Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, mỗi cộng đồng đều có những bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của đất nước. Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ cấp thiết, nhằm bảo tồn những tinh hoa dân tộc và vun đắp sự gắn kết cộng đồng. Phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với PGS, TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Dưới đây là những phân tích, đánh giá của PGS, TS Lâm Nhân.

 Cần giữ gìn cội rễ văn hóa dân tộc thiểu số

Nói đến đồng bào các dân tộc thiểu số, chúng ta nghĩ ngay đến vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, những nơi cư trú lâu đời của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như Chơ-ro, Mạ, Xtiêng, Khmer, Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Cơ-ho, Chu-ru… Mỗi tộc người đều mang trong mình những giá trị văn hóa riêng biệt, cùng tạo nên một bối cảnh phong phú và đặc sắc trong tổng thể văn hóa Việt Nam.

Tinh thần cộng đồng, tổ chức xã hội truyền thống là những giá trị nổi bật của dân tộc thiểu số. Những đơn vị tổ chức xã hội cơ bản như bon, làng thể hiện rõ tính cộng cư, cộng canh, cộng hưởng về lao động và đời sống. Người dân theo đó sống chan hòa, cùng tổ chức lễ hội, cùng sản xuất và chia sẻ thành quả. Thái độ “sống chung, làm chung, hưởng chung” ấy tạo nên sự bền vững trong cấu trúc xã hội truyền thống, đồng thời hình thành những bản sắc văn hóa riêng, đáng trân trọng, cần được bảo tồn, phát huy trong xã hội ngày nay.

Ngày hội của đồng bào Tây Nguyên

 Những biểu hiện, đặc điểm của văn hóa dân tộc thiểu số

Trước hết, không gian cư trú và tín ngưỡng là phần cốt lõi trong đời sống văn hóa các tộc người. Họ gắn bó mật thiết với rừng, suối, nương rẫy, xem đó là những không gian sinh tồn và thiêng liêng. Qua đó, các cộng đồng như người Mạ, X’tiêng, Ê Đê hay Ba Na đã hình thành những hệ thống tín ngưỡng dân gian đặc trưng, phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên. Những nghi lễ như cúng thần rừng, thần lúa, lễ mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa, cầu sức khỏe… không chỉ thể hiện lòng cảm ân các thế lực siêu nhiên, mà còn là cách thể hiện tôn trọng môi trường sống.

Về ngôn ngữ và nghệ thuật dân gian, các tộc người sử dụng hai hệ ngôn ngữ lớn là Nam Á và Nam Đảo, với những nhóm địa phương có màu sắc riêng biệt. Văn học truyền miệng phát triển mạnh, với các thể loại như kể khan (truyện sử thi), hát dân ca, đối đáp, các bài ca lao động, ca ngợi tình yêu, nghi lễ... Đặc biệt, hệ thống nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc rất đa dạng, từ múa nghi lễ, múa vòng, múa trống đến các loại nhạc cụ truyền thống cồng chiêng, khèn bầu, đàn đá, kèn môi… Tất cả đã tạo nên những nền tảng giá trị văn hóa độc đáo, riêng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2005.

Tập quán, nghi lễ, lễ hội dân gian, tri thức truyền thống, nghề thủ công… luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Các lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ lập làng mới, lễ mừng nhà mới… không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng tái hiện tri thức bản địa trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, như canh tác luân canh, săn bắt hái lượm, nuôi gia súc, dệt vải, làm rượu cần, chữa bệnh bằng phương pháp y học truyền thống từ những sản vật của rừng. Những tri thức này được trao truyền qua nhiều thế hệ, vừa mang giá trị kinh nghiệm, vừa phản ánh sự thích ứng cao với môi trường tự nhiên.

                                                  Ngày hội của đồng bào Chăm  vùng Đông Nam Bộ

 Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa và sự dịch chuyển mạnh mẽ của các giá trị xã hội, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đối diện với nguy cơ mai một nhanh chóng. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số một cách hiệu quả, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện, kết hợp giữa chính sách, cộng đồng và công nghệ, đảm bảo tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại.

Thứ nhất, tôn trọng cộng đồng, tăng quyền cho cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa. Phải thấy rõ bảo tồn văn hóa không chỉ dừng lại ở việc “bảo tàng hóa” các quy ước thực hành văn hóa hay nghi lễ dân gian. Phải thấy rõ mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số là chủ thể văn hóa, gìn giữ và tái tạo văn hóa một cách sống động. Vì vậy, cần đặt cộng đồng bản địa vào vị trí trung tâm trong mọi chính sách và chương trình văn hóa. Cộng đồng tự quyết định cách gìn giữ, biểu đạt và phát huy giá trị văn hóa của mình, là giải pháp căn bản nhất.

Thứ hai, cần tích hợp giáo dục, truyền dạy, ứng dụng, để giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số. Việc đưa nội dung văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục phổ thông, nhất là các trường vùng dân tộc thiểu số, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn tiếng nói, phong tục, tập quán truyền thống. Bên cạnh đó, cần phát triển các hình thức giáo dục cộng đồng, như mở lớp dạy tiếng dân tộc, nghề thủ công, nhạc cụ truyền thống do các nghệ nhân, già làng, thầy cúng… đảm nhiệm. Đây là những “trường học cộng đồng” thiết thực, giúp truyền nối tri thức bản địa một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn sinh hoạt của người dân.

Thứ ba, tích cực ứng dụng công nghệ và truyền thông số, lấy công nghệ số làm công cụ mở ra không gian mới để lưu giữ, lan tỏa và sáng tạo di sản văn hóa. Việc số hóa ngôn ngữ, tri thức dân gian, lễ hội, truyện cổ, nhạc cụ, làng nghề… thông qua phim tài liệu, audio, podcast, hoặc ứng dụng di động sẽ giúp bảo tồn tri thức và giúp lớp trẻ tiếp cận tốt hơn các giá trị văn hóa dân tộc.

Thứ tư, gắn bảo tồn với phát triển sinh kế và du lịch cộng đồng

Một trong những xu hướng quan trọng là gắn bảo tồn với việc phát triển kinh tế địa phương. Việc mở những tour trải nghiệm đời sống bon làng, tham gia lễ hội, học nghề dệt, nấu món ăn truyền thống, hikking, trekking... vừa giúp quảng bá văn hóa bản địa vừa tạo nguồn thu nhập cho người dân; nhất là phát triển được các sản phẩm OCOP gắn với tri thức địa phương như dược liệu rừng, trang phục thổ cẩm, ẩm thực dân tộc…

Cuối cùng, nên xây dựng hệ thống chính sách đặc thù và lâu dài, gắn với đặc điểm riêng của từng vùng văn hóa. Việc rà soát, điều chỉnh và bổ sung các thành phần về phát triển văn hóa dân tộc trong các chương trình mục tiêu quốc gia là rất cần thiết. Đồng thời, phải xây dựng quỹ hỗ trợ nghệ nhân, người giữ gìn di sản và có cơ chế tôn vinh, phong tặng danh hiệu phù hợp, giúp khuyến khích gắn bó của các cá nhân với công cuộc bảo tồn văn hóa, giúp họ có động lực trong sáng tạo, trao truyền, gìn giữ các giá trị văn hóa của chính họ.

Văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là một phần quan trọng trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng là kho tàng di sản sống quý giá - nơi kết tinh những tri thức bản địa, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật truyền thống và thiết chế cộng đồng đặc thù. Không chỉ dừng lại ở giá trị lịch sử hay biểu tượng bản sắc, văn hóa của các cộng đồng thiểu số còn mang trong mình tiềm năng to lớn để đóng góp vào sự phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.

Trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa sâu rộng, việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cần được nhìn nhận một cách năng động và linh hoạt. Không thể tiếp tục đi theo lối mòn của tư duy “đóng khung” hay “bảo tàng hóa”, bởi văn hóa chỉ thực sự sống khi nó được thực hành, được sáng tạo lại và thích ứng với điều kiện mới. Chính cộng đồng - những chủ thể sáng tạo văn hóa phải là trung tâm của mọi chiến lược bảo tồn và phát huy, hay nói cách khác, muốn bảo tồn phát huy được tốt nhất không có cách nào khác là dựa vào cộng đồng. Họ cần được lắng nghe, hỗ trợ và trao quyền để giữ gìn văn hóa theo cách của chính họ chứ không phải từ ý kiến chủ quan của cá nhân nào đó.

Con đường bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số không nên chỉ giới hạn trong khuôn khổ chính sách bảo tồn di sản, mà phải được lồng ghép với giáo dục, công nghệ, truyền thông, phát triển kinh tế và du lịch. Chỉ khi văn hóa trở thành một phần trong đời sống hiện đại, khi người dân thấy được giá trị thiết thực từ chính di sản của mình, thì các sắc màu văn hóa ấy mới có thể tiếp tục lan tỏa, bền vững và giàu sức sống giữa dòng chảy hội nhập hôm nay.

QUỐC BẢO thực hiện

;