Nông có nền văn hóa truyền thống đa dạng với nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú như: dân ca, âm nhạc, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực và những tri thức dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã góp phần làm nên sự “giàu có” của vốn di sản văn hóa truyền thống vùng đất Đắk Nông. Hiện nay, người Mạ đã có nhiều thay đổi nhưng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn được duy trì, hình thành nên đặc trưng văn hóa của tộc người và là tiềm năng khai thác phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Đắk Nông.
Kho tàng văn hóa dân gian của người Mạ rất đa dạng, phong phú với nhiều thể loại như: truyền thuyết, truyện cổ, dân ca trữ tình, dân ca tín ngưỡng,… thường được diễn xướng trong lễ hội và sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, những bài dân ca trữ tình của người Mạ chứa đựng nội dung ca ngợi các anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, những bài học đạo đức luân lý giáo dục thế hệ con cháu,… Những bài dân ca tín ngưỡng của người Mạ thể hiện lòng tôn kính và cầu mong các vị thần linh giúp đỡ, bảo vệ cho cuộc sống của con người và cộng đồng được an vui, hạnh phúc...
Trong dịp lễ hội và thực hành tín ngưỡng truyền thống, âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mạ. Nhạc cụ truyền thống của người Mạ là dàn chiêng đồng không núm gồm 6 chiếc và nhiều loại nhạc cụ thuộc nhóm hơi như: khèn bầu, sáo trúc, tù và bằng sừng trâu. Trong đó, cồng chiêng là biểu tượng của sức mạnh vật chất, thể hiện sự giàu có của cá nhân, gia đình, dòng họ, bon làng và được lưu giữ, truyền từ đời này qua đời khác. Trong những dịp lễ hội truyền thống, người dân nơi đây xem cồng chiêng là cầu nối giữa con người hiện tại với thế giới thần linh. Khi hòa tấu cồng chiêng, người Mạ còn dùng tiếng trống bịt da trâu đánh giáo đầu và giữ nhịp. Ngoài ra, trong nghi lễ tang ma, người Mạ còn sử dụng nhạc cụ được làm từ ống nứa gắn thành dàn và đánh các làn điệu tang ma.
Cũng như các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông, người Mạ cũng có những điệu múa dân gian được hình thành trong cuộc sống, lao động sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần. Múa dân gian của người Mạ thường sử dụng những động tác, tư thế của cơ thể để diễn tả mọi hoạt động trong cuộc sống như: diễn tả lại cảnh lao động, sản xuất, săn bắt, chống thú dữ và các hoạt động thể hiện tâm tư, tình cảm của con người... Các động tác múa được lặp đi, lặp lại nhiều lần theo tiết tấu âm nhạc của cồng, chiêng hoặc các nhạc khí khác,… Bên cạnh đó, trong những ngày lễ hội truyền thống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, người dân nơi đây thường có hình thức hát múa với sự kết hợp chặt chẽ giữa hát, nhạc đệm và nhảy múa.
Người Mạ quan niệm con người từ khi sinh ra đến lúc mất đi phải trải qua những giai đoạn quan trọng là sinh ra, trưởng thành và chết đi. Vì vậy, người Mạ có các nghi lễ liên quan đến vòng đời như: lễ đặt tên, lễ trưởng thành, nghi lễ hôn nhân, nghi lễ tang ma. Những nghi lễ vòng đời của người Mạ đã phản ánh đậm nét các mối quan hệ xã hội tộc người và những tri thức cộng đồng.
Với tín ngưỡng đa thần, người dân nơi đây luôn tin mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đều gắn liền với mỗi vị thần linh. Do đó, người Mạ có nhiều lễ hội và nghi lễ gắn với cuộc đời của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi, nhiều nghi lễ và lễ hội gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của con người được tổ chức theo quy mô gia đình, dòng họ, bon làng. Trong nghi lễ cúng thần linh, người Mạ thường tổ chức lễ cúng thần nông nghiệp theo chu kỳ canh tác và các vị thần được thờ cúng như thần lúa (Yàng còi), thần rừng (Yàng bri), thần núi (Yàng bơ nơm), thần lửa (Yàng us),… Một số lễ hội tiêu biểu của người Mạ ở tỉnh Đắk Nông như: lễ cúng mừng sức khỏe, lễ mừng nhà mới, lễ cúng thần rừng đầu nguồn, lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng lúa mới, lễ hội Iun Jông (Lễ gắn kết tình thân), lễ hội Rnglăp bon… Tùy theo từng lễ cúng, người Mạ sẽ tổ chức lễ cúng ở nương rẫy hoặc tại gia đình, bon làng. Trong đó, lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng bến nước là những nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mạ và được gìn giữ cho đến ngày nay.
Trong sản xuất canh tác nông nghiệp, người Mạ có cách tính nông lịch riêng dựa vào chu kỳ của thời tiết được tích lũy kinh nghiệm nhiều năm và truyền dạy qua nhiều thế hệ. Mùa mưa là mùa để canh tác (từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch) và người Mạ chỉ bắt đầu trỉa hạt khi biết thời tiết sẽ có mưa nhỏ để tránh lượng nước mưa làm trôi hạt giống. Trong quá trình gieo trồng, người Mạ thực hiện nhiều nghi lễ cúng thần linh được phân định từng tháng và từng công đoạn để cầu cho mùa vụ được bội thu. Trước khi cho dân làng đốt rẫy vào tháng 4, già làng sẽ thực hiện lễ cúng tế là heo, gà và rượu. Vào tháng 6, từng hộ gia đình tổ chức lễ cúng mừng lúa bắt đầu phát triển lên cao đến chân. Khi lúa trổ bông vào tháng 8, các gia đình cùng trồng trọt tại một khu vực chuẩn bị đóng góp trâu, dê để chuẩn chuẩn bị lễ cúng rẫy và mỗi gia đình chuẩn bị thêm lễ cúng là gà và rượu. Lễ cúng rẫy thường được tổ chức từ 3 năm đến 5 năm một lần. Khi thu hoạch lúa trên nương rẫy vào tháng 11 và tháng 12, người Mạ tổ chức lễ cúng mừng lúa mới về nhà. Lễ cúng mừng lúa mới thường được người Mạ tổ chức vào khoảng tháng 12 âm lịch và hình thức cũng được tổ chức trong từng gia đình. Tùy theo số lượng thu hoạch của mỗi gia đình lễ cúng sẽ được chuẩn bị khác nhau. Mỗi gia đình tổ chức lễ cúng lúa mới và mời mọi người trong bon tới dự một ngày. Khi cúng mừng lúa mới, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị trang trí cây bông lúa được làm tượng trưng từ cây tre non và đồ lễ cúng bày lên bàn thờ được chuẩn bị sẵn trước sân nhà gồm rượu, đầu heo, gà,… Khi thực hiện nghi lễ cúng, người cúng đọc lời thỉnh cầu thần lúa và các vị thần linh về dự lễ để chứng kiến lòng thành của gia đình và dân làng, thể hiện sự biết ơn đối với các vị thần đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, không bị thú rừng phá hoại; cầu xin các vị thần tiếp tục phù hộ cho mùa màng năm tới gieo trồng thuận lợi, hoa màu tốt tươi và hứa trả lễ lớn hơn nếu mùa màng năm tới bội thu. Lễ cúng mừng lúa mới được tổ chức quay vòng theo thứ tự các hộ gia đình trong bon để ăn mừng. Ngoài ra, người Mạ ở Đắk Nông còn có hình thức cúng lúa mới chung cho cả cộng đồng là lễ Ai R’hai (lễ đâm trâu). Lễ Ai R’hai cấp bon làng thường được tổ chức từ 3 năm đến 5 năm một lần tùy theo điều kiện kinh tế của cộng đồng. Khi tổ chức lễ Ai R’hai, người dân trong bon dựng cây nêu cao ở trước sân nhà cộng đồng để mời các vị thần linh đến dự lễ với cộng đồng. Mọi người chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng các vị thần và trang trí quanh cây nêu. Cây nêu được chia làm ba tầng, tầng cao nhất treo một chùm lúa nhiều hạt dâng cúng cho thần lúa, tầng giữa treo một ít bánh và thịt để dâng cúng các vị thần linh và tổ tiên, tầng thấp buộc các con vật hiến tế như lợn, gà,… Các vật dụng trang trí trên cây nêu đều theo số chẵn với ý niệm là sự hoàn thiện và đầy đủ. Lễ cúng mừng lúa mới của cộng đồng được diễn ra với nhiều nghi thức và có sự tham gia của mọi người trong bon làng và các bon làng khác hoặc họ hàng xa đến tham dự. Sau nghi thức tạ ơn các thần linh, những người khỏe mạnh, giỏi võ trong bon tiến hành nghi thức đâm trâu. Thầy cúng lấy máu con trâu bôi lên cây nêu ở kho lúa và nhiều đồ vật khác biểu thị tính hiến tế cho các vị thần linh. Khi phần nghi lễ kết thúc, mọi người cùng nhau ăn uống, nhảy múa suốt đêm bên đống lửa để gia tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn trong cộng đồng. Do đó, lễ cúng mừng lúa mới của người Mạ không chỉ là lễ hội cộng đồng mà còn biểu hiện dạng tri thức mang tính giáo dục về thế giới quan, giá trị cuộc sống và tính cố kết cộng đồng trong đời sống được lưu truyền cho các thế hệ của tộc người.
Từ xa xưa, các dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông quan niệm nước là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cần phải được bảo vệ. Khi lựa chọn vùng đất định cư, người Mạ luôn chú ý lựa chọn nguồn nước cẩn thận và nguồn nước là ưu tiên quan trọng để lựa chọn vị trí xây dựng bon làng thông qua kinh nghiệm của những người lớn tuổi có uy tín trong dòng họ, cộng đồng. Người Mạ thường lựa chọn rừng bến nước (rừng đầu nguồn nước) để có nguồn nước sạch và đủ cung cấp nước cho người dân sử dụng trong đời sống và các mùa vụ trong năm. Tùy theo mục đích sử dụng khác nhau, người Mạ có các quy tắc ứng xử với nguồn nước theo những vị trí, đoạn suối, khu rừng khác nhau và được luật tục quy định cụ thể. Trong cuộc sống, mọi cư dân trong bon đều phải hiểu và tuân thủ các quy tắc để bảo vệ nguồn nước và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng theo luật tục. Do đó, vào đầu mùa xuân hoặc sau mùa xuân, người Mạ thường tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn thần Nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cầu mong nguồn nước trong sạch để đem lại sức khỏe và sự sống cho bon làng. Để tổ chức nghi lễ cúng bến nước, mọi người dọn dẹp vệ sinh xung quanh bon làng và quanh khu vực bến nước làm lễ cúng, dựng các máng nước bằng ống tre, nứa. Những thanh niên khỏe mạnh trong bon vào rừng chặt cây tre cao từ 6-7m về làm cây nêu để kết nối giữa con người với các vị thần linh. Cây nêu được trang trí cẩn thận với nhiều họa tiết, hoa văn sinh động được khắc trên thân cây và lễ vật dâng cúng gồm có 1 con dê, 1 con gà, nải chuối, ché rượu cần. Khi thực hành nghi lễ, già làng cắt tiết con vật hiến sinh, lấy máu bôi lên cây nêu và các vật xung quanh, cầu khấn các vị thần linh như thần đất, thần nước, thần sông, thần suối, thần núi,… để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người trong bon làng khỏe mạnh, cầu mong lúa, bắp tốt tươi nhiều bông, nhiều trái. Sau lễ cúng, mọi người lấy nước đựng vào trong những quả bầu khô và gùi về nhà dùng. Hiện nay, lễ cúng bến nước của người Mạ ở tỉnh Đắk Nông vẫn được duy trì góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người và có ý nghĩa giáo dục, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ nguồn nước đối với các thế hệ trong tộc người.
Đời sống văn hóa vật chất của người Mạ cũng rất đa dạng, phong phú thể hiện rõ trong ẩm thực, trang phục truyền thống, xây dựng nhà cửa,… Cũng như nhiều dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông, những món ăn của người Mạ được chế biến đơn giản bằng cách nướng, luộc hoặc nấu canh. Nguồn thực phẩm dùng để chế biến món ăn có sẵn trong tự nhiên như măng tre, rau rừng, củ, quả,… những vật nuôi hoặc săn bắt được như lợn, gà, cá, chim, rắn, ếch,… Hầu hết các món ăn thường có vị đắng, vị cay vì các gia vị được người dân nơi đây dùng để chế biến là ớt, củ nén, sả, riềng,… Một số món ăn truyền thống đặc trưng như: canh thụt đọt mây (Biếp Prung), gà xào măng chua, cơm lam, thịt nướng các loại, cá nướng, đọt mây, rượu cần,…
Người Mạ có nghệ thuật phối màu trong dệt vải rất tinh tế với nhiều hoa văn được sắp xếp bố cục đa dạng, phong phú. Trang phục truyền thống của người Mạ là nam ở trần đóng khố và khố của nam giới có nhiều loại với kích thước, hoa văn trang trí khác nhau. Trong những dịp lễ hội, nam giới thường mặc những chiếc khố có đính hạt cườm và nhiều tua dài. Hiện nay, trang phục nam giới mặc áo chui ngắn tay hoặc dài tay, xẻ tà, vạt sau dài hơn vạt trước nhằm che kín mông. Trang phục của nữ giới là mặc áo sát thân, dài tới thắt lưng, không xẻ tà, cổ áo tròn thấp và mặc váy. Nửa thân áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn hình học với các màu đỏ, xanh. Chiều dọc hai bên mép áo được trang trí bằng các sọc nhiều màu sắc rực rỡ,… tạo nên những nét đặc trưng riêng trong trang phục của người Mạ.
Các dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông thường sinh sống trong những ngôi nhà dài với nhiều gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống với nhau tại các bon, buôn làng. Trong đó, bon chính là không gian sinh tồn của người Mạ và mỗi bon thường chọn ra một người đàn ông lớn tuổi, có uy tín trong gia đình, dòng họ và hiểu rõ những phong tục tập quán làm trưởng bon. Trưởng bon có nhiệm vụ hướng dẫn mọi người dân lao động sản xuất, giải quyết các tranh chấp nếu xảy ra ở trong hay ngoài phạm vi bon, tập hợp ý kiến, phát huy sức mạnh đoàn kết để thực hiện các quy tắc mang tính luậtt tục,… Bon truyền thống của người Mạ bao gồm từ 5-7 căn nhà dài của vài dòng họ với khoảng vài chục người cùng sinh sống trong mỗi ngôi nhà dài. Ngôi nhà truyền thống của người Mạ là nhà sàn dài cao khoảng 2m với nhiều gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống tính theo dòng họ cha cùng sinh sống. Người Mạ dùng các loại nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên như cây rừng, song mây, tranh để làm nhà dài. Ngôi nhà dài có hai cửa gồm cửa chính lên phòng khách và một cửa phụ. Bố cục không gian giữa các gian trong nhà dài đều giống nhau. Ngôi nhà cũng là nơi để tổ chức các lễ cúng liên quan đến gia đình nên phòng khách rộng dùng để tiếp khách, tổ chức nghi lễ cúng thần linh và trưng bày các vật dụng mang tính biểu tượng của ngôi nhà như chiêng, ché, đồ cúng, sừng trâu. Không gian còn lại của ngôi nhà là nơi ở của các gia đình nhỏ và có lối đi chung. Số lượng phòng ngủ tùy thuộc vào số lượng gia đình cùng sinh sống trong ngôi nhà dài. Trong mỗi phòng, cha mẹ ngủ chung với con cái còn nhỏ và có bếp để nấu ăn riêng.
Dệt thổ cầm là nghề truyền thống phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông. Công cụ dệt thổ cẩm của người Mạ đơn giản bao gồm khung quay sợi và khung dệt. Trong đó, khung dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ tượng đối lớn nên một đầu được cố định vào một vách tường và đầu còn lại gắn với người thợ dệt. Nguyên liệu dùng để dệt là những sợi được tạo ra từ bông vải do người dân tự trồng trên rẫy và màu nhuộm vải được tạo ra từ lá cây, quả và vỏ cây rừng. Tùy theo mục đích sử dụng, người Mạ dùng những loại vỏ, lá cây để tạo ra các màu khác nhau. Sản phẩm sau khi dệt là những tấm thổ cẩm có khổ vải rộng và dài để người sử dụng có thể tự tạo ra những sản phẩm như áo, váy, khăn... nhằm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của gia đình. Kỹ thuật dệt và nhuộm sợi của người Mạ được cộng đồng tích lũy và truyền qua nhiều thế hệ trở thành tri thức của cộng đồng tạo nên tính đặc trưng trong nghề truyền thống của tộc người.
Bên cạnh đó, người Mạ cũng như các dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Nông có hệ thống tri thức truyền thống về những loại thực vật, loại cây thuốc để chăm sóc sức khỏe. Trong quá trình sinh tồn, người Mạ cũng có những bài thuốc chữa bệnh được mọi người tin dùng như: cảm sốt, đau bụng tiêu chảy đột ngột, đau bao tử, bị rắn và bò cạp cắn, cầm máu, đau răng, bệnh tiểu gắt, gãy xương, bong gân… Những bài thuốc cổ truyền của người Mạ là tài sản văn hóa có thể thu hút khách du lịch khi khai thác phát triển du lịch cộng đồng gắn với các dịch vụ nghỉ dưỡng, nâng cao sức khỏe.
Trải qua quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mạ vẫn được lưu giữ và tiếp tục được phát huy trong đời sống của tộc người. Hiện nay, với những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đã góp phần làm cho văn hóa người Mạ trở nên khởi sắc, đa dạng, phong phú hơn trong tiến trình hội nhập vào dòng chảy của văn hóa Việt Nam. Để khai thác tiềm năng giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ trong phát triển du lịch cộng đồng đạt hiệu quả cần thiết phải có sự chọn lọc, sắp xếp và gắn kết các giá trị trong chuỗi hoạt động được khai thác. Trong quá trình khai thác phát triển du lịch cần có các giải pháp cụ thể đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Mạ ở tỉnh Đắk Nông: bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tộc người gắn với việc nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Trong đó, chú trọng các chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa và khuyến khích thế hệ trẻ tiếp thu các di sản văn hóa của tộc người. Chú trọng đầu tư, hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị văn hóa cao của người Mạ như dệt thổ cẩm, làm rượu cần... Khai thác và phát triển một số bài thuốc dân gian về chăm sóc sức khỏe của người Mạ trong khai thác phát triển du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe của du khách khi sử dụng các dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, khai thác những ngôi nhà truyền thống của người Mạ trở thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức những nghi lễ, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa tộc người như lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng bến nước… Khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống của người Mạ như hát dân ca trữ tình, dân ca tín ngưỡng, hát múa cồng chiêng… trong các chương trình văn nghệ giao lưu và biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách (2).
_____________________
1. Hoàng Thanh, Vài nét về dân tộc Mạ, baodaknong.org.vn, 20-1-2011.
2. Nghiên cứu này được thực hiện từ nguồn kinh phí của đề tài khoa học cấp tỉnh của tỉnh Đắk Nông năm 2021 “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông”.
Tác giả: TS Lê Thị Bích Thủy - Ths Lê Thị Thanh Thương - Ths Lê Thị Hồng Nhung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021