35 tập thể và cá nhân được vinh danh trong Lễ Tổng kết và trao giải Phát triển văn hóa đọc lần thứ VII

Sáng 7-5, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Phát triển văn hóa đọc lần thứ VII năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm dự và chỉ đạo buổi lễ.

Các đại biểu tham dự buổi lễ - Ảnh: Tuấn Minh

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Hội Thư viện Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thư viện tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương...

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm khẳng định: Đọc sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức nhân loại, là nền tảng để khai mở tư duy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực bản thân và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Một dân tộc có văn hóa đọc sâu rộng là một dân tộc có nội lực phát triển mạnh mẽ, có khả năng đổi mới sáng tạo bền vững, có bản lĩnh để thích ứng và vươn lên trong một thế giới đầy biến động. Vì thế, phát triển văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành Văn hóa hay thư viện - đó là sứ mệnh chung của cả xã hội, là nền móng cho quá trình xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới. Giải thưởng lần này, số lượng hồ sơ đề cử tăng tới 33% so với năm trước, cho thấy văn hóa đọc đang từng bước thẩm thấu sâu rộng hơn vào đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa; từ trường học, đơn vị hành chính, đến doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và cả những thư viện do chính người dân sáng lập, duy trì.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Tuấn Minh

Thứ trưởng Phan Tâm kêu gọi các cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp và từng người dân chung tay phát triển văn hóa đọc, tiếp tục sáng tạo những mô hình tiếp cận sách đa dạng để mở rộng “vùng phủ sóng” của văn hóa đọc đến từng mái nhà, từng lớp học, từng phân xưởng, từng vùng quê.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, với vai trò là cơ quan thường trực, sẽ tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, tham mưu với Bộ để ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác phát triển văn hóa đọc; đề xuất các chính sách thiết thực để hỗ trợ các mô hình thư viện cơ sở, đặc biệt là thư viện cộng đồng do người dân chung tay gây dựng; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để Giải thưởng trở thành động lực mạnh mẽ, cổ vũ cho những hành động đẹp, những sáng kiến ý nghĩa trên cả nước.

Giải thưởng phát triển văn hóa đọc được Bộ VHTTDL tổ chức hằng năm nhằm kịp thời tôn vinh những đóng góp quý báu của các tổ chức, cá nhân đối với phát triển văn hóa đọc, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa đọc tại bộ, ngành, địa phương, các vùng miền và trong cộng đồng. Thông qua hoạt động đọc để lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp đến với cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, giải trí, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy khát vọng cống hiến trong mỗi con người Việt Nam nhằm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ban Tổ chức trao giải đến các cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc - Ảnh: Tuấn Minh

Trước đó, Bộ VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn việc xét tặng giải thưởng phát triển văn hóa đọc gửi tới các bộ, ngành, địa phương từ tháng 11-2024 và nhận được 118 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng, trong đó có 69 hồ sơ tập thể (khối thư viện công cộng 12 hồ sơ, khối cơ sở giáo dục 39 hồ sơ, thư viện cộng đồng 2 hồ sơ, khối lực lượng vũ trang 2 hồ sơ, khối doanh nghiệp 4 hồ sơ); 49 hồ sơ cá nhân (22 hồ sơ là lãnh đạo quản lý và viên chức khối thư viện công cộng; 24 hồ sơ khối cơ sở giáo dục, 2 hồ sơ từ lực lượng vũ trang, 1 hồ sơ từ khối thư viện cộng đồng).

Căn cứ vào Quy chế Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc và thành tích đạt được của các tập thể và cá nhân, Hội đồng xét tặng đã đề xuất trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL trao tặng giải thưởng cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc, nhằm kịp thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp nỗ lực cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phát huy hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Ban Tổ chức trao giải đến các tập thể có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh: Tuấn Minh

Tại buổi lễ, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Số 1, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai Trần Thị Minh Hậu đã chia sẻ quá trình xây dựng môi trường đọc, hình thành thói quen đọc cho học sinh với các sáng kiến, giải pháp đã được áp dụng như: Triển khai chương trình “Kiến tạo hệ sinh thái đọc sách”; Tạo “Kênh cùng bạn đọc sách”; Thành lập “Câu lạc bộ Green Book”; Xây dựng các trạm đọc nơi công cộng; Kết nội học liệu số - Thắp lửa sáng tạo cùng công nghệ AI. Giải thưởng này là một vinh dự lớn lao, đó là lời nhắc nhở: vẫn còn biết bao nơi sách chưa đến, biết bao người vẫn đang chờ, được chạm tới ánh sáng của tri thức. Bà sẽ luôn cùng đồng nghiệp và các bạn học sinh tiếp tục vun trồng văn hóa đọc mỗi ngày với một niềm tin “Sách có thể chắp cánh cho những ước mơ tưởng chừng xa vời nhất, để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Giáo viên Trần Thị Minh Hậu chia sẻ kinh nghiệm tại buổi lễ - Ảnh: Tuấn Minh

Giám đốc Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thị Mỹ Phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình phát triển văn hóa đọc của đơn vị mình. Theo bà, những năm qua, Thư viện đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động đa dạng, nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện: Đa dạng hóa tài liệu đọc phù hợp với nhu cầu của người sử dụng thư viện; Tổ chức các dịch vụ nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin; Triển khai ứng dụng công nghệ để phát triển văn hóa đọc; Chú trọng tăng cường công tác truyền thông, duy trì các hoạt động “giới thiệu sách hay mỗi ngày”...

Giám đốc Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thị Mỹ Phương chia sẻ kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc tại buổi lễ - Ảnh: Tuấn Minh

Cũng trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và trao giải thưởng, Ban tổ chức đã trưng bày một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc và các bài dự thi Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày - Ảnh: Hồng Vân

Không gian trưng bày các tác phẩm đạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 - Ảnh: Hồng Vân

 

HỒNG VÂN

;