Margaret Atwood là một nhà tiểu thuyết, nhà thơ, nhà phê bình văn học xuất sắc của Canada. Trong suốt chặng đường lao động của mình, tác giả đã giành được nhiều giải thưởng lớn kể đến như: giải thưởng Man Booker, giải thưởng Arthur C. Clarke, giải thưởng Franz Kafka… Nỗ lực sáng tác của Margaret Atwood là hành trình song hành cả ngẫu nhiên và kỉ luật truy đuổi diễn biến kì diệu của tưởng tượng và sức mạnh ngạc nhiên của ngôn từ.
Margaret Atwood trong tác phẩm Spelling (Chính tả) cho rằng: “mỗi từ một, sau mỗi từ một, sau mỗi từ một, là sức mạnh”) Có thể nói sáng tác với bà là sự thực hành đầy công phu, bền bỉ và làm việc nghiêm túc trên từng một con chữ.
Nhân vật của Margaret Atwood không nỗ lực mô tả thế giới, không diễn giải đời sống bằng nhãn quan vật lý thông thường mà móc xích đồng thời cả đôi mắt tưởng tượng. Thế giới của Margaret Atwood không tuân thủ giới hạn của định nghĩa cho sẵn, đi chệch ra khỏi đường biên của sự thật hiển nhiên và niềm lạc quan về sự vĩnh cửu của chân lý. Nhân vật khai sinh ra đời sống mới, đời sống nằm trong cá nhân và tồn tại bằng sức sống tinh thần cá nhân con người. Margaret Atwood không hướng tới sự khúc xạ đơn thuần của đời sống giản đơn vào đôi mắt con người mà đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo lại thế giới. Do đó nhân vật trở thành người toàn quyền tạo lập ra thế giới, chủ động nhìn đời sống bằng nhãn quan tinh thần của mình. Sự thật thông qua lăng kính tưởng tưởng trở nên biến dạng, méo mó hoặc thậm chí là kì dị vượt ngoài đường biên thông thường. Đó là những người hầu gái có thân phận đặc biệt trong The Handmaid’s Tale (Truyện người hầu gái), là thế giới hậu tận thế bị biến dạng của con lợn mang nội tạng người và sự xuất hiện của hình dạng người nhân tạo - Oryx and Crake (Linh dương và chim sếu), là đời sống thường trực bị rượt đuổi bởi những bóng ma phi thực vì sự méo mó của ký ức và những vết thương tinh thần - Cat’s eye (Con mắt mèo), là đời sống phân mảnh đánh tráo giữa hiện thực thông thường và khoa học viễn tưởng nơi những kẻ sát nhân mù loà được sử dụng như công cụ giết người - The Blind Assassin (Kẻ sát thủ mù)… Atwood phát minh ra thế giới tưởng chừng như siêu thực và kì dị nhưng thực chất là sự khủng hoảng của những người mất trắng điểm tựa thực tại.
Dòng nội tâm nhân vật thường dễ đoản mạch, đứt mối nối và rời rạc lẫn nhau. Bởi lẽ con mắt tưởng tượng và nhãn quan vật lý luôn xảy ra sự mâu thuẫn và xung khắc không thể hoà giải. Nhân vật luôn trong trạng thái con mắt tinh thần đứng trên bờ vực tuyệt vọng khi luôn chịu sự trấn áp từ hiện thực trần sì và tối tăm. Đời sống trong sáng tác của Margaret Atwood thường nghịch đảo với khát vọng thành thực của con người. Đó là thế giới mà họ thường trực bị trói buộc trong sự đường hoàng tự do của bạo lực và sức mạnh quyền lực. Hiện thực xâm lấn vào trong đức tin, lòng yêu nhiệt thành với đời sống gây nhiễu và làm xô lệch cả niềm hy vọng của con người vào đời sống. Và phải chăng sức công phá lớn nhất là khi con người ta chẳng còn bất kể một niềm mong đợi nào vào sự kì diệu của ngày mai, của tương lai, của cái đẹp. Có thể nói Margaret Atwood đã xây dựng thành công một kỷ nguyên tối - một kỷ nguyên mà ở đó sự tàn bạo gặm nhấm dần khả năng biết hi vọng vươn tới ánh sáng của con người. Vì vậy con người trong sáng tác của Margaret Atwood xuất hiện trong trạng thái chân không, không xác định, không vị trí và thất lạc khỏi nhân gian.
Tiểu thuyết The Handmaid's Tale (Chuyện người hầu gái)
Có thể nói đám đông trong tác phẩm của Margaret Atwood hiện hữu như một khối kim loại nặng được cấu hình bởi sự cô đặc của u tối, sự trái khoáy của hiện thực và những chấn thương mãi chẳng thể lành lặn. Nhưng dù vậy, sáng tác của bà vẫn không hoàn toàn tỏ ra tuyệt vọng hay loại bỏ sạch trơn sự kỳ vọng vào sức sống tinh thần của con người. Vì vậy nằm trong khối cộng đồng đó thường xuất hiện hình tượng nhân vật phản kháng. Họ từ chối chấp nhận thỏa thuận với những nguyên tắc hay hàng rào hiển nhiên cố định mà cấu trúc xã hội đặt ra. Tuy nhiên không giống như hình mẫu nhân vật được giác ngộ bởi ánh sáng của lý tưởng, con người trong sáng tác của Margaret Atwood là con người đơn độc với ánh sáng của chính mình. Chân dung của họ được phục dựng trên hình ảnh của một tiếng thét vỡ cổ nhưng mất trắng âm thanh. Tiếng thét ấy thường trực đòi quyền sống, đòi vị trí bình đẳng và công khai như một con người thực sự đang tồn tại trong nhân gian. Và tiếng nói dù nỗ lực đến rỏ máu thì âm thanh lại càng trở nên yếu thế đến mức vô hình. Nhưng sự lì lợm bướng bỉnh đến mức đáng kinh ngạc của con người khiến con mắt tinh thần không chịu “đồng hoá” hay ngã ngũ trong sự tuyệt vọng vĩnh viễn. Bóng tối đã nhuộm đen toàn bộ tiểu thuyết của Margaret Atwood, nhưng dường như ánh sáng vẫn hiện diện ở đó như một minh chứng rằng, sự sống và cái đẹp vẫn sẽ tồn tại và tiếp tục tồn tại.
Ngôn từ của Margaret Atwood là ngôn từ của những mảnh ghép phi trật tự, những mối nối rời bị trúng thương. Mọi cách thức biểu hiện thông thường đều bị đứt gãy, chữ nghĩa rơi vỡ, xé toang và thậm chí bị đứt lìa khỏi hệ thống cấu trúc chung. Ngôn từ của Atwood là sức sống của dòng chảy tinh thần, là chân dung của tưởng tượng và hình dạng của thế giới hư cấu. Tác giả trao quyền diễn đạt hoàn toàn cho tiếng nói tinh thần. Mọi sự hỗn loạn, xô lệch hoặc mất kiểm soát của tinh thần đều dẫn tới sự bóp méo ngoại hình của chữ. Ngôn từ trong tác phẩm được điều chỉnh linh hoạt theo bước nhảy của trí tưởng tượng, linh cảm và trực giác khó đoán của con người. Margaret không lựa chọn việc tinh giản hay “để trống” ngôn từ như Hemingway, Alice Munro, Raymond Carver… để tạo ra nhiều không gian trống vắng thách thức sức nghĩ của bạn đọc. Tác giả đã để những con chữ được tự do đi lạc, cho những mắt xích chữ được tách rời, đi chệch bất quy tắc. Margaret không đóng khung chữ mà âm thầm lượm lặt, xếp hình văn bản từ những mảnh vỡ rời - những mảnh vỡ từ những góc khuất tinh thần con người. Người đọc khi trải nghiệm trong tác phẩm của bà thường có xu hướng lạc lối trong ngõ vắng trước những cung đường không biển báo, nhưng chính sự lạc lối đó lại là phương thức tối ưu tác giả chọn để người đọc mô tả được sức hỗn loạn của nội tâm con người.
Thế giới của Margaret Atwood không dị dạng và dễ dàng thỏa hiệp với đám đông và cộng đồng sống trong truyện. Nhưng đời sống ấy vẫn hiện lên đầy ám ảnh và đáng thương với những con người thường trực đòi hỏi sự sống, kính ngưỡng cái đẹp, kỳ vọng tình yêu thương và nguyện cầu trước nhân tính con người. Margaret Atwood đã dành cả cuộc đời của mình cống hiến cho thực hành nghệ thuật và phát minh khoa học. Nỗ lực sáng tạo của bà là nỗ lực của người phát hiện ra sự sống ở những con mắt tinh thần đang đứng trên bờ vực của tột cùng tuyệt vọng. Và sự sống đẹp đẽ đó đã thay đổi con bài định mệnh của phận người, kiếp người đau thương trong nhân gian này.
Truyện ngắn Something I've Been Meaning To Tell You (Điều tôi muốn nói với bạn)
QUỲNH ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025