Tóm tắt: Lâm Đồng là một tỉnh nằm ở phía Nam của khu vực Tây Nguyên mang đặc trưng về điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa của Tây Nguyên, là vùng đất nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đa dạng về phong tục tập quán. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có tiềm năng lớn về du lịch. Các yếu tố địa hình, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái rừng bao gồm các giá trị về cảnh quan và đa dạng sinh học, văn hóa bản địa là tài nguyên du lịch đặc biệt của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Bài viết nêu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời đánh giá thực trạng phát triển du lịch mạo hiểm của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Từ khóa: tác động, du lịch mạo hiểm, biến đổi khí hậu, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Abstract: Lam Dong is a province located in the southern part of the Central Highlands region, characterized by the natural and cultural features of the area. It is home to multiple ethnic communities, contributing to a rich diversity of customs and traditions. Bidoup - Nui Ba National Park possesses significant tourism potential. Its topographical, climatic, and hydrological conditions, along with its forest ecosystems, scenic landscapes, biodiversity, and indigenous cultural values, constitute unique tourism resources. This paper examines the impacts of climate change and assesses the current state of adventure tourism development in Bidoup - Nui Ba National Park.
Keywords: impacts, adventure tourism, climate change, Bidoup - Nui Ba national Park.
Trekking trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà - Ảnh: lacduong.lamdong.dcs.vn
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được thành lập theo Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 19-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng như tất cả các vườn quốc gia trên thế giới và Việt Nam, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có hai chức năng là bảo tồn và du lịch. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang từ 2005 và là Vườn di sản ASIAN năm 2018 (1). Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm ở trung tâm của cao nguyên LangBiang, cạnh thành phố Đà Lạt là một trung tâm du lịch quốc gia và nằm trong tam giác phát triển du lịch TP.HCM, thành phố Đà Lạt, thành phố Nha Trang. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm.
Theo Tổ chức thương mại Du lịch mạo hiểm (ATTA), “Du lịch mạo hiểm là chuyến đi có ít nhất 2 trong 3 yếu tố sau đây: Có các hoạt động liên quan đến thể chất; có sự tiếp xúc với môi trường tự nhiên; có sự giao thoa, hòa mình vào văn hóa tại điểm đến” (2).
Theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về du lịch mạo hiểm, “Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch ở khu vực tự nhiên còn tương đối hoang sơ, nơi du khách sẽ được thỏa mãn nhu cầu khám phá những điều không ngờ tới cùng với những cảm xúc bị “đe dọa” bởi những hoạt động “mạo hiểm” mà trước đó họ có thể chưa hình dung được song đã tự nguyện chấp nhận tham gia” (3).
1. Tác động của biến đổi khí hậu ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Thời tiết đang nóng dần lên
Biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng nóng lên toàn cầu không những ảnh hưởng đến sự sống của Trái Đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp không khói mà Đảng và Nhà nước ta coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Mùa cao điểm du lịch hè là thời điểm lượng khách đi du lịch đông nhất với nhiều lý do, là thời điểm khách muốn thay đổi không gian sống thường ngày và cũng là thời điểm du khách khám phá thiên nhiên, biển đảo. Đây là thời điểm nắng nóng diễn ra thời gian dài và nhiệt độ tăng cao dẫn tới hoạt động du lịch khai thác không triệt để làm ảnh hưởng tới nguồn thu của các đơn vị tổ chức, đồng thời hạn chế sự tiếp cận của du khách tới tài nguyên du lịch.
Hoạt động du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được tổ chức quanh năm theo từng mùa du lịch của Đà Lạt. Lượng khách tới Đà Lạt thường sẽ kết hợp đi tham gia các hoạt động trải nghiệm du lịch mạo hiểm của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Vào thời điểm nắng nóng, hoạt động du lịch của Vườn có lượng khách tham gia ít. Đây là loại hình du lịch đặc thù nên lượng khách để tham gia hoạt động du lịch này cần có sự chọn lựa về sức khỏe, độ dẻo dai và sức chịu đựng tốt.
Ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu
Đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là địa bàn có dạng địa hình chia cắt mạnh, tài nguyên thiên nhiên đa số phân bố không tập trung. Vì vậy, tình trạng khai thác còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kiểm soát ngăn chặn có hiệu quả hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên trái phép. Áp lực mất rừng và suy thoái rừng dù đã giảm về số vụ việc phức tạp, trong đó có nguyên nhân lấy đất sản xuất vẫn là vấn đề nóng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cũng trở nên oi bức, khó chịu, mùa mưa có lượng mưa nhiều hơn, thời điểm mưa cũng thay đổi, mùa khô thì càng khô hạn, phát triển du lịch cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng theo. Biến đổi khí hậu đã tác động đến tài nguyên du lịch, điểm hấp dẫn du lịch, trong đó có cả những tài nguyên du lịch tự nhiên đã hình thành. Đồng thời tác động đến các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động lữ hành, đình trệ thậm chí hủy do điều kiện thời tiết xấu. Hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhất là hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi có độ dốc cao gặp nguy cơ do đây là nơi thường chịu ảnh hưởng của xói lở, lũ quét.
2. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch mạo hiểm của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Vị trí địa lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30km; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khoảng 240km; cách thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 110km, cách thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khoảng 135km; cách thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 190km; cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 220km. Đồng thời, nơi đây kết nối với Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn trong nước và quốc tế thông qua đường hàng không (cảng hàng không quốc tế Liên Khương cách 60km) hoặc cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (135km). Từ các sân bay trên du khách tiếp nối các phương tiện trung chuyển tới Vườn quốc gia như: xe buýt, xe khách và các phương tiện cá nhân khác. Với sự kết nối như vậy giúp cho Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà tiếp cận được các nguồn du khách trong tỉnh, nội vùng và liên vùng. Đồng thời, cũng là điều kiện cho Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đa dạng hoạt động của loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân khu vực vườn quốc gia.
Đánh giá về nguồn lực địa hình của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Địa hình là yếu tố quan trọng giúp Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà xây dựng nhiều hoạt động của loại hình du lịch mạo hiểm. Nếu không có yếu tố ngoại hình này thì sẽ không có nguồn lực để xây dựng các hoạt động của loại hình du lịch mạo hiểm. Nên cơ sở để xây dựng phát triển du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thì nguồn lực địa hình đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nó chi phối đến các sản phẩm của hoạt động du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có nhiều dạng địa hình khác nhau như: địa hình núi cao (với đỉnh núi cao nhất là Bidoup với độ cao 2.287m so với mực nước biển), địa hình núi trung bình cao, địa hình núi trung bình thấp và địa hình núi thấp. Vườn có nhiều sông, suối, thác nước là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển các hoạt động của loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Thông qua hoạt động này, du khách sẽ có cơ hội được tiếp cận những kinh nghiệm đi rừng, leo núi, vượt thác và chèo thuyền của cư dân bản địa, vừa giúp du khách hoàn thành những trải nghiệm của bản thân. Đồng thời, giúp du khách có những kiến thức đến từ tri thức dân gian bản địa về kinh nghiệm của các hoạt động thuộc loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa.
Theo quan sát cũng như nghiên cứu thực địa và tài liệu lưu trữ tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thì hiện nay trong vườn có 4 hệ dông chính: hệ dông phía Bắc đồng thời cũng là ranh giới tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk; hệ dông chạy theo hướng Đông - Tây nằm ở trung tâm vườn quốc gia, bắt đầu từ ranh giới phía Tây vườn quốc gia tới Đạ En; hệ dông chạy theo hướng từ Nam ra Bắc, bắt đầu từ núi LangBiang có độ cao 2.167m chạy lên phía Bắc vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà; hệ dông là dãy núi cao nhất khu vực bắt đầu từ đỉnh núi Bidoup có độ cao 2.287m.
Đánh giá về nguồn lực khí hậu của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Loại hình du lịch mạo hiểm là các hoạt động được tổ chức chủ yếu ở ngoài trời, nên yếu tố khí hậu giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định tới việc tổ chức các tuyến du lịch mạo hiểm cho du khách. Vào những ngày nắng nóng, công tác tổ chức của loại hình du lịch mạo hiểm dễ dàng được thực hiện với cung đường thời tiết khô ráo, du khách tham gia dễ dàng hơn trong quá trình đi bộ đường dài, leo núi, vượt thác, chèo thuyền, cắm trại qua đêm và thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng do các thành viên của người Cơ Ho thực hiện. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi trong khâu tổ chức và thực hiện các hoạt động ngoài trời của du lịch mạo hiểm vào thời tiết nắng nóng, không thể tránh được những yếu tố tác động tiêu cực tới chuyến đi du lịch mạo hiểm của du khách như: cơ thể mất nước nên cần uống nhiều nước bổ sung cho dẫn tới việc mang theo nước uống khá nhiều cho cung đường di chuyển nhất là hành trình 2 ngày 1 đêm hay 3 ngày hai đêm, mặc dù tại điểm cắm trại nghỉ qua đêm đã được Vườn lắp đặt hệ thống cung cấp nước lọc tinh khiết được tài trợ bởi tổ chức quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong quá trình tham gia tuyến du lịch mạo hiểm, du khách uống nước mình mang theo và giữ lại vỏ chai để tới trạm nghỉ đêm lấy nước uống từ bình lọc tinh khiết dùng tiếp cho chặng đường ngày hôm sau, nếu du khách không dùng tới chai nước đã uống hết thì gửi nhân viên tổ chức tour hoặc giữ lại mang về dưới điểm tập kết sau khi hoàn tất tuyến du lịch của mình và không được xả rác ra cảnh quan môi trường rừng trong hành trình di chuyển của tuyến. Đi bộ đường dài và leo núi vào thời tiết nắng nóng, du khách sẽ ra mồ hôi nhiều, tốn nhiều nước để bù đắp cơ thể mất nước và cơ thể dễ mệt mỏi. Điều này sẽ không tốt đối với những du khách có thể lực yếu khi tham gia tuyến du lịch mạo hiểm có cung đường dài và hiểm trở nên du khách chọn tuyến du lịch mạo hiểm có độ dài ngắn và thời gian di chuyển nhẹ nhàng trong ngày. Đối với mùa mưa, việc đi lại của du khách gặp nhiều khó khăn do đường đi trơn trượt, xuất hiện nhiều côn trùng có hại cho du khách (nhất là vắt). Nhiều điểm trên tuyến du lịch mạo hiểm nước lầy lội khó vượt qua và các khúc sông nước dâng cao, các đoạn đi qua các con suối nước đổ xuống mạnh, nơi cắm trại thường xảy ra hiện tượng ngập nước… Như vậy, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà khó có thể tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm vào thời tiết mưa lớn và thời gian mưa nhiều.
Mùa vụ du lịch mạo hiểm tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà phụ thuộc vào mùa du lịch của thành phố Đà Lạt và chịu sự chi phối của đặc điểm khí hậu vùng Tây Nguyên. Những năm gần đây du khách đến Đà Lạt quanh năm, lượng du khách tăng cao vào thứ 5, thứ 6 và thứ 7 hằng tuần của tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, khi xét về cung, cầu có thể chia mùa vụ du lịch mạo hiểm thành mùa du lịch cao điểm và mùa du lịch thấp điểm. Mùa du lịch mạo hiểm cao điểm phát triển trùng với mùa hè khi học sinh, sinh viên được nghỉ học kéo theo nhu cầu đi du lịch của gia đình. Mùa du lịch mạo hiểm có số lượng du khách cao nhất từ tháng 5 đến cuối tháng 8 (mùa hè) và từ tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau (mùa xuân hay còn gọi là mùa Tết). Mùa du lịch mạo hiểm thấp điểm ngắn từ tháng 9 đến khoảng nửa cuối tháng 11 vì thời điểm này khu vực Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang ở trong giai đoạn mưa thường xuyên nên việc tổ chức cho du khách tham gia các tuyến du lịch mạo hiểm trở nên khó khăn, khả năng xảy ra nguy hiểm nhiều tới tính mạng của du khách và nhân viên tổ chức.
Do khí hậu Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, trong đó có mùa Tết (từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau) lượng du khách tăng. Mùa mưa từ tháng 5 cho đến hết tháng 11, lượng du khách giảm trong khoảng nửa cuối mùa mưa (từ tháng 8 đến hết tháng 11). Mặc dù lượng du khách tăng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 8, nhưng trùng với nửa đầu mùa mưa nên không thuận lợi cho các hoạt động du lịch mạo hiểm ngoài trời của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nghiên cứu, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch từ nguồn lực văn hóa của cư dân bản địa nhằm phục vụ khai thác du lịch mạo hiểm.
Đánh giá về nguồn lực tài nguyên nước của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có hai hệ thống sông lớn là điều kiện quan trọng chi phối đến quyết định việc hình thành các hoạt động du lịch mạo hiểm gắn với chèo thuyền, vượt thác và cũng là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch mạo hiểm và bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Đặc điểm chế độ thủy văn và mạng lưới sông suối trong vùng có sự chia cắt của địa hình, tạo điều kiện cho việc hình thành những dòng thác nước ở các cấp độ khác nhau và hình thành những hẻm vực sâu làm nguồn lực tạo điều kiện cho việc thiết kế các hoạt động trên các tuyến du lịch mạo hiểm cho vườn như: chèo thuyền ca nô, khám phá hang động, leo núi, đi bè, nhận biết người dân địa phương, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đi rừng, kỹ năng vượt thác của cư dân bản địa.
Với hệ thống hai dòng sông lớn chảy trong Vườn quốc gia là điều kiện để xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm (hoạt động chèo thuyền vượt thác, vượt sông, suối) có mức độ nguy hiểm cao và đòi hỏi nhiều yếu tố đối với đối tượng tham gia hoạt động này (thể lực, sự dẻo dai, sức chịu đựng và chấp nhận rủi ro cao về tính mạng) nên khi đánh giá về nguồn lực thủy văn trong phát triển du lịch mạo hiểm, tác giả đánh giá nguồn lực tự nhiên là một trong ba yếu tố có tính chất quyết định tới sản phẩm du lịch mạo hiểm của vườn (địa hình, khí hậu, thủy văn) vì nguyên lý tổ chức của loại hình du lịch mạo hiểm là địa điểm tổ chức du lịch ngoài trời, địa hình càng hiểm trở là nhân tố quan trọng trong việc tạo nên sự quyết định lựa chọn và thích thú tham gia của du khách khi lựa chọn loại hình này.
Đánh giá về nguồn lực tài nguyên rừng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có các giá trị tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú với nhiều loại sinh vật thuộc vào nhóm quý hiếm của Việt Nam và thế giới, là nguồn lực quan trọng cho việc xây dựng sản phẩm của loại hình du lịch mạo hiểm. Ngoài việc đi bộ đường dài, leo núi và vượt thác, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh quan đa dạng sinh học, ngắm các loài chim, các loại động thực vật khác dọc tuyến đường. Bên cạnh đó, du khách sẽ được cư dân bản địa chia sẻ và chỉ dẫn cách nhận biết về các loài cây trong đa dạng sinh học và giá trị cảnh quan, biết tên các loài động vật và nhận dạng được các loài chim, bướm trong vườn. Du khách có thêm những hiểu biết về các phong tục tín ngưỡng của cộng đồng cư dân bản địa về việc thờ các vị thần cây (nhiên thần), thần núi, thần sông, thần suối, vị thần cai quản vùng rừng núi, về rừng thiêng và các nghi thức liên quan tới các nghi lễ của cư dân bản địa với tài nguyên rừng của cộng đồng sống vùng ven Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Tài nguyên rừng của Vườn quốc gia là cơ sở thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động ngoài trời của loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa như sau: Thứ nhất, khu vực hạn chế tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm: 43.111,8ha. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp loại hình du lịch mạo gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Thứ hai, phân khu phục hồi sinh thái (khu vực có giá trị bảo tồn cao): 8.649,9ha. Trong khu vực này hạn chế việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ loại hình du lịch mạo hiểm và bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Thứ ba, khu vực tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm: 23.361,6 ha. Trong khu vực này, chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ và các công trình khác theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, góp phần phát triển loại hình du lịch mạo hiểm và bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Thứ tư, phân khu dịch vụ - hành chính: 9.241,1ha. Trong phân khu này được phép xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa theo dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong khu vực này chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ và các công trình khác theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tương tự như phân khu phục hồi sinh thái và phát triển loại hình du lịch mạo hiểm và bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm ở vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận khách du lịch từ các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh trong vùng và các vùng trong cả nước. Đây là cơ hội tốt để Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đa dạng hóa hoạt động của loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa. Phát triển loại hình du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có nhiều điều kiện để xây dựng sản phẩm với các hoạt động của loại hình du lịch mạo hiểm từ nguồn lực tự nhiên (địa hình, khí hậu, sông suối, tài nguyên rừng…).
___________________
1. bidoupnuiba.gov.vn.
2. Hà Thái, Du lịch mạo hiểm - Xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới, itdr.org.vn, 11-3-2019.
3. Du lịch mạo hiểm - hệ thống an toàn - yêu cầu (TCVN 12592:2018/ISO 21101:2014), iso-ahead.vn, 26-4-2024.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thọ Đạt - Vũ Thị Hoài Thu, Kinh tế và chính sách biến đổi khí hậu, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2017, tr.32.
2. Quốc hội, Luật Bảo vệ môi trường, số 55/2014/QH13, 2014.
3. Trần Đức Thanh (chủ biên), Nhập môn du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr. 47- 49.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 26-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 31-3-2025; Ngày duyệt đăng: 31-3-2025.
Ths DƯƠNG VĂN CHĂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025