Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lữ hành bền vững ở Việt Nam

Du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp lớn nhất toàn cầu và phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều việc làm và mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế. Ở các nước đang phát triển, doanh nghiệp lữ hành (DNLH) đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của ngành Du lịch, vì DNLH chính là cầu nối giữa khách du lịch và điểm đến. DNLH có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn và hành vi của khách hàng bằng cách định hướng dòng khách du lịch, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và phát triển các điểm đến ở trong khu vực mục tiêu. Tiếp cận từ góc độ là cầu nối giữa cung và cầu du lịch, các công ty lữ hành kết nối bên cung (nhà cung cấp dịch vụ) và bên cầu (khách du lịch) về du lịch. Công ty lữ hành là nhân tố chính trong hệ thống du lịch, liên kết giữa khách du lịch và điểm đến. Do đó, về nhiều mặt, các công ty lữ hành là chìa khóa để đạt được các hình thức du lịch bền vững hơn.

1. Thực trạng, nhu cầu phát triển DNLH bền vững ở Việt Nam

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành Du lịch, số lượng các DNLH ngày càng tăng. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), tính đến hết năm 2022, cả nước có 2.894 DNLH quốc tế, tăng 837 doanh nghiệp so với năm 2021. Trong đó có 1.024 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.839 công ty TNHH, 4 doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Theo kết quả điều tra ngẫu nhiên của Bộ VHTTDL đối với 300 DNLH trên khắp cả nước, 249 doanh nghiệp tương đương với 83% DNLH có số lao động bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu không quá 10 tỷ đồng/ năm. Chính vì là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ nên mặc dù gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho rằng thực hành bền vững trong hoạt động kinh doanh lữ hành là rất cần thiết, nhưng vì khả năng tài chính yếu, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn, khiến cho sự quan tâm và đầu tư vào phát triển bền vững doanh nghiệp chưa được chú trọng.

Thực tế cho thấy, phát triển bền vững hiện nay đang trở thành một hướng đi tất yếu, đặc biệt đối với bối cảnh của ngành Du lịch, vì du lịch tăng trưởng mang đến giá trị to lớn về kinh tế và việc làm, song cũng gia tăng các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, từ việc tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm và phát sinh chất thải. Các hoạt động du lịch cũng có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy văn hóa địa phương và giới thiệu các hoạt động không mong muốn như ma túy và mại dâm. Do vậy, với vai trò, vị trí trung tâm trong hệ thống du lịch, cách các DNLH thực hành bền vững ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững của ngành Du lịch.

Vậy như thế nào là một DNLH bền vững? Theo kết quả nghiên cứu và điều tra, khảo sát của Bộ VHTTDL tiến hành từ tháng 7 đến tháng 9-2023, gần 90% cơ quan quản lý về du lịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 85,3% DNLH được hỏi thống nhất với ý kiến cho rằng: DNLH bền vững là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành và có 5 đặc điểm sau: có mô hình quản lý với mục tiêu là cung cấp giá trị lâu dài cho các bên liên quan mà không ảnh hưởng đến con người, hành tinh hoặc nền kinh tế; chú trọng thực hiện các hành động làm giảm tác động đến môi trường và lượng khí thải carbon; trong quá trình hoạt động kinh doanh luôn tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan như nhà cung cấp, nhân viên và cộng đồng địa phương; thực hiện trách nhiệm xã hội ở cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp; thực hành các phương thức kinh doanh bền vững để thúc đẩy lợi nhuận dài hạn thông qua các hoạt động tuân thủ pháp luật và quản trị tốt công ty.

Từ đó có thể thấy quan điểm, nhận thức về DNLH bền vững và mức độ cần thiết của việc phát triển DNLH bền vững là khá thống nhất trong cả khối quản lý nhà nước và khối doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện chưa có bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá, thực hành phát triển DNLH bền vững tại Việt Nam khi 88,7% đại diện các sở quản lý du lịch trên cả nước trả lời địa phương chưa có; 9,4% đang xây dựng; chỉ có 1 tỉnh tương đương với 1,9% địa phương trả lời đã có bộ tiêu chí. Và cũng theo kết quả khảo sát, đa số các chuyên gia đều cho rằng sẽ thật hữu ích nếu Việt Nam có một bộ tiêu chí khung, trong đó, gợi ý các chỉ số đánh giá tính bền vững của DNLH để địa phương, DNLH tham khảo.

2. Nguyên tắc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá DNLH bền vững ở Việt Nam

Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá DNLH bền vững là rất cần thiết đối với phát triển DNLH bền vững nói riêng và phát triển bền vững du lịch Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, để Bộ tiêu chí có thể áp dụng thực hiện trong thực tế và được các DNLH đón nhận, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Phù hợp với bối cảnh của Du lịch Việt Nam và DNLH Việt Nam

Bối cảnh du lịch Việt Nam có những đặc điểm riêng, bao gồm văn hóa, môi trường, kinh tế, và xã hội mà DNLH cần tôn trọng và phản ánh trong chiến lược và hoạt động của họ. Tiêu chí đánh giá phải phù hợp với những yếu tố này để đảm bảo tính khả thi và thực tế của quá trình đánh giá.

Cần xem xét đến độ lớn và quy mô của các DNLH Việt Nam để đảm bảo rằng tiêu chí đánh giá không tạo ra rào cản không cần thiết hoặc không công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cần giúp cho các DNLH đều có cơ hội tuân thủ và tham gia vào quá trình đánh giá bền vững. Điều này quan trọng để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp tham gia vào việc thúc đẩy bền vững trong ngành Du lịch.

Bộ Tiêu chí cần giúp hỗ trợ phát triển bền vững. Bằng cách phù hợp với quy mô và năng lực của DNLH Việt Nam, tiêu chí đánh giá có thể cung cấp hướng dẫn cụ thể để các DNLH cải thiện hiệu suất bền vững và tối ưu hóa tài nguyên một cách hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành.

Cần linh hoạt và đáp ứng sự biến đổi liên tục của ngành Du lịch. Trong bối cảnh ngành Du lịch có thể thay đổi theo thời gian do nhiều yếu tố, chẳng hạn như tình hình kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, và sự thay đổi trong hành vi của khách hàng. Việc có nguyên tắc phù hợp giúp các doanh nghiệp dễ dàng thích nghi và đáp ứng những thách thức và cơ hội mới.

Đảm bảo tính phù hợp giữa các tiêu chí đánh giá và bối cảnh địa phương giúp xây dựng sự hợp tác và cam kết của toàn bộ ngành Du lịch Việt Nam vào việc thúc đẩy bền vững. Khi tất cả mọi người hoàn toàn thấu hiểu và đồng tình với tiêu chí đánh giá, họ sẽ dễ dàng tham gia và hỗ trợ các nỗ lực bền vững.

Nguyên tắc khả thi

Tiêu chí đánh giá phải có khả năng áp dụng trong thực tế, nếu quá phức tạp hoặc không thực tế, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện và tuân thủ. Điều này có thể dẫn đến sự bất hợp tác từ phía doanh nghiệp, gây thất bại trong việc thực hiện các biện pháp bền vững.

Cần cân nhắc đến bối cảnh giới hạn nguồn lực của các doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn quá phức tạp và cần nhiều nguồn lực có thể là không khả thi cho nhiều DNLH, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể tạo ra cạnh tranh bất công bằng và loại trừ nhiều doanh nghiệp, đi ngược lại với mục tiêu phát triển bền vững.

Tiêu chí đánh giá khả thi cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển và cải tiến các khía cạnh bền vững của họ. Nó không phải chỉ đánh giá, mà còn phải cung cấp hướng dẫn và khuyến nghị cách cải thiện.

Tính định lượng

Các tiêu chí đánh giá định lượng cho phép đo lường một cách cụ thể và so sánh giữa các DNLH. Điều này giúp tạo ra sự minh bạch và tạo ra cơ hội để so sánh hiệu suất bền vững của các doanh nghiệp khác nhau.

Sử dụng các chỉ số định lượng cho phép theo dõi tiến bộ theo thời gian. Nếu không, việc đánh giá và theo dõi sẽ trở nên không hiệu quả. Tiêu chí cần được thiết kế để có thể tạo ra dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá sự tiến bộ và hiệu suất của doanh nghiệp theo thời gian. Từ đó doanh nghiệp có thể xác định được liệu họ đang cải thiện hay làm tồi tệ hơn về các khía cạnh bền vững và điều chỉnh chiến lược của họ dựa trên dữ liệu này.

Chỉ số định lượng có thể hỗ trợ quyết định chiến lược và đầu tư của doanh nghiệp. Chúng cung cấp dữ liệu cơ bản để xác định các vùng mục tiêu cần cải thiện và tối ưu hóa tài nguyên.

Chỉ số định lượng có thể tạo động lực cho doanh nghiệp và nhân viên để nâng cao hiệu suất bền vững. Chỉ số định lượng được đo lường và so sánh giữa các doanh nghiệp, họ có thể cạnh tranh để cải thiện vị thế của mình.

Các chỉ số định lượng cung cấp dữ liệu cụ thể để chứng minh cho các bên liên quan, bao gồm cổ đông, khách hàng, chính phủ, về việc doanh nghiệp đang thực hiện các cam kết về bền vững.

3. Nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí

Hiện nay, trên thế giới có khá nhiều bộ tiêu chí giúp đánh giá tính bền vững của các DNLH, chẳng hạn như các Bộ Tiêu chí của Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC), được quốc tế công nhận. Travelife dành cho các công ty lữ hành là một chương trình được GSTC công nhận và đặc biệt nổi tiếng ở châu Âu, trong khi Good Travel Seal cung cấp các tiêu chí hợp lý hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. TourCert cung cấp các chương trình cho cả DNLH và cơ sở lưu trú. Hầu hết các bộ tiêu chí đều tập trung đánh giá mức độ thân thiện, trách nhiệm của các doanh nghiệp du lịch với môi trường, văn hóa xã hội và cộng đồng. Theo Sherma Roberts & John Tribe (2008), bốn khía cạnh của tính bền vững là: kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội và quản lý/ thể chế.

Tính bền vững về kinh tế đề cập đến khả năng tạo ra lợi nhuận của một doanh nghiệp để tồn tại và mang lại lợi ích cho các hệ thống kinh tế ở cấp địa phương và quốc gia. Các chỉ số như khả năng sinh lời kinh doanh/ ổn định tài chính nội bộ, rò rỉ ngoại hối, liên kết ngành trong nước và việc làm được coi là các chỉ số bền vững hữu ích cho khía cạnh này.

Tính bền vững về môi trường được coi là hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần bảo tồn và gìn giữ môi trường tự nhiên và nhân tạo theo cách mà sức khỏe và tính toàn vẹn của nó được duy trì vì sự thịnh vượng trong tương lai của điểm đến. Do đó, các vấn đề quản lý môi trường về nước, chất thải rắn, năng lượng và ô nhiễm được đưa vào làm tiêu chí để đánh giá mức độ bền vững về môi trường của một doanh nghiệp du lịch bền vững. Khía cạnh quản lý/ thể chế của tính bền vững được ngụ ý, nhưng thường không được trình bày rõ ràng, đặc biệt đề cập đến phát triển năng lực liên quan đến nghiên cứu và phát triển và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm trong khía cạnh này là các vấn đề liên quan đến quản lý, đào tạo nhân viên và tiếp cận tài chính.

Tính bền vững về văn hóa, xã hội là một trong những khía cạnh khó xác định nhất, cũng như các vấn đề chính liên quan đến khía cạnh này, đặc biệt là về thực tiễn kinh doanh bền vững. Các nền văn hóa liên tục phát triển, do đó, các ý nghĩa được gán cho một số hoạt động truyền thống có thể bị thay thế và thay thế. Về vấn đề này, tính bền vững trở thành một khái niệm khó áp dụng cho các nền văn hóa. Theo Bhaire & Elliott-White (1999) và Murphy (1985), khái niệm cộng đồng là không thể thiếu đối với sự bền vững về văn hóa xã hội hiện được coi là một hiện tượng phức tạp (mà định nghĩa của nó không còn được khái niệm hóa đơn giản theo thuật ngữ địa lý.

Tính bền vững về quản lý/ thể chế đề cập đến quy trình và cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực nhằm thiết lập mục tiêu cũng như những định hướng chiến lược. Mặc dù nguồn lực của một doanh nghiệp là khá đa dạng, nhưng khía cạnh này của các doanh nghiệp du lịch (lữ hành) chủ yếu tập trung vào nguồn lực con người (nhân lực) và nguồn lực tài chính (vật lực).

Khi một DNLH quyết định tích hợp các nguyên tắc bền vững vào thực tiễn kinh doanh của mình, cần thay đổi những gì và làm thế nào để thực hiện điều đó có thể là một thách thức. Để xác định các chiều cạnh có thể thực hành tính bền vững của DNLH, UNEP (2005) đã chia các hoạt động kinh doanh của DNLH thành 5 lĩnh vực hành động, cụ thể:

Quản lý nội bộ: Ở cấp độ cơ bản nhất, các thực hành bền vững có thể được áp dụng cho các hoạt động diễn ra trong trụ sở chính của công ty và tại các văn phòng, chi nhánh của công ty đó. Những thay đổi có thể bao gồm việc sử dụng giấy được sản xuất bền vững cho tài liệu quảng cáo, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và sản xuất chất thải, đồng thời đảm bảo điều kiện làm việc có thể chấp nhận được của nhân viên.

Phát triển và quản lý sản phẩm: sự lựa chọn dịch vụ, tuyến đường và hoạt động của DNLH cho các sản phẩm của họ quyết định tính bền vững của các kỳ nghỉ mà nhà điều hành cung cấp. Thách thức ở đây là thiết kế các gói kỳ nghỉ có gánh nặng môi trường và xã hội thấp hơn trong khi vẫn mang lại lợi nhuận kinh tế có thể chấp nhận được.

Quản lý chuỗi cung ứng: Hầu hết các yếu tố của gói kỳ nghỉ được cung cấp bởi các nhà cung cấp được DNLH ký hợp đồng phụ. Do đó, việc lựa chọn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ là cơ hội quan trọng để ảnh hưởng đến tính bền vững của sản phẩm. Các hành động ở đây có thể bao gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn bền vững với sự tham vấn của các nhà cung cấp, đánh giá họ về hiệu suất của họ, hỗ trợ các cải tiến và cung cấp các động lực để đáp ứng các tiêu chuẩn.

Quan hệ khách hàng: các DNLH có thể giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề bền vững bằng cách cung cấp thông tin về hành vi phù hợp, chẳng hạn như mua các sản phẩm địa phương, tôn trọng các chuẩn mực văn hóa địa phương và tránh các tác động môi trường như xả rác hoặc làm phiền động vật hoang dã.

Hợp tác với các điểm đến: các nhà điều hành tour du lịch, cá nhân hoặc thông qua các diễn đàn ngành chung, có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của các điểm đến bằng cách hỗ trợ việc ra quyết định bền vững của chính quyền điểm đến và các tác nhân địa phương khác và bằng cách tham gia vào các hoạt động từ thiện.

Như vậy, việc xây dựng tiêu chí đánh giá DNLH bền vững là rất cần thiết trong bối cảnh của Du lịch Việt Nam hiện nay góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành Du lịch, song, để bộ tiêu chí có thể triển khai trong thực tế và được đông đảo các DNLH đón nhận, bộ tiêu chí cần đảm bảo các nguyên tắc và có nội dung phù hợp với bối cảnh du lịch Việt Nam nhưng vẫn tương đồng với chuẩn mực quốc tế, được khách du lịch, đối tác và các tổ chức du lịch trên thế giới thừa nhận.

_______________________

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Du lịch, Thông tin Du lịch tháng 12-2022. images.vietnamtourism.gov.vn.

2. Bộ VHTTDL, Báo cáo kết quả điều tra phục vụ xây dựng, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển doanh nghiệp lữ hành bền vững ở Việt Nam”, 2023.

3. Bộ VHTTDL, Kỷ yếu Hội thảo “Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lữ hành bền vững”, 2023.

4. Roberts, S., & Tribe, J., Sustainability indicators for small tourism enterprises - An exploratory perspective (Các chỉ số bền vững cho doanh nghiệp du lịch nhỏ - Góc nhìn mang tính khám phá), Tạp chí Du lịch bền vững, số 16 (5), 2008, tr.575-594.

5. UNEP, Intergrating sustainability into business: A Management Guide for Responsible Tour Operations (Lồng ghép tính bền vững trong kinh doanh: Hướng dẫn quản lý doanh nghiệp lữ hành có trách nhiệm), digitallibrary.un.org, 2005.

ĐOÀN THỊ THẮM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;