Thuyền ba vách từng là phương tiện di chuyển phổ biến trên các dòng sông, vùng cửa sông, ven biển miền Bắc Việt Nam cho đến trước những năm 2000 và dần bị thay thế bởi các loại thuyền có kích thước lớn, cơ động hơn. Hiện nay, hiếm khi thấy loại thuyền này, nếu có, chúng thường được dùng để di chuyển từ bờ ra thuyền lớn hoặc đánh bắt ven bờ. Nhằm góp phần bảo lưu một loại thuyền được xem là tiêu biểu, đặc trưng ở vùng ven biển miền Bắc, bài viết đề cập dấu ấn lịch sử, sự hiện diện, cấu trúc và văn hóa của loại hình thuyền này trong đời sống của ngư dân ở miền Bắc Việt Nam.
Mô hình thuyền ba vách (thuyền chài) trung bày tại Bảo tàng Quảng Ninh - Nguồn: baotangquangninh.vn
Dấu ấn lịch sử và sự hiện diện của thuyền ba vách
Thuyền ba vách được gọi là thuyền tam bản bởi được cấu thành từ ba tấm ván gỗ, gồm một tấm ván đáy và hai tấm mạn ở hai bên, tạo nên đáy thuyền bằng phẳng với hai mạn nghiêng giúp mở rộng thân thuyền. Có thể nói, đây là kết cấu đơn giản, khởi thủy trong kỹ thuật đóng thuyền còn được duy trì và tồn tại cho tới hiện nay. Trong công trình nghiên cứu công bố gần đây, tác giả Nguyễn Phong đưa ra nhận định, thuyền ba vách được phát triển từ thuyền độc mộc (1), loại thuyền cổ xưa nhất trong lịch sử loài người hiện còn được sử dụng ở Tây Nguyên, Tây Bắc và hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Việt Nam.
Thuyền ba vách xuất hiện từ xa xưa và đồng hành cùng quá trình tiến biển của ngư dân ở miền Bắc Việt Nam. Hình ảnh đầu tiên của loại thuyền này là những chiếc thuyền cỡ nhỏ, linh hoạt được quân nhà Trần dùng để dẫn dụ quân Nguyên - Mông đi vào thế trận cọc đã được bố trí sẵn trên sông Bạch Đằng và giành chiến thắng trong trận chiến lịch sử vào năm 1288. Câu chuyện nay còn được kể lại bởi người dân đảo Hải Nam, thị xã Quảng Uyên, tỉnh Quảng Ninh.
Khi người Pháp sang đô hộ Việt Nam, hình ảnh thơ mộng của những chiếc thuyền buồm cánh dơi, một loại thuyền ba vách dập dềnh trên sóng biển Hạ Long đã thực sự gây ấn tượng và thôi thúc họ nghiên cứu và chụp ảnh lưu dấu lại. Trong nghiên cứu của J.B. Piétri, học giả Pháp nổi tiếng với nghiên cứu về thuyền bè truyền thống Việt Nam, khi viết về thuyền lưới trên Vịnh Hạ Long, theo mô tả (có lẽ là thuyền ba vách), cho rằng: “Mặc dù cánh buồm làm ta liên tưởng đến buồm Trung Hoa, nhưng những con thuyền này vẫn là loại điển hình ở Bắc Kỳ… có mặt khắp vùng biển Bắc Kỳ, bắt đầu từ bán đảo Đồ Sơn, nhưng đặc biệt là các vùng phía Đông” (2).
Đến trước những năm 2000, ở các tỉnh đồng bằng ven biển phía Bắc Việt Nam, thuyền ba vách được thấy ở mọi nẻo sông nước, trên những con kênh, rạch, các dòng sông lớn nhỏ ở các vùng nông thôn, đặc biệt tại vùng cửa sông Ba Lạt (hạ lưu sông Hồng), cửa sông Đáy, sông Ninh Cơ (Nam Định) và trên vịnh Hạ Long. Trên mỗi con thuyền, thường là cả một gia đình sinh sống. Họ là những ngư dân không có nhà trên bờ, được gọi là dân thuyền chài, thủy diện. Thuyền là nhà nhưng đồng thời cũng là phương tiện đánh bắt, chuyên chở.
Cấu trúc và kỹ thuật chế tác thuyền ba vách
Thuyền ba vách khởi thủy được cấu thành từ ba tấm ván gỗ, nhưng những chiếc thuyền hiện diện trên sông, ven biển được ghép thêm những tấm ván gỗ để gia tăng kích thước. Việc này cơ bản không làm thay đổi kết cấu bởi giữ được sự phân tách rõ ràng của ba tấm ván tạo nên thuyền.
Nhìn tổng thể, thuyền ba vách có đáy phẳng, mũi và lái thuyền được tạo nên bởi những tấm ván dài từ mũi tới đáy hoặc đôi khi được ghép để nối dài. Thân thuyền phình to ở giữa, thu hẹp dần về phía mũi và lái. Tuy nhiên, phần mũi hẹp hơn phần lái giúp giảm lực cản của nước khi di chuyển. Phần lái thuyền rộng, thuận tiện cất chứa vật dụng như đặt máy thuyền, làm nơi đặt bếp nấu ăn… Thuyền có sạp được tạo bởi những tấm ván gỗ xếp cạnh nhau giúp việc đi lại trên thuyền tiện lợi, khô ráo và tránh nước. Khoang giữa thân thuyền là khoang ở, được dựng bằng tre và các tấm phên tre, dùng làm nơi ở, sinh hoạt, ngủ nghỉ.
Thuyền thường được làm bằng gỗ táu hoặc gỗ xăng lẻ, phải là những cây gỗ già, không bị sâu hoặc hà. Đáy thuyền thường được ghép từ 3 tấm ván gỗ trở lên. Tấm ván ở chính giữa được gọi là “cái thuyền”, có độ dày từ 2-3cm. Các tấm ván này được uốn cong bằng lửa để tạo độ cong cho đáy thuyền. Với gỗ còn non, để tránh quá lửa, người ta trát bùn vào nơi cần uốn; với gỗ già, cứng, họ bôi dầu rồi mới hun lửa. Hun lửa khoảng 30 phút, gỗ được đặt trên một tấm kê, đặt đá lên đoạn cần uốn để sức nặng của đá từ từ ép xuống tạo độ cong. Để cố định các tấm ván với nhau, theo ông L.C.D (68 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh), cách đây khoảng 100 năm, thợ đóng thuyền dùng dây mây tuồn qua các lỗ khoan trên tấm ván và buộc chặt lại. Về sau này, các tấm ván được cố định bằng đinh hoặc vít.
Sau đó, những tấm ván mạn được ghép với ván đáy tạo thành góc nghiêng. Các tấm ván mạn cũng được hơ lửa uốn cong. Mạn thuyền thường có từ 3 tấm ván gỗ trở lên. Ở tỉnh Nam Định, ngư dân có tên gọi cho từng tấm ván mạn; tấm ván sát đáy gọi là “mạn”, tấm kế tiếp gọi là “tề”, tấm cuối cùng gọi là “tiếp”.
Khi bộ khung thuyền được dựng xong, thợ đóng thuyền cố định các tấm ván với nhau bằng cách đóng các thang ngang (cốn) và thang đứng tạo nên bộ khung xương thuyền. Thang ngang là những tấm ván gỗ hình chữ nhật, mỗi cạnh 10cm, dài bằng bề ngang lòng thuyền ở các khúc, đoạn khác nhau. Các thang ngang cố định các tấm ván đáy, được đóng bên trong lòng thuyền, tăng độ chắc chắn cho đáy thuyền. Thang đứng, tương tự như thang ngang, rộng 10cm, độ dài bằng với chiều cao mạn thuyền giúp cố định các tấm ván mạn và tăng độ chắc chắn cho mạn thuyền. Một đầu thang đứng nối với một đầu thang ngang, bởi vậy, số lượng thang ngang và thang đứng mỗi bên thuyền luôn bằng nhau. Trên mỗi thuyền thường có từ 3, 5, 7 bộ thang ngang và đứng, số lượng tùy thuộc vào kích thước thuyền.
Để bịt các khe hở giữa hai tấm ván, thợ đóng thuyền lấy phoi tre được nạo từ thân cây tre già, còn gọi là xơ hay xảm, hoặc vỏ cây sắn rừng say nhuyễn được ủ qua vài ngày chít vào các khe hở rồi nêm chặt. Khi thuyền ở dưới nước, các chất liệu này nở ra, bịt kín các khe hở.
Đến đây, công việc khó nhất làm thuyền cơ bản hoàn thành, thuyền có thể hạ thủy. Tuy nhiên, để có thể đi đánh bắt, che mưa, che nắng khi đi đánh bắt, thợ đóng thuyền sẽ dựng “cái chắn thủy”, làm sạp thuyền và khoang ở. Cái chắn thủy là những thanh gỗ chắn nước chảy vào thuyền và chia các khoang trong lòng thuyền. Mỗi khoang do chắn thủy tạo ra sẽ có kích thước khác nhau và để cất chứa các đồ vật khác nhau. Sạp thuyền là những mảnh gỗ hình chữ nhật, xếp ngang phía trên bộ khung do thang ngang và chắn thủy tạo ra. Khoang ở có vòm lái (cửa lái) và vòm mũi để ngư dân đi vào đi ra.
Các loại hình thuyền ba vách
Với kết cấu cơ bản là 3 miếng ván ghép lại thành khung thuyền, nhưng tùy mục đích sử dụng, ngư dân sẽ tạo ra những chiếc thuyền phù hợp và có kiểu dáng khác nhau. Tên gọi của những chiếc thuyền này khác nhau, thường theo tên gọi nghề. Ở vịnh Hạ Long, có một số loại thuyền ba vách sau: thuyền bơi chải, xuồng đèn đốt mực, lẵng câu tay, thuyền đánh cá nhụ, thuyền lái phố, thuyền vận tải, thuyền mắm chượp, thuyền đánh te và thuyền chài.
Thuyền bơi chải: được dùng trong các cuộc đua thuyền như trong lễ hội Đình Cốc (phường Phong Cốc, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) để tưởng nhớ, tôn vinh chiến thắng của các anh hùng lịch sử. Nơi đây gần với cửa sông Bạch Đằng, vị trí diễn ra trận thủy chiến ghi danh lịch sử giữa quân Ngô Quyền với quân Nam Hán vào năm 938. Thuyền đầu rồng, có tám mái chèo mỗi bên và một đôi chèo ở đuôi thuyền.
Xuồng đèn đốt mực: chuyên dùng để đánh bắt mực. Đội đánh bắt gồm có một thuyền lớn và nhiều loại thuyền nhỏ. Thuyền lớn thắp sáng đèn hấp dẫn mực tiến gần thuyền. Các thuyền nhỏ như xuồng đèn đốt mực hỗ trợ thắp sáng dẫn cá, mực, thả và thu lưới.
Lẵng câu tay: thuyền dài khoảng 5m, rộng 1,5m, dùng để đi câu bằng cần hoặc dây câu các loại. Thuyền nhỏ, chỉ đủ chỗ ngồi cho 1-2 người, thường một người ngồi đằng lái, một người ngồi đằng mũi. Cá câu được để ở giữa thân thuyền.
Lẵng đánh cá nhụ: chuyên dùng bắt cá nhụ. Khi đi đánh bắt, ngư dân lập thành một đội: một thuyền thả lưới hình vòng cung, những chiếc khác dùng các vật dụng tạo âm thanh lớn xua cá vào lưới. Thuyền nhỏ, dùng một cột buồm, có xiếm giữ thăng bằng giúp thuyền không bị trôi, dạt khi có sóng.
Thuyền lái phố: thường dùng làm nơi sinh hoạt cho cả gia đình dân chài, vừa dùng để đánh bắt cá. Ở vịnh Hạ Long, thuyền có chức năng gần giống với thuyền chài. Trên thuyền có không gian nuôi gia súc, gia cầm.
Thuyền vận tải: dùng để chuyên chở hàng hóa, chủ yếu là gạo, gạch, gỗ từ Hạ Long đi các địa phương khác và ngược lại. Thuyền có chiều dài khoảng 20m, có hai cánh buồm hình cánh dơi, một ở mũi thuyền và một ở giữa thân thuyền. Trên mỗi thuyền thường có từ 5-20 thuyền viên.
Thuyền mắm trượp: dài 12-15m, rộng 7,5m, có 2 cột buồm cánh dơi, chuyên dùng để chở cá đã ướp muối và nước mắm đến nơi chế biến.
Thuyền đánh te: dài khoảng 8-9m, rộng 2m, vừa dùng làm nơi sinh hoạt của cả gia đình, vừa dùng để đánh bắt tôm, cá mòi… Thuyền có 2 cánh buồm hình cánh dơi, được làm từ vải nhuộm bằng củ nâu, hoặc cây nạm thằng.
Thuyền chài: thuyền vừa làm nơi ở, sinh hoạt của cả gia đình, vừa là phương tiện đánh bắt. Thuyền có một cánh buồm hình cánh dơi, vải buồm được nhuộm từ củ nâu.
Qua 9 loại thuyền ở trên, có thể thấy thuyền ba vách tương đối đa dạng về loại hình. Trong số đó, những chiếc thuyền nhỏ chuyên dùng để đánh bắt, những chiếc thuyền lớn vừa làm phương tiện đánh bắt, vừa là không gian sinh hoạt của cả gia đình. Những chiếc thuyền này hiện đều không còn được sử dụng trên vịnh Hạ Long và những nơi khác, nên việc miêu tả chính xác là công việc khó khăn, cần thêm thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng.
Thuyền ba vách phản ánh cuộc sống và bảo lưu các giá trị văn hóa của ngư dân
Thuyền ba vách là phương tiện mưu sinh
Thuyền ba vách thường vừa là phương tiện đánh bắt, vận chuyển, vừa là không gian sinh hoạt của cả gia đình. Với những gia đình đông người, đặc biệt có người già, trẻ nhỏ, ngoài chiếc thuyền lớn, các gia đình thường có thêm một chiếc thuyền nhỏ. Khi di chuyển tới địa điểm đánh bắt, những chiếc thuyền nhỏ được dùng để thả lưới, xua cá vào lưới và kéo lưới.
Không gian sinh hoạt trên thuyền ba vách
Trước năm 2000, vịnh Hạ Long và các vùng cửa sông ven biển phía Bắc là không gian sinh sống của cư dân thủy cư lênh đênh trên những chiếc thuyền ba vách. Họ không có nhà trên bờ, tụ cư với nhau và lập thành các làng chài. Trên vịnh Hạ Long, họ lập thành các làng chài Giang Võng, Trúc Võng hay Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang. Mỗi chiếc thuyền chài thường tương ứng với một gia đình.
Thuyền ba vách gắn liền với cuộc đời của ngư dân từ lúc sinh ra đến lúc qua đời. Cuộc sống lênh đênh, đi theo con cá, hứng chịu nắng gió mặn mòi của biển trên một chiếc thuyền chật hẹp giữa không gian bao la qua thời gian đã định hình nên đặc trưng văn hóa riêng của cư dân sông nước. Trong không gian chật hẹp đó, ngư dân phải tìm cách sắp xếp đồ dùng sinh hoạt của cả gia đình cùng ngư cụ đánh bắt sao cho ngăn nắp, gọn gàng.
Bên dưới những tấm sạp là các khoang thuyền. Các khoang ở mũi thuyền thường là nơi cất giữ ngư cụ, lưới tiện cho việc kéo và thả lưới. Khoang ở (giữa thuyền) thường để cất rương, hòm đựng quần áo hoặc những đồ đạc kích thước lớn ít khi cần dùng tới. Các khoang ở đằng lái để cất gạo, mắm và đồ ăn tích trữ và đặt máy chạy thuyền.
Trên mặt sạp thuyền, mỗi không gian được dùng vào những việc khác nhau. Không gian đằng lái, phía bên phải là chiếc bếp khung gỗ, đắp đất để tránh bén lửa và thường dùng củi đun. Nấu xong, nếu trời mát mẻ, không mưa, họ ngồi ngay cạnh bếp để ăn. Nếu nắng hoặc mưa, họ ngồi trong khoang để ăn.
Nước ăn, tắm thường được xin từ các hộ gia đình trên bờ, từ một số núi đã có nguồn nước tự nhiên hoặc mua của các thuyền dịch vụ chuyên bán nước. Nước đựng trong can nhựa đặt ở đằng lái gần với bếp. Một số ít gia đình dành không gian nhỏ ở phía ngoài cùng của lái thuyền để làm chuồng nuôi gà hoặc chó. Ngoài mục đích thường thấy, tiếng chó sủa, gà kêu mang lại cho ngư dân cảm giác như đang ở trong các làng trên bờ, xua tan đi sự hiu quạnh trên sông nước.
Bên trong khoang ở, góc trái thường là nơi đặt bàn thờ gia tiên (phía trái nhìn từ lái thuyền). Hai bên vách khoang ở là nơi treo quần áo mặc hằng ngày (mỗi người thường có 2-3 bộ quần áo để mặc thay đổi) và treo gương, lược của phụ nữ, một số vật dụng nhỏ dùng trong sinh hoạt. Họ có quy định khi nằm ngủ trong khoang ở. Mọi người chỉ được nằm ngang thuyền, kiêng nằm dọc thân thuyền bởi tư thế này chỉ dành cho người chết. Ngoài ra, nằm ngang sẽ tiết kiệm được diện tích, nhiều người có thể cùng nằm trong một không gian nhỏ bởi chiều ngang thân thuyền hẹp và giảm được sự chòng chành của thuyền do sóng gió xô đẩy. Nếu gia đình nào có bàn thờ tổ tiên đặt ở bên trái trong khoang ở, khi nằm, đầu sẽ quay về bên trái để tránh chân đạp bàn thờ, làm giảm sự tôn kính tổ tiên. Trẻ nhỏ, người già thường nằm góc trong cùng khoang ở, nơi gần mũi thuyền bởi ít gió. Đàn ông nằm ở phía ngoài khoang ở, gần khu vực lái thuyền bởi quan niệm họ có sức khỏe tốt, có thể chịu đựng sương gió tốt nhất.
Kiêng kỵ trên thuyền
Vào ngày cuối năm, để một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, ngư dân đến gặp thày cúng nhờ xem tuổi xông thuyền. Người được chọn ngoài có tuổi hợp với gia chủ còn phải có tính cách xởi lởi, vui vẻ, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình hòa thuận và không chịu tang.
Trong những ngày đầu năm mới, ngư dân kiêng đổ mắm, muối, nước điếu lên trên thuyền, kiêng ai đó trượt chân ngã bởi đó được xem như dấu hiệu của một năm mới kém may mắn, gặp nhiều rủi ro. Họ tránh cho người khác xin lửa, muối hay bất kỳ vật dụng nào với quan niệm như mang may mắn, tài lộc của gia đình cho người khác. Ngư dân cũng kiêng phụ nữ nếu không phải là người trong gia đình, nhất là phụ nữ mang thai hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt bước lên mui thuyền với quan niệm những người này không sạch sẽ, sẽ mang đến nhiều rủi ro.
Họ tránh đi lại trên mui thuyền ở phía trên nơi đặt bàn thờ gia tiên. Khi ngồi hay ngủ, phụ nữ thường có ý ngồi xa bàn thờ này một chút. Ngư dân quan niệm mũi thuyền là bộ mặt của thuyền, giống như mặt của một con người nên cần giữ sạch sẽ mới đánh bắt được nhiều tôm cá. Trước đây, phụ nữ thường sinh con trên thuyền. Khi gia đình có phụ nữ sắp sinh con, trước đó vài ngày, người ta gửi bàn thờ gia tiên sang thuyền của họ hàng hoặc người quen để tránh bị ô uế. Thuyền được gửi tốt nhất là của cặp vợ chồng già, bởi quan niệm người già thanh sạch và thường dùng mảnh vải phủ kín bàn thờ.
Nghi lễ liên quan quá trình tạo tác thuyền ba vách
Đối với ngư dân, con thuyền không đơn thuần là phương tiện mà là một thực thể sống, có linh hồn, biết vui, biết buồn, có thể đem đến may mắn trong đánh bắt và ngược lại. Bởi vậy, họ cẩn trọng trong quá trình làm thuyền. Làm thuyền thường có ba nghi lễ chính: lễ phạt mộc, lễ làm mui, lễ hạ thủy, tương tự như một ngôi nhà làm mới (lễ động thổ, lễ lợp mái, lễ khánh thành). Ngày làm lễ phải là ngày tốt, giờ tốt, tránh các ngày đông công kỵ nhật: 13-11, 12-2, 9-3, 7-4... Ngư dân thường mời thày cúng trong làng chài hoặc anh em hay ai biết cúng tới làm lễ.
Lễ phạt mộc được làm tại một bãi đất trống ven sông hoặc ven biển. Đồ lễ gồm hai mâm, một mâm để cúng gia tiên, một mâm để cúng hà bá, thổ công. Ngư dân xin ông bà tổ tiên, hà bá phù hộ độ trì cho quá trình làm thuyền diễn ra thuận lợi và gặp may mắn trong quá trình sử dụng.
Lễ hạ thủy diễn ra khi đóng thuyền xong, thường sau 7-8 ngày tính từ ngày phạt mộc. Đồ lễ gồm có thịt, xôi, gà, vàng hương, được chia thành hai mâm, một mâm để ông bà tổ tiên và một mâm cúng thần linh, hà bá. Mâm cúng tổ tiên được đặt trước bàn thờ tổ tiên trong khoang ở. Mâm cúng thần linh, hà bá được đặt ở mui thuyền vì đây là nơi đầu sóng, ngọn gió, chịu mọi va chạm. Trong và sau khi làm lễ, ngư dân kiêng phụ nữ là người đầu tiên đặt chân lên thuyền, nhất là với phụ nữ mang thai hoặc “bẩn mình” bởi nếu xảy ra, chiếc thuyền xem như bị ám, sau này làm ăn không được.
Ngược lại, trong lúc đó, bỗng dưng có con trai đến chơi, mang theo bất kể thứ gì đến cho gia đình được xem như mang tài lộc tới. Người này sẽ được tiếp đón chu đáo, cẩn thận.
Bảo quản thuyền ba vách
Thuyền gỗ hoạt động ở vùng nước mặn thường bị con hà là một sinh vật nhỏ thân mềm bám vào đáy, sườn thuyền, tạo thành vật cản nước trong quá trình di chuyển và khiến gỗ thuyền nhanh hỏng. Thông thường, cứ khoảng 3-6 tháng, các chủ thuyền kéo thuyền lên bờ để đốt loại bỏ hà. Để kéo thuyền “lên đà”, chủ thuyền lợi dụng lúc triều cường, kê những khúc gỗ tròn dưới đáy thuyền, dùng dây kéo thuyền lên bờ. Khi nước thủy triều rút đi, họ thui thuyền bằng cách đốt thông khô tạo thành khói làm chết con hà, ngoài ra còn giúp làm lì mặt gỗ, tăng tuổi thọ cho thuyền. Sau đó, ngư đan lau sạch mặt ngoài ván thuyền và bôi một lớp dầu như thầu dầu (dầu rái) để chống hà bám, tạo độ trơn, giúp tăng gia tốc cho thuyền.
Kết luận
Thuyền ba vách gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngư dân ở vùng ven biển phía Bắc Việt Nam, phản ánh kỹ thuật hàng hải thích ứng vài nguồn lợi thủy sản và điều kiện thủy văn của vùng cũng như đặc điểm đánh bắt và lối sống đã hình thành nên nét văn hóa đặc trưng. Trong những năm qua, kỹ thuật hàng hải phát triển nhanh chóng và nhận được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương trong phát triển ngành thủy sản, những con thuyền nhỏ dần mất đi, được thay thế bằng những chiếc tàu, thuyền đánh bắt xa bờ có kích thước lớn. Vì vậy, những chiếc thuyền bè truyền thống rất cần được quan tâm nhằm bảo tồn, lưu giữ cho thế hệ sau.
_______________
1. Nguyễn Phong, Thuyền buồm cánh dơi Hạ Long xưa, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, số 10, 2022, tr.48-50.
2. J. B. Piétri, Thuyền buồm Đông Dương Voilier D’Indochine, Nxb Trẻ, 2015, tr.168.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Duy Thiệu, Biển đảo Việt Nam từ góc nhìn nhân học: Sách chuyên khảo, Nxb Khoa học xã hội, 2022.
TS LÊ ANH HÒA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023