Mảnh đất Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc sinh sống; trong đó, 3 dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa có nguồn gốc lâu đời là K’Ho (145.665 người), Mạ (31.869 người), Chu Ru (23.242 người). Tác động của cuộc sống hiện đại đã làm một số phong tục, tập quán, nhất là giá trị văn hóa các DTTS bản địa mai một. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt, ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2022, định hướng đến năm 2030”. Từ đề án, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS ở Lâm Đồng được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến.
Thực trạng quản lý văn hóa ở Lâm Đồng
Theo VHTTDL Lâm Đồng, để có cơ sở triển khai Đề án, nhiều năm qua, Sở đã chủ trì, phối hợp với UBND và Phòng Văn hóa - Thông tin 12 huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các đợt khảo sát, thống kê, lập danh sách, đánh giá số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện tồn tại, được đồng bào các DTTS lưu giữ và số di sản, các giá trị văn hóa, nhất là các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa truyền thống có tính kết cấu cộng đồng cao đã mai một (hoặc có nguy cơ mai một). Qua đó, Sở VHTTDL tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tiến hành khôi phục, phục dựng một số lễ hội đã và đang bị mai một; đồng thời, tăng cường quản lý di sản, quản lý văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Về văn hóa phi vật thể, theo đánh giá, trong cộng đồng các DTTS bản địa ở Lâm Đồng hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khá đặc sắc. Đó là văn hóa cồng chiêng, văn hóa đàn đá B’Đạ, trường ca, chuyện kể, chuyện cổ tích, sử thi, các làn điệu dân ca (yal yau), dân vũ: K’Dùng-K’Làng; Sềm N’Drao… của các DTTS bản địa. Đặc biệt, hệ thống các lễ hội hiện còn lưu giữ khá phong phú, biểu thị sự đa dạng về tín ngưỡng đa thần của các tộc người DTTS gốc Tây Nguyên ở Lâm Đồng như: Nhô Rờ he (lễ hội mừng lúa mới), Nhô năng brê (lễ xem rừng xem đất), Nhô tăm snơm (lễ xin thần linh giúp cho hạt lúa lên đều, trổ nhiều bông), Nhô rơmul (lễ xin tuốt lúa), Nhô nđan măt kòn (lễ đặt tên cho đứa trẻ mới sinh), Ngai bơ thi bồc (lễ bỏ mả)… của người Mạ. Các lễ hội cúng các vị thần nông nghiệp như: Lễ cúng thần lúa, thần rừng, thần lửa; đặc biệt, lễ cúng bến nước (ber-mung) là lễ hội tâm linh quan trọng nhất của các tộc người K’Ho, Mạ); lễ Pơthi, lễ Bok Chu-bur (của người K’Ho và người Chu Ru), lễ Nhô Wèr (của người Kơ Ho nhóm Srê); lễ Nhô rơhe (đưa lúa vào kho) của nhóm người K’Ho Nộp; lễ cưới (bắt chồng của người K’Ho Sre, K’Ho Cil, Lạch)…
Về văn hóa vật thể, theo thống kê của Sở VHTTDL Lâm Đồng, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 37 di tích được xếp hạng; trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 14 di tích danh lam thắng cảnh và 2 di tích lịch sử cách mạng; 70 cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu (đền Mẫu, điện Mẫu). Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng: Di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên, Di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Di tích lịch sử kháng chiến khu VI… đã được đầu tư tôn tạo với nguồn kinh phí hơn 173 tỷ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng còn lập dự án trình Bộ VHTTDL phê duyệt hồ sơ quy hoạch 5 di tích: Thung lũng Tình yêu, thác Prenn, thác Đatanla, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương - Đà Lạt; lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên gắn với phát triển du lịch đến năm 2030...
Toàn tỉnh đã khôi phục, hoạt động 33 làng nghề truyền thống và nghề truyền thống, gắn với văn hóa các dân tộc, thế mạnh canh tác nông nghiệp, sản xuất rau, hoa công nghệ cao của nhân dân và đồng bào các DTTS bản địa như: 5 làng hoa truyền thống trên địa bàn TP Đà Lạt (đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận); các làng nghề: trồng dâu nuôi tằm, làm gốm, đúc nhẫn bạc, làm rượu cần, dệt thổ cẩm và các nghề truyền thống như: đan lát, làm nõ, bầu hồ lô, nghề mây tre thủ công mỹ nghệ… Dù UBND tỉnh đã ban hành dự án về khôi phục và phát triển các làng nghề, một số nghề truyền thống và được ngành Văn hóa, chính quyền các huyện, thành phố quan tâm triển khai; tuy nhiên, đầu ra của hầu hết sản phẩm ở các làng nghề, nghề truyền thống đều gặp khó khăn, thu nhập của người làm nghề bấp bênh; do đó, số nghệ nhân và người dân trong các làng nghề không mấy mặn mà, ngày một thưa dần…
Nỗ lực của chính quyền và ngành VHTTDL
Trước nay, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… Thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030” của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bổ sung và phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2030”, triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh; lập Đề án trình Bộ VHTTDL công nhận “Làng Văn hóa dân tộc Chu Ru” (tại xã Proh - huyện Đơn Dương), với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 7 tỷ đồng; hiện đã đưa Làng Văn hóa này vào hoạt động, phục vụ khách tham quan, du lịch, nghiên cứu…
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS; tăng cường quản lý chặt chẽ các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thông qua các Đề án, chương trình được UBND tỉnh phê duyệt, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tập trung đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, đầu tư cho cơ sở. Trong đó, phối hợp với chính quyền và phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng việc quản lý, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa, các danh lam phục vụ du lịch; công tác tôn tạo, trùng tu, bảo dưỡng các di sản văn hóa vật thể; việc khôi phục, khai thác các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS bản địa… Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng các doanh nghiệp nhận quản lý, khai thác các danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa phục vụ du lịch nhưng thiếu đầu tư, hoạt động chắp vá, kém hiệu quả; ngăn chặn tình trạng xâm hại, xuống cấp một số di tích; lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa một số danh lam ra khỏi danh sách di tích đã được công nhận…
Sở VHTTDL cũng đã phối hợp các sở, ngành, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về lịch sử, văn hóa, du lịch; tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên trong các doanh nghiệp…
Thực hiện Đề án của Chính phủ về hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS (Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh được Bộ VHTTDL chọn triển khai Đề án của Chính phủ), những năm gần đây, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã đầu tư phục dựng 10 lễ hội tiêu biểu của đồng bào các DTTS bản địa đã mai một, bị quên lãng như: lễ Pơthi (của người Chu Ru và người K’Ho ở huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của người K’Ho nhóm Srê ở huyện Di Linh), lễ Bok Chu-bur (của người Chu Ru ở huyện Đơn Dương); nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở huyện Bảo Lâm), lễ đưa lúa về kho (của người K’Ho ở huyện Lâm Hà)... Tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Lạc Dương tổ chức phục dựng thành công Lễ cưới (Lễ bắt chồng xưa) của người K’Ho, tại huyện Lạc Dương...
Đặc biệt, giữa tháng 12/2022, thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cụ thể hóa triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ… UBND tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư 20,64 tỷ đồng để hỗ trợ phục dựng và bảo tồn 2 làng truyền thống tiêu biểu của tộc người K’Ho bản địa tại huyện Lạc Dương và huyện Di Linh; kinh phí phục dựng 2 làng văn hóa này được trích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Sở VHTTDL Lâm Đồng (chủ đầu tư Dự án), 2 làng truyền thống này đã được Sở tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất UBND tỉnh thống nhất, quyết định triển khai thực hiện Đề án gồm thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré (huyện Di Linh) và thôn Đưng K’si, xã Đạ Chair (huyện Lạc Dương). Đây là 2 địa phương có tộc người K’Ho sinh sống đông nhất, lâu đời nhất; hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa có tính bền vững như về kiến trúc nhà ở, nếp sống, phong tục, tập quán truyền thống; các sản phẩm văn hóa được gìn giữ khá nguyên vẹn. Việc phục dựng 2 làng văn hóa truyền thống tiêu biểu này vừa nhằm kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho - tộc người bản địa có dân số đông nhất, thuần nhất vừa thực hiện chủ trương khai thác những sản phẩm văn hóa đặc trưng của người bản địa phục vụ phát triển du lịch của địa phương trong những năm tới…
Bên cạnh đầu tư kinh phí, nhân lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS bản địa, ngành VHTTDL Lâm Đồng còn quan tâm triển khai nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi nhằm giáo dục niềm tự hào về văn hóa truyền thống cho cộng đồng các DTTS địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhất là thế hệ trẻ. Hằng năm, Sở VHTTDL Lâm Đồng vẫn duy trì tổ chức Lễ hội Văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh (hiện nay được đổi thành “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số” toàn tỉnh). Tại Ngày hội, ngoài tổ chức các cuộc thi, hội thi, trò chơi dân gian mang tính cộng đồng, phục vụ nhân dân và du khách, UBND tỉnh còn trao danh hiệu Nghệ nhân cấp tỉnh cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các DTTS. Đồng thời, lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý. Đến nay, Lâm Đồng có 59 Nghệ nhân cấp tỉnh đã được công nhận; có 15 Nghệ nhân Ưu tú đã được Chủ tịch nước phong tặng. Đặc biệt, Lâm Đồng đã biên soạn 3 cuốn Từ điển song ngữ Việt - tiếng DTTS (K”Ho, Mạ, Chu Ru), đưa vào chương trình giảng dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS cho học sinh các trường vùng DTTS và các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh. Đây là nỗ lực nhằm khôi phục, phát triển ngôn ngữ, chữ viết của 3 tộc người thiểu số lâu đời gốc Tây Nguyên ở Lâm Đồng đã bị mai một, thất truyền.
Những định hướng sắp tới
Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng; sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền và trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan ở địa phương, cộng đồng các DTTS phải được xác định là chủ thể trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình và là người được thụ hưởng các di sản văn hóa, giá trị văn hóa của tổ tiên họ để lại. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS phải do chính người DTTS, nhất là thế hệ trẻ “vào cuộc”. Trong đó, vấn đề hết sức quan trọng đang được đặt ra là việc trao truyền kiến thức, kỹ năng và tình yêu giữa lớp nghệ nhân lớn tuổi và thế hệ thanh thiếu niên các DTTS.
Với nhận thức đó, những năm qua, Sở VHTTDL Lâm Đồng chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy kiến thức, kỹ thuật đánh cồng, chiêng, múa tập thể và kỹ thuật chỉnh chiêng tại các xã, huyện có đông người K’Ho, Mạ, Chu Ru sinh sống. Đến nay, đã tổ chức hơn 100 lớp dạy cồng chiêng, thu hút gần 2.000 nam, nữ thanh thiếu niên các DTTS tham gia. Trực tiếp làm giáo viên tại các lớp học này là các già làng, nghê nhân có uy tín… Theo đó, văn hóa cồng chiêng đã phát triển khá mạnh trong các buôn, làng của người DTTS. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) cồng, chiêng hoạt động; có 5 đội nhóm chiêng vừa thành lập mới để phục vụ du lịch tại các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đơn Dương; toàn tỉnh duy trì hoạt động có hiệu quả 16 đội, nhóm cồng chiêng (trong đó có các nhóm chiêng nữ, trẻ tuổi), thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm tham quan của Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Đạ Huoai…
Cũng từ nguồn kinh phí của Đề án, năm 2022, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã cấp 30 bộ cồng chiêng, 120 bộ trang phục truyền thống các DTTS cho các đội, nhóm, CLB cồng, chiêng tại các huyện, kinh phí gần 5 tỷ đồng. Đặc biệt, một số địa phương như Huyện ủy và UBND huyện Đạ Huoai đã chi ngân sách huyện để mua sắm các dụng cụ sinh hoạt văn hóa (loa, âm li) cho các thôn, tổ dân phố có người DTTS sinh sống và đã cấp 9 bộ cồng chiêng cho 9 thôn DTTS (30 triệu đồng/bộ).
Trao đổi về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS bản địa, nhất là viêc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng chia sẻ: Những năm qua, Sở đã tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai tốt các chương trình, đề án về giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS tại địa phương. Tuy nhiên, lĩnh vực khá rộng, còn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ và Đề án của tỉnh, năm 2023 và những năm tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm khơi gợi lòng tự hào và ý thức bảo tồn văn hóa của người bản địa; tiếp tục mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, các Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS; khảo sát, lập dự án tiếp tục phục dựng một số lễ hội, các làng truyền thống; tổ chức kiểm tra, đánh gia hiệu quả việc thực hiện các nguồn đầu tư các đề án, dự án… để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, sát thực nhằm đẩy mạnh phát triển văn, nói chung; văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trước yêu cầu mới…
THANH DƯƠNG HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023