Cụm di tích hang Hỏa Tiễn nằm nơi địa đầu xứ Nghệ, thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Di tích tọa lạc trên một vùng đất có khung cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ; được bao bọc bởi các dãy núi, khu dân cư, tạo cảm giác thâm nghiêm, ấm áp. Ba phía Tây, Nam, Bắc bao bọc bởi núi non hùng vĩ, trùng điệp và được che phủ với rừng thông, tràm xanh tốt. Phía Đông (trước cửa hang) giáp vùng đất bán sơn, khu dân cư và đường quốc lộ 1A. Nơi đây là chứng tích ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 33 thanh niên xung phong (TNXP) trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đến nay, mỗi khi nhắc lại cái ngày định mệnh nhưng bi tráng, hào hùng ấy, người dân nơi đây vẫn không thể quên ký ức một thời mưa bom bão đạn mà các TNXP thuộc tổ 4, đơn vị C271, Đội 27 đã sống và chiến đấu kiên cường.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với nhiều bến phà, cầu, nhà ga khu vực miền Bắc bị máy bay địch ngày đêm ném bom đánh phá, Hoàng Mai cũng trở thành trọng điểm ác liệt trên tuyến quốc lộ 1A lúc bấy giờ. Đặc biệt, tuyến đường sắt từ Hàm Rồng (Thanh Hóa) đi thị xã Vinh ngày ấy luôn bị bom Mỹ liên tục phá hủy. Để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam đánh địch, bên cạnh vận tải đường bộ, đường biển, đường sông, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương khai thác triệt để thế mạnh của tuyến vận tải đường sắt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Vì vậy, ngày 27/4/1965, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thành lập đơn vị C271, Đội 27 “Ba sẵn sàng” gồm 150 cán bộ, chiến sĩ và chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt để đáp ứng bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch khu vực Thanh Hóa - Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Sau khi được tiếp nhận, những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống đến từ các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế... đã vào Hoàng Mai để làm nhiệm vụ. Đơn vị C271 được phân thành nhiều tổ đội, trong đó có Tổ 4 với 36 cán bộ, chiến sĩ (14 nam, 22 nữ) nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường sắt vào ga Hoàng Mai và khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường này khi bom Mỹ đánh phá. Sau khi được biên chế đội hình, các TNXP đã không quản ngày đêm, mưa bom bão đạn để bám cầu, bám đường, bám phà, đảm bảo thông suốt cho những chuyến hàng, chuyến tàu qua khu vực Hoàng Mai vào Vinh. Khoảng 9 giờ sáng 28/4/1966, Tổ 4 thuộc đơn vị C271 đang vận chuyển đất đá để hoàn thành đoạn đường ray còn lại thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc-két khiến 33 TNXP đang trú ẩn trong hang hy sinh bom đánh sập cửa hang. Năm 2003, 33 TNXP hy sinh tại hang Hỏa Tiễn (hang Khỉ) được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công. Đến ngày 27/4/2011, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 1410/QĐ-BVHTTDL công nhận hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt (thuộc thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu), nay thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sau khi được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, hang Hỏa Tiễn đã trở thành địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh để các thế hệ người dân thị xã Hoàng Mai cũng như du khách thập phương đến thắp hương tưởng vọng 33 TNXP đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước và đây còn là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Tấm gương về các TNXP với tinh thần: “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Địch phá đường, ta đắp ta đi”, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc... đến nay vẫn được người dân tưởng nhớ, khắc ghi. Với những cống hiến, lập công thi đua trên mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tập thể Tổ 4, Đơn vị C271, Đội 27 đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, động viên trong thời kỳ chống Mỹ.
Đến nay, mỗi khi nhắc lại sự kiện cách đây tròn 50 năm về trước, các thế hệ người dân nơi đây vẫn không thể quên ký ức bi tráng, hào hùng ấy. Họ luôn nhắc nhở bản thân và con cháu rằng, chính mảnh đất này đã từng ghi dấu chiến công huyền thoại về sự hy sinh anh dũng của 33 TNXP anh hùng. Dù 33 TNXP có quê quán khác nhau nhưng hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm ấy, thân nhân của các liệt sĩ lại cùng con cháu về đây để thắp hương, tưởng vọng người thân của mình đã ngã xuống. Tấm gương hy sinh của 33 chiến sĩ TNXP Tổ 4 - Hoàng Mai luôn được người dân địa phương, xí nghiệp và ngành đường sắt tri ân, tưởng nhớ. Hằng năm, vào ngày giỗ 28-4, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, đồng chí, đồng đội đều tưởng nhớ đến họ bằng những việc làm như thắp nến tri ân, tọa đàm, thi đua lập thành tích để báo công.
Việc Bộ VHTTDL cấp Bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Cụm di tích hang Hỏa Tiễn, không những là sự ghi nhận những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của lực lượng TNXP nói chung, 33 TNXP đường sắt Tổ 4, Đội 27, Đơn vị C271 nói riêng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ huyết mạch giao thông góp phần chống Mỹ cứu nước, mà còn tô thắm trang sử truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của quê hương anh hùng. Thông qua đó, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, xứ sở, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ, đồng thời tạo nên động lực mới trên các lĩnh vực lao động sản xuất, học tập cũng như xây dựng khối đại đoàn kết.
Tác giả: Thanh Khương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020