“Khúc đồng dao” - Chương trình múa rối đặc sắc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Hòa chung không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 26-4-2025, Nhà hát Múa rối Việt Nam chính thức ra mắt chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Khúc đồng dao”. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa đầy ý nghĩa mà còn là một hành trình nghệ thuật giàu cảm xúc, tái hiện những ký ức thiêng liêng và khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam.

Đồng dao, những khúc hát ru ngọt ngào thấm đẫm tình bà, tình mẹ, từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu, nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người Việt. Dù dòng chảy thời gian có đổi dời, nhịp sống có hối hả, những giai điệu thân thương ấy vẫn lặng lẽ ngân vang trong ký ức mỗi người. Lựa chọn đồng dao của nhiều vùng miền trên dải đất hình chữ S Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã khéo léo khơi gợi những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, đồng thời bắc nhịp cầu đưa những giá trị văn hóa dân gian quý báu đến gần hơn với hơi thở của cuộc sống đương đại.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khúc đồng dao của tác giả Dương Dũng, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng, trợ lý đạo diễn NSƯT Thế Long, tạo hình con rối NSƯT Thế Khiển, mỹ thuật sân khấu họa sĩ Ngô Thắng, âm nhạc NSND Huỳnh Tú, biên đạo múa NSND Hồng Phong, cùng sự tham gia biểu diễn của các NSƯT: Nguyễn Hồng Phong, Hoàng Đạt Hiển, Đỗ Thị Kha, Phạm Thu Hằng, Nguyễn Lan Hương, Trịnh Thùy Trang và nhiều nghệ sĩ khác.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được đưa lên sân khấu rối nước đầy sáng tạo

Khúc đồng dao là một bản hòa tấu nghệ thuật đa sắc màu và đầy sức sống, đưa khán giả vào một hành trình xuyên suốt chiều dài đất nước, từ Bắc chí Nam. Đưa người xem khám phá vẻ đẹp văn hóa, con người và những câu chuyện đậm đà bản sắc của nhiều vùng miền như: điệu múa của các cô gái Mông, nét duyên dáng của những cô gái Quan họ với chiếc nón quai thao, điệu múa chén của các cô gái Huế trong trang phục áo dài tím mộng mơ, điệu múa dân gian Chăm truyền thống… Tựa như những nốt nhạc riêng biệt trong một bản giao hưởng, sắc màu văn hóa độc đáo của mỗi miền quê đã hòa quyện tinh tế, tạo nên một bức tranh Việt Nam đa dạng, độc đáo và lay động lòng người. Chương trình không chỉ gợi nhớ những khúc đồng dao ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ mà còn mở ra một không gian nghệ thuật độc đáo, nơi âm nhạc, múa rối nước, rối cạn và hình ảnh làng quê thân thương hòa quyện tinh tế, làm nổi bật những con người chân chất, nghĩa tình - hiện thân sống động của tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, chương trình cũng mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thổi vào đó hơi thở đương đại và cuốn hút khán giả. Mỗi thanh âm, mỗi câu chuyện không chỉ là tiếng vọng của quá khứ, mà còn là hồn cốt dân tộc, kết tinh thành một bức tranh văn hóa Việt Nam sâu lắng, đậm đà bản sắc.

Khúc đồng dao mang đến những giây phút sâu lắng qua tiếng đàn bầu

Những điệu múa truyền thống của dân tộc Chăm

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin rằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc, luôn có một sứ mệnh thiêng liêng trong việc kết nối con người với cội nguồn, giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về đất nước mình”. NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình nghệ thuật đặc biệt Khúc đồng dao. Đây sẽ là chương trình của Nhà hát Múa rối Việt Nam tham dự liên hoan múa rối quốc tế sắp tới.

Bằng sự tài tình, kết hợp giữa việc tái hiện ký ức văn hóa và thổi vào đó tinh thần hiện đại, Khúc đồng dao đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt. Âm nhạc truyền thống hòa quyện cùng ánh sáng sân khấu, kỹ thuật múa rối sáng tạo đã làm cho mỗi cảnh diễn trở nên sống động và cuốn hút lạ thường. Những màn trình diễn rối nước được thiết kế công phu, cùng với âm nhạc dân gian được cải biên tinh tế, đã mang đến một diện mạo mới cho nghệ thuật truyền thống, giúp khán giả, nhất là giới trẻ, thực sự cảm nhận được giá trị trường tồn và sức sống mạnh mẽ của văn hóa dân tộc trong dòng chảy thời gian.

Nét duyên dáng của các cô gái Quan họ với chiếc nón quai thao

Điệu múa chén của các cô gái Huế trong trang phục áo dài tím mộng mơ

Các con rối với những điệu múa sôi động thể hiện tính cách con người của mảnh đất Tây Nguyên

Khán giả trẻ Bùi Thu Hương chia sẻ: “Chương trình thực sự lôi cuốn, mang đến cho tôi cơ hội khám phá những điệu múa và giai điệu đặc trưng, đầy màu sắc của khắp mọi miền Tổ quốc. Qua đó, tình yêu với đất nước và con người Việt Nam trong tôi càng thêm sâu đậm. Khúc đồng dao đã khơi dậy và bồi đắp thêm niềm tự hào về cội nguồn, về bản sắc dân tộc Việt Nam”.

Chương trình không chỉ là tiếng vọng thân thương của quá khứ mà còn là nhịp cầu kết nối hiện tại với tương lai, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Khán giả Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội được lắng nghe những giai điệu tự hào, cảm nhận tình yêu quê hương đất nước thông qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối độc đáo. Chương trình sẽ tiếp tục được công diễn vào 20 giờ ngày 3-5-2025 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (số 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội).

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;