Văn hóa luôn biến đổi để thích nghi và tồn tại. Tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ Néak Tà vốn là một thành tố của văn hóa, do đó cũng biến đổi để tồn tại và nguyên nhân chính ở đây chính là sự cộng cư, cộng cảm, cộng mệnh qua sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của cả ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở mảnh đất thân yêu Trà Vinh. Trong cái nắng khô hạn lịch sử của mùa khô năm nay, chúng tôi về ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành để ghi nhận những biến đổi vô cùng thú vị về tín ngưỡng thờ cúng Néak Tà mang đặc trưng lễ nghi nông nghiệp cầu mưa, vốn dĩ có nguồn gốc xa xưa của người Khmer.
Ba Se B là một trong 7 ấp của xã Lương Hòa, với 414 hộ, trong đó 14 hộ người dân tộc Khmer, 1 hộ người Hoa. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh, chưa nói lên sự độc đáo về vấn đề tộc người ở đây. Bởi qua điền dã, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đa phần cư dân ở ấp Ba Se đều có 2 dòng máu hoặc 3 dòng máu Kinh - Khmer, Hoa - Khmer, Kinh - Khmer - Hoa qua hôn nhân ngoại tộc. Trải qua hàng trăm năm biến thiên lịch sử, giờ đây, cộng đồng Ba Se B đều mang trong mình chung một dòng máu được hòa quyện một cách tự nguyện từ ba cộng đồng dân tộc trên.
Miếu Néak Tà Ba Se B có từ rất lâu đời, là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con dân tộc Khmer bản địa nơi đây. Miếu tọa lạc ngay đầu đường vào chợ Ba Se, quay về hướng chánh (chính) Đông, có diện tích khuôn viên chừng 1.000 m2, riêng diện tích ngôi miếu được xây dựng khoảng chừng 50 m2, đã qua hai lần trùng tu, sửa chữa hàng rào vào năm 2003, 2007. Ngay cả nhà thờ Néak Tà cũng có sự giao thoa văn hóa và tiếp biến mạnh mẽ - trên miếu có ghi ba chữ Miếu Ông Tà bằng chữ Việt. Hai bên lại có câu đối lại bằng chữ Hán:
“Bảo hộ chúng sinh giai cát khánh
Phò trì thôn ấp đắc bình an”.
Tổng thể miếu Néak Tà Ba Se B hiện nay thờ bảy hòn đá lớn nhỏ - loại đá tổ ong đã được bọc trong vài lớp vải đỏ phủ kín - trong đó có hai hòn đá lớn, mà người dân nơi đây vô cùng kính trọng. Nhiều người dân cho rằng, hai hòn đá này mỗi năm lại nổi lên vài cm - Và đó là điềm lành, Ông Tà đã ban ơn, phù hộ cho việc trồng trọt, chăn nuôi, làm ăn thuận lợi.
Lễ hội Néak Tà ở miếu Ba Se B năm nay diễn ra trong hai ngày 17, 18 tháng 4 âm lịch. Nội dung nghi thức và thời gian cúng Néak Tà tại ấp Ba Se B vẫn kế thừa, giữ nguyên những gì cơ bản của lễ hội truyền thống từ thời cha, ông để lại - tuy thời gian đã rút ngắn còn hai ngày. Theo Ban Hội miếu, thành phần tham gia lễ hội ngày nay không chỉ có người Khmer mà có cả người Kinh, người Hoa; bởi đây là vùng đất cộng cư của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Trong các nghi lễ thực hiện cúng tế hay chương trình nghệ thuật, cũng có sự đan xen giữa người Khmer, người Kinh, người Hoa.
Lễ hội Néak Tà tại ấp Ba Se B có sư người Khmer (Nam truyền) và cả sư người Kinh (Bắc truyền) hành lễ.
Sáng sớm ngày vào lễ (ngày 17/4), bà con ấp Ba Se B và một số người dân ngụ các ấp lân cận của xã Lương Hòa tập trung về nhà Néak Tà cùng bắt tay lo công việc chuẩn bị tổ chức lễ cúng. Sau đó, Ban Hội miếu sắp xếp mươi thanh niên cùng những người cao tuổi có kinh nghiệm và khéo tay chia nhau công việc làm tàu (Sầm pầu). Một bộ phận khác thì lo công việc quét dọn, trang trí, dựng rạp. Nhóm khác lo nấu nướng vật cúng và thực phẩm đãi khách.
Sau khi tàu làm xong, Ban Hội miếu tiến hành thắp nhang, cho vào tàu các vật cúng thí như: muối, gạo, chuối, tiền, vàng mã và đặt tàu trước sân mũi quay vào bàn thờ Néak Tà. Tục này ảnh hưởng từ tục tống ôn có ở những vùng cộng cư với người Kinh, người Hoa. Thật ra, trước đây, người Khmer khi cúng Néak Tà không có tục hóa vàng mã.
Tiếp sau đó, ba vị đại diện Ban Hội miếu tiến hành làm lễ tắm gội, thay áo mới cho Néak Tà. Phẩm vật dâng cúng được dọn lên bàn thờ gồm: trái cây, cơm canh, gạo muối, rượu trà và 1 đầu heo luộc. Nếu như những Miếu Néak Tà truyền thống của người Khmer thường thờ những hòn đá cụi nhẵn bóng thì ở miếu Néak Tà này, người ta lại mặc áo cho ông Tà (còn có tên gọi là ông Cố) bằng mảnh vải đỏ. Sự biến đổi này xuất phát chính từ cộng đồng người Hoa. Từ rất xa xưa, người Hoa luôn xem màu đỏ là màu sắc của tín ngưỡng, của may mắn. Thật vậy, người Hoa cho đến ngày hôm nay vẫn xem màu đỏ là màu may mắn nhất so với các màu khác. Màu đỏ thường được sử dụng rộng rãi trong các lễ hội, đặc biệt là tiệc cưới. Màu đỏ đại diện cho hạnh phúc, sắc đẹp, thành công và may mắn.
Thay áo cho Ông xong, đến 16 giờ chiều là phần dâng cúng của các gia đình, cá nhân. Tiếp theo là nghi lễ cúng Néak Tà chính thức của Ban Hội miếu; thức cúng của Ban Hội cũng như của bà con được bày biện trên bàn thờ Néak Tà và bàn cúng trước sân có heo quay, đầu heo luộc, trái cây....
Theo ông Thạch Minh Ngọc, thành viên Ban tổ chức lễ hội, khâu quan trọng nhất là việc dọn dẹp, sắp xếp bàn thờ Phật làm sao phải thật khang trang, chu toàn; thường bên trong tha la bên phải bàn thờ Néak Tà được chọn là nơi bố trí bàn thờ Phật. Trên bàn thờ Phật là những vật cúng chay như: hương đăng, trà nước, hoa quả và một mâm sa la tho với 9 cây bông - mỗi cây có 7 bông vạn thọ tượng trưng cho chín phương trời cùng 1 bát nước thơm dành cho các vị sư Khmer Nam truyền hành lễ; còn phía trước bên trái bàn thờ Néak Tà bố trí thêm 1 bàn thờ Phật cũng có hương đăng hoa quả cùng 1 ly nước có nhánh vạn thọ để các nhà sư người Kinh Bắc truyền hành lễ - ở đây ta thấy sự biến đổi một cách vô cùng thú vị trong tín ngưỡng thờ Néak Tà của người Khmer về việc có người Kinh, người Hoa tham gia và có cả các nhà sư người Kinh Bắc truyền hành lễ.
Ngay sau khi các vị sư hành lễ xong, đến 19 giờ 30 phút, tại miếu có tổ chức chương trình múa hát bóng rỗi trước bàn thờ Néak Tà. Đây là hình thức diễn xướng dân gian được tiếp thu qua việc cúng đình của người Kinh; hát bóng rỗi có chức năng kép vừa là lễ thức vừa giải trí gồm các bài bản khai tràng, chầu mời, dâng bông, dâng mâm và múa đồ chơi. Sự tiếp biến, giao thoa văn hóa được thể hiện qua chương trình múa hát bóng rỗi là một điều vô cùng độc đáo hiếm có tại lễ hội Néak Tà. Trong vài lần quan sát trước đây tại miếu Néak Tà Ba Se B, chúng tôi nhận thấy, những bài hát tuồng tích cúng tế tại miếu còn cả sự hiện diện của ông Địa, rồi cả múa cúng mâm vàng, mâm bạc mà chúng ta đều hiểu là nghi thức dành để cúng tế cho các mẫu. Người Ba Se B dường như xem ông Tà, ông Địa, rồi Thành hoàng gần như có chức năng giống nhau.
Lễ thức múa bóng rỗi tại Miếu Ông Tà ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh.
Sáng sớm ngày hôm sau (7 giờ 30 phút ngày 18/4), các vị sư Khmer tiếp tục đến để thực hiện nghi lễ. Lúc này, Ban hội cho thêm vào tàu 1 đầu heo luộc, 1 đầu heo quay (vật phẩm lễ cúng đầu heo quay thật ra ảnh hưởng từ người Hoa). Đội Cha dam múa tiếp đón và biểu diễn phục vụ trước bàn thờ Néak Tà. Khi các vị sư dùng cơm (sal) xong thì tiến hành tụng kinh cầu siêu cho các linh hồn và chiến sĩ trận vong. Dàn nhạc ngũ âm, tàu được dọn lên xe chuẩn bị nghi thức tống tàu. Trước khi xuất phát, đoàn đi vòng quanh nhà Néak Tà 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ rồi ra cổng đi về đầu trên chợ Ba Se. Thường mọi năm, trên đường đoàn đi qua, các gia đình hai bên đường vẫn lập bàn cúng và đốt, vẩy gạo muối tống tiễn xui rủi. Sau khi diễu hành hết xóm chợ khoảng 1 km, đoàn quay lại đi về bến sông cuối ấp để khởi hành chạy ra sông Ba Sy thả tàu tống tiễn. Việc thả tàu cúng cô hồn tống ôn xuống sông, kênh, rạch có lẽ bắt nguồn từ vũ trụ luận của Phật giáo, theo đó địa ngục ở dưới chân núi Thiết Vi bao quanh bảy lớp biển Hương hải xa tít tắp. Nói cách khác, địa ngục ở ngoài biển xa và sông là đường ra biển, cũng là đường đến trú ngụ của các cô hồn ma quỷ.
Hệ thống lễ hội đã trình bày ở trên đây chưa phải là đầy đủ và chắc rằng còn nhiều chi tiết hơn nữa. Song, trong khuôn khổ có hạn của một bài viết, chúng tôi đã cố gắng miêu tả, thể hiện những điều cơ bản về sự biến đổi của lễ hội Néak Tà Ba Se B hiện nay. Theo đó, những giá trị văn hóa qua lễ hội cũng là một biểu hiện hết sức độc đáo, những gì được gọi là tinh túy nhất được gạn lọc và hòa quyện của văn hóa cả 3 tộc người Kinh - Khmer - Hoa.
Cái hay ở lễ hội Néak Tà Ba Se B - theo ông Hồ Vi Sanh, nguyên Trưởng Ban Hội miếu - là việc cộng đồng các tộc người đều ý thức tham gia một cách tự nguyện thông qua sự tiếp biến và chia sẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng sự tán đồng, tiếp thu tập thể. Điều này, ta thấy rất rõ trong lễ hội Néak Tà Ba Se B từ nguồn kinh phí tổ chức, lễ vật dâng cúng, thành phần phục vụ, thành phần tham gia tất cả đều tự nguyện, tạo nên một phong tục, một lễ hội dân gian vô cùng đặc sắc.
Tóm lại, tín ngưỡng Néak Tà giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân ấp Ba Se B. Tín ngưỡng không chỉ là nơi thực hành tâm linh mà còn là nơi cố kết cộng đồng phum sóc; nơi thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các tộc người Kinh - Khmer - Hoa cộng cư. Tín ngưỡng này tuy có nhiều biến đổi nhưng cái hay là tích hợp, bảo lưu nhiều yếu tố hình thành nên một tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc hòa quyện phù hợp nét đẹp của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa nổi bật hơn cả so với các nơi khác. Niềm tin về Néak Tà trong dạng thức cùng chung tín ngưỡng thiên nhiên, đã giúp con người Ba Se B thêm ý chí và nghị lực, vượt qua gian khổ, hạn chế điều ác, tích cực làm điều thiện. Như vậy, tín ngưỡng thờ Néak Tà không chỉ có ý nghĩa về đạo đức, đáp ứng một nhu cầu thiêng liêng của con người, mà còn góp phần giáo dục con người hướng đến một trật tự xã hội tử tế, dù là tộc người nào, ở xã hội nào miễn là có niềm tin chung về cộng cảm và cộng mệnh như tín ngưỡng thờ Néak Tà của cư dân ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; góp phần tạo nên một bức tranh cho sự đa dạng mà thống nhất của nền văn hóa Trà Vinh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tác giả: Trần Thiện Thiên Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020