Những ngày giữa tháng 10, đồng bào Khmer khắp nơi trên địa bàn huyện Long Phú (Sóc Trăng) hân hoan đón mừng lễ hội Dolta (còn gọi là lễ cúng ông bà). Dù không tưng bừng, rộn rã sắc màu bằng Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây hay lễ hội Oóc-om-bóc nhưng Sen Dolta từ lâu cũng được xem là dịp lễ truyền thống đặc biệt của đồng bào Khmer, thông qua đó nhằm gìn giữ và tôn vinh nét đẹp hiếu đạo của con cháu với ông bà, tổ tiên.
Phật tử và các vị sư đang tất bật treo cờ trong khuôn viên chùa chuẩn bị cho lễ Sen Dolta - ảnh: baodantoc.vn
Về các ấp của xã Tân Hưng, trong những ngày này, không khí chuẩn bị đón Sen Dolta đang rôm rả dưới những mái nhà của đồng bào Khmer. Bàn thờ gia tiên, mọi thứ trong nhà, ngoài ngõ đều được người dân dọn dẹp, vệ sinh sạch đẹp để mừng lễ. Còn trước lễ, mỗi gia đình đã cử thành viên là thanh niên, phụ nữ đến chùa phụ giúp một số công việc như: treo cờ, sơn phết, nấu ăn cho các sư… Việc làm này cũng là cách người dân hồi hướng phúc báo đến ông bà đã khuất. Chúng tôi được ông Lý Sa Rinh (Lý Lai) - Trưởng Ban quản trị chùa Bưng Cro Chắp Chắs xã Châu Khánh, giải thích về ý nghĩa, các nghi lễ của Sen Dolta. Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, “Dol” là bà và “ta” là ông, do đó Sen Dolta cũng giống như lễ Vu lan, đều thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Ông Sà Rinh cho biết, năm nay lễ diễn ra trong 3 ngày (từ 13 - 15/10), gồmcác nghi thức chính như: lễ đặt cơm vắt, lễ cúng ông bà, lễ rước ông bà và lễ tiễn ông bà. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, chùa Bưng Cro Chắp Chắs tổ chức đầy đủ, trang nghiêm các nghi thức để giữ gìn, phát huy giá trị của lễ truyền thống này. Sen Dolta thêm đong đầy ý nghĩa, đầm ấm khi những người từ phương xa trở về quê nhà để sum vầy bên gia đình trong những ngày lễ. Khoảnh khắc các thành viên quây quần cùng nhau chuẩn bị mâm cơm, tiến hành nghi thức cúng bái… đã làm cho nét đẹp hiếu đạo được gìn giữ, ngày càng lớn lên trong mỗi ngôi nhà. Bà Sơn Thị Chanh Thu, ở ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, chia sẻ: “Nếu mình không gìn giữ những giá trị truyền thống thì thế hệ sau dễ bị mất gốc. Vì vậy, năm nào các thành viên trong gia đình tôi, dù các con có đi làm ăn xa cũng phải cố gắng quay về để đón Sen Dolta. Trước và trong lễ, gia đình tôi chia nhau các công việc chuẩn bị, đàn ông lo sơn phết nhà cửa, phụ nữ phụ trách nấu nướng, làm bánh. Đây không chỉ là dịp sum họp gia đình, gắn kết tình thân, mà còn để giáo dục con cháu giữ tròn đạo hiếu”.
Bà con đi lễ chùa dịp Sen Dolta - ảnh: Sóc Ca
Ngoài cúng bái ở nhà, các nghi thức khác của Sen Dolta đều diễn ra tại chùa. Đồng bào Khmer đến đây dâng lễ vật, cùng với các vị sư tụng kinh cầu siêu và gặp gỡ, thăm hỏi nhau để gắn kết tình đoàn kết cộng đồng. Nhất là buổi tối, đông đảo người dân rủ nhau vào chùa để thưởng lãm cảnh sắc, tận hưởng không khí vui tươi của lễ hội. Tại chùa Bưng Cro Chắp Thmây, xã Tân Hưng, hằng đêm đều diễn ra chương trình văn nghệ mừng lễ Dolta. Bên cạnh các tiết mục đặc sắc do Đội văn nghệ của chùa trình diễn, người dân còn tham gia nhiều điệu múa tập thể vui nhộn. Mọi người không phân biệt già hay trẻ, trai hay gái, tất cả hòa mình vào những động tác múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Thượng tọa Thạch Thươl - trụ trì chùa Bưng Cro Chắp Thmây, cho biết: “Để mọi nhà, mọi người đều có dịp lễ trên tinh thần vui tươi, an toàn và tiết kiệm, Ban quản trị chùa đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Phật tử thực hành nếp sống văn minh lễ hội. Đồng thời, làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ngăn chặn các hoạt động mê tín, cờ bạc xâm nhập trong dịp lễ. Đặc biệt là tổ chức chương trình văn nghệ, múa tập thể cho người dân vui chơi, giao lưu để thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng”.
Làm sạch bụi bàn thờ tổ tiên chuẩn bị cúng (Sen Dolta) - ảnh: Sóc Ca
Nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo - Sen Dolta tuy không mang sinh khí rộn ràng như những lễ hội khác nhưng từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer. Dịp lễ đã góp phần tô điểm cho bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào Khmer trên quê hương Long Phú.
Bà con gói bánh Tét mừng lễ cúng ông bà - ảnh: Sóc Ca
SÓC CA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023