Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt Khu di tích Phủ Chủ tịch) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm (1954-1969). Nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định gìn giữ tất cả các di sản về Người một cách tốt nhất, để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ngày nay, Khu di tích Phủ Chủ tịch không chỉ là di sản - chủ thể văn hóa mà còn là đối tượng, phương tiện thực hiện các hoạt động giáo dục di sản, hoạt động ngoại giao văn hóa. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có Chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “một trường học lớn” cho các trường học, các cơ quan đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động. Đây là một trong những “kênh” tạo nên “sức mạnh mềm” góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời Khu di tích Phủ Chủ tịch còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng được đa dạng hóa về hình thức các hoạt động phong phú đem lại hiệu quả thiết thực.
Một trong những yếu tố quan trọng phục vụ cho công tác giáo dục di sản đó chính là các di tích bất động sản, các tài liệu hiện vật cùng cảnh quan môi trường di tích. Đây chính là những giáo cụ trực quan sinh động tác động tới nhận thức, tình cảm của công chúng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Khu di tích đã tiến hành trưng bày, khôi phục lần lượt nội thất các nhà di tích và mở cửa đón khách tham quan: Nhà sàn trưng bày năm 1969, chỉnh lý, bổ sung trưng bày năm 1977 và năm 2023; Nhà 54 (năm 1996); Gara ôtô (năm 1996); Bếp A - nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 2009); phòng trưng bày thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối đời (năm 2009); Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách (năm 2010), bảo tồn nguồn cá trong ao và thảm thực vật... Có thể nói, đây là một trong số ít di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ được tương đối nguyên gốc. Những di sản vật thể và phi vật thể lưu giữ nơi đây là bằng chứng chân thực, sinh động về vị lãnh tụ đã cống hiến hết mình vì nền độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, vì nền hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới và là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Cùng với công tác trưng bày khôi phục di tích thì công tác hướng dẫn thuyết minh trực tiếp cho khách tham quan là một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục cơ bản tại Khu di tích. Hình thức giáo dục truyền thống này tuy có phần “cổ điển”, song, nó có tính ưu việt mà máy móc hiện đại không thể thay thế được. Đó là tính linh hoạt, sáng tạo và truyền cảm xúc... của cán bộ làm công tác giáo dục di sản. Khách tham quan Khu di tích vừa đông về số lượng (hàng ngàn người mỗi ngày), đa dạng về thành phần (từ chính khách, nguyên thủ quốc gia đến người dân thường), phong phú về đối tượng (công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, phụ nữ…) và đa sắc màu tôn giáo (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo, Công giáo...). Vì vậy, cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch ngoài việc nắm vững chuyên môn thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (1), hội thảo, tọa đàm, viết báo, tạp chí... còn phải được trang bị kiến thức về nghi lễ ngoại giao, kỹ năng giao tiếp, tâm lý học, đặc biệt phải có tính Đảng và nhạy bén chính trị. Trong quá trình hướng dẫn, cán bộ thuyết minh tăng cường các hoạt động chia sẻ, đặt câu hỏi, đối thoại cùng công chúng. Những hoạt động tương tác này sẽ tạo bầu không khí gần gũi, thân thiện, đồng thời giúp do công chúng ghi nhớ hơn những gì mình đã được tiếp cận tại các điểm di tích, bổ sung và củng cố những kiến thức vốn có. Để đạt được những kỹ năng này, trong những năm qua, Ban Lãnh đạo Khu di tích rất quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ như mời cán bộ lễ tân Bộ Ngoại giao, chuyên viên Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) và giáo viên khoa Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, viên chức và người lao động; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.
Hình ảnh chân thực, sinh động về tấm gương đạo đức sáng ngời, lối sống, tác phong mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cán bộ Khu di tích thông qua chất giọng truyền cảm giới thiệu lồng ghép với những câu chuyện kể cùng các thước phim tư liệu phù hợp với đối tượng (Những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 1954-1969; 15 năm ấy nơi này; Trông cây nhớ Người; Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu niên, nhi đồng...) thực sự đã gây xúc động cho du khách, đúng như nhận xét của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam: “Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay cả trong cuộc sống đời thường của mình”.
Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập Đảng, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Khu di tích thường tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao lưu với nhân chứng lịch sử, nói chuyện chuyên đề về các sự kiện lịch sử tiêu biểu gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt biệt giai đoạn 1954-1969. Khu di tích mời các cán bộ đã từng phục vụ Bác, những cá nhân có vinh dự được gặp Bác lúc sinh thời, được Bác tặng thưởng huy hiệu, tặng quà, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học đến giao lưu, kể chuyện về những sự kiện tiêu biểu có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi gặp gỡ lý thú để hồi tưởng lại những năm tháng Bác sống và làm việc tại đây, là dịp đặc biệt để công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ ngày hôm nay có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về lịch sử, về cuộc sống thanh cao của Người. Ngoài ra, Khu di tích còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm chuyên đề trong nước và quốc tế (Nga, Pháp, Bỉ, Chile, Sri Lanka...) với các chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa”, “Hồ Chí Minh với phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp”, “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”... Triển lãm thu hút rất lớn lượng khách tham quan, góp phần lan tỏa một cách sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền giáo dục.
Vào thăm Khu di tích, mỗi người dường như có dịp nhìn nhận lại bản thân để điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình, thấm thía bài học đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hàng ngàn trang cảm tưởng được viết lên bày tỏ lòng mến mộ, kính phục tấm gương đạo đức, thể hiện sự quyết tâm học tập theo tấm gương đạo đức của người, đối với khách quốc tế thì mong muốn thắt chặt thêm mối tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Học viên Học viện An ninh Lê Khánh Hưng đã bày tỏ cảm xúc về chuyến tham quan học tập thực tế tại Khu di tích Phủ Chủ tịch minh chứng cho hiệu quả của phương pháp học tập kết hợp giữa lý luận và thực tiễn: “Chuyến đi đã kết thúc. Nhưng những câu chuyện, bài học về vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu không thể nào phai được. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô vùng quý báu không chỉ của dân tộc mà của cả loài người trên thế giới. Chúng ta, những thế hệ trẻ tương lai, cần giữ gìn và phát huy tư tưởng của Người” (2). Học viên Nguyễn Vũ Nam sau chuyến tham quan được trau dồi thêm kiến thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhận thấy: “Sau chuyến đi này, tôi có thêm rất nhiều kiến thức về cuộc đời của Bác, thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh qua những câu chuyện kể về Bác. Tôi cảm thấy tự hào vô cùng khi đất nước tôi đang sống đã từng có một con người vĩ đại như Người. Con người đó đã khiến cho cả thế giới phải ngả mũ thán phục về tài năng và nhân cách của Người” (3); Song song với những câu chuyện kể là thước phim tư liệu đã tác động rất lớn tới xúc cảm của học viên: “Sau chuyến thăm những di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp tôi được xem một thước phim tư liệu về cuộc đời của Bác - con người vĩ đại ấy. Đoạn phim chỉ dài chừng 16 phút nhưng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của chúng tôi. Chúng tôi được xem lại những tư liệu của một con người thật giản dị, cả đời tận tụy vì nước, vì dân. Bác đã hy sinh mọi ham muốn cá nhân của mình để giúp dân tộc giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ…” (4) (Hoàng Trọng Giáp). Khi thấy chiếc đài vẫn được lưu giữ tại Nhà sàn, Việt kiều Thái Lan xúc động viết: “Được xem nơi Bác làm và ngôi nhà sàn Bác ở và được nhìn thấy chiếc đài nhỏ bé của kiều bào kính tặng Bác còn để trên bàn trong phòng ngủ của Bác. Điều đó chẳng những làm cho đoàn chúng tôi rất phấn khởi tự hào mà căn bản là quyết tâm nhắc nhở mọi người tích cực hòa mình cùng đồng bào cả nước góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thân yêu đúng lời Di chúc Bác để lại và xứng đáng là Việt kiều Thái Lan nơi Bác đã đi qua và để lại dấu chân của Bác” (5). Tổng thống Chile đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ Hồ Chí Minh sau khi tham quan: “Vô cùng ngưỡng mộ người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam đã chiến đấu vì độc lập tự do - Hồ Chí Minh” (6). Cùng chung cảm xúc, Tổng thống Ấn Độ viết: “Đối với tôi, đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là giây phút đáng ghi nhớ. Tôi xúc động biết bao trước sự giản dị của ngôi nhà đơn sơ nơi Người đã từng sống và làm việc. Tình cảm của Người dành cho đất nước Ấn Độ vẫn còn mãi trong lòng nhân dân chúng tôi và tình cảm đó vẫn tiếp tục được duy trì ở Việt Nam. Tôi chân thành chúc cho tình đoàn kết hữu nghị anh em lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ phát triển ngày càng vững mạnh trong những năm tới” (7). Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ: “Vô cùng thú vị khi được biết về cuộc sống của người thày vĩ đại của Việt Nam, của một vĩ nhân mà tên tuổi đã được lưu danh trong lịch sử nhân loại. Tôi kính chúc nhân dân Việt Nam có một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh” (8). Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảm tác hai câu thơ: “Một phong cách thanh cao/ Một tinh thần bất diệt” (9). Trên cương vị là Chủ tịch Hội Hữu nghị phụ nữ Mỹ - cầu nối tình hữu nghị Việt Mỹ, bà Marry Barden nhận thấy rằng: “Dù nhìn nhận bất kỳ khía cạnh nào của đời sống đi nữa thì Người vẫn có một cái gì đó thật đặc biệt để có thể thu phục được nhân dân mình. Chúng tôi thực sự kính trọng và cũng bị thu phục hoàn toàn bởi con người lỗi lạc vĩ đại nhất của Việt Nam - Hồ Chí Minh. Chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Mỹ” (10). Tình hữu nghị ấy đang ngày càng đơm hoa kết trái bằng những hiệp định thương mại, hoạt động ngoại giao nhân dân và đặc biệt là các cuộc viếng thăm cấp nhà nước của nguyên thủ quốc gia. Tới thăm Nhà sàn, các Tổng thống Mỹ đã để lại những dòng cảm xúc chân thành: “Cảm ơn các bạn đã đón tiếp tôi rất nồng hậu khi tôi tới thăm khu di tích lịch sử xinh đẹp” (B.Clinton, 2000); “Chúc cho tình hữu nghị hai dân tộc ngày càng nồng ấm” (B.Obama, 2016) (11).
Thông qua những dòng cảm tưởng của khách tham quan trong và ngoài nước không thể phủ nhận giá trị tinh thần vô giá của Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng như sự đóng góp không nhỏ của cán bộ Khu di tích trong công tác phát huy giá trị di sản. Các di tích bất động sản cùng với những di vật ẩn chứa trong đó có sức cảm hóa kỳ diệu, đưa những con người không cùng giai cấp, dân tộc, quốc gia... xích lại gần nhau và cùng chung một ước vọng về thế giới đại đồng. Khu di tích Phủ Chủ tịch thực sự là nơi hội tụ của nhân dân Việt Nam, kiều bào và bạn bè trên thế giới và Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Mặc dù Khu di tích Phủ Chủ tịch đã từng bước đạt được những kết quả bước đầu trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục di sản song vẫn còn những hạn chế nhất định như: nội dung, hình thức hoạt động giáo dục di sản còn đơn giản, chưa phong phú, hấp dẫn; chưa đầu tư xây dựng các chương trình và cơ sở vật chất thực hiện các hoạt động giáo dục di sản cho đối tượng học sinh; việc tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho hoạt động giáo dục di sản còn chậm; nhận thức của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa thấy hết được vai trò của bảo tàng trong công tác giáo dục di sản đối với thế hệ trẻ.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, thông tin được công chúng tiếp cận từ nhiều nguồn, đa chiều hết sức phong phú và đa dạng. Hơn nữa, công chúng giờ đây không chỉ thụ động nghe một chiều mà có nhu cầu lớn được trải nghiệm di sản, được trao đổi, tương tác với hướng dẫn viên, với di sản, qua đó chiêm nghiệm, rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Khu di tích cần phải đổi mới phù hợp với xu hướng thời đại. Nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục di sản xin đưa ra một số kiến giải sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục bổ sung trưng bày nội thất các di tích nhằm đảm bảo tính nguyên trạng, tái hiện tính chân thực lịch sử vốn có của di tích. Từ thực tiễn công tác phát huy giá trị ở Khu di tích Phủ Chủ tịch, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi cần phải nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với Người. Vì thế, bên cạnh bổ sung các tài liệu hiện vật vốn có, Khu Di tích cần nghiên cứu trưng bày một số tài liệu vốn đã tồn tại trong không gian và thời gian tại các di tích như các tác phẩm Đạo đức cách mạng (Nhà 54,1958); Di chúc và Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (Nhà sàn, 1966); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (Nhà 67, 1969)... Những tài liệu, hiện vật đã, đang và sẽ bổ sung trưng bày cùng kết hợp với các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại trưng bày tại các di tích sẽ góp phần phản ánh trọn vẹn, chân thực và sinh động về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch.
Thứ hai, nghiên cứu, đầu tư có chiều sâu để xây dựng các chương trình giáo dục di sản dành cho đối tượng học sinh. Chương trình giáo dục di sản phải tích hợp với chương trình giáo dục của nhà trường với nội dung lịch sử Khu di tích Phủ Chủ tịch; xây dựng phòng khám phá, trải nghiệm với công nghệ hiện đại gắn nội dung trải nghiệm các vấn đề về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử, chính trị, xã hội hiện nay nhằm thu hút công chúng, nhất là giới trẻ.
Đối với các đối tượng cần nghiên cứu sâu, Khu di tích cần xây dựng các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với nội dung môn học, ngành học; khai thác những khía cạnh, nội dung phù hợp với trình độ và nhu cầu tìm hiểu của công chúng; chú ý cung cấp những tư liệu mới, những câu chuyện mà trong giáo trình, bài giảng trên lớp không được đề cập. Việc giới thiệu không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ ra hiện vật này là “cái gì”, mà phải lý giải “tại sao lại như vậy” và quan trọng hơn là phải nêu được ý nghĩa và liên hệ với thực tiễn đời sống hiện nay.
Thứ ba, để giải quyết vấn đề nhân lực phục vụ công tác giáo dục di sản, một mặt cần bổ sung đội ngũ cán bộ thuyết minh (chuyên ngành Di sản và Ngoại ngữ), mặt khác cần ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào số hóa tư liệu trên cơ sở đó xây dựng hệ thống thuyết minh tự động cài đặt mã code QR đối với các di tích, khách có thể sử dụng điện thoại thông minh nghe giới thiệu nội dung lịch sử Khu Di tích Phủ Chủ tịch; xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3 chiều và chương trình giáo dục di sản online nhằm tăng tính trải nghiệm, tương tác với di sản; nâng cấp trang web với dung lượng lớn và giao diện phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng công tác tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số.
Thứ tư, nhằm đáp ứng được những yêu cầu trên, đòi hỏi cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch phải đổi mới tư duy trong công tác giáo dục di sản; phải luôn trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời tích cực học tập, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tiếp cận những công nghệ mới, nghiên cứu sáng tạo các chương trình giáo dục di sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng trong thời kỳ mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại công nghệ 4.0.
Thứ năm, Khu di tích Phủ Chủ tịch cần phối hợp với các trường, các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về hoạt động tham quan theo quý, theo năm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Theo đó, Khu di tích sẽ có sự chuẩn bị tiếp đón phục vụ đoàn chu đáo; đồng thời Khu di tích sẽ chuẩn bị nội dung phù hợp với nhu cầu của công chúng.
Thực hiện tốt những vấn đề trên, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục di sản, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của công chúng.
________________
1. Khu Di tích thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở theo chuyên đề như: Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các địa phương miền Bắc; hay các đề tài nghiên cứu theo đối tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh thiếu nhi, công an, quân đội, thương binh liệt sĩ, phụ nữ, văn nghệ sĩ, giáo dục, đào tạo...).
2, 3, 4. Bài thu hoạch của học viên Học viện An ninh nhân dân, 2021.
5, 9, 10. Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.70, 25, 26.
6, 8. Sổ ghi cảm tưởng khách tham quan năm 2012, Khu di tích Phủ Chủ tịch.
7, 11. Sổ ghi cảm tưởng khách tham quan năm 2014, Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Ths CÙ THỊ MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023