Tinh thần Phật học trong nghệ thuật cải lương Nam Bộ

Đạo Phật xuất hiện ở nước ta từ rất sớm, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống văn hóa xã hội Việt Nam. Dù đã trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử phát triển đất nước, Phật giáo vẫn nắm vai trò quan trọng chủ đạo và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người Việt. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của dân tộc Việt, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong đó, sân khấu cải lương ảnh hưởng từ Phật giáo rõ nét nhất. Điều đó cũng dễ hiểu vì nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp có khả năng phản ánh hiện thực, đời sống sinh hoạt của nhân dân một cách rõ nét nhất. Phật giáo trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực và hệ giá trị đạo đức trong xã hội, thông qua các tác phẩm nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu cải lương nói riêng.

Nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời vào khoảng năm 1918 ở vùng đất Nam Bộ. Ban đầu là đờn ca tài tử rồi trở thành hình thức ca ra bộ, sau đó trở thành nghệ thuật sân khấu cải lương vào những năm đầu của TK XX. Theo GS Trần Văn Khê, cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn, được thể hiện trên sân khấu biểu diễn với đề tài kịch bản kết hợp với nghệ thuật biểu diễn của diễn viên cùng dàn nhạc và bài bản. Điều này tương đồng với hai câu đối của hai soạn giả trụ cột của đoàn cải lương Tân Thinh là Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu: “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Từ đờn ca tài tử, dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ rồi trở thành mô hình ca ra bộ, để từ đó trở thành nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Cải lương còn có sự tổng hợp của hát bội và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã có những cải biến để tạo được cảm tình trong lòng khách mộ điệu, từ nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến trang trí sân khấu... Dù thay đổi thế nào, những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương Nam Bộ như: nét bi, sự khôi hài, tính trữ tình, chất anh hùng ca vẫn tồn tại trong từng vở diễn. Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương luôn hướng tới những đặc tính thẩm mỹ, nhân văn gắn liền với những dấu ấn thời đại. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cải lương thể hiện chất anh hùng ca chiến đấu; chất hài ít khi xuất hiện. Sau hòa bình thống nhất đất nước, nghệ thuật cải lương lại thiên về diễn tả chất trữ tình và hài hước. Điều đó cho thấy sự thích ứng và linh hoạt của nghệ thuật cải lương, cho dù hiện nay sự hiện diện của nghệ thuật sân khấu cải lương đã mờ dần trong mắt công chúng bởi sự xuất hiện muôn vàn loại hình nghệ thuật khác trong thời đại 4.0.

Có thể nói Phật giáo đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến sân khấu cải lương miền Nam. Chính nhờ yếu tố phóng khoáng, nên nghệ thuật cải lương dễ dàng tiến sâu vào chân lý của Phật giáo, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật đặc trưng vùng đất Nam Bộ.

Về âm nhạc: Cải lương có xuất phát điểm là nhạc lễ cung đình, kết hợp với dân ca để có loại hình đờn ca tài tử, sau đó mới tiến hóa thành cải lương. Âm nhạc trong cải lương chịu ảnh hưởng của âm nhạc Phật giáo, rõ nhất là trong những bài dân ca hay những lời hát ru mang âm hưởng trong cách niệm và tụng kinh Phật giáo. Hơn nữa, ở thời kỳ Phật giáo cực thịnh vào thời Lý, các nhà vua thường sử dụng dàn nhạc Phật giáo, đồng thời dùng cho dàn nhạc cung đình. Vì vậy, âm nhạc trong cải lương có khá nhiều điểm tương đồng với âm nhạc Phật giáo, từ nét nhạc, thang âm, điệu thức, tiết tấu đến nhịp phách, chỉ khác nhau về mục đích. Âm nhạc trong cải lương giúp người nghe thưởng thức nghệ thuật, còn âm nhạc Phật giáo mang lại cho người nghe (hay người đọc) một trạng thái tâm hồn an tịnh, thanh thản cùng với sự thấu cảm giáo lý nhà Phật.

Về vở diễn: Tính triết lý nhân quả báo ứng của Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong các vở diễn, phù hợp với đạo lý phương Đông và nếp sống truyền thống của dân tộc. Tiêu biểu như các vở: Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính, Mục Liên Thanh Đề. Ngoài ra còn có các vở chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng Phật giáo như: Phạm Công Cúc Hoa, Tấm Cám, Kim Vân Kiều, Tô Ánh Nguyệt, Nàng Xê Đa... Tinh thần từ bi, hỷ xả của Phật giáo gần như luôn hiện diện trong các vở cải lương này. Đặc biệt, những vở diễn này luôn có phần kết thúc có hậu nhằm thỏa mãn nhu cầu của người xem Nam Bộ. Để làm rõ hơn, chúng tôi xin phân tích hai vở cải lương kinh điển đó là: vở Tô Ánh Nguyệt (Trần Hữu Trang) và vở Nàng Xê Đa (Lưu Quang Vũ).

NSND Minh Vương - NSND Lệ Thủy

trong vở Tô Ánh Nguyệt bản dựng của Đoàn 2-84 

Cần giải thích thêm, luật nhân quả là một trong các nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo. Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Con người nếu sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ sống trong sự tham lam ích kỷ thì sẽ dễ dàng gây họa cho người khác và nhận báo ứng với bản thân mình. Luật nhân quả giải thích được các sự việc, hiện tượng trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Có những nguyên nhân được tạo ra trong quá khứ, kết quả hay hậu quả nhận được trong hiện tại. Có những nguyên nhân được tạo ra trong hiện tại, kết quả hay hậu quả nhận được trong vị lai. Phật giáo lưu tâm rằng nghiệp gồm có ba chi là: có người làm; làm bằng tác ý; cho quả đến người làm.

Vở cải lương Tô Ánh Nguyệt là vở cải lương kinh điển của cố soạn giả Trần Hữu Trang, bản dựng năm 1984 của đoàn 2-84. Bên cạnh chủ đề chính là tình yêu, tình mẫu tử và đức hy sinh của người phụ nữ, Tô Ánh Nguyệt phản ánh một cách tinh tế và xác đáng những vấn đề của xã hội miền Nam đầu TK XX, khi những lề thói, tập quán phong kiến cũ kỹ đang cố gắng vùng vẫy chống lại những luồng gió mới từ phong trào Âu hóa. Thông qua hai nhân vật chính là cô Nguyệt và anh Minh, chúng ta nhận thấy đức Phật nói đúng: “Nước mắt chúng sinh nhiều như bể cả”, đời quả là khổ. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ, chết là khổ, yêu nhau phải xa là khổ, ghét nhau phải gặp mặt là khổ, cầu mong không được toại ý là khổ và thân ngũ ấm xí thịnh là khổ. Đó là tám nỗi khổ lớn trong một đời người mà anh Minh và cô Nguyệt đều trải qua. Cô Nguyệt và anh Minh yêu nhau từ thời đi học, yêu nhau rồi cô Nguyệt mang thai, đó là kết quả của quá trình yêu nhau và vượt quá giới hạn. Như vậy, ở đây có yếu tố thứ nhất là có người làm tác động. Từ đây, cái hạt nhân của hai người đã gieo, sẽ theo họ đến suốt quãng đời sau này. Xuyên suốt quá trình câu chuyện diễn ra là quá trình trả nghiệp họ đã gieo từ trước đó.

Yếu tố thứ hai làm bằng tác ý cả hai gia đình của Minh và Nguyệt ép con cái phụng sự theo kế hoạch mà họ sắp xếp, buộc Minh từ bỏ Nguyệt để lấy một người vợ giàu có nhằm gán nợ cho gia đình. Ngược lại, gia đình ông Cả vì sĩ diện, ép gả Nguyệt cho một anh chàng giàu có trong làng. Từ tác ý của hai gia đình đã tác động lên tất cả những người trong cuộc để rồi dẫn đến những kết quả sau đó. Minh phải sống trong chuỗi ngày dài đau khổ vì mang tiếng phụ tình. Hơn nữa, đó còn là những bí mật riêng của bản thân và lai lịch của đứa con trai vì rất sợ vợ phát hiện. Phải chăng, người vợ hiện tại của anh không sinh nở được đâu đó cũng là sự sắp đặt sẵn của luật nhân quả.

Còn Nguyệt bỏ nhà ra đi và sống cơ cực, cô dành phần đời còn lại để dồn hết cho đứa con trai duy nhất mà nay đã là con người ta. Cô chọn cách sống một mình để không làm tổn thương cho những người thân. Cái “nhân” mà Minh và Nguyệt đã gieo là đứa bé tên Tâm giờ đây đã trưởng thành và một lần nữa cả bốn con người trong cuộc (đó là vợ chồng Minh, Nguyệt và Tâm) đều phải trả cho cái “nghiệp” đã cắm rễ và đâm chồi. Đó là khi Tâm tìm đến nhà của bà Nguyệt, xua đuổi bà đi, mục đích để giữ vững hạnh phúc gia đình cho ba má hiện tại của anh.

Cuối cùng là yếu tố thứ ba cho quả đến làm người. Nghiệp quả cuối cùng mà cả gia đình Minh phải đón lấy là cái chết của Minh, trả giá cho những lỗi lầm năm xưa của anh. Sau khi trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, Nguyệt cuối cùng cũng nhận lấy “quả” của mình khi đứa con trai nhận lại mẹ. Hơn nữa, nhân vật Nguyệt thể hiện rõ đạo đức Phật giáo trong tính cách của cô, luôn thể hiện tinh thần hướng nội, khoan dung, vị tha, gần gũi với mọi người.

Triết lý “nhân quả báo ứng” được thể hiện xuyên suốt trong phần dàn dựng tác phẩm Tô Ánh Nguyệt. Triết lý gieo nhân - gặt quả từ đời trước kéo theo hệ lụy cho đời sau, bởi những quyết định khắt khe, cổ hủ của thế hệ trước gây ra bao tai biến cho đời sau. Các nhân vật trong vở diễn trải qua bốn giai đoạn của cuộc đời con người “sinh, lão, bệnh, tử” và họ trả nghiệp cho chính cái nhân họ đã gieo. Mà rõ nhất chính là hai nhân vật chính Nguyệt và Minh, chính họ trả giá cho những quyết định trước kia của bản thân, kéo theo sau đó là hệ lụy cho những người có liên quan.

Còn Nàng Xê Đa (Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân) là một tác phẩm kinh điển của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, lại là trường hợp khác. Câu chuyện thần thoại lấy cảm hứng từ sử thi Ramayana của Ấn Độ và trường ca Riêm Kê của Campuchia vẫn luôn thu hút bởi sự kịch tính trong cuộc đấu tranh giữa con người và quỷ dữ, vừa là bi kịch tình yêu đầy lãng mạn, vừa là sự hối tiếc. Với bản cải lương, điểm cộng lớn còn đến từ lời ca rất giàu chất văn học và đậm tính triết lý. Nàng Xê Đa không chỉ là câu chuyện tình yêu mà đúng hơn là hành trình con người tìm thấy chính mình. Mỗi người đều mang trong mình một quỷ Riếp - sự tham - sân - si gặm nhắm tâm hồn. Hay khỉ Hanuman là khát vọng được trở thành con người hoàn chỉnh và sự tự tranh đấu của bản thân sẽ quyết định họ là một con người “có nghĩa, có nhân” hay sẽ lầm đường lạc lối mà tự đánh mất đi những điều quý giá nhất của mình. Nhân vật khỉ Hanuman thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, luôn thể hiện sự kiên trì, niềm tin đạt đến sự giác ngộ, đó là khát khao được làm người của mình. Quay về với triết lý nhà Phật, trong kinh Pháp cũ ó chỉ rõ: tham - sân - si là tam độc, là sự ham muốn thái quá, là một cơn giận, nóng nảy, thù hận, không vừa lòng, không như ý muốn, là sự u tối không suy xét theo lẽ phải, hay dở - tốt - xấu. Tham - sân - si là ba thứ kịch độc luôn tiềm ẩn trong tâm ta. Nếu không nhận diện được bản chất và cách kiểm soát thì ta sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của nó, vì sao? Vì một khi tham - sân - si khởi lên thì sẽ thiêu cháy tất cả nhân cách đạo đức, sự sáng suốt, mạng sống của chính chúng ta và những người khác.

Chính vì bản tính tham - sân - si luôn tồn tại trong mỗi con người và lòng nghi ngờ của vua Riêm mà chúa Quỷ đã lợi dụng điều này làm vấy bẩn sự thiện lương, tâm hồn trong sáng như gương của đức vua trẻ tuổi. Nàng Xê Đa cũng từ đó bị chồng nghi ngờ, mất hết sự tin tưởng, đổi lại là sự ghẻ lạnh, ruồng bỏ và ban cho nàng cái chết. Tình yêu, tình vợ chồng và lòng chung thủy sụp đổ ở nơi nàng. Kế hoạch của chúa Quỷ từ đó thành công khi làm vấy bẩn tâm hồn của Riêm và làm cho trái tim nàng Xê Đa chết đi kể từ đó. Nàng một mình nuôi con lớn khôn, dạy cho vua Khỉ cách sống của một con người lương thiện. Trái tim thuần khiết của Xê Đa vẫn vậy, vẫn một lòng thờ chồng, trung trinh đến chết. Hình tượng chúa Quỷ tam độc tham - sân - si và hình tượng vua Riêm tuy hai mà một. Hay nói khác hơn, hình ảnh đó luôn tồn tại trong lòng mỗi con người, sẵn sàng xuất hiện nếu bản thân con người không kiềm chế, sáng suốt trong suy nghĩ và các quyết định của bản thân. Hình tượng chúa Quỷ là một hình tượng độc đáo, thú vị mà tác giả đã xây dựng lên.

Bản dựng Nàng Xê Đa trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang thật đẹp với những bộ trang phục lộng lẫy, với những điệu múa Campuchia lung linh và uyển chuyển... Triết lý tham - sân - si dường như tồn tại xuyên suốt cả vở diễn. Người xem như bắt gặp quỷ Chúa đang tồn tại trong bản thân mình để từ đó đề phòng và phấn đấu sống tốt hơn trong từng ngày để rồi không phải hối hận, hối tiếc sau đó.

Sân khấu cải lương thật và đẹp như NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) - một trong những nghệ sỹ cải lương bậc thày từng nói: “Cải lương thật và đẹp”. Hay NSND Bạch Tuyết cũng từng phát biểu: “Nghệ sĩ chỉ có giá trị khi nào nói những lời thật với khán giả của mình, làm cho cuộc sống mỗi ngày càng đẹp hơn”... rất thấm đượm chân lý của nhà Phật. 

Cải lương hướng con người ta sống thanh thản hơn,  tốt đẹp hơn. Cũng như Phật giáo hướng con người đến một lối sống nhân bản biết yêu thương, đem niềm vui và quan tâm đến với mọi người mà quên mình, hướng  con người biết  cảm  thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, biết sống vì người khác, tiến tới xây dựng một xã hội nhân ái, lành mạnh.

Tài liệu tham khảo

1. Aristotle (Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Bái dịch), Nghệ thuật thi ca, Nxb Lao động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2007.

2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1992.

3.  Toan Ánh, Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Hoa Đăng, Sài Gòn, 1969.

4. Minh Chi, Về sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam, Tạp chí Giao Điểm Hoa Kỳ, 1995.

5. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo đàng trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1995.

6. Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo, tập I, Viện Hóa Đạo xuất bản, Sài Gòn, 1970.

7. Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam Bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1996.

8. Hoàng Nam, Cải lương là gì? Ra đời trong hoàn cảnh nào?, nongnghiep.vn, 30-5-2021. 

9. Thích Đức Nhuận, Phật học tinh hoa, một tổng hợp đạo lý, Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1969.

10. Đình Quang, Về sân khấu Việt Nam, tập I, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.

11. Thích Nguyên Tạng, Ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống người Việt, thuvienhoasen.org, 28-1-2012.

12. Dương Kinh Thành (Giác Đạo), Bàn về nghệ thuật sân khấu Phật giáo (cải lương), Tập văn Thành Đạo, số 31, TP. HCM, tháng 1, 1995.

13.  Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức xuất bản, Sài Gòn, 1960.

14.  Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988.

15. Thùy Trang, NSND Bạch Tuyết: “Nghệ sĩ chỉ có giá trị khi nói lời thật với khán giả”, nld.com.vn, 9-5-2021.

NGUYỄN VIÊN THÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

;