Nét đẹp văn hóa tô thắm thêm hình ảnh cho mảnh đất Cố đô

Trong tiết trời nắng đẹp những ngày đầu thu, chúng tôi ghé thăm làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân,TP Huế). Nơi đây, ngập tràn sắc màu của những bó hương (nhang) được những người thợ sắp xếp thành từng tầng lớp, tạo nên một cảnh tượng đẹp mắt, lạ thường.

 

Làng hương Thủy Xuân nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, gần đồi Vọng Cảnh, cách trung tâm TP Huế 7km về hướng Tây Nam. Đây cũng là làng hương lớn nhất xứ Huế, nổi tiếng với nghề làm hương trầm hàng trăm năm nay.

Theo lời kể của những nghệ nhân tại làng hương Thủy Xuân Huế, nghề làm hương đã xuất hiện tại đây từ khoảng từ 700 năm trước dưới thời nhà Nguyễn. Xưa kia, làng là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.

Từ làng làm hương trầm nổi tiếng đất Cố đô 

Dù đã trải qua rất nhiều biến động thời gian nhưng làng hương Huế này vẫn tiếp tục được lưu giữ và phát triển. Từng thế hệ cha truyền con nối thay nhau làm nên những cây hương trầm thơm ngát, phục vụ đời sống tâm linh của người dân địa phương cũng như ngoài tỉnh.

Những ngày này, làng hương Thủy Xuân ở thành phố Huế lại rộn ràng vào “vụ chính” để phục vụ người dân, du khách dịp lễ rằm, đầu tháng và dịp Tết Nguyên đán. Đây là nơi làm hương trầm nổi tiếng nhất vùng đất Cố đô Huế. Đến làng hương vào những ngày này và nhất là những ngày cuối năm, từ xa, mùi hương trầm thơm đã phảng phất trong gió. Trải qua một thời gian với quá nhiều khó khăn, biến động do dịch bệnh và thời tiết bất lợi, con đường làng Thủy Xuân có phần rực rỡ hơn mọi năm do đại dịch COVID-19 tạm lắng. Tuy vậy, nhu cầu của thị trường trong nước dịp này và Tết Nguyên đán vẫn cao, nhà nào nhà nấy đều đang tất bật sản xuất hương để cung cấp cho hàng trăm cơ sở tôn giáo, thờ tự và cộng đồng.

Theo cụ Tùng, một người làm hương cao niên ở làng hương Thủy Xuân, “Ngày bình thường thì ở làng không bày biện, trang trí chi hết. Nhưng mà những ngày gần Tết, khách du lịch cũng đông lại rồi nên mới bày ra cho họ chụp ảnh, quảng bá cho làng mình”.

Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (71 tuổi), người có hơn 60 năm làm hương, chia sẻ, phục vụ thị trường năm nay bà làm hơn 2.000 bó và cao điểm vào dịp Tết cổ truyền thì số lượng sẽ nhiều hơn. Hương được các thương lái ở nhiều địa phương trong cả nước liên hệ đặt mua. Hương trầm có giá 260.000 đồng/1.000 cây. Công đoạn đầu tiên để làm ra một que hương là khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu thường dùng gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế hòa với nước, trộn lại với nhau tạo nên bột hương. Tiếp đó là công đoạn làm lõi hương, lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn, tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng. Bột hương sau khi được trộn dẻo với các nguyên liệu sẽ được se quanh các lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng và dính tròn, sau đó đem đi phơi nắng. Theo bà Ánh Tuyết, ban đầu hương chỉ có màu nâu và đỏ, nhưng nay với việc pha trộn các màu thì có thể tạo nên những cây hương với nhiều màu sắc như tím, vàng, xanh lục, hồng…Với nhiều màu sắc, khi trưng bày các bó hương được xếp lại sẽ tạo thành những “rừng hương” bắt mắt. Đây chính là yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tò mò của du khách

Tại làng hương, nếu muốn, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một cây hương. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để làm nên bột hương. Sau đó đến công đọan làm lõi hương. Lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn.

 

Đến một nét đẹp văn hóa

Có dịp ghé thăm làng hương Thủy Xuân trong những ngày này và dịp hè, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp ở làng hương hàng trăm năm tuổi này. Những người thợ tất bật hoàn thành những công đoạn làm hương để kịp cho thị trường tiêu thụ, cùng với đó những bó hương được mang đi phơi nắng sắp xếp thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau với nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp như một tấm thảm lụa được dệt bằng hương vậy.

Tiếng cười nói rộn ràng của một vài du khách cùng với tiếng phát ra từ những chiếc máy làm hương làm cho không khí nơi này trở nên vui nhộn. Thi thoảng, một vài mối lấy hàng đến đặt hàng. Nhiều người làm hương trầm ở Thủy Xuân cho biết, nghề truyền thống làm quanh năm, nhưng thời điểm cận kề Tết cổ truyền dân tộc, công suất tăng hơn theo nhu cầu của người mua. Vừa nâng niu những que tăm hương tròn đều, có mùi hương dễ chịu, bà Ánh Tuyết cho biết thêm, hầu hết các “mối” đặt hàng là khách quen, tiểu thương ở các chợ lớn quanh TP Huế và các vùng lân cận. Ngoài lượng hương đặt hàng hằng tháng, dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán, nhu cầu người dùng cao nên số lượng đặt hàng cũng tăng theo. Cũng như bà Ánh Tuyết, những người dân sản xuất hương trầm ở Thủy Xuân cho rằng, đây là mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh nên người sản xuất phải làm bằng cái tâm, sao cho hương trầm phải vừa sạch, vừa thơm.

Nhờ vậy mà thương hiệu hương trầm Thủy Xuân không chỉ dừng lại thị trường trong tỉnh mà còn được xuất đi nhiều nơi khắp trên cả nước, với sự hài lòng nhất định của người dùng. Bà Ánh Tuyết kể thêm, những ngày này nhận rất nhiều đơn hàng từ các tỉnh phía Nam, hầu hết trong đó là người Huế xa quê đặt hàng.

Có điều kiện vào Huế dịp cuối năm, du khách sẽ thấy làng hương Thủy Xuân trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là thời điểm người dân và du khách lại tìm về làng hương nổi tiếng xứ Huế để lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp với những “tấm thảm” được dệt bằng những bó hương màu sắc rực rỡ.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, giờ đây làng hương Thủy Xuân đã trở thành một làng nghề nổi tiếng với nét đẹp văn hóa tô thắm thêm hình ảnh của mảnh đất Cố đô, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa có từ bao đời nay.

 

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

;