"Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”

Ở thời điểm hiện tại, có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết đến câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba/ Khắp nơi truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Song có một thực tế mà ít người tỏ tường là ngày giỗ Tổ này từng được tổ chức vào… mùa Thu, một trong hai mùa vốn được dành cho các kỳ tế lễ (xuân thu nhị kỳ) của cư dân nông nghiệp xưa. Phải đến năm 1917, cách đây vừa đúng 108 năm, Vua Khải Định nhà Nguyễn mới chính thức định lệ quốc tế (tế lễ cấp quốc gia) vào ngày 10 tháng 3 âm lịch theo đề xuất của quan Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là ông Lê Trung Ngọc.

Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867-1928) Ảnh: Tư liệu

Thật vậy, Hùng Vương từ khảo (khảo về đền Hùng Vương; tiếng Pháp: Historique du temple de Hung Vuong) là nhan đề một tấm bia tạc bằng đá xanh vào năm 1940. Nội dung văn bia khảo sát thực trạng cụm di tích đền Hùng. Đương thời, bia từng bị đánh cắp (chỉ còn lại chân bia) sau một thời gian được gắn trên tường nhà Quan Cư ở bên trái đền Thượng. Đến năm 2010, bia được phục dựng dựa trên nội dung bản rập lưu trong văn khố mà ông Vũ Văn Sơn, cháu ngoại soạn giả Bùi Ngọc Hoàn - Tham tri Hữu tuần phủ Phú Thọ năm 1940 - nhờ Viện nghiên cứu Hán Nôm tìm lại. Bia mặt trước dập Hán văn, mặt sau Pháp văn, có nội dung:

“Đền Hùng Vương là nơi thờ các vị vua cổ xưa nhất thời Hồng Bàng trong lịch sử nước Việt ta.

Hùng Vương thứ nhất (2879 trước công nguyên) định đô ở Phong Châu (nay là Bạch Hạc), đặt quốc hiệu là Văn Lang, truyền 18 đời, đều xưng là Hùng Vương, trải 2622 năm. Về sau, đất ấy bị Thục An Dương Vương chiếm (258), nay còn miếu thờ các vua ở núi Nghĩa Lĩnh (tức núi Hùng). Cấp tự điền ở thôn Cổ Tích xã Hy Cương, là nơi Hùng Vương thứ 18 băng hà.

Nay còn lăng ở cạnh miếu, con cháu đời sau là cư dân ở thôn Triệu Phú xây miếu thờ ở lưng núi (nay là đền Trung), xã Vi Cương lại dựng thêm miếu dưới chân núi để thờ (đền Hạ), trải các triều đại được liệt vào điển chế thờ tự.

Bản dập Hán văn tấm bia Hùng Vương từ khảo (số 18704) - Ảnh: Tư liệu

Tự Đức năm thứ 27 (1874), Tam Tuyên tổng đốc Nguyễn Bá Nghi vâng sắc chỉ trùng tu đền Thượng; Duy Tân năm thứ 6 (1912), Diên Mậu quận công Hoàng Cao Khải trình tờ tư xin 2.000 quan tiền [để tu sửa]; Phú Thọ tuần phủ Chế Quang Ân lại phụng mệnh khuyến khích quyên tiền để trùng tu nội tẩm cùng ngoại điện như thực trạng bây giờ; Khải Định năm thứ 7 (1922), tu sửa lăng trên đỉnh núi.

Trước đây quốc lễ cúng tế định kỳ vào mùa Thu; Khải Định năm thứ 2 (1917), Phú Thọ tuần phủ Lê Trung Ngọc có tờ tư xin bộ Lễ cho ấn định lấy mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày quốc tế. Ngày giỗ (11 tháng 3) thì do dân sở tại tự làm tế lễ.

Lưng núi có ngôi chùa cổ Thiên Quang. Tự Đức năm thứ 3 (1850), Hình bộ thượng thư Nguyễn Đăng Giai nhân chùa cũ nên cho dựng lại; Khải Định năm thứ 9 (1924), tuần phủ Lê Vân Đỉnh lại cho tu bổ thêm.

Chân núi phía Nam có miếu Giếng, thờ hai vị công chúa: Một là công chúa Tiên Dung con Hùng Vương thứ 3 (gả cho Chử Đồng Tử); một là công chúa Ngọc Hoa con Hùng Vương thứ 18 (gả cho thần núi Cao). Khải Định năm thứ 7 (1922) trùng tu. Bảo Đại năm thứ 10 (1935) lại xây rộng thêm.

Mồng 10 tháng 3 Canh Thìn, Nguyễn triều Bảo Đại năm thứ 15 (1940). Tham tri lĩnh Phú Thọ tuần phủ Bùi Ngọc Hoàn vâng mệnh chép lại”.

Không chỉ khẳng định “trước đây quốc lễ cúng tế định kỳ vào mùa thu”, nội dung văn bia còn “hai năm rõ mười” rằng “Khải Định năm thứ 2 (1917), Phú Thọ tuần phủ Lê Trung Ngọc có tờ tư xin bộ Lễ cho ấn định lấy mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày quốc tế”…

Vậy Lê Trung Ngọc là ai? Sao ông lại đề xuất quốc tế vào ngày 10 tháng 3 âm lịch?

Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng - Ảnh: Đinh Vũ

Lê Trung Ngọc sinh ngày 20 tháng 10 năm 1867 (tức ngày 23 tháng 9 năm Đinh Mão) trong một gia đình nho học. Ông quê ở làng Liên Thành (xưa là ấp Tân Quảng), tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, tỉnh Chợ Lớn (nay là phường 5 và phường 6, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1883, ở tuổi 16, sau khi học xong trường Hậu Bổ Cây Mai Sài Gòn (Collège dés Stagiaires), ông ra đất Bắc làm việc trong chính quyền các cấp của triều đình nhà Nguyễn. Từ năm 1903 đến khi nghỉ hưu năm 1927, ông đã trải qua nhiều vị trí như: Tuần phủ Bắc Ninh; Thương tá Vĩnh Yên; Án sát tỉnh Sơn Tây; Tổng đốc tòa Thượng thẩm, Hà Nội... Trong thời gian từ tháng 2 năm 1915 đến tháng 1 năm 1921, ông làm Tuần phủ tỉnh Phú Thọ. Ngày 8-6-1928 (tức ngày 21 tháng 4 năm Mậu Thìn), ông mất tại Hà Nội, hưởng thọ 62 tuổi (tuổi ta).

Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867 - 1928) được biết đến là một trong những người sáng lập Hội Khai trí tiến đức và Hội Nam kỳ tương tế ở Hà Nội (hiện còn bia khắc tên tại 79 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông từng được tặng thưởng nhiều Huân chương như: Kỷ niệm chương Bắc kỳ năm 1888; Huân chương Hiệp sỹ con rồng An Nam năm 1890; Huy chương bạc hạng nhất năm 1891; Huy chương vàng 1892; Hồng Lô tự thiếu khanh năm 1896; Kim Thánh năm 1898; Huân chương Viện hàn lâm năm 1904; Huân chương quốc gia Vương quốc Campuchia năm 1913…

Thời gian làm Tuần phủ Phú Thọ của Lê Trung Ngọc quả thực không quá dài (chỉ 6 năm) song ông đã dành nhiều tâm huyết và công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ “các vua Hùng đã có công dựng nước”. Ông được đánh giá là người sống gần dân, quan tâm tới các tầng lớp nhân dân. Ông quan sát thấy hằng năm nhân dân cả nước vẫn hành hương về đền Hùng với một niềm thành kính thiêng liêng nhưng không theo một khung thời gian cố định. Bà con vẫn theo cách xem ngày giờ tốt truyền thống, sao cho hợp với bản mệnh là “lên đường”. Việc cúng tế đương nhiên diễn ra quanh năm tùy theo lá số tử vi cũng như thời gian thu xếp được của mỗi người (hay nhóm người)… trong đó tập trung vào mùa xuân, mùa thu. Riêng dân “bản xứ” lại lấy ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ kỳ làm lễ tế tại đền Hùng. Thời gian cúng tế liên miên như vậy một mặt lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của rất nhiều người; mặt khác không quy tụ nhân tâm về một mối, ngày giỗ Tổ không còn nguyên vẹn ý nghĩa thiêng liêng. Chính vì vậy, đầu năm 1917, ông có bản tấu trình với bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm quốc tế (nhân dân cả nước cúng tế các vua Hùng Vương), trước một ngày so với ngày hội tế của dân bản xứ, đồng thời xin miễn trừ các khoản đóng góp của người dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (năm Khải Định thứ hai), bộ Lễ có công văn phúc đáp Tuần phủ Lê Trung Ngọc, chính thức định lệ ngày quốc tế Giỗ Tổ Hùng Vương là 10 tháng 3 âm lịch cùng với các cách thức, nghi lễ, vật phẩm cần thiết.

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

;