Tình cờ chúng tôi gặp Sơn khi anh cùng tốp thợ đang cắt tóc miễn phí trên vỉa hè, ở đầu đường Đội Cung giao nhau với đường Lê Lợi (thành phố Huế). Lân la làm quen rồi hỏi chuyện, tôi thán phục việc làm thầm lặng của Sơn vì anh đã có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội trong nhiều năm qua.
Sơn cùng các cộng sự tham gia chương trình “Bàn tay ấm” ở huyện miền núi ĐaKrông (Quảng Trị)
Đó là Lê Văn Sơn, 27 tuổi, một chàng thanh niên trẻ nhưng có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 4 anh em ở phường Hương Hồ (thành phố Huế), được thừa hưởng môi trường giáo dục tốt của bố mẹ, từ nhỏ Sơn đã sớm bộc lộ phẩm chất tốt đẹp: sống chan hòa, giàu lòng nhân ái, biết yêu thương sẻ chia cùng bạn bè và những người xung quanh. Năm 2016 Sơn hữu duyên đến với nghề cắt tóc nam, anh được may mắn “thụ giáo” những thầy dạy nghề cắt tóc giỏi ở Huế, thêm tố chất thông minh, sự hoạt bát, nhanh nhẹn của tuổi trẻ… trình độ của Sơn ngày càng được khẳng định. Trò chuyện với chúng tôi, Sơn tâm sự: “Khi mới ra nghề, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, em chở đồ nghề dạo quanh phố phường để cắt tóc miễn phí. Khách hàng của em là những người vô gia cư, các chú xích lô, xe ôm, những người bán vé số và cả những anh shipper nữa, mục đích là để nâng cao tay nghề, tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm sống, vừa để rèn luyện sức khỏe đồng thời có cơ hội để giúp đỡ những người nghèo trong xã hội”. Lúc đầu, chỉ mình Sơn thực hiện việc cắt tóc dạo miễn phí, bình quân Sơn cắt tóc cho 5-7 người/ngày. Tiếng lành đồn xa, nay con số đã lên tới 8 thành viên (độ tuổi từ 16 đến 25) cùng Sơn tham gia đều đặn hoạt động thiện nguyện (cắt tóc miễn phí) cho nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau, chủ yếu là những lao động nghèo, người có thu nhập thấp, thậm chí cả những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở Huế và từ nhiều địa phương khác đến Huế lưu trú, trọ học. Năm 19 tuổi, Sơn mở tiệm cắt tóc riêng, lúc đầu chỉ là quán được dựng lên tạm bợ quanh quẩn ở quê nhà. Với tinh thần cầu tiến, tình yêu nghề tha thiết, thêm sự cần mẫn, tận tụy trong công việc nên tay nghề của anh ngày một nâng cao, không kém phần điêu luyện. Chỉ hai năm sau đó, Sơn đã trở thành ông chủ của một tiệm cắt tóc có tiếng ở xứ Huế: tiệm “Original Barber House” ở địa chỉ 29A Lê Hồng Phong (thành phố Huế), quản lý 8-10 thợ trẻ, hoạt động từ 7h sáng tới 22h tối.
Lê Văn Sơn đoạt giải Nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên cuộc thi “Barber of Central 2023” tại thành phố Đà Nẵng
Điều đáng nói là bên cạnh việc quản lý, điều hành nhân viên làm việc ở quán, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người, Sơn cùng các cộng sự của mình còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như cắt tóc miễn phí ở các địa điểm khác nhau trong thành phố Huế, trong đó có một địa điểm cố định được làm đều đặn từ nhiều năm nay là vỉa hè đầu đường Đội Cung - Lê Lợi (thành phố Huế) hoạt động từ 14h30 cho tới 19h00 trong các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hàng tuần. Trung bình mỗi ngày, tại điểm cắt tóc thiện nguyện này, có khoảng 3-4 thợ của Sơn túc trực và có hàng chục người nghèo được cắt tóc miễn phí. Sơn từng đoạt giải Nhất khu vực miền Trung - Tây nguyên cuộc thi “Barber of Central 2023” (tháng 10/2023) tại thành phố Đà Nẵng với phần thưởng trị giá 45 triệu đồng (Sơn đã trích hơn 50% trong số tiền thưởng đó gửi tới Trung ương MTTQ Việt Nam để tặng quà cho đồng bào các tỉnh phía Bắc bị bão lụt). Mới đây, tháng 9/2024, Lê Văn Sơn sang Malaysia tham gia cuộc thi cắt tóc nam châu Á mang tên “Barber Expo Asia” gồm 14 nước tham gia và Sơn đã đoạt giải Nhì. Có thể nói, sau các cuộc thi tầm cỡ đó, tên tuổi của Sơn ngày càng được nhiều nơi biết đến, đã có nhiều đối tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng… mời hợp tác trong lĩnh vực “Thời trang tóc”. Khi được hỏi tại sao không vào lập nghiệp ở các thành phố lớn để có nhiều cơ hội thăng tiến, tỏa sáng hơn, Sơn mỉm cười, đáp: “Em nghĩ, cắt tóc không chỉ đơn thuần là công việc làm đẹp cho mọi người. Em muốn ở lại để đào tạo cho quê hương nhiều bạn trẻ có tay nghề cao. Niềm vui hằng ngày của em là nhìn thấy các học trò của mình thành công, tiến bộ là em cảm thấy vui sướng và hạnh phúc vô ngần”. Nay, Lê Văn Sơn đã là Chủ tịch Nghiệp đoàn ngành tóc thành phố Huế. Một chàng trai trẻ có tài năng vượt trội, giàu tâm huyết, đam mê theo đuổi nghề tóc. Trong suy nghĩ, công việc và cuộc sống, Sơn luôn hướng tới “Chân-Thiện-Mỹ” với phương châm: “Làm đẹp cho đời, giúp người thì cuộc sống của mình càng thêm ý nghĩa bội phần”. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Lê Văn Sơn cùng các cộng sự trong tiệm cắt tóc của mình đã tham gia nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện mang giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc, như: Tham gia chương trình thiện nguyện mang tên “Áo ấm mùa đông”, “Bàn tay ấm” cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới (thành phố Huế), huyện Đa-Krông (Quảng Trị), cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân tâm thần của bệnh viện tâm thần Phạm Thị Liên (thành phố Huế), cho các cháu ở làng trẻ em SOS Huế và các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Huế. Ngoài ra, Sơn còn phối hợp với đội công tác xã hội trường Đại học Luật (ĐH Huế), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Phú Hội (thành phố Huế) để cắt tóc miễn phí cho người nghèo, lang thang cơ nhỡ…
Em Trần Đình Tuấn, sinh viên năm thứ 3, khoa Toán trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) tâm sự: “Em ở Hà Tĩnh vào Huế trọ học, gia đình đông anh em, bố mẹ em làm nghề nông nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Mấy năm nay em được anh Sơn cắt tóc miễn phí, không chỉ cá nhân em mà còn rất nhiều bạn sinh viên ở trong trường cũng được đội cắt tóc thiện nguyện của anh Sơn giúp đỡ. Em vô cùng cảm động và biết ơn các anh nhiều lắm!”. Còn ông Lê Thọ, 67 tuổi, trú phường Phú Bình (thành phố Huế) làm nghề đạp xích lô, cho biết thêm: “Tháng nào tôi cũng ghé “tiệm hớt tóc” miễn phí của cháu Sơn để hớt tóc, cạo râu. Tôi thấy cháu làm rất nhẹ tay, mềm mại và đối xử rất lễ phép, vừa làm vừa ân cần hỏi thăm sức khỏe, công chuyện làm ăn của tôi và gia đình. Tôi mong rằng trong xã hội chúng ta ngày càng có thêm nhiều người trẻ cũng có tấm lòng thương người như cháu Sơn thì tốt đẹp biết bao”. Vâng, ở mảnh đất cố đô Huế, rất nhiều người trong giới trẻ biết đến và luôn cảm thấy tự hào vì có một người con của quê hương như Sơn đang tỏa sáng trong ngành thời trang tóc, một thanh niên có trái tim nhân hậu, nồng ấm và yêu thương.
Trước khi bắt tay chào tạm biệt, Sơn nhìn tôi với nụ cười trìu mến: “Hãy cho nhau những gì ta đang có / Nhỡ mai này không có để cho nhau”.
Bài và ảnh: VÕ VĂN DẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025