Sau những hoạt động ngoại khóa tại nhà trường và những chuyến đi đến các bản làng của xã để tìm hiểu, trải nghiệm, nhóm học sinh Trường THPT số 3 Bảo Yên đã hình thành ý tưởng và triển khai dự án khởi nghiệp từ sản phẩm đan lát truyền thống thân thiện với môi trường
Nhóm học sinh Trường THPT số 3 Bảo Yên dự thi và đoạt giải Ba cấp tỉnh dự án khởi nghiệp từ sản phẩm đan lát truyền thống
Từ những cuộc trải nghiệm tại chỗ
Với đặc thù là ngôi trường THPT đóng trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - nơi có trên 98% đồng bào dân tộc Tày sinh sống, trong những năm qua, Trường THPT số 3 Bảo Yên vẫn thường tổ chức đều đặn các hoạt động trải nghiệm tại chỗ trong và ngoài nhà trường để giúp các em học sinh phát huy sự chủ động, tích cực và sáng tạo trong quá trình học tập.
Xác định xã Nghĩa Đô là vùng đất cổ, nơi đồng bào dân tộc Tày hình thành, lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc như các phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, ẩm thực, trang phục, lễ hội, các nghề truyền thống… Trường THPT số 3 Bảo Yên đã gắn hoạt động trải nghiệm của học sinh với việc nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương.
Hoạt động trải nghiệm tại chỗ của Trường THPT số 3 Bảo Yên được triển khai dưới nhiều hình thức như tổ chức trong nhà trường gắn với hoạt động “Ngày hội văn hóa các dân tộc”, ngoại khóa chuyên đề về bản sắc văn hóa. Tổ chức ngoài nhà trường ở cự ly gần như đưa học sinh đến các bản làng Tày để tìm hiểu, trải nghiệm các loại hình văn hóa cổ truyền. Nhờ thế, các em học sinh không bỡ ngỡ mà rất tự tin, hứng thú khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, cũng không phải tốn quá nhiều kinh phí khi tổ chức.
Học sinh Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) trải nghiệm nghề đan lát truyền thống tại bản làng Tày xã Nghĩa Đô
Qua những trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, có một nghề truyền thống được các em học sinh Trường THPT số 3 Bảo Yên hứng thú tìm hiểu và học làm theo, đó là nghề đan lát của đồng bào dân tộc Tày. Được biết, đây là nghề thủ công được hình thành, gìn giữ và truyền lại từ bao đời nay ở vùng đất này.
Các em học sinh đã được nghệ nhân, những người lớn tuổi trong các bản làng giới thiệu, hướng dẫn về đan lát của dân tộc Tày. Từ đó, các em có niềm cảm hứng muốn tự tay mình tạo nên những sản phẩm từ tre nứa trong tự nhiên.
“Qua tìm hiểu, các em học sinh còn được biết, các sản phẩm từ đan lát truyền thống ở Nghĩa Đô hiện nay đã và đang trở thành mặt hàng thủ công góp phần quan trọng cho phát triển du lịch cộng đồng. Du khách khi đến thăm Nghĩa Đô rất ấn tượng và có nhu cầu mua các sản phẩm lưu niệm là vật dụng từ đan lát như giỏi, làn, túi sách, giần, sàng… để mang về sử dụng vì giá thành vừa phải, thân thiện với môi trường. Cũng từ đây, ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm đan lát truyền thống được hình thành trong các em học sinh Trường THPT số 3 Bảo Yên”, thầy giáo Quan Văn Thưởng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên chia sẻ.
Hình thành ý tưởng và triển khai dự án
Sau những chuyến trải nghiệm từ bản làng Tày Nghĩa Đô, nhóm học sinh của Trường THPT số 3 Bảo Yên gồm các em Lù Thị Ngọc Linh (Lớp 12A1, dân tộc Dao), Hoàng Tiến Đạt (Lớp 11A1, dân tộc Tày), Đinh Thị Yến (Lớp 11A2, dân tộc Kinh) dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Quan Văn Thưởng – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ nghề đan lát thủ công và lựa chọn dự án mang tên:“Sản phẩm đan lát truyền thống Nghĩa Đô - Vì môi trường xanh”.
Các sản phẩm đan lát được các em học sinh trưng bày tại Ngày hội văn hóa các dân tộc do nhà trường tổ chức
Khi được hỏi vì sao các em lại lựa chọn dự án này để thực hiện trong khi thị trường hiện này có khá nhiều các sản phẩm tiện dụng, em Lù Thị Ngọc Linh chia sẻ: “Ý tưởng và dự án của các em dựa trên đặc thù địa phương với địa hình núi non có nhiều cây tre, giang, nứa thuận tiện cho việc cung cấp nguyên liệu. Hơn nữa, đan lát là nghề truyền thống của xã nên đây là điểm tựa quan trọng đối với các em, đồng thời, sản phẩm từ đan lát lại đang là mặt hàng lưu niệm của du lịch cộng đồng tại địa phương. Việc khởi nghiệp từ sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ góp phần giảm tải những đồ dùng gây hại đến môi trường hiện nay như nhựa, ni lông”.
Sau 1 năm thực hiện dự án trên cơ sở học tập và nắm bắt kiến thức, thông tin về các sản phẩm đan lát tại địa phương, nhóm học sinh đã định hình được các yếu tố khởi nghiệp của dự án như tên, mẫu mã, công dụng của các sản phẩm, giá thành, các hình thức quảng bá, giới thiệu mặt hàng, triển vọng sản phẩm khi đưa ra thị trường…
Hiện tại, danh mục các sản phẩm của dự án đã được hình thành và phân chia theo công năng, nhu cầu người sử dụng. Một số mặt hàng sản phẩm đan lát phổ biến mà các em có thể đưa vào kinh doanh như làn dùng để đi chợ (đan bằng tre hoặc mây), giần, sàng, mẹt, dậu, giỏ đựng cá, đó bắt cá. Ngoài ra, còn có các loại đồ dùng trong nhà sử dụng bằng sản phẩm đan lát như các loại giỏ đựng đồ, giỏ đựng xôi, lọ hoa, ống đũa, đũa tre... Các sản phẩm đan lát được trang trí hoa văn, kích thước to, nhỏ khác nhau. Các em sẽ lựa chọn Facebook, Lazada, Tiktok hay làm website riêng để bán sản phẩm đan lát truyền thống, thường xuyên đăng bài viết, hình ảnh, cập nhật các mô tả sản phẩm hấp dẫn. Khách hàng chủ yếu của sản phẩm là khách du lịch và người dân các địa phương trong và ngoài tỉnh Lào Cai.
Sau khi hoàn thiện, dự án đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 1 tỉnh Lào Cai vào cuối năm 2024 và đoạt giải Ba. Với những triển vọng khi sản phẩm đi vào thực tế kinh doanh khởi nghiệp đã thuyết phục Ban Giám khảo như gắn sản phẩm khởi nghiệp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giải quyết nhu cầu việc làm và mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho người dân, góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường…
Dự án“Sản phẩm đan lát truyền thống Nghĩa Đô - Vì môi trường xanh” là kết quả của sự kết nối giữa hoạt động trải nghiệm tại chỗ với xây dựng và triển khai ý tưởng khởi nghiệp của các em học sinh, thể hiện được sự chủ động, tích cực của người trẻ đối với thực tiễn cuộc sống. Đây là xu hướng trong môi trường học đường cần được nhân rộng, đưa vào thực tiễn để phát huy được những triển vọng của mỗi dự án để biến ý tưởng trở thành hiện thực trong khát vọng lập thân, lập nghiệp của thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: THẾ LƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025