Độc đáo hàng rào bằng đá của đồng bào vùng cao Hà Giang

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thực sự là vùng đất vô cùng khắc nghiệt song cũng rất đáng yêu và lãng mạn. Với tôi, vùng đất này có nhiều thứ đáng nhớ, đáng nhớ từ những câu chuyện tình nhuốm màu huyền thoại cho đến những tường rào đơn sơ bằng đá cuội mà người Mông, người Giáy, người Lô Lô, người Hoa... nơi đây đã kỳ công tạo dựng.

 

Ở cực Bắc của Tổ quốc, đâu đâu cũng là đá tai mèo sắc nhọn, một miền đá mênh mông và pha đậm gam màu trầm u ám của đá. Đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc (Hà Giang) từ lâu đã có câu “sống trên đá, chết vùi trong đá”. Cuộc sống của đồng bào luôn gắn liền với đá, đằng sau đó là biết bao câu chuyện đầy xúc động về tinh thần vượt, kiên cường vượt khó đi lên, hành trình chinh phục đá đầy gian nan. Đúng vậy, ở cái xứ mà người ta mở mắt ra đã nhìn thấy đá, va vào đá, đá dùng xây nhà, đá để lát cổng, đôi khi đá nhiều đến mức chỉ để… trang trí. Ai đã từng chứng kiến cảnh đồng bào phải canh tác trên nương đá, hay còn gọi là “thổ canh hốc đá” mới thấy không còn gì khắc nghiệt hơn thế. Người dân tộc ở đây đã biết lấy thiên nhiên để chế ngự thiên nhiên, bằng chứng là trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt ấy song đồng bào vẫn hiên ngang nối đời này kiếp khác. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song đổi lại tạo hóa đã ban cho vùng đất này những cảnh quan thật hùng vĩ và nên thơ, đẹp đến nao lòng mà hiếm nơi nào có được. Đó là một Mã Pì Lèng tráng lệ, một dòng Nho Quế xanh ngắt như dải lụa vắt dưới chân đèo, một phố cổ Đồng Văn trầm mặc, những cung đường hiểm trở nhưng hút hồn du khách… Thật hạnh phúc biết bao khi chinh phục những cổng trời và cũng rất tự hào khi đặt chân lên đỉnh núi Rồng tại cột cờ Lũng Cú- nơi cột mốc biên cương của Tổ quốc với lá cờ đỏ sao vàng 54m2 tung bay giữa đất trời Việt Nam. Ở đó có cả những chợ phiên đầy sắc màu thổ cẩm, váy áo, những phong tục, tập quán độc đáo…

Cao nguyên đá có nhiều điểm nhấn song với nhiều du khách những hàng rào đá đơn sơ, tưởng chừng như vô hồn, vô cảm ấy lại có sức cuốn hút đến kỳ lạ, nó làm nhiều người thấy tò mò về một lối kiến trúc độc đáo. Nó cũng làm ta liên tưởng đến bộ phim “Chuyện của Pao” với một tình yêu qua rào đá thật lãng mạn. Cả những chuyện tình kín đáo được thổ lộ qua những hàng rào đá như thế.

Bên cạnh những ngôi nhà đất nâu, mái ngói âm dương ngả màu thời gian thì những hàng rào đá như những thành lũy vững chắc, đã tạo cho các gia đình rẻo cao thêm vững chãi, an tâm. Cũng như ở xuôi, từ xa xưa khi dựng nhà cửa, đồng bào vùng cao đặc biệt chú ý đến việc xây dựng tường  rào, ngoài để bảo đảm an ninh, che chở cho con người trước thú dữ và giá lạnh thì kiến trúc này còn có giá trị lớn về mặt thẩm mỹ và có phần giống một tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn. Đồng thời nó cũng góp phần tô điểm cho ngôi nhà của đồng bào thêm xinh xắn, vững chãi.

Đá tai mèo sắc nhọn là thế, chúng có thể đâm nát chân người nếu sơ ý nhưng lại gắn bó và gần gũi bao đời nay với đồng bào sinh sống ở cao nguyên đá. Theo những người Mông ở Đồng Văn, từ xa xưa đồng bào đã biết làm hàng rào đá để hạn chế các mối đe dọa của thổ phỉ, thú giữ và thiên nhiên giá lạnh. Do vậy trẻ em cao nguyên đá khi vừa lớn lên đã được cha mẹ dạy cách xếp tường rào đá. Những viên đá được lấy ngay tại chỗ hay nhiều khi phải vận chuyển từ nơi khác về xếp thành hàng hàng, lớp lớp xung quanh nhà. Chúng được xếp xen kẽ thật ăn khớp, vuông vức. Có những hàng rào đá được xếp rộng trên 1m, cao gần 2m, to rộng ở phần chân hàng rào và nhỏ dần về phía trên. Để hoàn thành công trình đôi khi phải mất cả năm trời. Không cần xi măng nhưng kỳ lạ thay, dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của đồng bào, những viên đá cứ tự bám vào nhau một cách vững chãi và trường tồn qua bao mùa nắng gió nơi cao nguyên đá khắc nghiệt.

Từ một nhu cầu thiết yếu là bảo vệ ngôi nhà khỏi mưa gió, kẻ xấu và thú giữ, trải qua thời gian, hàng rào đá trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong không gian văn hóa của người Mông. Hiện nay, trong xây dựng Nông thôn mới, những con đường đã được bê - tông hóa để tạo điều kiện đi lại thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Xi măng, cát cũng được chở về tận những bản làng xa xôi để xây dựng các công trình nhưng những hàng rào đá vẫn được người Mông trên cao nguyên đá giữ gìn như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

PHẠM THỊ NGOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;