Làng La Chữ thuộc phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km. Trải qua hơn 650 năm hình thành và phát triển (từ cuối thời Trần), La Chữ đã có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gắn chặt với các yếu tố nội sinh để tạo nên một không gian văn hóa riêng, tiêu biểu cho văn hóa làng xã cố đô và có vị thế trong lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế. Chính vì thế, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân thôn La Chữ luôn quan tâm, bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa nhằm góp phần giáo dục thế hệ sau về truyền thống, lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, xứng danh là vùng đất làng văn vật đất thần kinh.
Làng La Chữ nhìn từ trên cao
Xây dựng môi trường văn hóa trên nền tảng di sản
Làng La Chữ là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Hiện làng có 2 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là đình và chùa La Chữ, 22 di tích lịch sử văn hóa có giá trị phân bố rãi rác trên địa bàn của làng như: đình, chùa, bia tưởng niệm, chuông chùa Tây Sơn, di tích Trường Thi; hệ thống sắc phong; các di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ; các giá trị văn hóa dân gian như: mục thần, văn tế của các đình, các nhà thờ họ... Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là biểu tượng cho quá trình hình thành, phát triển mà còn thể hiện rõ chiều sâu văn hóa của vùng đất văn vật chốn thần kinh xưa. Đây được xem là một thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho La Chữ khai thác, phát huy giá trị trong quá trình phấn đấu xây dựng làng trở thành làng phát triển “kiểu mẫu” mạnh về kinh tế, giàu về văn hóa của phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà. Nhận thức được điều này, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND phường Hương Chữ, Hội đồng tộc trưởng của làng luôn chú trọng công tác bảo vệ, tôn tạo, khai thác giá trị di sản bằng nhiều nội dung và phương thức phù hợp nhằm phát huy lợi thế về văn hóa nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng trong xây dựng môi trường văn hóa của làng, phục vụ du lịch cộng đồng, giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đình làng La Chữ - trung tâm văn hóa quan trọng bậc nhất của làng, mang đậm sắc thái triều Lê với sự kế tục văn hóa Thăng Long ở miền Bắc, trải qua nhiều biến thiên, đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Hiện đình là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng thôn La Chữ. Chính quyền địa phương phối hợp với Hội đồng tộc trưởng của làng để tuyên truyền đường lối - chủ trương, của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào văn hóa văn nghệ, Ngày chủ nhật xanh. Đình cũng là nơi diễn ra nghi lễ Xuân kỳ, Thu tế của làng được duy trì qua hàng trăm năm và trở nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa trong đời sống người dân.
Mùa sen làng La Chữ
Vốn nổi danh là vùng đất học của xứ thần kinh xưa nay, làng La Chữ vẫn còn dấu tích của Trường thi La Chữ với cuộc nổi dậy của thí sinh chống lại sự bất công của các vị chánh, phó chủ khảo năm 1884. Theo sách Quốc triều khoa bảng và Đăng khoa lục, làng La Chữ có 18 cử nhân làm việc ở kinh thành với nhiều cống hiến cho đất nước. La Chữ gắn liền với nhiều dòng họ danh gia vọng tộc như Nguyễn Tiến (Tấn), Lê Công, Lê Phú, Lê Đình, Trần Hữu… Đặc biệt nổi tiếng là họ Hà - cống hiến nhiều công thần văn võ cho triều đình nhà Nguyễn mà đến nay trong dân gian vẫn còn lưu câu “Thân vô gia/ Hà vô dân”, ý nói dòng họ Thân không ở nhà bình thường mà ở phủ, còn họ Hà không làm dân bởi đa số đều làm quan từ to đến nhỏ, hay xếp theo thứ tự có câu “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà”.
Một di sản quan trọng của làng La Chữ có giá trị nổi bật trong đời sống cộng đồng là chùa La Chữ, chùa được xây dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687). Nơi đây, còn lưu giữ đại hồng chung (quả chuông đồng) do Điện Tiền Thái Bảo giá ngự Quận công Võ Văn Dũng và chánh thất phu nhân bà Lê Thị Vy cùng Hội thư lê Công học tạo dựng vào năm Quang Trung thứ 4 (1791) - quả chuông đồng quý hiếm cuối cùng của triều đại Tây Sơn trên địa bàn thành phố Huế. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tiếng chuông ấy vẫn vang vọng mãi vào tâm thức của mỗi người con La Chữ, như một sợi keo vô hình gắn chặt những giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng, phát huy những sức mạnh đoàn kết, lòng tự hào quê hương, xứ sở để cùng nhau xây đắp cuộc sống hạnh phúc.
Xây dựng quê hương giàu mạnh, “đáng sống”
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Hương Trà, Hội đồng tộc trưởng của làng, các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam đã hình thành ở đây. Người dân La Chữ lối sống văn hóa, tự chủ, ý thức, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, chân - thiện - mỹ.
Khách Tây trải nghiệm du lịch cộng đồng tại làng La Chữ
La Chữ được coi là nơi hội tụ linh khí của trời đất. Theo sử liệu của làng, khi đến khai khẩn, thấy một vùng đất bằng phẳng trải dài bên đầm nước mênh mang, những vị tổ khai canh bèn đặt tên cho làng là La Chữ, tức tấm lụa phẳng trải dài bên bến nước hay bến lụa như người dân ở đây vẫn thường gọi. Và năm 2023, làng La Chữ nằm trong top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ trên cao trong chương trình top 7 ấn tượng Việt Nam.
Ngày nay, người dân La Chữ luôn nỗ lực không ngừng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng, của quê hương, ra sức phát triển kinh tế - xã hội, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp - văn minh, trở thành làng quê đáng sống. Nhờ sự tiếp sức của chính quyền, đời sống kinh tế - xã hội phát triển. Các thiết chế văn hóa làng truyền thống như đình, chùa, chợ, cổng làng… theo đó cũng có sự thay đổi, được trùng tu, tôn tạo. Các lễ hội, trò vui truyền thống bổ sung nhiều hoạt động mang hơi thở cuộc sống đương đại, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Ông Lê Đình Lanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hương Chữ cho biết: La Chữ là một làng quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa, người dân hiếu học, cần cù trong lao động, chính quyền đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế của địa phương, để người dân là trung tâm, chủ thể, hưởng lợi, tích cực tham gia đóng góp công sức, vật chất xây dựng các công trình, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Văn hóa làng xã cũng như lối sống và cốt cách đã làm nên bản sắc riêng có của con người xứ Huế, cần được bồi đắp, phát huy trong thời đại mới và được ví như sợi dây gắn kết, “níu giữ” đạo đức, nguồn cội. Trên tinh thần đó, La Chữ vẫn duy trì, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp chính là những yếu tố quan trọng, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương tha thiết, để làng quê La Chữ trở thành nơi lưu giữ bản sắc văn hóa nguồn cội của cộng đồng, trở thành một chốn yên bình trong mỗi người dân.
Bài và ảnh: HẰNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025