Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới với nền văn hóa truyền thống đáng kính nể và những sáng tạo văn hóa nghệ thuật hiện đại đặc sắc, một phần quan trọng nhờ nỗ lực không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược và tầm nhìn trong phát triển văn hóa. Trong gần hai thập niên gần đây, trong khuôn khổ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản chú trọng nhiều tới các hoạt động giao lưu, hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, từ sau khi Quỹ Giao lưu Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản thiết lập trụ sở tại Việt Nam năm 2008, hàng loạt các chương trình, dự án giao lưu , hợp tác về văn hóa, nghệ thuật được đầu tư công phu không thua kém các quốc gia tiên tiến có mối giao lưu, hợp tác lâu đời trên lĩnh vực văn hóa với Việt Nam như Pháp và Đức. Có thể kể đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, hình ảnh, giao lưu với nhà văn hóa tiêu biểu của Nhật Bản… tại Việt Nam, những chương trình tài trợ hợp tác sản xuất và biểu diễn các loại hình nghệ thuật tại hai nước, cũng như những chuyến tu nghiệp chuyên môn tại Nhật Bản dành cho cán bộ quản lý ngành văn hóa. Cũng có thể thấy, lĩnh vực nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản.
Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có các nghiên cứu chuyên môn trong lĩnh vực quản lý, chính sách văn hóa ở Việt Nam quan tâm tìm hiểu quá trình hình thành và chuyển biến, những thành tựu và hạn chế trong chính sách văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản như một mô hình tham khảo trong nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như định hướng phát triển của các cơ quan, tổ chức về văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, bài viết này bước đầu cung cấp một cái nhìn khái quát về một số chuyển biến quan trọng trong chính sách văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản những năm 1980-2000, nhằm thông qua một trường hợp quốc gia điển hình, tìm hiểu những tiền đề cho việc xây dựng nền tảng phát triển văn hóa toàn diện, mang chiều sâu và bền vững.
1. Mở màn các chính sách văn hóa chính thống trong thập niên 1980
Từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền Nhật Bản đã bắt đầu hướng quan tâm tới việc hình thành Luật cơ bản về văn hóa và chấn hưng văn hóa. Năm 1980, thời cầm quyền của nội các Thủ tướng Oohira, Báo cáo của nhóm nghiên cứu Thời đại của văn hóa đã nêu lên sự cần thiết hình thành Luật chấn hưng văn hóa.
Chuyển biến trong chính sách quan trọng này của chính quyền Nhật Bản nằm trong xu hướng vận động chung của thế giới, tiêu biểu với việc UNESCO ban hành Khuyến nghị về vị thế của nhà hoạt động nghệ thuật. Trong 7 mục trọng tâm được Hội nghị Chính sách Văn hóa Thế giới lần thứ 2 quy định năm 1982 nhấn mạnh: “tôn trọng cá tính văn hóa, xác nhận chủ nghĩa dân chủ trong chính sách văn hóa và tầm quan trọng của sự tham gia của người dân. Quan trọng hơn, phát triển văn hóa được đề xuất một giá trị mới với tư cách là mục đích của phát triển xã hội”, trong đó nhấn mạnh mối tương tác giữa văn hóa với giáo dục, văn hóa với khoa học công nghệ, văn hóa với giao tiếp, và văn hóa với hòa bình. Liên hợp quốc ra nghị quyết lấy thập kỷ 1988-1997 là “thập kỷ phát triển văn hóa thế giới”. Liên hợp quốc và UNESCO cũng yêu cầu các nước thành viên thiết lập Ủy ban trong nước, xúc tiến nhiều chính sách văn hóa với mục đích “đưa khía cạnh văn hóa vào phát triển, khẳng định và phát huy tính đặc thù văn hóa, mở rộng cơ hội tham gia hoạt động văn hóa và xúc tiến hợp tác Văn hóa quốc tế”.
Trên cơ sở khuyến nghị của UNESCO, Hiệp hội đoàn thể nghệ sĩ biểu diễn Nhật Bản (Geidankyo) đã đề xuất ban hành Luật cơ bản về văn hóa, nghệ thuật, và chủ trương này được Hiệp hội vận động liên tục một cách nhất quán với việc xây dựng luật cho đến khi chính thức đề xuất vào năm 2001. Trong đó, bảo đảm quyền của nghệ sĩ biểu diễn trở thành một chủ đề lớn trong nội dung xây dựng luật.
Ở cấp độ địa phương, cũng trong thời kỳ tăng trưởng bong bóng những năm 1980, chứng kiến một trào lưu xây dựng cơ sở văn hóa công lập quy mô lớn khắp nơi trên nước Nhật, mở rộng các dự án văn hóa hướng tới xác lập cá tính văn hóa của các địa phương. Trên thực tế, ngay từ những năm 1970, chính các tự trị địa phương đã đề xướng chủ trương văn hóa hóa hành chính và thời đại của địa phương. Bước sang những năm 80, xu hướng chính thống hóa hành chính văn hóa của các đoàn thể công cộng địa phương càng trở nên rõ ràng.
Một đặc điểm quan trọng của xã hội Nhật Bản là vai trò tham gia từ sớm của khối tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Trên thực tế, từ sau Thế chiến II cho đến những năm 1980, vai trò của nhà nước trong lĩnh vực chính sách văn hóa rất dè dặt và mờ nhạt do bài học từ những sai lầm của chính quyền quân phiệt trong Thế chiến. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn này thực chất đã được vận hành bởi vai trò chủ đạo của tư nhân. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Văn hóa Nhật - Pháp lần thứ 3 năm 1989 do Tổng cục Văn hóa và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp tổ chức, đề xuất thành lập Quỹ Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật đã được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng. Bối cảnh những năm 1980 là khuynh hướng đầu tư mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển các sự kiện văn hóa và xây dựng cơ sở văn hóa. Nhiều nhà hát tư nhân tên tuổi như Suntory Hall, Spiral Hall, Bunkamura-za… hình thành từ đây. Hàng loạt các chương trình biểu diễn cao cấp mà khách mời là các dàn nhạc, đoàn nghệ thuật nổi tiếng nước ngoài gắn liền với nhiều thương hiệu Nhật Bản. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, xu hướng này bộc lộ khía cạnh tiêu cực, đó là việc sử dụng văn hóa, nghệ thuật cho mục đích quảng cáo, tuyên truyền thương hiệu của doanh nghiệp, đòi hỏi sự chuyển hướng tài trợ thực chất cho văn hóa, nghệ thuật.
Ở một phương diện khác, trong khi cơ sở văn hóa do doanh nghiệp tư nhân phát triển ghi nhận những bước chuyển biến quan trọng về chất, thì Khảo sát thực tế đời sống và hoạt động của người làm nghệ thuật do Hội đồng đoàn thể nghệ sĩ biểu diễn” (pháp nhân công ty) tiến hành 5 năm 1 lần lại cho thấy sự yếu kém trong vận hành của các cơ sở văn hóa và đoàn nghệ thuật công lập, đòi hỏi những điều chỉnh chính sách và quy hoạch phát triển tổng thể cấp độ quốc gia.
Đến cuối những năm 1980, chấn hưng văn hóa, nghệ thuật đã trở thành vấn đề chính sách quan trọng của Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng một hệ thống mới hỗ trợ hợp tác 3 bên gồm các đoàn nghệ thuật - cơ quan, tổ chức hành chính - doanh nghiệp; lấy chấn hưng văn hóa làm trung tâm của chính sách kiến thiết đô thị (machi-zukuri) và chính sách văn hóa làm ý niệm trụ cột trong chính sách tổng hợp của địa phương; tính cấp thiết của chính sách văn hóa đối ngoại đề cao “hình ảnh nước Nhật” và xúc tiến giao lưu văn hóa quốc tế cũng được chú trọng.
Cùng với xu hướng phát triển đó, khái niệm “hành chính văn hóa” mà chủ thể là nhà nước và địa phương được sử dụng từ sau Thế chiến II thay thế khái niệm “chính sách văn hóa” (do lo ngại bị chính trị hóa trở thành công cụ áp chế về văn hóa, tư tưởng của chính quyền nhằm khôi phục chủ nghĩa quân phiệt trước Thế chiến tương tự như nước Đức) đã không còn phù hợp vớisự mở rộng và đa dạng trong chấn hưng văn hóa, nghệ thuật. Sau 45 năm, thuật ngữ “chính sách văn hóa” lại được khôi phục sử dụng, với một hàm nghĩa rộng, bao hàm cả giá trị của “quyền công dân”.
Năm 1989, Tổng cục Văn hóa thành lập Hội nghị xúc tiến chính sách văn hóa với sự tham gia của 47 nghị sĩ và nguyên tắc họp định kỳ 2 lần/năm với tư cách cơ quan tư vấn riêng của Tổng cục trưởng Tổng cục Văn hóa. Từ việc đổi từ “hành chính” sang “chính sách”, nhận thức cơ bản của Tổng cục Văn hóa đã có những thay đổi căn bản, thể hiện ở một số điểm sau:
Hoạt động văn hóa là sự vận hành có tính tự phát và tự chủ để người dân tìm kiếm sự phong phú tâm hồn, phát huy tính sáng tạo, mở rộng cá tính, sự tự thể hiện của mỗi cá nhân. Bởi vậy, chủ thể không ai khác chính là người dân.
Vai trò của chính sách văn hóa là hỗ trợ các hoạt động văn hóa tự chủ, tự phát của người dân, tạo những điều kiện để người dân thụ hưởng văn hóa, bằng việc điều chỉnh, bổ sung sự thiếu cân bằng và những điểm hạn chế trong hoạt động của cá nhân hay đoàn thể, xây dựng chính sách để chấn hưng văn hóa một cách toàn diện (1).
Theo đó, phương hướng được xác định cụ thể bao gồm: Xây dựng một cách rộng rãi những nền tảng của văn hóa; Khích lệ, tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật; Mở rộng cơ hội thụ hưởng văn hóa và tham gia hoạt động văn hóa của người dân; Bảo tồn và hoạt dụng các di sản văn hóa; Xúc tiến giao lưu quốc tế về văn hóa
2. Hình thành nền tảng hỗ trợ văn hóa, nghệ thuật kết hợp công - tư trong thập niên 1990
Sự ra đời của Quỹ chấn hưng Văn hóa - Nghệ thuật Nhật Bản và Hội đồng Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật
Năm 1990, Quỹ Chấn hưng Văn hóa - Nghệ thuật Nhật Bản được thành lập bằng vốn hoạt động hơn 50 tỷ yên từ nhà nước và hơn 10 tỷ yên từ doanh nghiệp, với tôn chỉ kêu gọi “mềm hóa” hoạt động kinh tế và sự cống hiến xã hội của doanh nghiệp. Hiệp hội Văn hóa và Kinh tế Nhật Bản cũng được thành lập 2 năm sau đó. Điều đặc biệt là, cuối những năm 1990, giai đoạn bước ngoặt đối với các cơ sở văn hóa - nghệ thuật tư nhân khi nhiều cơ sở nổi tiếng như Sezon-ginza hay Kazarusu Hall buộc phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động do suy thóai kinh tế, tuy nhiên, bất chấp sự sụp đổ của kinh tế bong bóng, các quỹ tài trợ tư nhân liên tiếp ra đời. Trong 23 đoàn thể gia nhập Quỹ Chấn hưng Văn hóa - Nghệ thuật Nhật Bản, hơn ½ trong số đó được thành lập trong giai đoạn 1990-1994.
Mặt khác, từ phía tư nhân, tiếp nối những vận động mạnh mẽ của thập kỷ trước đó, cũng trong năm 1990, Hội đồng Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật (tư cách pháp nhân quỹ) được thành lập. Một nguyên nhân lý giải cho những động thái trên là việc Chính phủ Nhật Bản tích cực học tập các chính sách văn hóa các nước ngoài và có nhiều cải cách trên các phương diện hành chính và tài chính nhằm tạo dựng những nền tảng hỗ trợ hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân và cá nhân. Trong giai đoạn này, khái niệm “thiện nguyện” (philanthropy) được du nhập từ Mỹ và được các doanh nghiệp tích cực đón nhận. Tuy nhiên, “bảo trợ” (mecenat) đã trở thành thuật ngữ được sử dụng chính thống từ đó trở về sau, trên cơ sở học tập mô hình bảo trợ của doanh nghiệp Pháp trong thập niên 1980.
Cải cách hành chính - tài chính và những điều chỉnh chính sách của Chính phủ đã đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhận thức đó, họ đã tham gia tích cực, chủ động trong hoạt động hỗ trợ văn hóa, nghệ thuật. Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn thành lập những phòng ban chuyên môn phụ trách mecenat, cống hiến xã hội, đào tạo nhân lực chuyên môn trong chính sách văn hóa. Đặc biệt, năm 1994, Hội đồng Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật đã ban hành Chế độ Chứng nhận Tài trợ. Về bản chất, đây là một chế độ ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hơn nữa, khi Hội đồng Doanh nghiệp Bảo trợ Nghệ thuật được công nhận tư cách pháp nhân tăng tiến lợi ích công cộng đặc biệt, số doanh nghiệp thành viên cũng gia tăng đều đặn. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế khi bong bóng sụp đổ, tổng ngân sách từ hoạt động mecenat giảm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp mecenat vẫn gia tăng (năm 1996 là 70.8%). Mecenat trở thành một chính sách chiến lược, là cơ chế hiệu quả giúp doanh nghiệp hỗ trợ và đoàn thể công cộng địa phương cùng nhau chia sẻ trí tuệ thành đối tác.
Năm 1997, công trình Nhà hát Quốc gia mới dành cho opera và ballet được hoàn thành 3 năm sau khi ý tưởng “xây dựng Nhà hát Quốc gia số 2 (tạm gọi) và chấn hưng nghệ thuật sân khấu hiện đại” được bàn thảo trong đề xuất “Về phương sách trọng điểm trước mắt nhằm chấn hưng văn hóa hướng tới xây dựng nền tảng của xã hội quảng bá văn hóa” năm 1994 (2). Nhà hát được xây dựng và phát triển đồng bộ trong một quần thể phức hợp của doanh nghiệp tư nhân có tên gọi Tokyo Opera City ở trung tâm Tokyo và được coi là một biểu tượng tiêu biểu thành công cho nỗ lực kết hợp công - tư ở Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Chủ trương “xây dựng quốc gia văn hóa” - Kế hoạch nghệ thuật 21 (tài trợ trọng điểm của Tổng cục Văn hóa) và Quy hoạch tổng thể chấn hưng văn hóa
Tiếp nối Đề xuất Về phương sách trọng điểm trước mắt để chấn hưng văn hóa hướng tới xây dựng nền tảng của “xã hội quảng bá văn hóa năm 1994, năm sau đó, Hội nghị xúc tiến chính sách văn hóa tiếp tục trình Báo cáo Hướng tới xây dựng quốc gia văn hóa mới - về phương sách trọng điểm trước mắt để chấn hưng văn hóa. Trong đó, chính thức xuất hiện chủ đề bàn luận về chủ trương xây dựng quốc gia văn hóa mới với tư cách một chính sách quốc gia nhằm phát triển một xã hội quảng bá văn hóa: “Người Nhật chúng ta tự hào về văn hóa Nhật Bản. Đã đến thời đại đòi hỏi trở thành một quốc gia và dân tộc được thế giới kính trọng bằng việc xây dựng một đất nước coi trọng văn hóa và cống hiến quốc tế thông qua văn hóa. Với ý nghĩa đó, chấn hưng văn hóa là một vấn đề tối trọng điểm đối với đất nước chúng ta từ đây. Việc xây dựng một cách căn bản nền tảng văn hóa ngay trong thế kỷ này hướng tới xây dựng quốc gia văn hóa mới là một vấn đề cấp bách” (3).
Dựa trên lý luận xây dựng quốc gia văn hóa, 6 chính sách trọng điểm được đề xuất bao gồm: Kích hoạt hoạt động sáng tạo văn hóa; Kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống; Chấn hưng văn hóa địa phương và văn hóa đời sống; Nuôi dưỡng và bảo đảm nhân lực phục vụ văn hóa; Cống hiến quốc tế bằng văn hóa và quảng bá văn hóa; Xây dựng nền tảng để chấn hưng văn hóa.
6 điểm trên được đưa nguyên vẹn vào Chương 3 “Chính sách chấn hưng nhằm xây dựng quốc gia văn hóa” trong Quy hoạch tổng thể chấn hưng văn hóa (năm 1998), và được thể hiện rõ trong các hạng mục phân bổ ngân sách của Tổng cục Văn hóa. Đặc biệt, trong ngân sách của Tổng cục Văn hóa, chứng kiến chuyển biến quan trọng về tỷ trọng giữa hạng mục “hoàn thiện việc bảo vệ di sản văn hóa” (vốn luôn chiếm đa số, khoảng 75% cho đến năm 1993) với hạng mục “chấn hưng văn hóa, nghệ thuật” ngày càng được quan tâm đúng mức.
Năm 1996, “Kế hoạch Nghệ thuật 21” được công bố, trong đó mở rộng đáng kể chế độ tài trợ. Trong bối cảnh suy thóai kinh tế nghiêm trọng nửa sau những năm 1990, việc điều chỉnh thể hiện nhận thức của Chính phủ và doanh nghiệp về lợi ích của đầu tư cho phát triển văn hóa, nghệ thuật với tư cách một lĩnh vực công ích, cũng như ý thức và nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hạn hẹp. Kế hoạch bao gồm 3 nội dung chủ yếu: Hỗ trợ đặc biệt cho sáng tạo nghệ thuật; Xúc tiến giao lưu nghệ thuật quốc tế; Xây dựng nền tảng sáng tạo nghệ thuật. Kế hoạch được cụ thể hóa bằng “Dự án thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật - Kế hoạch nghệ thuật 21”, với một nội dung quan trọng là tài trợ trọng điểm các đoàn nghệ thuật đại diện Nhật Bản, lần đầu tiên bổ sung phí vận hành hoạt động trong các hạng mục tài trợ. Dự án này trở thành trợ lực đáng kể cho hoạt động của Quỹ Chấn hưng Văn hóa - Nghệ thuật đang suy giảm ngân sách do dựa theo tỷ suất lợi nhuận. Dự án hỗ trợ sáng tạo này được tiến hành liên tiếp trong 3 năm đối với mỗi đoàn nghệ thuật có các chương trình biểu diễn tự chủ, thể hiện quy mô tài trợ lớn và sâu so với cách thức tài trợ rộng nhưng lại nông của Quỹ Chấn hưng Nghệ thuật - Văn hóa tới thời điểm đó. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ đoàn thể nghệ thuật tư nhân thông thường cũng bị giải thể theo đó. Chế độ tài trợ này có ưu điểm so với Quỹ hay Tổng cục Văn hóa ở đối tượng tài trợ là các đoàn nghệ thuật (không phải là đơn vị dự án), đặc biệt bao gồm phí vận hành hoạt động, tuy nhiên, dần thóai trào từ sau năm 2005.
Cũng nhân “Kế hoạch Nghệ thuật 21”, đối tượng tài trợ trọng điểm của Tổng cục Văn hóa đã mở rộng từ “bảo hộ di sản văn hóa” thành “chấn hưng văn hóa - nghệ thuật” với ngân sách tăng gấp 2 lần (khoảng 68,8 tỷ yên). Tài trợ cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa giảm xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, “Dự án Chấn hưng Nghệ thuật Sân khấu” ra đời với tư cách một “dự án xúc tiến sáng tạo nghệ thuật (Kế hoạch nghệ thuật 21)” nhằm hỗ trợ các đoàn nghệ thuật sân khấu thông qua Quỹ Chấn hưng Nghệ thuật - Văn hóa, và được duy trì đến năm 2001. Tuy nhiên, nhìn chung, ngân sách dành cho chấn hưng văn hóa - nghệ thuật (của Tổng cục Văn hóa) chiếm chưa đầy 0,1% tổng ngân sách,vẫn rất thấp so với các quốc gia phát triển khác (ví dụ: Pháp là 0,95%), đặt ra yêu cầu cần thiết phải mở rộng ngân sách dành cho văn hóa của Nhật Bản.
Tiếp nối từ “Đề xuất khẩn cấp về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể chấn hưng văn hóa” của Hội nghị Xúc tiến Chính sách Văn hóa lần thứ 19, trong năm 1998, Tổng cục Văn hóa công bố “Quy hoạch Tổng thể Chấn hưng Văn hóa - Hướng tới Xây dựng Quốc gia Văn hóa” - xác lập chính sách văn hóa Nhật Bản trong giai đoạn mới (4). Quy hoạch này đã được công bố, dù vấp phải nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về sự nóng vội, chưa qua thảo luận với người dân.
Cũng trong năm 1998, mối quan tâm tới các chính sách văn hóa nhằm xúc tiến trải nghiệm nghệ thuật của trẻ em bắt đầu được thể hiện rõ bằng “Kế hoạch văn hóa của trẻ em địa phương”. Ngân sách từng bước được gia tăng, hình thành nên dự án “Xúc tiến hoạt động trải nghệ văn hóa nghệ thuật của trẻ em” - một cấu thành của “Kế hoạch sáng tạo văn hóa nghệ thuật” (Kế hoạch nghệ thuật thế kỷ mới) với 3 trụ cột chính sách là: đảm bảo cơ hội tiếp cận nghệ thuật sân khấu thực thụ, xúc tiến hoạt động văn hóa tại trường học và dự án hỗ trợ chương trình trải nghiệm văn hóa.
Có thể thấy, sự chuyển hướng về chính sách quốc gia đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã trở thành động lực lớn để mở rộng chế độ hỗ trợ công cho các hoạt động này.
Sự ra đời của Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản (pháp nhân quỹ)
Mặt khác, song song với những vận động của chính quyền trung ương, ở cấp địa phương, dự toán văn hóa đoàn thể công cộng địa phương cũng tiếp tục được mở rộng, cao điểm trong năm 93 là 955,3 tỷ yên, và chủ yếu được sử dụng vào các dự án xây dựng hạ tầng các cơ sở văn hóa.
Năm 1994, Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản được thành lập nhằm kích hoạt khía cạnh mềm của các cơ sở công lập, giải quyết vấn đề chạy đua xây dựng về phần cứng trong những năm 1990. Hàng loạt dự án mang tính phần mềm được tiến hành như Stage labo hay Art museum labo nhằm giúp nâng cao thể chế và năng lực vận hành của các nhân viên trong cơ sở văn hóa, nghệ thuật, tăng cường khả năng thực hiện các dự án tự chủ. Các chương trình chiến lược như: “Dự án hỗ trợ xây dựng môi trường văn hóa - nghệ thuật của địa phương”, “Dự án kích hoạt âm nhạc của nhà hát hòa nhạc công cộng” - phổ cập toàn quốc bằng hoạt động out-reach (định kỳ phái cử nghệ sĩ tới các trường học, bệnh viện, cơ sở phúc lợi...) giúp tăng cường kết nối người dân với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Có thể thấy, chế độ hỗ trợ về chính sách văn hóa không còn dừng lại ở phương diện tài chính, mà đã được cải thiện lớn ở cả phương diện phát triển các dự án chung, thông tin, kết nối... Hoạt động của Quỹ hiệu quả tới mức thịnh hành một câu nói “Trước Sáng tạo Địa phương, sau cũng Sáng tạo Địa phương”.
Cuộc chạy đua xây dựng các cơ sở công lập những năm 90 của TK XX được đánh giá là ngoài sức tưởng tượng. Theo khảo sát của Quỹ Sáng tạo Địa phương: 573 sảnh hòa nhạc được mở mới giai đoạn 1990-1994, 549 trong giai đoạn 1995-1999; số lượng bảo tàng là 137 trong giai đoạn 1990-1994, và 120 trong giai đoạn 1995-1999. Ngân sách của các tỉnh, huyện và thị trấn dành cho xây dựng cơ sở văn hóa trong 10 năm đạt 3.800 tỷ yên, 70% ngân sách địa phương phục vụ việc xây dựng và quản lý các cơ sở văn hóa. Tuy nhiên, khi trào lưu xây dựng phần cứng bão hòa và giảm mạnh, đến năm 2006, con số này còn 377,7 tỷ yên (giảm khoảng 60%). Sau khi chế độ người quản lý chỉ định được áp dụngvào năm 2003, có thể thấy sự sụt giảm kinh phí nghệ thuật, văn hóa, đặc biệt ở các thành phố và thị trấn. Mặt khác, ngân sách đầu tư phần mềm (gồm kinh phí dự án và vận hành cơ sở văn hóa) tuy có năm đạt tới gần 150 tỷ yên, vẫn tiến triển ở mức thấp, là một hạn chế vấp phải nhiều chỉ trích.
Từ nửa sau những năm 1990, các nhà hát công lập tại các địa phương dần thoát khỏi chức năng “nhà văn hóa” và định hình chức năng sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa. Tình trạng mua lại trọn gói các chương trình của các công ty, đoàn kịch, hay văn phòng âm nhạc đã giảm nhiều, những kế hoạch mang tính tự chủ được xây dựng nhờ nỗ lực trong sáng tác mới và hoạt động mang phong cách sáng tạo. Nhờ vậy, từ sau năm 2000, một số nhà hát của các tỉnh đã khẳng định vị trí. Phương pháp vận hành mới của các nhà hát công lập địa phương trong từ giai đoạn này được đúc kết ở 3 bảo bối, đó là: mô hình vận hành nghệ thuật sân khấu có sự tham gia của người dân; tình nguyện viên văn hóa nhằm bổ sung nhân lực và bù đắp kinh phí - tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa nhà hát và người dân địa phương; mạng lưới (bên cạnh việc trao đổi thông tin, từng bước thực hiện các dự án chung trên toàn quốc).
Trong số đó, hoạt động out-reach của các cơ sở văn hóa công lập - phái cử nghệ sĩ ra xã hội, kết nối với người dân. Sau hai thập kỷ đã định hình tới mức tồn tại ở mọi cơ sở văn hóa công. Tuy hoạt động này luôn đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc khắc phục tình trạng nặng về hình thức, nâng cao chất lượng và tăng cường liên kết mật thiết, nhưng đã đem lại ích lợi to lớn giúp: mở rộng tầng lớp thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật; gây dựng một tầng lớp bảo trợ mới, tuy thầm lặng, giúp tăng cường nền tảng vận hành của văn hóa, nghệ thuật; tăng cường cơ hội rèn luyện cho nghệ sĩ và hoạt động mới tại những địa điểm bên ngoài nhà hát; mở rộng ý nghĩa xã hội của văn hóa là tài sản công có giá trị xã hội, từ đó mở rộng lĩnh vực đối tượng của chính sách văn hóa, đặc biệt từ sau năm 2000 - là những nhân tố quan trọng đối với chính sách văn hóa Nhật Bản.
(Còn nữa)
______________
1. Lưu trữ của Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, Hướng tới xây dựng quốc gia văn hóa, nghệ thuật, Lịch sử 40 năm Tổng cục Văn hóa, bunka.go.jp.
2. Năm 1988, Hội nghị xây dựng khu phố xung quanh Nhà hát Quốc gia số 2 ủy thác cho Trung tâm Phát triển khu vực Nhật Bản thành lập Ủy ban nghiên cứu xây dựng khu phố xung quanh Nhà hát Quốc gia số 2, nghiên cứu xem xét các biện pháp cơ bản về cách thức xây dựng và tiến hành các dự án chung với doanh nghiệp. Sau một quá trình hoàn thiện thiết kế quy hoạch, ký Hiệp định thư cơ bản giữa các bên liên quan và chủ sở hữu đất, giải thể Hội nghị và thiết lập Hội Chấn hưng Văn hóa Nghệ thuật Nhật Bản (pháp nhân đặc biệt, chủ thể xây dựng Nhà hát Quốc gia số 2) và Hội nghị trao đổi liên lạc, đánh giá tác động môi trường và quyết định kế hoạch đô thị của Khu phố đặc biệt Hatsudai-Yodobashi (khu vực xây dựng Nhà hát) trong Kế hoạch đô thị Tokyo, năm 1992, Nhà hát Quốc gia số 2 được khởi công xây dựng.
3. Lưu trữ của Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, Hướng tới xây dựng quốc gia văn hóa mới, Lịch sử 30 năm Tổng cục Văn hóa, bunka.go.jp.
4. Năm 1998, quá trình hình thành quy hoạch tổng thể này được khai mào bởi vai trò tiên phong của Đảng Komei (Công minh) lập pháp hóa dưới quyền Thủ tướng Koizumi (chính trị gia được coi là có mối quan tâm sâu đối với nghệ thuật). Đảng Minshu (Dân chủ) công bố dự thảo và sau đó bản dự thảo của đảng cầm quyền, điều tiết giữa đảng Dân chủ và dự thảo của 2 Đảng Komei-Hoshu. Tháng 11, bản dự thảo luật tổng hợp từ dự thảo của các đảng, mà trung tâm là Liên minh nghị viện Âm nhạc, được trình lên Quốc hội, và không lâu sau được thông qua tại Thượng nghị viện. Tham khảo nội dung chi tiết của bản Quy hoạch tổng thể chấn hưng văn hóa, bunka.go.jp.
Tác giả: TS Nguyễn Dương Đỗ Quyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021