Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống được các nghệ sĩ trẻ thực hiện đã gặt hái nhiều thành công. Với cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn bằng âm nhạc, bằng hình ảnh, các nghệ sĩ đã góp phần đưa bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam đến gần hơn với khán giả trong nước và bạn bè quốc tế.
Thanh âm xanh - Mộng thượng ngàn
Trong những tháng đầu năm 2025, MV Bắc Blinh (Bắc Ninh) của ca sĩ trẻ Hòa Minzy đã đặc biệt chiếm trọn tình cảm của người mến mộ. Ra mắt trong chưa đầy 3 ngày MV Bắc Blinh đã nhanh chóng lọt top trending những video được xem nhiều nhất cả trong nước và trên thế giới. MV của nữ ca sĩ sinh năm 1995 đã nhanh chóng thiết lập nhiều kỷ lục ấn tượng, giữ vị trí top 1 trên bảng xếp hạng YouTube Music toàn cầu. Đặc biệt, không chỉ có khán giả trong nước yêu thích MV này, mà những người yêu âm nhạc trên thế giới cũng thích thú thưởng thức tác phẩm.
MV Bắc Bling của nữ ca sĩ Hòa Minzy được đầu tư, thực hiện công phu về âm nhạc và hình ảnh. Trong MV, nhiều địa danh nổi tiếng vùng Kinh Bắc mang đậm dấu ấn văn hóa như đền Bà Chúa kho, nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, cùng các làng nghề truyền thống đặc sắc đã được giới thiệu. Cùng với một ê-kíp sáng tạo gồm nghệ sĩ Xuân Hinh, nhạc sĩ Tuấn Cry, nhà sản xuất Masew, đạo diễn Nhu Đặng đã tạo nên một sản phẩm âm nhạc chất lượng, có tiết tấu tươi trẻ, thuyết phục người xem và được đông đảo người yêu âm nhạc trong và ngoài nước yêu thích. Đặc biệt, chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, các địa danh nổi tiếng của vùng đất Bắc Ninh xuất hiện trong MV đã thu hút ngày càng đông du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Chia sẻ về sản phẩm âm nhạc của mình, ca sĩ trẻ Hòa Minzy cho biết, MV không chỉ được đầu tư nhiều về kinh phí, mà còn chỉn chu trong mọi công đoạn. Bên cạnh những cảnh quay đẹp về các địa danh của Bắc Ninh, trong lời ca với những câu hát: Bắc Ninh vốn trọng chữ tình; Nón quai thao em đợi ở sân đình; Tấm lòng son sắt, ta ngân nga câu quan họ; Miếng trầu này em đã ướp thêm say; Sáng như đêm trăng rằm hội Lim… đều ẩn chứa giá trị văn hóa của vùng đất Bắc Ninh…
Không chỉ có Bắc Blinh, trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai được thực hiện năm 2024, nhiều tiết mục đậm chất truyền thống như Trống cơm, Đào liễu... được các anh tài thể hiện với phong cách hiện đại, trẻ trung đã cuốn hút đông đảo bạn trẻ. Đặc biệt, tiết mục Trống cơm do NSND Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và ca sĩ Cường Seven thể hiện đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng người xem. Từ một bài dân ca quen thuộc trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Trống cơm được các nghệ sĩ biến tấu, sáng tạo khi kết hợp giữa giai điệu dân gian, rap với thể loại R&B trở thành một tác phẩm có giai điệu mang màu sắc âm nhạc đương đại. Trên nền âm nhạc hiện đại nhưng vẫn giữ màu sắc dân gian và giai điệu quen thuộc, các nghệ sĩ trong trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu… đã thành công khi mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.
Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn
Là một trong những ca sĩ gặt hái được nhiều thành công khi tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, cũng như trong tiết mục Trống cơm, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn cho biết, thành công của Trống cơm là do có sự kết hợp của ba anh em NSND Tự Long, ca sĩ Cường seven và Hoàng Sơn. Sau khi tiết mục được trình diễn, đã được sự đón nhận, yêu thích của nhiều khán giả trẻ. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của anh. “Âm nhạc mang âm hưởng dân gian và văn hóa của Việt Nam là điều tôi rất thích vì bản thân tôi xuất thân từ gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc gắn với văn hóa truyền thống. Thông qua các tác phẩm, tôi sẽ giới thiệu về vẻ đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc đến với khán giả trong nước cũng như bạn bè quốc tế” - Soobin Hoàng Sơn cho biết.
Trong khi đó, MV Mộng Thượng ngàn của nhóm nhạc Thanh âm xanh, được lấy ý tưởng từ đạo Mẫu - di sản Thực hành Tín ngưỡng được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do đạo diễn trẻ Nguyễn Công Thục Anh, đạo diễn hình ảnh Việt Vũ thực hiện, cùng phần phối khí do các nghệ sĩ Mạnh Hùng và Phan Thủy thực hiện. MV là màn trình diễn của 8 nữ nghệ sĩ cùng với các nhạc cụ truyền thống: tỳ bà, đàn tranh, tam thập lục, đàn bầu, sáo, trống… và màn múa trong nghi thức hầu đồng đã mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc đặc sắc nhưng không kém phần tôn nghiêm.
Nhạc phẩm có sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại được lồng ghép khéo léo trên nền nhạc World music đương đại đã mang đến cho khán giả sự mới lạ nhưng cũng đầy thân quen. Đồng thời, MV còn được các nghệ sĩ đầu tư bài bản, chỉn chu trong trang phục biểu diễn, càng làm tôn lên nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với việc thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu, MV không chỉ lôi cuốn được người xem, mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao.
Có thể nói, âm nhạc mang yếu tố dân gian truyền thống đã và đang được khán giả, đặc biệt là giới trẻ quan tâm, yêu thích. Với các sản phẩm âm nhạc thành công trong thời gian qua là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có sự tôn vinh trọn vẹn những nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Âm nhạc dân tộc, nghệ thuật truyền thống và bản sắc văn hóa của đất nước ta là những kho báu để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo đưa vào các tác phẩm. Sự thành công trong các tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc sẽ trở thành cầu nối văn hóa và du lịch, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa, giới thiệu vẻ đẹp tâm hồn và bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.
THÁI AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025